Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2015

Đề nghị chuyển đ/c Khoa sang bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn!

TRẦN ĐĂNG KHOA bàn về quy hoạch nông thôn

Anh trọc phú nào cũng mong có miếng đất ở quê, để xây biệt thự hay nhà nghỉ cuối tuần, để hưởng những món ăn sạch và bầu khí quyển trong lành. Đất quê vừa rẻ, vừa thoáng đãng. Người quê thì quá nghèo, để đổi đời, chỉ còn cách bán đất đai hương hỏa của ông cha rồi nhao lên thành phố để kiếm sống. Còn người phố lại đổ về quê để được sống. Người quê mang cái nhếch nhác luộm thuộm của làng quê đi “khai hóa” thành phố. Người phố lại khuân sắt thép về bê tông hóa làng quê. Rốt cuộc là hỏng ráo cả! Tôi vẫn khát khao làng quê của chúng ta trong công cuộc xây dựng nông thôn mới này, vừa giữ được vẻ đẹp truyền thống mà ông cha đã dày công xây dựng, gìn giữ và trao lại cho chúng ta, lại vừa rất hiện đại, giữ được bản sắc của mình, nhưng vẫn hòa nhập được với thế giới, biến mình thành một bộ phận không thể thiếu được của thế giới. Có thế, chúng ta mới có được sự phát triển bền vững


Lộn xộn quy hoạch nông thôn: Phải có tầm nhìn trăm năm...

Việc cải tạo nông thôn, xây dựng nông thôn làm sao quy củ, hiện đại nhưng vẫn phải giữ được bản sắc văn hóa của một làng quê. Nhưng thế nào là bản sắc văn hóa làng quê?...  Không thể trông vào các cán bộ địa phương mà phải có tầm nhìn quốc gia để quy hoạch từng vùng nông thôn một. Việc quy hoạch nông thôn của chúng ta rất yếu kém. Anh trọc phú nào cũng mong có miếng đất ở quê, để xây biệt thự hay nhà nghỉ cuối tuần, để hưởng những món ăn sạch và bầu khí quyển trong lành. Đất quê vừa rẻ, vừa thoáng đãng. Người quê thì quá nghèo, để đổi đời, chỉ còn cách bán đất đai hương hỏa của ông cha rồi nhao lên thành phố để kiếm sống. Còn người phố lại đổ về quê để được sống. Người quê mang cái nhếch nhác luộm thuộm của làng quê đi “khai hóa” thành phố. Người phố lại khuân sắt thép về bê tông hóa làng quê. Rốt cuộc là hỏng ráo cả! Ở Nhật, Đức, Pháp tôi đi vùng nông thôn màu sắc rất rõ, đời sống của họ cao lắm, khoảng cách đời sống giữa nông thôn và thành thị không khác nhau mấy nhưng ở ta phải nói là rất lộn xộn. Tôi cảm giác không hề có bàn tay chỉ huy ở các làng quê, nên cứ mạnh ai nấy làm. Cái mà tôi lo lắng nhất, cũng đã từng bàn trên Báo NNVN cách đây hơn chục năm thì giờ đã thành hiện thực. Làng quê đang bị ô nhiễm cả về cảnh quan và văn hóa.

Theo nhà văn hóa lớn Hữu Ngọc thì ở các làng quê Việt Nam hiện nay, chỉ còn có mỗi Đường Lâm (Hà Nội) là còn giữ được bản sắc. Đường Lâm ít ô nhiễm vì vùng quê đó nghèo lắm, chẳng có nghề gì ngoài nghề làm tương hay bỏng bẹ. Người dân có muốn xây dựng cũng không có điều kiện để xây. Rồi ông đau đớn kết luận: “May mà chính cái nghèo đã cứu được cả một di sản văn hóa đang bị tan rã”. Việc xây dựng nông thôn mới là một chủ trương rất đẹp, rất kịp thời của Đảng và Chính phủ. Tất nhiên, xây dựng thế nào cũng là cả một vấn đề. Chúng ta cũng phải thay đổi tư duy. Không thể lấy vẻ đẹp cũ làm “khuôn vàng, thước ngọc” để đo vẻ đẹp mới. Bây giờ chúng ta ngồi ở phòng lạnh điều hòa nhiệt độ, lại đòi hỏi ở làng quê bà con nông dân cứ phải đập lúa dưới trăng để giữ cho làng quê có vẻ đẹp huyền ảo. Hay “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo” là câu thơ rất đẹp về làng quê của Nguyễn Khuyến. Nhưng tôi ước mong câu thơ ấy cứ lung linh trong thời đại của cụ Nguyễn Khuyến thôi. Bây giờ ao thu mà nước cứ “lạnh lẽo trong veo” thì cá không sống được. Tôi mong cái ao của bà con bây giờ cứ đục ngầu lên và cá nhảy như mưa. Ta cũng phải ghi nhận sự thay đổi rất nhiều của bộ mặt nông thôn bây giờ, đời sống của bà con nông dân cũng nâng lên được một bước. Nhiều vẻ đẹp bây giờ đến cả những người giàu tưởng tượng nhất ngày xưa cũng chẳng dám ước mơ.

Tuy nhiên, bên cạnh cái được, cũng ẩn chứa nhiều hệ lụy không thể không lưu ý. Đó là mối quan hệ giữa con người với con người đang bị rạn nứt. Bệnh vô cảm đang băng hoại cái tình làng nghĩa xóm “tối lửa tắt đèn”. Việc cải tạo nông thôn, xây dựng nông thôn làm sao quy củ, hiện đại nhưng vẫn phải giữ được bản sắc văn hóa của một làng quê. Nhưng thế nào là bản sắc văn hóa làng quê? Đây là điều người nông dân cần đến sự chỉ đạo của các nhà quản lý và sự tham mưu của giới khoa học chuyên môn. Làm sao để Hà Tây (cũ) phải khác Hải Dương, Hải Dương phải khác với Bắc Ninh, Bắc Ninh phải khác với Lạng Sơn. Bây giờ tất cả cứ na ná nhau, không thể phân biệt được, bởi thế không còn bản sắc nữa. Mà điều đáng ngại là không phải chỉ làng quê mà các thành phố cũng thế. Như Điện Biên chẳng hạn. Tại sao chúng ta không biến Điện Biên thành một bảo tàng ngoài trời. Đến Điện Biên là ta trở về một vùng đất lịch sử, một vùng chiến trường xưa với một vẻ đẹp nguyên trạng. Như thế, thành phố sẽ thành một địa điểm du lịch, thu hút sự chú ý của nhân dân cả nước và du khách khắp nơi trên thế giới. Bây giờ Điện Biên chẳng khác gì Hà Nội, cũng nhà ống, cũng những tuyến đường thẳng băng. Tại sao không xây những căn nhà sàn kiểu nhà của các bà con dân tộc, những con đường uốn lượn theo triền đồi cao thấp như thế đẹp biết bao nhiêu.

Ở Trung Quốc người ta rất giỏi trong những việc làm này. Ngay cả những thành phố cổ bị động đất san phẳng họ vẫn khôi phục được nguyên trạng, mỗi vùng quê, mối thành phố đều có bản sắc riêng. Còn chúng ta thì ô hợp và hoàn toàn không nhìn thấy dấu ấn của sự chỉ đạo, hướng dẫn nào cả của cấp trên và của cán bộ sở tại, mà hoàn toàn chỉ là sự tự phát, mạnh ai nấy làm, làm tùy theo túi tiền và khả năng thẩm mỹ cá nhân. Vì thế mà chẳng ra làm sao. Mà bây giờ có muốn làm lại cũng không làm được nữa. Từ kinh tế sẽ phá vỡ đến văn hóa. Mà mất văn hóa là mất hết. Làm sao có được sự quy củ để nông thôn ra nông thôn. Thành phố ra thành phố. Ngay làng quê thôi cũng phải khác. Mỗi làng có đặc tính riêng, phong tục tập quán riêng, rồi cảnh quan riêng. Làm sao chỉ nhìn qua dáng vẻ bề ngoài, ta cũng đã nhận ra được. Giờ làng nào cũng như làng nào là thất bại rồi....

Hiện, như tôi đã nói, các làng quê đang bị ô nhiễm, không thể trông vào các cán bộ địa phương mà phải có tầm nhìn quốc gia để quy hoạch từng vùng nông thôn một. Hiện rất hay là Chính phủ đang có chủ trương xây dựng nông thôn mới, nhân cớ này nên quy hoạch lại nông thôn như thế nào. Xây dựng nhà cửa cũng phải hài hòa, nằm trong một tổng thể, nhưng vẫn giữ được cảnh quan môi trường và thiên nhiên. Những nhà lãnh đạo cấp cao rất nên tham khảo các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc để xem họ làm như thế nào. Mỗi vùng đều có đặc thù riêng, vùng văn hóa tập quán riêng, với đặc sản riêng nhưng lại hài hòa với bối cảnh chung của cả nước và trong khu vực. Tránh sự lòa nhòa…

Làm sao mỗi làng quê đều trở thành một trung tâm kinh tế và văn hóa. Điều này, lác đác trong từng địa phương, nhiều nơi đã làm được, như ở Thanh Văn, huyện Thanh Oai, Hà Nội chẳng hạn. Có người bảo tôi, ở Thanh Văn, cán bộ họ làm sai chính sách. Làm sai mà đời sống nhân dân lại ổn định. Người nông dân còn có cả lương hưu, có đời sống tinh thần vật chất tốt, rất tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng và Chính phủ. Thế thì sao lại sai? Chúng ta vẫn nói phải lấy dân làm gốc. Nơi nào đời sống của dân được nâng cao, ổn định cả kinh tế và chính trị thì là đúng. Còn nếu cứ rập khuôn cứng nhắc theo một khuôn mẫu nào đó, mà đời sống người dân lại kiệt quệ, mất ổn định thì đó là sai rồi. Ngay cả khuôn mẫu, chính sách cũng cần điều chỉnh, thay đổi, nếu cọ xát với thực tiễn mà không có được hiệu quả đích thực. Chúng ta cần phải quen dần với tư duy khoa học. Không thể duy ý chí....


DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG ghi

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: