Nguyễn Ngọc Lanh
I. Các nguyên tắc
– Một nguyên tắc là – nếu chứng cứ cần suy đoán, thì suy đoán theo hướng có lợi cho bị cáo. Kể cả suy đoán vô tội. Như vậy, tránh được oan sai, nhất là bị cáo không còn cơ hội tự bào chữa.
– Một nguyên tắc khác là không dùng quan điểm thời nay phê phán các nhân vật thời xưa. Mỗi thời, mỗi xã hội có niềm tin, quan điểm và lẽ sống khác nhau (xem chú thích, ở dưới). Càng không dùng quan điểm của phe phái này để lên án phe phái đối địch – nhất là trong nội chiến.
Chú thích. Xã hội ta thời xưa coi cướp ngôi là xấu, còn ngày nay lại coi “cướp chính quyền” là cách mạng. Điều này có lý do. Chả là, cụ Lenin cho rằng giai cấp phong kiến và tư bản không bao giờ tự nguyện trao chính quyền cho giai cấp vô sản. Vậy chỉ có cách “cướp” lấy. Chứ sao?Có hai câu hỏi về “cướp” chính quyền.1) Năm 1945, đúng là Nhật đã “cướp” chính quyền của Pháp ở Đông Dương. Có súng nổ, có máu đổ, chết chóc. Nhưng thực tế Việt Minh lấy được chính quyền từ nội các Trần Trọng Kim một cách rất hòa bình. Xin nhớ: Nội các này chưa có đủ các bộ, trước hết là bộ Quốc Phòng. Nó có hệ thống bảo an, nhưng khá sơ sài, chứ chưa có bộ Công An như ngày nay. Thực tế, chẳng có sự kháng cự nào khi nó mất chính quyền. Giành chính quyền dễ dàng, thuận lợi, theo cách “diễn biến hòa bình”… lẽ ra phải được ca ngợi. Nào là kế hoạch chu đáo, nào là thuyết phục giỏi (bằng chính nghĩa), nào là hai bên thiện chí và yêu nước (tiền đề cho sự đoàn kết sau này), nào là người Việt khỏi cần đổ máu vô ích… Nhưng, như thế có vẻ kém oai hùng (!). Có lẽ do vậy, mà sách giáo khoa Lịch Sử đã mô tả chuyện chuyển giao chính quyền tháng 8-1945 sao cho giống… “cướp”.2) Năm 1917 đảng CS Nga cướp được chính quyền. Lenin muôn năm!Năm 1991 khi Liên Xô đã có hiến pháp mới, tổng thống được toàn dân bầu lên hợp pháp. Vậy mà đảng CS Liên xô còn tiến hành “cướp” chính quyền (thất bại); do đó, đảng này bị cấm tiệt (giải thể vĩnh viễn). Mọi tài liệu, văn khố của đảng này cũng như mọi tài sản vật chất khác (các cơ sở hội họp trung ương, các cơ sở giáo dục, khách sạn…) đều bị quốc hữu hóa. Xử đảng CS Liên Xô như vậy là “nhẹ” hay “nặng”??? Lý thuyết cách mạng bạo lực của Lenin đã gây tai họa cho đảng của cụ.
– Nguyên tắc thứ ba: Ở đây, chỉ xét tội “bán nước”, nghĩa là trong tay có nước mới có thể bán nó. Khi tổ quốc đã mất hẳn vào tay ngoại bang (không còn “nước” để mà “bán”) thì có thể phạm tội gì khác (ví dụ, tội cộng tác với giặc) chớ chứ lấy đâu ra cái tội “bán nước”. Ông Hoàng Cao Khải, Lê Hoan không phạm tội “bán nước” – vì “nước đã mất từ lâu rồi”. Thậm chí đến nay có người còn thanh minh cho các ông về quá trình “cộng tác với giặc đàn áp khởi nghĩa” (của Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám)..
– Sử dụng Lịch Sử như một môn khoa học, để rút ra các bài học hữu ích; mà không lợi dụng Lịch Sử với mục đích chính trị ngắn hạn… cũng là nguyên tắc.
Liệu các nguyên tắc nói trên đã đủ đem lại công lý cho người xưa hay chưa?
II. Ông Kiều Công Tiễn mắc tội gì?
Hoàn cảnh
– Ông này là hào trưởng ở châu Phong, kiêm chức thứ sử ở châu ấy. Ông sinh trước chúng ta khoảng 1200 năm, nay vẫn bị bêu riếu. Muốn tái xử ông, cần nói dài dòng về sự việc và hoàn cảnh. Rất vắn tắt, tội của ông này là giết chủ tướng Dương Đình Nghệ – mà đó lại là cha nuôi (nghĩa phụ) của ông. Tiếp đó, ông còn khẩn cấp mời quân Nam Hán sang cứu mình (có giống Lê Chiêu Thống?). Quân Nam Hán chưa kịp tới nơi, Ngô Quyền đã kịp giết ông (đáng đời!) và sau đó mai phục đánh tan tành đoàn thuyền giặc trên sông Bạch Đẳng. Cứ tưởng như vậy là đủ cơ sở để luận công cho Ngô Quyền (cứu nước) và luận tội cho Kiều Công Tiễn (bán nước). Chưa hẳn đâu!
– Thời Kiều Công Tiễn, nước ta bị Tàu chiếm (từ ngàn năm trước), đặt tên là Tĩnh Hải Quân, chia thành 12 châu và cử quan lại sang cai trị. Cao nhất – đứng đầu về hành chính và quân sự – là chức Tiết Độ Sứ, còn ở các châu là chức Thứ Sử. Tất cả, theo nhiệm kỳ – hoặc nếu thiếu nhân sự – có thể “cha truyền, con nối”. Còn “hào trưởng” là người có thế lực (giàu và mạnh) ở một địa phương, do gây dựng cơ nghiệp từ lâu đời mà có. Như vậy, hào trưởng là người bản địa, hoặc người Hán (đã và đang) “bản địa hóa”. Tất nhiên, thường hào trưởng có quan hệ tốt với thứ sử, hoặc có thể kiêm thứ sử. Đây chính là trường hợp Kiều Công Tiễn và nhiều vị khác.
– Nhân bên Tàu có loạn lớn, kéo dài, khiến Tĩnh Hải Quân bị “bỏ trống”. Đây là cơ hội để một hào trưởng là Khúc Thừa Dụ chiếm lấy thủ phủ Đại La, giành lấy chức Tiết Độ Sứ (năm 905), rồi truyền cho con và cháu, được 25 năm. Sử sách gọi đây là thời kỳ tự chủ, nghĩa là chưa độc lập, nhưng chính quyền do người nước ta nắm giữ. Trong khoảng 25 năm đó, cả Kiều Công Tiễn và Dương Đình Nghệ đều là hào trưởng một châu, đều được họ Khúc – nhân danh Tiết độ Sứ – phong là thứ sử. Khi bên Tàu hết loạn (chia thành 10 nước), họ Khúc truyền chức tới đời cháu là Khúc Thừa Mỹ. Ông này – do thiếu sáng suốt – đã thần phục nhà Lương (tuy mạnh, nhưng ở xa) mà “cứng đầu” với nhà Nam Hán, tuy yếu nhưng ở ngay sát nách. Ông bị Nam Hán đem quân sang bắt, cử Lý Tiến thay chức, mà không hào trưởng nào kịp (hoặc dám) cứu. Kiều Công Tiễn quy trách nhiệm cho Dương Đình Nghệ có lực lượng mạnh mà (cố ý?) không cứu. Cố ý, để sau đó chính Dương Đình Nghệ làm Tiết Độ Sứ. Đây sẽ là cái cớ để sau này Kiều Công Tiễn giết Dương Đình Nghệ.
Công trạng
Kiều Công Tiễn là hào trưởng và thứ sử châu Phong, cùng thời, cùng tương đương cương vị với Dương Đình Nghệ, tuy ít tuổi hơn. Châu Phong tuy rất rộng, nhưng chủ yếu là đồi núi trung du, không đông dân và trù phú bằng châu Ái của Dương Đình Nghệ (và sau này là Ngô Quyền). Thực lực của châu Phong không đủ để nhòm ngó thủ phủ Đại La, so với thực lực của Dương Đình Nghệ. Tuy vậy, khi Dương Đình Nghệ đem quân – mà hạt nhân là 3000 con nuôi – từ châu Ái ra chiếm lại Đại La, đuổi Lý Tiến về Tàu… Kiều Công Tiễn đã mang cả đạo quân từ châu Phong về Đại La hưởng ứng – trong khi những người khác, như Đinh Công Trứ, Đỗ Cảnh Thạc… chỉ tham gia chủ yếu bằng tài năng cá nhân.
Chú thích. Rất nhiều nhân vật có công lớn (Dương Tam Kha, Phạm Chuyên…), nhưng ở đây nhắc tới hai vị Đinh Công Trứ và Đỗ Cảnh Thạc vì sau này còn phải nhắc lại. Đây là hai người rất trung thành với triều Ngô, trong đó Đinh Công Trứ mất sớm, con là Đinh Bộ Lĩnh cát cứ chống lại triều đình, gây loạn – nhưng khách quan mà nói, việc gây loạn của ông phù hợp với tiến trình lịch sử (tập quyền). Còn Đỗ Cảnh Thạc sống lâu, vẫn trung thành (giúp con Ngô Quyền lấy lại ngôi), nhưng bị vu là muốn cướp ngôi và muốn cát cứ.
Kiều Công Tiễn phò tá đắc lực Dương Đình Nghệ chiếm lại chức Tiết Độ Sứ và trực tiếp đem quân bản bộ của mình cùng họ Dương đánh quân Nam Hán sang cứu… Có công lớn, Kiều Công Tiễn được phong thêm chức “tướng”, có nhiệm sở ở Đại La, trong khi vẫn là thứ sử, hào trưởng ở châu Phong. Thanh thế của ông lừng lẫy, đứng ngay sau Dương Đình Nghệ. Do vậy, gán cho Kiều Công Tiễn nằm trong số 3000 con nuôi của Dương Đình Nghệ là rất thiếu cơ sở, dù hai vị có sự chênh lệch tuổi tác.
Dương Đình Nghệ vẫn chỉ là một quan chức của Tàu
Thực tế, Dương Đình Nghệ làm tiết độ sứ nhưng chưa chính danh – tức là chưa được triều đình bên Tàu phong cho. Về tâm lý, ông rất mong được phong chính thức. Ý thức dân tộc chưa đủ cao để ông vứt béng cái chức này, mà xưng vương, tuyên bố phục quốc và lập quốc. Việc này Lịch Sử dành cho Ngô Quyền. Cũng có thể ông chưa biết rằng triều Nam Hán không mạnh, thậm chí đang suy tàn, nên ông cứ cam chịu là “tiết độ sứ” suốt 6 năm. Có lẽ, “nếu” Nam Hán cho sứ sang phong ông chính thức làm tiết độ sứ, ông cũng tạ ơn và vui mừng mà nhận…
Xin tóm lại một câu: Đây là thời điểm dân ta chưa lấy lại được nước. Tất cả, là hoàn cảnh và điều kiện để Kiều Công Tiễn nảy sinh tham vọng.
Công Tiễn cũng mong vậy
Khi Công Tiễn giết Đình Nghệ – với cái cớ “trước kia không cứu chủ họ Khúc” – đoạt chức Tiết Độ Sứ, nhưng thực chất là tham vọng cá nhân. Tâm lý chung khi đó, dù đã nắm trong tay chức Tiết Độ Sứ ngay giữa Đại La, nhưng Kiều Công Tiễn vẫn tự thấy đây chỉ là cái chức tự xưng, tự phong. Ông cũng mong được Nam Hán công nhận để có chính danh. Khi nhận ra có sự phản đối quá mạnh mẽ từ các hào trưởng khác, ông càng mong mỏi được phong sớm. Khác với họ Khúc và họ Dương, ông khẩn cấp chọn nhà Nam Hán để thần phục (rất gần, dễ cứu giúp) và xin được cứu giúp khẩn cấp. Hy vọng được quân Nam Hán bảo hộ, ông sẽ giữ được Đại la và mọi chống đối sẽ sẹp dần. Kết quả, như chúng ta đã biết: Ngô Quyền đem quân từ châu Ái, với sự hưởng ứng rộng rãi khắp nơi, đã kịp giết Kiều Công Tiễn trước khi quân Nam Hán có mặt. Mất nội ứng, quân Nam Hán như đui mù, lâm vào thế trận phục kích bày sẵn (bãi cọc) trên sông Bạch Đằng, chuốc lấy đại bại…
Dù xuất phát từ quan điểm thời xưa hay thời nay, Công Tiễn vẫn có tội – nặng hoặc cực nặng – mà công lao cũ không thể chuộc được. Ông bị giết là xứng tội.
Hai vị tướng ngang tài, ngang công trạng, phút chốc thay đổi số phận trước lịch sử chỉ do những hành vi bị tâm lý thông thường dẫn dắt. Đó chính là trường hợp Ngô Quyền và Kiều Công Tiễn. Ông-Cha như vậy, nhưng con-cháu Kiều Công Tiễn sau này vẫn xứng đáng con em nước Việt, được dân tộc thừa nhận. Lòng mẹ Việt Nam thật là bao dung.
Có tội, nhưng tội gì, chứ không phải tội “bán nước”.
Nước vẫn là của Tàu, do Tàu đặt tên và cử người sang cai trị. Ngay sự việc Công Tiễn đoạt chức Tiết Độ Sứ đã đủ nói lên đất này vẫn thuộc Tàu. Kiều Công Tiễn làm quái gì có nước để mà bán? Còn Tàu, cần quái gì phải mua cái đang là của mình? Cho nên, phải thay đổi tội danh.
Sử sách thời xưa cũng không kết tội ông ở mức như chúng ta kết tội sau năm 1945. Đại Nam Quốc Sử diễn ca (thời Nguyễn) lên án Kiều Công Tiễn “giết cha”; Trần Ích Tắc “đầu hàng giặc”. Thế thôi. Xin đọc đoạn trích dưới đây, có 4 câu về Kiều Công Tiễn (chữ đậm).
Dương Đinh Nghệ lại báo thù,
Đuổi người Hán, lĩnh châu phù vừa xong.
Nghĩa nhi gặp đứa gian hùng,
Kiều Công Tiễn lại nỡ lòng sao nên?.
Đuổi người Hán, lĩnh châu phù vừa xong.
Nghĩa nhi gặp đứa gian hùng,
Kiều Công Tiễn lại nỡ lòng sao nên?.
Dương công xưa có rể hiền,
Đường Lâm hào hữu: tên Quyền họ Ngô.
Vì thầy, quyết chí phục thù,
Nghĩa binh từ cõi Ái châu kéo vào.
Hán sai thái tử Hoằng Thao,
Đem quân ứng viện toan vào giúp công.
Bạch Đằng một trận giao phong,
Hoằng Thao lạc vía, Kiều công nộp đầu.
Đường Lâm hào hữu: tên Quyền họ Ngô.
Vì thầy, quyết chí phục thù,
Nghĩa binh từ cõi Ái châu kéo vào.
Hán sai thái tử Hoằng Thao,
Đem quân ứng viện toan vào giúp công.
Bạch Đằng một trận giao phong,
Hoằng Thao lạc vía, Kiều công nộp đầu.
Đoạn trên nói Công Tiễn là “nghĩa nhi” (con nuôi) của Đình Nghệ, vì giết cha nuôi mà phải “nộp đầu”. Diễn Ca chỉ lên án có vậy, mà không nói gì về tội phản bội quyền lợi dân tộc. Khi đó, dân tộc ta đã có chút quyền nào đâu?. Nhưng, như đã phân tích, 1) Kiều Công Tiễn không thể là con nuôi của Dương Đình Nghệ. Ông thuộc dòng dõi thế gia nhiều đời; là hào trưởng kiêm thứ sử châu Phong không thể bỏ nhiệm sở và căn cứ địa mà lặn lội vào tận châu Ái để làm con nuôi cho một vị (cũng) hào trưởng, (cũng) kiêm thứ sử châu này… và cam phận đứng lẫn lộn trong đám 3000 con nuôi “láo nháo” của ông này. Không thể dễ dãi mà tin rằng ông này là con nuôi ông kia. Như vậy, Công Tiễn phạm tội “giết” nhưng không phải là “con giết cha”, khiến án thêm nặng. 2) Mặt khác, cách đây trên ngàn năm, vùng đất mà hôm nay ta quen gọi là “nước ta” thực ra – nếu đúng nghĩa – vẫn chưa phải là “nước ta” trên thực tế, cũng như trong quan niệm chung thời ấy (ý thức dân tộc chưa đủ cao). Quyền tự chủ (thấp hơn mức độc lập) mà vẫn chưa giành lại trọn vẹn thì khái niệm “bán nước” chưa thể định hình và sáng rõ như hôm nay. Nguyên tắc “không dùng quan niệm thời nay xét xử người thời xưa” chính lúc này cần được áp dụng. Hơn nữa, cách nay 1200 năm, dân ta đang đứng trước nguy cơ bị đồng hóa, cái hồn Việt còn lo chưa giữ nổi, hỏi còn cái gì trong tay mà “bán”? Do vậy, thời ấy chuyện “bán nước” chưa nghiêm khắc như bây giờ. Hãy nhẹ án với Công Tiễn. Nếu dùng quan điểm năm 2015 để xử thì ông này đáng tử hình bằng tiêm… 2 liều thuốc độc; nhưng dùng quan điểm thời ông sống, chỉ nên xử ông bằng 1 liều thôi. Nói thế để người khe khắt nhất với ông cũng hài lòng. Còn Ngô Quyền chém đầu ông, là xử nặng. Tiếc rằng khi đó chưa có phương tiện tử hình văn minh như bây giờ.
Tiện thể, nói thêm về Ngô Quyền
Sử sách đã ca ngợi Ngô Quyền tới mức khó nói gì hơn nữa. Nhưng biết ơn và tự hào về tổ tiên không bao giờ thừa. Vậy công lao của Ngô Vương với dân tộc là gì?
– Khi đại quân Nam Hán rục rịch lên đường, người chỉ huy là thái tử Hoằng Thao; còn phía sau đại quân, đích thân vua Nam Hán đem thêm một đạo quân để giương cao thanh thế và sẵn sàng tiếp ứng. Kẻ thù chọn đường thủy để hành quân cho nhanh. Như vậy, không khó để nhận ra tình hình nghiêm trọng với nước ta.
– Người khấp khởi nhất là Kiều Công Tiễn. Ông này là vị tướng đã dày dạn chiến trận, đã cùng với Ngô Quyền đứng dưới cờ của Dương Đình Nghệ và cùng lập công to. Là hào trưởng và thứ sử, ông cũng là nhà chính trị rất biết tổ chức và điều hành chính quyền. Đương nhiên, ông phải chuẩn bị rất kỹ để phòng thân (đang bị các hào trưởng chống đối mạnh mẽ) và để đón tiếp, phối hợp với quân Nam Hán. Binh lực dưới quyền ông không thiếu, không yếu, mà ngược lại.
– Còn người lo lắng nhất là Ngô Quyền. Ông là con rể của Dương Đình Nghệ, được giao trấn nhậm châu Ái, xưa nay vẫn là đất phục hưng sự nghiệp mỗi khi nước nhà lâm vào nguy khốn. Đây chính là hậu phương của đất nước trong suốt chiều dài lịch sử chống ngoại xâm. Người giữ châu Ái bao giờ cũng là vị tướng giỏi, nhà cai trị giỏi, được triều đình gửi trọn niềm tin. Truyền thống này bắt đầu từ Ngô Quyền, rồi Lê Lợi, Trần Quang Khải… Quang Trung cũng từ Hoan, Ái ra bắc đánh đuổi quân Thanh.
Nếu lần này quân Nam Hán thắng, không những số phận riêng của Ngô Quyền thành bi đát (Kiều Công Tiễn quá hiểu ông), mà tương lai đất nước sẽ tiếp tục đen tối hàng thế kỷ nữa. Nam Hán sẽ không lơ là quản lý, mà sẽ đặt ở đây một bộ máy cai trị nghiêm ngặt, được bảo vệ vững vàng bằng quân sự. Các hào trưởng sẽ giảm hẳn quyền tự trị…
– Sử không nói Ngô Quyền làm cách nào giết được Kiều Công Tiễn trước khi quân Nam Hán kịp tới nơi, trong khi họ Kiều không kém thao lược và cảnh giác. Chúng ta chỉ còn biết chắp tay, cúi đầu bái phục, tỏ lòng biết ơn và thành kính Ngô Vương. Nếu Ngô Vương không thành công chuyện này, thật khó biết tình hình sau đó sẽ diễn biến ra sao.
– Bạch Đằng quả là trận quyết chiến chiến lược; quyết định sự thành bại của vĩ nhân. Việc chuẩn bị phải làm trước nhiều tháng, chính xác đến từng chi tiết. Khó nhất là giữ được bí mật trước con mắt trinh sát của họ Kiều và quân Nam Hán… Sử không nói rõ, khiến chúng ta hôm nay chỉ biết chắp tay, cúi đầu bái phục tổ tiên. Trước hết phải bài phục về tư tưởng “dám đánh” – nghĩa là vượt qua tâm lý nhược tiểu và thần phục, rất cố hữu, có nguồn gốc từ lâu đời và từ ngay vị chủ tướng, đồng thời là cha vợ mình.
Quả thật, sử sách chưa nói đầy đủ về ý nghĩa của trận đánh này.
– Một ý nghĩa của trận Bạch Đằng là nó đem lại sự thay đổi đột xuất trong tư duy của Ngô Quyền. Đột nhiên, ông nhận ra cái chức Tiết Độ Sứ (mà các bậc tiền bối cố giành lấy) chỉ là chức tay sai. Ông xưng Vương. Cả dân tộc, cả ngàn đời sau phải biết ơn cái quyết định xưng Vương này… Thoát nguy cơ bị đồng hóa, dân tộc ta từ đêm tối bước ra ánh sáng…
(còn tiếp)
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét