Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2015

Chuyện hai nhà ngoại giao đặc biệt họ Trần



Hiệu Minh
Tuần VietNam
03/07/2015 02:00 GMT+7

Chỉ trong hai ngày cuối tháng 6, chúng ta đã mất đi hai nhà ngoại giao đáng kính. Một người là ngoại giao nhân dân, giáo sư âm nhạc Trần Văn Khê (mất ngày 24/6/2015), và một người là nhà ngoại giao chuyên nghiệp, nguyên Thứ trưởng Trần Quang Cơ (mất ngày 25/6/2015). Cả hai để lại di sản không nhỏ cho hậu thế.

Dùng âm nhạc giúp quốc gia hòa nhập nhưng không hòa tan

Sinh năm 1921 tại Mỹ Tho trong một gia đình có bốn đời làm nhạc sỹ, ngay từ nhỏ đã thừa hưởng nhạc dân tộc, sau này GS Trần Văn Khê trở thành nhà nghiên cứu tại Paris trong lĩnh vực văn hóa, âm nhạc cổ truyền của VN.

GS Trần Văn Khê. Ảnh: VnExpress

Ngoài chuyện từng là GS của ĐH Sorbonne (Pháp), thành viên danh dự Hội đồng Âm nhạc Quốc tế, UNESCO, thông thạo nhiều ngoại ngữ, ông có công lao rất lớn trong việc quảng bá âm nhạc và văn hóa VN ra thế giới, từng đi gần 70 nước để nói chuyện và giảng dạy về âm nhạc dân tộc VN.


Khoảng năm 1983-1984, trong một lần đi công tác dài hạn tại TP. HCM, tôi được một người bạn tặng giấy mời đi nghe GS Trần Văn Khê nói chuyện về âm nhạc dân tộc.

Thời đó dân ăn bo bo thay gạo, thành phố hoa lệ mà điện đóm phập phù, quạt trần quay hết tốc độ không ngăn nổi cái nóng nực. Tuy thế, hội trường mấy trăm chỗ ngồi không còn chỗ trống. Nhiều người đến muộn phải đứng hai bên cánh gà. Người nghe ngồi im phắc, chỉ nghe thấy tiếng sang sảng của GS giảng về âm nhạc dân tộc, ông dùng cả lá tre làm nhạc cụ.

Ông cho rằng nhạc dân tộc VN độc đáo, nhạc cụ khí du nhập từ Trung Quốc nhưng trải qua mấy trăm năm bị người Việt thuần hóa. Đàn bầu một dây duy nhất trên thế giới. Ca trù với nhịp phách, chẳng đâu trên thế giới có được, một tiếng cao tiếng thấp, tiếng trong tiếng đục, tiếng tròn tiếng dẹp, tiếng dương tiếng âm...

Giáo sư Trần Văn Khê rất thạo các điệu hò hát của ba miền. Đang biểu diễn dân ca quan họ với liền anh liền chị, ông chuyển sang chầu văn, rồi dân ca Nam Bộ. Nhưng ấn tượng nhất khi ông giải thích về điệu hò “mái nhì mái đẩy” của vùng Thừa Thiên Huế.

Hò mái đẩy thường được dùng trong lúc thuyền bè phải vượt thác, xuống ghềnh, gặp mưa to, gió lớn, nên điệu hò phải mạnh mẽ, những người sống trên sông nước, mỗi lần chống sào, điệu hò phải đủ mạnh để đẩy thuyền đi. Trong khi đó hò mái nhì lại khoan thai như người chèo đò trên sông phẳng lặng, thường là những lời tình tứ, ngọt ngào

Vào đúng lúc ông đang... hò ơ thì điện phụt tắt, giọng ông vẫn khỏe vút lên, mấy người đệm đàn dân tộc vẫn tiếp tục biểu diễn như thường. Ông cười vui, nếu là dàn nhạc guitar điện tử, chắc chắn buổi biểu diễn phải ngừng lại.

Ngày nay, nhạc dân tộc VN đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Thế hệ trẻ thích nhạc hiện đại mang hơi hướng phương Tây. Những người yêu âm nhạc dân tộc như GS Trần Văn Khê đã làm hết sức mình để cố giữ lại những giá trị nghệ thuật đặc sắc của âm nhạc và văn hóa Việt.

Ông đã mang giá trị ấy đi khắp thế giới để quảng bá, khơi dậy nền âm nhạc dân tộc ngay trong lòng thế hệ trẻ tại quê nhà. Với người viết bài này, GS Trần Văn Khê là nhà ngoại giao nhân dân, mang chiếc va li đựng toàn các ấn phẩm văn hóa và âm nhạc giúp quốc gia hòa nhập nhưng không hòa tan.

Con chim báo bão về thế giới đang đổi thay

Sinh năm 1927 tại Nam Định, làm ngoại giao từ 1954 tới khi về hưu năm 1997, từng tham gia đàm phán tại Paris cho hòa bình tại VN, làm đại sứ tại Thái Lan, dự các cuộc thương lượng về Campuchia, đàm phán với ba nước lớn là Trung Quốc, Liên Xô và Mỹ để bình thường hóa quan hệ, giới chính khách nhận xét, nguyên Thứ trưởng Trần Quang Cơ là một trong những nhà ngoại giao đầy kinh nghiệm và đáng kính trọng nhất của VN.

Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ. Ảnh: TTXVN

Nếu ai có dịp xem lại các phỏng vấn, bài viết và quan điểm của ông trong các vấn đề quốc tế, quan hệ Việt – Trung – Xô – Mỹ và gần hơn là khu vực trong đó có Campuchia, Lào và Thái Lan, sẽ thấy ông hội đủ các tố chất của nhà ngoại giao chuyên nghiệp.

Đó là người có độ xác tín cao, hiểu biết về lịch sử, văn hóa toàn cầu, biết đặt quyền lợi quốc gia lên hàng đầu trong việc giải quyết các bất đồng, phân tích chính xác các xu hướng thời đại nhất là sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, Trung Quốc và ý đồ của họ tại châu Á, vai trò của VN trong khu vực và giữa các nước lớn.

Từ những năm 1990, ông đã đưa ra những thách thức đe dọa về an ninh và phát triển của VN, và đối sách mà cho tới nay sau 25 năm những giải pháp đó còn nguyên giá trị. Ông chỉ rõ các thách thức xuất xứ từ mấy quốc gia khu vực và dưới những dạng nào.

Riêng đối với Trung Quốc, người hàng xóm khổng lồ, ông đã nói rõ, nội bộ họ có chiến lược dài hạn “Thân nhi bất cận, sơ nhi bất viễn, tranh nhi bất đầu - thân nhưng không gần, sơ nhưng không xa, đấu tranh nhưng không đánh nhau”.

Sau 25 năm, những gì xảy ra ở biển Đông, biên giới, cho thấy tầm nhìn thế kỷ của nhà ngoại giao họ Trần.

Người ta nói, nhà ngoại giao chuyên nghiệp và có tầm phải chỉ ra cho lãnh đạo quốc gia biết kẻ thù ngày mai là ai, chứ không phải tìm ra những người bạn hôm nay. Trong các cuộc đàm phán về Campuchia, về bình thường mối quan hệ với các nước lớn, ông Trần Quang Cơ đã chỉ rõ đâu là những khuôn mặt đáng ngờ, đâu là đồng minh đáng tin giúp một nước nghèo đi lên trong thế kìm kẹp về chính trị và kinh tế.

Việc Mỹ bỏ cấm vận năm 1994 là một thành công lớn trong ngành ngoại giao VN trong đó có cả tầm nhìn của ông. Và tới đây vào tháng 07 là chuyến thăm của TBT Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ mang tính biểu tượng quan trọng trong quan hệ Việt- Mỹ cũng nói lên nhiều suy ngẫm của nhà ngoại giao vừa qua đời.

Có người cho rằng, một chuyến thăm chưa giải quyết được nhiều nhưng để có chuyến thăm chính thức tới Nhà Trắng của một vị Tổng Bí thư ĐCSVN thì rất nhiều việc đã phải làm. Hẳn linh hồn ông Cơ sẽ mỉm cười nơi chín suối khi biết tin này.

Trong một lời khuyên làm thế nào để thành nhà ngoại giao nổi tiếng, ông Robert D. Blackwill từ ĐH Harvard – Kennedy đã viết “Hãy sẵn sàng bất đồng ý kiến với chính sách đang hình thành khi cần thiết, nhưng hãy khôn ngoan chọn đúng thời điểm mà bày tỏ. Nếu những khác biệt trở nên quá sức chịu đựng, chớ than van”.

Từng được đề bạt làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nhưng vì những lý do tế nhị, ông Trần Quang Cơ đã không nhận lời, một việc vô tiền khoáng hậu trong chính trường VN. Dường như vị ngoại giao kỳ cựu này còn đi trước cả lời khuyên của Robert Blackwill.

Chỉ trong hai ngày cuối tháng 6, hàng triệu người Việt tiếc thương vĩnh biệt hai nhà ngoại giao cùng họ, Trần Văn Khê và Trần Quang Cơ, đáng mặt là con cháu của đức thánh Trần. Họ “thành danh” trong dân chúng như một nhà báo kỳ cựu đã viết trên blog của mình.

Một quốc gia muốn hội nhập sâu rộng, ngành ngoại giao cần phải được ưu tiên số 01, đối ngoại phải nhất quán với đối nội, để từ đó ngoại giao nhân dân mang văn hóa, âm nhạc đi theo, như hai vị vừa trở về với tiên tổ đã cống hiến tận tâm suốt mấy thập kỷ qua.
Hiệu Minh

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: