Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2015

Sinh viên nghĩ gì khi nhân lực VN nằm tốp cuối ?

TT - Những điểm yếu của sinh việt VN là trình độ ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh yếu, kỹ năng thực tế yếu dù SV chúng ta tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, tình nguyện.
Bạn Thúy An băn khoăn về việc cạnh tranh với sinh viên các nước khi hội nhập AEC - Ảnh: Quang Phương
Bạn Thúy An băn khoăn về việc cạnh tranh với sinh viên các nước khi hội nhập AEC - Ảnh: Quang Phương
Tại tọa đàm sinh viên (SV) trước hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) do Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tổ chức ngày 20-6, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, phó tổng giám đốc chuỗi cung ứng Công ty TNHH nước giải khát Suntory PepsiCo VN, cho biết: “Có những báo cáo về nguồn nhân lực cho rằng nước ta nằm ở tốp cuối của khu vực, gần với Campuchia. Đây là cảnh báo thách thức đối với SV khi hội nhập AEC. Hội nhập sẽ đem lại nhiều cơ hội việc làm cho những ai có bằng cấp và năng lực theo yêu cầu của khu vực”.
Bà Nguyễn Ngọc Kim Hằng, giám đốc tuyển dụng và đào tạo, P&G Asean & Philippines, phân tích những điểm yếu của SV VN, đó là: trình độ ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh yếu, kỹ năng thực tế yếu dù SV chúng ta tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, tình nguyện.
“SV các nước tham gia các hoạt động ngoại khóa để rèn luyện kỹ năng mềm cho bản thân nhằm tự tin hơn trong công việc; trong khi đó SV VN cũng tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, tình nguyện nhưng tham gia theo kiểu hình thức, chủ yếu là để lấy chứng nhận cộng điểm rèn luyện”- bà Hằng nói.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã đưa ra nhiều lời khuyên cho SV khi hội nhập AEC. Bà Analyn Hao, giám đốc bộ phận tư vấn tuyển dụng cấp cao Công ty Employment Vietnam, nói: “Có hai yếu tố khá quan trọng khi bạn tham gia hội nhập và làm việc ở các công ty đa quốc gia, đó là kỹ năng giao tiếp và ngôn ngữ, thứ hai là tính khiêm tốn và ham học hỏi”.
Trong khi đó, bà Kim Hằng cho biết các kỹ năng mềm mà người tuyển dụng cần ở người tìm việc là: kỹ năng giao tiếp, khả năng lãnh đạo, kiến thức chuyên môn. "Vậy làm thế nào để có thể cạnh tranh khi phỏng vấn với SV các nước?" - bạn Thúy An đặt câu hỏi. Bà Kim Hằng cho biết với SV nước ngoài khi tìm việc họ chuẩn bị rất chu đáo cho buổi phỏng vấn, khi vào phỏng vấn họ trả lời ngắn gọn, không vòng vo.
“SV VN khi trả lời phỏng vấn thường đi lòng vòng từ mở đầu, đến thân bài rồi mới kết luận. Nhà tuyển dụng muốn nghe kết luận trước. Họ thấy hứng thú, ấn tượng mới hỏi tiếp và bạn hãy lý giải tiếp” - bà Kim Hằng khuyên.
Các SV cũng đặt ra vấn đề: hiện nay có những SV “mọt sách” và SV chuyên đi làm thêm, vậy nhà tuyển dụng sẽ chọn ai? Các diễn giả khẳng định sẽ không chọn hai loại người trên vào làm ở các công ty đa quốc gia, mà theo bà Kim Hằng lý giải: “Tôi chọn người giỏi cả hai vì họ biết sắp xếp thời gian và vượt qua mọi thử thách. Khi đi làm bạn sẽ gặp nhiều dự án cùng lúc, vậy bạn sẽ bằng mọi cách phải hoàn thành, nếu vừa học giỏi và tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa thì bạn đã rèn được phương pháp làm việc, quản lý thời gian, có mục tiêu ngay từ đầu”.
Sinh viên ngành kế toán cần có chứng chỉ quốc tế
Với SV ngành kế toán (một trong tám ngành nghề được tự do di chuyển nhân lực thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương khi hội nhập AEC), bà Hồng Hạnh khuyên hãy bổ sung các chứng chỉ như kế toán công chứng Anh ACCA dành cho các nhân viên kế toán quản trị, CFA dành cho những nhà phân tích tài chính, kiểm toán CPA… “Học những cái này khó nhưng rất hữu ích, không chỉ làm kế toán mà còn làm được kinh doanh, thương mại ở khu vực và cả thế giới”- bà Hồng Hạnh nói.
QUANG PHƯƠNG - THỦY TIÊN

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: