Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 6 tháng 7, 2015

Em là con gái má Út Tịch


Với rất nhiều người, kể cả những người từng sống những năm 60-70 chứ không nói gì lớp trẻ bây giờ, có thể không biết bài hát này.

Nhạc sĩ Phan Nhân viết ca khúc "Em là con gái má Út Tịch" năm 1966, tức là khoảng sau đại hội anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn miền Nam năm 1965, sau khi tác phầm truyện ký Người mẹ cầm súng của nhà văn Nguyễn Thi viết về chị Nguyễn Thị Út ra đời và gây tiếng vang (làm thành bộ ba tác phẩm: Người mẹ cầm súng, Sống như anh, Bất khuất) của văn học chiến tranh cách mạng. Chỉ những thứ này được tôn vinh thôi, chứ "yếu đuối" như thơ Quang Dũng, Hữu Loan, Việt Phương..., văn như của Phù Thăng, Hà Minh Tuân, Vũ Bão... là dẹp, dẹp hết. Thôi thì thời ấy nó thế, cũng chả nên trách làm gì. Thời đại sinh ra văn chương, nghệ thuật chứ không phải ngược lại, nhất là khi súng đẻ ra chính quyền.

Vì nó lạ, nên tôi muốn giới thiệu, muốn mọi người biết thêm chút về thứ văn nghệ của một thời. Trẻ con thời ấy tí tuổi đã là chiến sĩ, chứ không phải như mấy cậu ấm cô chiêu đi "Học kỳ quân đội" chơi là chính, ra vẻ lăn lộn từng trải bây giờ đâu. Hát là phải hát những bài dạng này, học theo gương là phải như những em bé trong bài này. Không thì cũng phải hằng ngày véo von "Trên đất nước anh hùng ngày ngày thêm những chiến công. Gương anh Nguyễn Bá Ngọc sáng soi rực rỡ núi sông", hoặc "Anh Kim Đồng ơi, tuy anh qua đời, gương anh sáng ngời, đội tôi cố noi"... Cứ hát xong, đủ 17 tuổi là đi thẳng ra trận, rất kinh.

Chả mấy ai nhớ nhạc sĩ Phan Nhân có bài hát đây. Ông vừa mất, tôi nhắc lại nó, như một nén hương để tưởng nhớ ông, một nhạc sĩ tài hoa.

Ca sĩ - cô bé hát cũng rất lạ, hầu như không mấy ai biết nữ diễn viên điện ảnh Như Quỳnh, từng nổi tiếng với vai cô Nết trong phim Đến hẹn lại lên, sau này được phong Nghệ sĩ nhân dân, lại từng hát trong đội Sơn ca và có giọng trong trẻo dễ thương đến vậy.

Thôi, nói thế đủ rồi, để thời gian cho bác nào thích thì nghe.
Chúc cả nhà ngày chủ nhật nhàn nhã, yên bình.
Xin cảm ơn nhà sưu tầm Daniel De Hanoi.
Nguyễn Thông
https://www.youtube.com/watch?v=U0vc3X-O-1c 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: