Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

Bài thơ của ông "Cây hai ngàn lá"

TÌNH CA TRÊN BIỂN VŨNG TÀU TRÂU GIÀ VÀ BÃI CỎ NON

Pờ Sảo Mìn

Chuyện như từ trên trời rơi xuống
Đất mọc ra: Tôi và em khúc hát song ca.
Trên đỉnh núi mờ xa.
Nhà tôi có con trâu già sừng đẹp vai khỏe
Trên đồng cỏ trâu không bao giờ gặm cỏ già
Trâu chỉ gặm cỏ non gặm nhấm lân la
Vì thế tuy già nhưng trâu còn rất khỏe
Trâu kéo cày phăng phăng… đường cày thẳng băng
Dâng cho tôi bốn mùa ngô lúa thu tăng
Hạnh phúc êm đềm…
Trời thì ban xuống đất thì dâng lên
Em ngồi đó hoa em bừng nở…
Tỏa hương thơm Bãi Trước Bãi Sau
Biển Vũng Tàu ngàn năm sóng hát
Biển thì xanh bãi cát thì già tóc cát trắng phau
Như tôi và em đang hiện hình đâu đó
Em ngồi đó một đồng cỏ xanh nõn non tơ
Tôi ngồi đây cây thông già bất động
Mà trong lòng nổi sóng biển sâu
Biển Vũng Tàu ai đo… bao mét?
Em xinh đẹp tuyệt trần… mắt tròn xoe ngấn nước
Không uống rượu mà người lảo đảo say
Em ngồi đó… tôi ngồi đây… chỉ cách nhau một sợi tóc dày
Mà sao thấy xa xăm… xa xăm…
Tôi lẩm nhẩm một mình
Hát một câu tình ca biển cả…
Con sóng trẻ xanh xô về phía trời xa
Em ngồi đó… tôi ngồi đây..!
Mà trong tim nóng rực
Như có lò phản ứng hạt nhân nằm trong lồng ngực
Tôi ngồi đây… em ngồi đó…
Như đồng cỏ xanh mướt non tơ
Khổ cho tôi một con trâu đã già
Trước đồng cỏ xanh mướt bao la…


Vũng Tàu 25.5.2015


Đôi lời của Trần Vân Hạc:
Lão Pờ thế mà hóm và tinh quái. Ra biển lão nhớ quê nhưng cần gì phải ra tới biển Vũng Tàu để khoe: "Nhà tôi có con trâu già sừng đẹp vai khỏe", rồi "Trời thì ban xuống đất thì dâng lên" và lão than :"Khổ cho tôi một con trâu đã già". Trong cái thân thể còm nhom kia ai mà tin được những điều lão nói. Nhưng không, biển cả bao la của Vũng Tàu đã làm cho lão Pờ hiểu sâu xa thêm những điều tưởng như bình dị của cuộc sống.
Câu đầu của bài thơ làm người đọc tò mò xem "khúc hát song ca" ấy như thế nào. Lão mượn cách nói của người miền núi một cách điêu luyện. Hình ảnh "sừng đẹp vai khỏe"làm người đọc bật cười và đằng sau ẩn dụ ấy là sức mạnh và khát vọng sinh sôi "Trâu chỉ gặm cỏ non gặm nhấm lân la" bởi thế "trâu" đủ sức "kéo cày phăng phăng… đường cày thẳng băng/ Dâng cho tôi bốn mùa ngô lúa thu tăng". Từ "thu tăng" mới đọc tưởng như gợn nhưng càng đọc càng thấy có lý bởi cuộc sống như vậy đấy, mỗi ngày qua chất lượng cuộc sống phải tăng lên, tạo nên: "Hạnh phúc êm đềm…". Sự logic của mạch thơ mang triết lý, nhân quả làm người đọc thích thú. Tronh hạnh phúc ấy, Em hiện lên sao đẹp nhường vậy:"Trời thì ban xuống đất thì dâng lên/ Em ngồi đó hoa em bừng nở…" Em do tạo hóa ban cho đời. từ "ban" thật đắt giá nhất là khi đồng hành cùng từ "dâng lên" đón nhận và dâng hiến hết mình, trân quí điều tuyệt vời nhất tạo hóa ban cho. Hình ảnh "hoa em bừng nở" thật đăng đối với "sừng đẹp vai khỏe". Cái điều khó nói ấy được lão Pờ diễn đạt một cách dung dị nhưng vô cùng sâu sắc. Lão thấy: "Biển thì xanh bãi cát thì già tóc cát trắng phau", sự đối lập giữa biển xanh trẻ trung và "tóc cát…", "Như tôi và em đang hiện hình đâu đó" để dẫn đến hình ảnh thật đẹp: "Em ngồi đó một đồng cỏ xanh nõn non tơ/ Tôi ngồi đây cây thông già bất động". Chà trước đồng cỏ "nõn non tơ" ấy làm con trâu già cảm động và hình ảnh lão Pờ say biển, say tình thật thi vị. Trước biển, thơ lão như chắt từ gan ruột: "Tôi ngồi đây… em ngồi đó…/ Như đồng cỏ xanh mướt non tơ". Người đọc thương lão, thương mình khi phải tự thú sự bất lực: "Khổ cho tôi một con trâu đã già/ Trước đồng cỏ xanh mướt bao la": Bài thơ dẫn người đọc tới qui luật của ngàn đời, âm dương rồi tình yêu được lão Pờ nói cứ nhẹ như không, cứ như: "Chuyện như từ trên trời rơi xuống".
Trong bài nhiều hình thật đẹp như "nõn non tơ", "lân la"… có lẽ phải biết thong thả, kiềm chế tận hưởng hương vị cỏ non, cũng như phải biết trân quí những gì tuyệt đẹp do tạo hóa ban tặng… Biển Vũng Tàu gợi thi tứ cho lão Pờ hay thơ lão Pờ làm biển thêm dậy sóng, chỉ biết rằng chuyện "trâu già và bãi cỏ non" nhẹ như không nhưng sâu sắc, minh triết, chan chứa tình người và tình đời.
Vũng Tàu 30.5.2015
Trần Vân Hạc
P. Quỳnh Lôi, Q. Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội
Mobile: 0949 381 246 - 0949 253 256

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: