Trong âm nhạc, khi tháng 9 về, người ta nghe “Wake Me Up When September Ends”, tháng 11 nghe “November Rain”… Trong hội họa, khi tháng 6 về, người ta sẽ ngắm bức “Flaming June” (Tháng 6 rực lửa) - bức họa nổi tiếng của danh họa người Anh Frederic Leighton (1830-1896).
“Tháng 6 rực lửa” khắc họa chân dung một người phụ nữ trẻ trong chiếc váy màu cam trong suốt, rực rỡ. Nàng cuộn mình nằm ngủ trên một bậc thềm đá hoa cương trải chăn nệm, phía xa là ánh nắng chói chang của mặt trời vùng Địa Trung Hải.
Lý do tại sao bức tranh lại được đặt tên là “Tháng 6 rực lửa”, không ai biết…
Nhiều người có thể sẽ nhớ đến nàng vì đôi chân gợi cảm nhưng vẽ sai tỉ lệ. Một vẻ đẹp được ẩn giấu hờ hững dưới lần vải mỏng, khoe ra sự gợi cảm. Họa sĩ Leighton đã lấy cảm hứng thực hiện bức vẽ này từ tác phẩm điêu khắc “Đêm” và bức họa “Leda” của Michelangelo.
Cả hai tác phẩm này của Michelangelo đều khắc họa những đôi chân “ngoại cỡ”, hơi gập lại, chứa đựng một vẻ đẹp đầy nhục cảm, phá vỡ những chuẩn mực về tỉ lệ kích thước cân đối khi khắc họa cơ thể người.
Người đẹp xuất hiện trong bức “Tháng 6 rực lửa” dù không bao giờ có thể vươn tới đẳng cấp như nàng Mona Lisa của Leonardo Da Vinci hay “Cô gái đeo khuyên tai ngọc trai” của Johannes Vermeer, nhưng nàng vẫn là một trong những người đẹp nổi tiếng nhất trong hội họa.
Thực tế, ở thời này, giới quý tộc phương Tây có một “thú chơi” đó là sử dụng thuốc phiện như một thức tiêu khiển, điều đó đã khiến một số nhà nghiên cứu tin rằng, sự xuất hiện trong trạng thái say ngủ của cô gái là một hình ảnh mang tính biểu tượng cho trạng thái “đê mê”.
Cũng có người cho rằng bức họa ám chỉ về cái chết bởi lúc này đã là những ngày tháng cuối cùng trong cuộc đời họa sĩ Leighton, thêm vào đó, những bông hoa xuất hiện ở góc trên bên phải bức tranh lại là những bông trúc đào chứa độc tính.
Nhưng người ta cũng có thể hiểu sự xuất hiện của những bông hoa độc ám chỉ cô gái này quá quyến rũ đến mức nguy hiểm, khiến những người đàn ông phải lòng cô sẽ gặp tai họa. Cô sẽ đưa họ từ chỗ không hề đề phòng trước cái Đẹp đến chỗ mất đi ý thức tự chủ.
Bức “Tháng 6 rực lửa” được hoàn thành vào năm 1895, ở thời điểm vài tháng trước khi Leighton qua đời. Đây là bức họa cuối cùng và cũng là bức họa nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của ông. Sinh ra trong một gia đình giàu có và được học vẽ ở những kinh đô nghệ thuật của Châu Âu, Leighton đã nhiều năm là Chủ tịch Viện hàn lâm Hoàng gia Anh.
Tuy vậy, cách nhìn nhận của giới hội họa thế kỷ 20 đã không công bằng với ông. Cho tới tận thập niên 1970, người ta vẫn coi những bức họa được thực hiện theo phong cách hàn lâm, quy chuẩn dưới thời Nữ hoàng Victoria là nhàm chán, khuôn sáo. Khi quan điểm này mờ nhạt dần, lúc đó, người ta mới nhìn nhận lại bức “Tháng 6 rực lửa”, lúc này, bức tranh bất ngờ được yêu thích trở lại.
Chân dung nàng Dorothy Dene - người mẫu của bức “Tháng 6 rực lửa”.
Trước đây, người ta không hề biết danh tính cô gái xuất hiện trong tranh, mãi cho đến năm 2014, khi tìm thấy lại một bản vẽ bằng phấn màu và bút chì khắc họa dáng đầu người mẫu xuất hiện trong tranh, danh tính người đẹp mới được hé lộ.
Bản vẽ này là bức phác thảo nghiên cứu dáng đầu của người mẫu, được thực hiện trước khi Leighton vẽ bức “Tháng 6 rực lửa”. Bức phác thảo này đã bị thất lạc suốt 120 năm qua.
Từ bức phác họa này, người ta nhận ra người mẫu chính là Dorothy Dene, nhan sắc yêu thích nhất của họa sĩ Leighton. Tên thật của cô là Ada Alice Pullan. Khi muốn theo đuổi nghệ thuật, cô đã đổi tên.
Dorothy Dene là người mẫu thân thiết của họa sĩ Leighton, cô xuất hiện trong rất nhiều bức tranh của ông trong vòng 15 năm cuối cuộc đời người họa sĩ. Ngoài việc làm người mẫu cho Leighton, Dorothy còn là một diễn viên kịch.
Chân dung tự họa của nam tước Leighton - một họa sĩ quý tộc người Anh.
Chính Leighton đã trả tiền học phí để Dorothy tham gia các lớp học diễn xuất, ông còn để lại cho cô một khoản tiền sau khi qua đời. Nhiều người tin rằng giữa họa sĩ và người mẫu đã có những tình cảm nảy sinh.
Sau khi Leighton qua đời, bức “Tháng 6 rực lửa” từng được treo tại Viện bảo tàng Ashmolean ở thành phố Oxford, Anh, đến năm 1930.
Sau đó, bức tranh đã được bán cho một nhà sưu tập tư nhân và từ đó mất tích. Đến năm 1962, nhà soạn nhạc người Anh Andrew Lloyd Webber, lúc đó mới 14 tuổi, đã nhìn thấy bức tranh được bán trong một cửa hàng đồ cổ ở London với giá chỉ 50 bảng (1,7 triệu đồng). Cậu bé Webber khi đó đã xin gia đình cho mua bức tranh nhưng người lớn không đồng ý.
Năm 1963, Luis Ferré - cựu Thống đốc quần đảo Puerto Rico - đã mua bức tranh này với giá 2.000 bảng (gần 70 triệu đồng) và đưa về trưng bày ở viện bảo tàng thành phố Ponce của Puerto Rico. Bức tranh đã lưu lại Ponce cho tới tận hôm nay, chấm dứt “phận chìm nổi”.
Vẻ đẹp nàng Dorothy Dene trong một tác phẩm khác của họa sĩ Leighton.
Điều thú vị là nàng Dorothy Dene - người đẹp trong tranh - đã từng đến New York từ hơn một thế kỷ trước với hy vọng trở thành một diễn viên nổi tiếng, nhưng diễn xuất của nàng không đủ để giúp nàng trở thành ngôi sao.
Giờ đây, sau hơn một thế kỷ, bức tranh khắc họa nàng được mượn về trưng bày triển lãm ở New York trong những ngày tháng 6. Lúc này, vẻ đẹp của nàng lại được các tờ báo Mỹ đồng loạt ca ngợi.
Những bức tranh cũng có số phận giống như những nghệ sĩ, với những thăng trầm bất ngờ, có lúc tưởng chìm xuống đáy nhưng rồi lại trở thành biểu tượng. Bức “Tháng 6 rực lửa” sau quãng thời gian bị ghẻ lạnh, bị đem bán giá rẻ, giờ đây, đã có được một kết thúc viên mãn ở cuối chặng hành trình.
Bích NgọcTheo New York Times/Vanity Fair
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét