Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2015

Ông về nước ông, tôi ở nước tôi!

 Xin mời Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử về nước…

 

Vui chơi cho hết tháng ngày
Hôm sau chả biết còn hay biến rồi
Đời là một cuộc ngược xuôi
Đến khi hết thở là thôi chạy vòng
 

Thời gian trôi qua quá nhanh, nên tôi không thể ngừng viết…
Không biết ngày mai, tôi có còn sống không, nên tôi phải viết vội…
Tôi không thể viết dài, vì viết dài là… vô ích.
Tôi chỉ viết ngắn thôi, mà rất may là đã có… tư liệu, nên thiết nghĩ rằng, nó khá đủ ý nghĩa.
*
Dũng cảm là gì?
Theo tôi:
Dũng cảm không hẳn có nghĩa là ai đó không sợ chết, vì chết là chuyện bình thường, và nếu không nhầm, chết là… hạnh phúc (vì được giải thoát!), nói chung là, vì sớm hay muộn gì, ta cũng phải chết.
Dũng cảm không có nghĩa là ‘ngu trung’, vì chắc chắn ngu trung không phải là dũng cảm.
Dũng cảm không phải là ‘nam mô’ các vĩ nhân, vì đó, nếu không nhầm, chỉ là sự nô lệ về tư tưởng (của người khác)…
Mà dũng cảm là, có thể, một phần căn cứ vào trải nghiệm của các ‘người khổng lồ’ đi trước, mà ta tự sáng tạo ra tư tưởng, cụ thể là kẻ không bao giờ nói là ‘Đấng X nói rằng’, rồi mới nói.
Nói tóm lại, kẻ dũng cảm là kẻ không phải vị nể tư tưởng của ai hết.

*
1. Tôi có biết đâu đó, từ một người bạn tôi:
Khổng Tử nói là ‘Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân’, tạm hiểu là: cái gì mà ta không muốn người khác làm cho ta, thì ta đừng làm điều đó cho người khác. Tôi thấy nó quá bình thường, chả lẽ tôi không muốn người khác ép tôi uống rượu, mà tôi lại đi ép người khác phải uống rượu!
Khổng Tử nói là 'Dư dục vô ngôn, tứ thời hành yên, vạn vật dục yên, thiên hà ngôn tai', tạm hiểu là: ta không muốn nói nữa, bốn mùa êm trôi, vạn vật đua nở, kìa như trời đất có nói gì đâu (xem entry ‘Vĩnh biệt Khổng Tử’, đường dẫn bên dưới). Tôi thấy nó quá bình thường, thì cây hoa bằng lăng tím vẫn nở trước mắt tôi, cho dù chúng tôi có ngồi chém gió cả buổi, thì vũ trụ đại ngàn vẫn lặng lẽ trôi qua trước mắt tôi, ôi, nó cần quái gì chúng tôi có nói gì, nên chúng tôi có nói gì cũng là không nói!
Còn cái chuyện ‘tôi phải tuân vua’, ‘trò phải tuân thầy’, ‘vợ phải tuân chồng’, ‘con cái phải tuân cha mẹ’… Tôi thấy nó quá tầm thường, và là xưa lắm rồi, vì nay bên Tây, vua và tôi đều gọi với nhau là ‘you’, có nghĩa là tôi (người dân Mỹ) biết thế nào là đúng/sai, mà chả có cái gì mà tôi phải tuân theo ông Obama cả!
2. Tôi có biết từ sách vở:
Lão Tử nói là ‘Đạo khả đạo, phi thường đạo’, tạm  hiểu là: đạo không thể diễn đạt được bằng lời nói. Tôi thấy nó quá bình thường, vì cái gì đã là đạo, hay nói nôm na là chân lý, lại há có thể diễn đạt được bằng lời sao?, ai có thể định nghĩa được ‘thiền là gì’, ‘tình yêu là gì’, ‘hạnh phúc là gì’, ‘phật là gì’, ‘thượng đế là gì’, hay ‘ta là ai, từ đâu đến, và sẽ đi về đâu’…, vì chắc gì Thiền sư hay Phật đã hạnh phúc!, và chắc chắn là vì ta đâu có phải là Thiền sư, là Phật, hay là Chúa… đâu mà biết được! Các bạn hãy xem chút tư liệu:
* Một ông nọ đi chung với một con quỷ trên một con đường, họ nhìn thấy một người nông dân cúi xuống nhặt được một cái gì đó và bỏ vào túi, ông ta bèn hỏi:
-Anh ấy nhặt được cái gì vậy?
Con quỷ đáp:
-Đó là một mảnh của chân lý.
-Ấy chết, thế sao ngươi không cản lại, nếu loài người mà tìm được chân lý thì ngươi chỉ có con đường chết!
-Ngươi yên tâm đi, con người chỉ tìm được một mảnh nhỏ của chân lý, rồi tưởng nó là vĩ đại, rồi biến nó thành chân lý phổ quát cho toàn thể nhân loại, nó sẽ hình thành (những) thứ ‘định kiến’ mà làm cho họ ngu muội hơn, nên họ sẽ trở thành nô lệ cho cái thứ ‘định kiến ảo’ mà họ tưởng là đúng đó, vì thế mà ta suốt đời ngự trị loài người, ha..ha..ha… (tự kể theo một ý của Krishnamurti, xem chú dẫn bên dưới)
* Truyền thuyết rằng, trước khi trở thành bậc chánh giác, có 3 con yêu nữ (bao nhiêu con không quan trọng) đến quấy phá Đức Phật, nhưng có một đệ tử nói rằng 'ngài đã trở thành đấng giác ngộ, các ngươi không được quấy phá ngài nữa', đám yêu nữ bèn bỏ đi nhưng còn ngoái cổ lại và nói: 
-Chơi như chúng tôi đây mới là hạnh phúc, còn ngồi xếp bằng như ngài thì chưa chắc đã là hạnh phúc. (Tự kể lại chuyện của Krishmamurti, xem đường dẫn bên dưới)
3. Tôi cũng có biết từ sách vở:
Trang Tử nói là ‘Thoắt lặng không hình, biến hóa không thường, chết chăng, sống chăng?' (‘Thiên hạ’, Trang Tử), hay đại khái có câu là ‘'nếu làm con gà thì gáy, làm con chim thì hót, làm con người thì vui chơi'. Tôi thấy nó quá bình thường, vì mọi sự ở đời là vô thường, sẽ chuyển đổi nhanh chóng, nay sống, mai chết, nhưng dòng sông cứ chảy, ai mà không biết! Hơn nữa, đàn chim sẻ trước mắt tôi đang vui đùa trước nắng, còn mèo đang nằm ngủ thanh bình trên cái gác-mân-rê, có chó đang nằm ngủ ngon lành dưới chân tôi, chả lẽ con chim sẻ muốn làm con mèo, con mèo muốn làm con chó, hay ai đó muốn làm ông Obama!
*
Đánh giá về Khổng Tử, may thay, tối nay, tôi có đọc được một bài viết, xin trích đoạn:
Hiện nay Trung Quốc khởi xướng cơn sốt đọc lại Luận ngữ và mở hàng loạt Viện Khổng Tử nhằm lan tỏa quyền lực mềm, đẩy mạnh chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Do đó, ngay tại Trung Quốc cũng có nhiều ý kiến phản đối.
Giáo sư Lý Linh, Đại học Bắc Kinh, xuất bản cuốn sách có tên “Chó nhà tang - Tôi đọc Luận ngữ”, NXB Nhân dân Sơn Tây, Trung Quốc, 2007, trong đó kết luận: “Sau khi đọc Luận ngữ, tôi thấy tốt nhất không nên đặt Khổng Tử lên bệ thờ, cũng không nên dìm ông xuống bùn, mà chỉ nên nói rằng ông rất giống Don Quixote.”
Ông viết: “Khổng Tử thật không phải là thánh, cũng chẳng phải vua, cũng không là “nội thánh ngoại vương” gì cả… Khổng Tử chỉ là người không có chức, cũng không có quyền - chỉ có học vấn về đạo đức - nhưng dám can ngăn kẻ cầm quyền; một người đi tứ xứ du thuyết, lao tâm thay cho kẻ cai trị, liều mình khuyến dụ người cải tà quy chính; một người nhiệt tình, ước mơ khôi phục đường lối nhà Chu để thiên hạ thái bình; một người luôn bị giằng xé, hoang mang, nay đây mai đó, giống hành trạng của một con chó vô chủ, lang bạt, không có nhà để về.”
Ví Khổng Tử như con chó vô chủ là câu chuyện ghi trong Sử ký của Tư Mã Thiên. Tư Mã Thiên viết rằng, vào năm 40 tuổi, khi không đạt được gì, Khổng Tử đã than rằng “Ta cùng đường rồi!” và rằng “Chẳng chỗ nào trong thiên hạ dung được ta!” Cũng theo Sử ký, dân chúng thời Khổng Tử đã tả rằng nhìn ông “băn khoăn lo lắng như con chó ở nhà có tang”. Khi đệ tử kể lại cho Khổng Tử nghe lời nhận xét này về mình, ông đã bảo rằng “nói như thế là đúng làm sao, đúng làm sao!”
Chính người Trung Quốc cũng nhận xét “Thực ra, nếu đọc kỹ các triết gia Tiên Tần, sẽ không khó nhận ra rằng tư tưởng của Khổng Tử cũng chỉ là những lời thuyết giáo đạo đức bình thường, chỉ là trí thông minh nhỏ, không chứa đựng trí tuệ lớn… Những lời giáo huấn của Khổng Tử chỉ dạy ấy cực kỳ thực dụng, khôn khéo, nhưng không có tính thẩm mĩ hoặc triết lí thâm thúy. Ông cũng không có nhân cách cao quý hoặc tầm nhìn khoáng đạt. Ban đầu ông lang bạt tứ xứ muốn được làm quan, sau thất bại bèn trở thành thày dạy đạo đức”.
Lúc sống không được trọng dụng nhưng các triều đại sau lại ra sức lợi dụng Khổng Tử để củng cố quyền lực của họ, khiến cho hình ảnh thật sự của người trí thức cổ đại Khổng Khâu khác hẳn với “Đại thành chí thánh Văn Tuyên Vương” sau này.
Vì thế, chính người Trung Quốc nhận xét, đại bi kịch của lịch sử văn hóa Trung Quốc không phải là việc Tần Thủy Hoàng (259-210 trước CN) “đốt sách chôn nho”, mà chính là việc Hán Vũ Đế “bãi truất trăm nhà, độc tôn đạo Nho”. Từ chủ trương này, Đổng Trọng Thư (175-105 trước CN) đã sửa đổi học thuyết của Khổng Tử, biến những đế chế vốn dĩ được thiết lập dựa trên bạo lực trở thành biểu hiện của đạo trời. Nguyên lý của Đổng Trọng Thư, ghi trong cuốn Lịch sử Tiền Hán, cho rằng “trời không đổi gì thì không gì phải đổi” (“thiên bất biến đạo diệc bất biến”) là căn cứ để khẳng định tính hợp pháp của triều đại, rằng sự trường tồn của các triều đại phong kiến là việc đã được vũ trụ an bài. 
(nguồn: congly.com.vn, xem đường dẫn bên dưới)
*
Nói chung là khi nghe tin ‘Xây dựng Văn Miếu’ thờ Khổng Tử!!! (đang bàn cãi) ở tỉnh Vĩnh Phúc, tôi cảm thấy rất… khó chịu. Người ta đã bỏ ra 300 tỉ đồng để làm cái việc viễn vông ‘ngàn năm gương cũ soi kim cổ’ của Tàu này, tại sao không cho mỗi em học sinh/sinh viên học xuất sắc/sáng tạo về toán, lý, hóa, tiếng Anh, công nghệ thông tin… vài chục triệu đồng, như vậy ta sẽ có cả trăm em được khuyến khích học giỏi + sáng tạo, để đóng góp cho sự phát triển của tỉnh nhà!, đó là chưa kể đến những em nhà nghèo, ở vùng sâu vùng xa mà vẫn lo chuyên cần học tập để sau này đóng góp phần nào cho sự tiến bộ của xã hội! Lại nghe nói, cán bộ tỉnh có qua TQ học tập (!) rồi mới về mà làm nên cái công trình… sáng tạo (!) để khuyến khích các thế hệ tương lai nên học tập cái hình tượng cổ lỗ sĩ cách đây trên 2500 năm này! Phải chăng thời nay không có hình tượng nào để các cháu học hỏi!
Và ai đó không tự hỏi là:
-Tại sao mà trên 2500 năm nay, đất nước ta lại không sản sinh ra nỗi một ông Khổng Tử?
Và tôi tự hỏi là:
-Phải chăng vì ai đó đã quỳ xuống để cho người ta cao lên?
*
Tóm lại, tôi thấy rằng tôi không… cần Khổng Tử, Lão Tử hay Trang Tử nữa, xin mấy ông biến về nước cho tôi nhờ.
Mà tôi chỉ tạc tượng này:
Tạc chữ tình đêm lặng
Tưởng đã biến hư không
Nào ngờ em biển động
Tim ta bỗng cuộn vòng
Và anh Hai Rạch Giá có viết rằng (xem chú dẫn bên dưới):
-Lại tiếp tục xây dựng Văn Miếu Vĩnh Phúc hàng mấy trăm tỷ đồng để thờ thằng Chệt Khổng Tử.
http://hairachgia.blogtiengviet.net/2015/06/11/nong_qua_3

Anh Hai nói Khổng Tử là ‘thằng Chệt’, thằng Chệt là thằng gì? Tôi đang… tìm hiểu, các bạn hãy tìm hiểu cùng với tôi nhé.

(HẾT)
---------
Chú giải:
  1. Chuyện kể của Krishnamurti, xem thêm: http://nhagomlabang.blogspot.com/2015/05/694-khong-tu-co-phai-la-triet-gia-cai.html
  2. Đức Phật và 3 con yêu nữ, xem thêm: http://nhagomlabang.blogspot.com/2014/10/cai-chet-la-su-song.html
  3. Khổng Tử: 551-479TCN, Lão Tử: 571-531TCN (theo một tài liệu nước ngoài, wikipedia, nhưng đa số các học giả cho là ông sống vào thế kỷ thứ 4TCN - cuối thời Xuân Thu, đầu thời Chiến Quốc), Trang Tử: 365-290TCN.
  4. Ngu trung: tạm hiểu là trung thành một cách mù quáng, ngu muội.
  5. Vấn đề thờ Khổng Tử, xem thêm: http://congly.com.vn/van-hoa/du-lich/cong-trinh-van-mieu-tinh-vinh-phuc-nen-doi-thanh-van-hien-tu-tho-danh-nhan-dat-viet-102090.html
  6. ‘Vĩnh biệt Khổng Tử’, xem: http://nhagomlabang.blogspot.com/2014/09/600-da-chau-la-khong-tu.html
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: