Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 23 tháng 6, 2015

VĂN CHƯƠNG VÀ ĐỈNH CAO


Cao Minh


Chúng ta vẫn thường than thở, tại sao không có tác phẩm văn chương đỉnh cao ( hay tác phẩm văn chương lớn, tầm cỡ ), trong khi dân tộc Việt Nam trải qua hai cuộc chiến tranh với những chiến thắng tầm vóc thời đại, “ chấn động địa cầu”; cùng những biến cố, đổi thay vô cùng lớn lao trong tư tưởng, tâm hồn người Việt…
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, nền văn học hiện đại Việt Nam vẫn chưa thấy xuất hiện những tác phẩm văn chương đỉnh cao. Không riêng văn học, nhiều ngành nghệ thuật khác của chúng ta cũng vậy. Đi tìm căn nguyên là một việc không đơn giản. Trong Tạp chí Lý luận Phê bình số 17 ( tháng 1- 2014 ), nhà văn Sương Nguyệt Minh đã đề cập vấn đề này với bài viết: “ 8 lý do chưa có tác phẩm văn chương đỉnh cao”. Đó là: 1- Hiện nay chưa xuất hiện thiên tài văn chương. 2- Thiếu vắng nhà văn có tư tưởng lớn. 3- Chưa đam mê quyết liệt, không dấn thân tận cùng. 4- Nhà văn Việt Nam đang bị tán tài. 5- Nhà văn thiếu sự liên tài. 6- Nhà văn thiếu những bi kịch lớn. 7- Nhà văn bị biên tập dữ dội, rồi cuối cùng nhà văn sợ hãi tự biên tập mình. 8- Một nền phê bình yếu và thiếu cũng không kích thích sáng tạo văn chương.
8 điều nhà văn Sương Nguyệt Minh nêu ra đều đúng. Tuy nhiên, vẫn chưa đầy đủ và thiếu một điều căn bản.
Giải thích một trong nhiều nguyên nhân, Sương Nguyệt Minh cho rằng, nhà văn Việt Nam hiện nay hầu hết là công chức, làm việc ăn lương ở một cơ quan nhà nước và viết văn bằng tay trái. Một bộ phận không ít nhà văn đang cùng lúc làm nhiều phận sự; đảng viên, cấp ủy, thủ trưởng hay thủ phó cơ quan, cán bộ, công đoàn, ban chấp hành hội đoàn kiêm nhiệm…Và nhà văn có tư tưởng lớn còn phải là người đi nhiều, biết lắm… Vậy thì, giải thích thế nào nhiều trường hợp các nhà văn lớn với những tác phẩm lớn của thế giới, họ cũng là công chức, họ cũng làm cùng lúc nhiều công việc chẳng liên quan gì đến văn chương. Còn cứ phải đi nhiều, biết lắm mới có tư tưởng lớn; thế gian này biết bao người đi rất nhiều, biết rất lắm hơn gấp bội nhà văn sao họ không trở thành nhà văn. Và ngược lại nhiều nhà văn cũng đi nhiều biết lắm sao họ không có những tác phẩm lớn để đời. Trường hợp nhà văn Mạc Ngôn của Trung Quốc ( giải Nobel văn học 2012 ) là một ví dụ. Mạc Ngôn không đi nhiều, ông chỉ quanh quẩn ở vùng quê ông là Cao Mật, và nhiều tác phẩm lừng danh của Mạc Ngôn đều lấy Cao Mật làm bối cảnh. Đời sống và hoạt động viết văn của Mạc Ngôn chúng ta đều biết cũng không khác cuộc sống của nhiều nhà văn Việt Nam. Vậy mà Hội đồng giải Nobel vẫn trao giải cho các tác phẩm của Mạc Ngôn, bởi tầm cao của tác phẩm. Mạc Ngôn cho ta biết một điều: “ Tôi mang cả thế giới về Cao Mật”.
Sương Nguyệt Minh đã truy nguyên đúng một vấn đề cơ bản là nhà văn Việt Nam thiếu tư tưởng lớn. Dân tộc chúng ta khởi phát từ nền văn minh lúa nước. Hàng ngàn năm nay văn hóa làng xã là âm hưởng chủ đạo của văn hóa Việt Nam. Văn hóa bác học thì nặng về tầm chương trích cú và phục vụ bộ máy chính quyền. Nước ta vốn là nước nhỏ lại thường bị nước lớn phương Bắc tìm cách thôn tính, xâm lấn. Vả lại, nền học cũng mô phỏng hoặc dập khuôn hoàn toàn của Trung Quốc. Tư tưởng Phật giáo thời Lý, đầu Trần đã bị tư tưởng Nho giáo loại bỏ và thống trị. Thế nên, tư tưởng Việt Nam, nếu có cũng rất mờ nhạt thảng hoặc lóe sáng đôi chút đâu đó. Việt Nam có cơ hội tiếp cận những tư tưởng lớn của nhân loại từ khi thực dân Pháp xâm lược cho đến nay. Thế nhưng, hình như các nhà văn Việt Nam, đặc biệt trong mấy chục năm nay không mấy mặn mà, quan tâm lắm đến những vấn đề thuộc về tư tưởng. Không có một học vấn uyên bác nhiều mặt thì không thể có những tư tưởng lớn là lẽ đương nhiên.
Vấn đề căn bản thứ hai để không có tác phẩm đỉnh cao đó là chúng ta đang thiếu những nhân cách lớn. Tư tưởng lớn sẽ vượt lên thời đại. Nhân cách lớn sẽ vượt lên hoàn cảnh sống, bối cảnh sống. Việt Nam có Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chu Văn An chính bởi các cụ là những nhân cách lớn mà người đời mãi mãi kính trọng, ngưỡng mộ. Thử hỏi nếu như các cụ cũng khuất thân ra luồn vào cúi, bon chen, hèn hạ… thì các cụ có là những danh nhân văn hóa và văn chương các cụ có giá trị, có tầm cao không! Nhân cách không phải là thứ gì cao siêu, đấy là những phẩm chất cao đẹp của con người được hấp thụ rồi thể hiện ra bằng những ứng xử trong đời.
Tất cả những lo toan mưu sinh hay công này việc kia là lẽ thường cuộc sống con người. Làm nhà văn phải tự biết cân đối mọi việc và phục vụ cho việc viết văn, đừng thở than, trách cứ hay đổ lỗi cho hoàn cảnh…Nếu vậy thì anh đi làm việc khác đi.
Nhân cách lớn chỉ có khi trong mỗi con người không có sự đố kỵ, ghen ghét, bon chen, trục lợi, háo danh, hư danh, hèn kém mọi mặt, không khuất thân vì bất cứ lý do nào… Và, cao hơn hết thảy là sự nhân ái, bao dung, đức độ.
Tài năng văn chương là trời phú, nhưng không lao động nghêm túc thì cái tài ấy cũng mai một. Có tài năng văn chương, có tư tưởng lớn, có nhân cách lớn, chắc chắn những giá trị văn chương lớn sẽ được sáng tạo.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: