Nguồn: Hu Angang, “Embracing China’s ‘New Normal’”, Foreign Affairs, 20/04/2015.
Biên dịch: Trần Tuấn Anh | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Rõ ràng là giờ đây, tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc được xác định là sẽ chậm dần trong những năm sắp tới, mặc dù các nhà kinh tế học vẫn chưa thống nhất về mức độ cũng như độ dài của quá trình này. Vào năm ngoái, tốc độ tăng trường GDP của nước này rớt xuống còn có 7,44%, mức thấp nhất trong vòng một phần tư thế kỷ qua, và nhiều người dự đoán rằng chỉ số này sẽ tiếp tục giảm sâu trong năm 2015.
Có hàng tá các quốc gia đang vật lộn để có thể đạt được mức tăng trưởng này, nhưng phần lớn trong số đó lại không buộc phải tạo ra hàng triệu việc làm mới trong vòng một thập kỷ tới như Trung Quốc. Vì vậy, thật dễ hiểu khi một số chuyên gia đã bày tỏ sự lo ngại về viễn cảnh tương lai của quốc gia này. Họ lập luận rằng, mô hình tăng trưởng dựa trên động lực sản xuất đã không còn đứng vững nữa và cảnh báo rằng, như cách mà kinh tế gia Paul Krugman phát biểu vào năm 2013, nước này “sẽ va đầu vào Vạn Lý Trường Thành”. Theo cách nhìn này, câu hỏi sẽ không phải là liệu nền kinh tế của Trung Quốc có sụp đổ hay không, mà là khi nào điều đó sẽ xảy ra.
Suy nghĩ này trên thực ra là sai lầm. Trung Quốc hiện đang không gần kề miệng vực thẳm, nó chỉ đơn giản là bước vào một giai đoạn mới của sự phát triển. Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gọi giai đoạn mới của tăng trường này là giai đoạn “Bình thường mới” – new normal – một thuật ngữ trở nên nổi tiếng khi được Mohamed El-Erian, cựu CEO của hãng đầu tư toàn cầu PIMCO, sử dụng để mô tả sự phục hồi kinh tế trong đau đớn của phương Tây sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tuy nhiên, ông Tập lại dùng cụm từ đó để mô tả một thứ khác: một sự tái cân bằng thiết yếu mà trong đó nền kinh tế được đa dạng hóa, đạt được một mức tăng trưởng bền vững và một quá trình phân phối lợi ích công bằng hơn. Tình trạng bình thường mới đang ở giai đoạn đầu của nó, nhưng nếu Bắc Kinh có thể xoay xở để duy trì được tình trạng đó, thì người dân Trung Quốc có thể mong chờ vào sự tiếp tục tăng trưởng của nền kinh tế cũng như những cải thiện về mặt vật chất trong chất lượng cuộc sống của họ. Cùng lúc đó, phần còn lại của thế giới có thể trông chờ vào một Trung Quốc hòa mình nhiều hơn nữa vào nền kinh tế toàn cầu. Thế kỷ của người Trung Quốc không phải đang ở điểm bắt đầu của một sự kết thúc mà là ở điểm kết thúc cho một sự bắt đầu.
Từ người theo chân trở thành kẻ dẫn đầu
Muốn hiểu rõ giai đoạn bình thường mới của Trung Quốc đòi hỏi phải có một chút kiến thức lịch sử tương ứng. Với tư cách là người đi sau trong công cuộc hiện đại hóa nền kinh tế, Trung Quốc đã phải theo đuổi mô hình “bắt kịp tăng trưởng” với đặc điểm là sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng sau nhiều năm bị tụt lại phía sau. Từ năm 1870 đến 1913, nền kinh tế Mỹ cũng đã vận hành theo đúng hình mẫu này khi tăng trưởng ở mức trung bình hằng năm đạt khoảng 4%. Từ năm 1928 đến 1939, GDP của Nga cũng đã tăng trưởng ở mức trung bình là 4,6%. Và từ năm 1950 đến 1973, nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng ở mức 9,3%. Tuy nhiên, chưa từng có quốc nào ở trên đến gần được với kỷ lục của Trung Quốc, khi mà từ năm 1978 đến 2011, tức trên 30 năm, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của nước này đạt mức gần 10%.
Mức tăng trường này đã giúp nền kinh tế Trung Quốc tiệm cận, hay thậm chí là đã vượt qua nền kinh tế Mỹ. Xét theo sức mua tương đương, một phương pháp được các nhà kinh tế học dùng cho những so sánh xuyên quốc gia, thì GDP của Trung Quốc đã vượt qua Mỹ vào năm 2010 hoặc 2014, phụ thuộc vào việc họ dựa trên kết quả thống kê của Dự án Maddison hay dữ liệu từ Chương trình so sánh toàn cầu của Ngân hàng Thế giới. Tuy nhiên, nếu dựa trên phương pháp biểu đồ của Ngân hàng Thế giới (World Bank Atlas) thì nền kinh tế Trung Quốc sẽ khó có thể vượt được Mỹ trước năm 2019. Và GDP của Trung Quốc vẫn đang lê từng bước trong cái bóng của Mỹ nếu dữ liệu được tính toán theo giá trị đồng đô la Mỹ hiện tại. Nhưng cách tốt nhất để so sánh hai nền kinh tế một cách khách quan là so sánh khả năng tạo ra năng lượng của chúng, vì nó vừa cụ thể và vừa định lượng được. Phương pháp này cũng đồng thời là thước đo cho quá trình hiện đại hóa, vì suy cho cùng, nếu không có điện hay không đủ điện thì một quốc gia sẽ không thể vận hành những công xưởng hay những tòa nhà văn phòng chọc trời, thứ mà chính xác là những gì mà Trung Quốc đã và đang thực hiện. Vào năm 1900, Trung Quốc chỉ tạo ra có 0,01% sản lượng điện mà Mỹ sản xuất được vào thời điểm đó. Chỉ số này đã tăng lên 1,2% vào năm 1950 và 34% vào năm 2000, và cuối cùng, Trung Quốc đã vượt Mỹ vào năm 2011. Về mặt này, Trung Quốc đã bắt kịp được Mỹ.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã mang lại nhiều lợi ích to lớn cho người dân nước này, mặc dù rõ ràng là vẫn còn nhiều thứ cần phải làm. Với dân số nhiều gấp bốn lần đối thủ cạnh tranh trực tiếp của mình, Trung Quốc thậm chí được dự đoán là khó có thể đạt được một nửa mức GDP trên đầu người của Mỹ cho đến năm 2030. Tuy nhiên, quốc gia này cũng đã đạt được những bước tiến dài trên một số lĩnh vực khác. Tuổi trọ trung bình của Trung Quốc (vào khoảng 76 tuổi) đã gần với mức của Mỹ (vào khoảng 79 tuổi). Trình độ học vấn của người dân ở hai quốc gia này là gần tương đương nhau. Và nếu được đo bằng chỉ số Gini thì sự bất bình đẳng kinh tế của Trung Quốc thậm chí là thấp hơn so với Mỹ. Tuy nhiên từ năm 1979 cho tới nay, phần lớn thành quả của sự trỗi dậy của Trung Quốc lại dành cho những cư dân sống ở thành thị và vùng duyên hải. Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển tối ưu của Bắc Kinh – tức “một sự phát triển chung và một sự thịnh vượng chung” – thì sẽ không chi cần đến một sự tăng trưởng bền vững mà còn một sự phân phối lợi ích công bằng hơn.
Chậm mà chắc hơn
Xét trên một phạm vi nhất định thì sự giảm tốc gần đây của nền kinh tế Trung Quốc là điều không thể tránh khỏi. Ba thập niên phát triển thần tốc đã biến nền kinh tế Trung Quốc trở nên đồ sộ, khiến cho việc tăng trưởng biên trở nên khó khăn hơn. Ngay cả khi được đo lường theo tỷ giá hối đoái hiện tại thì GDP của Trung Quốc cũng đã vượt mức 10 ngàn tỷ đô la Mỹ, tức mức tăng trưởng 10% cũng đồng nghĩa với việc phải thêm vào nền kinh tế một nghìn tỷ đô la Mỹ mới mỗi năm, con số lớn hơn cả GDP của Ả Rập Saudi, nước nằm trong số những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Sự phát triển ở mức độ này nhất định sẽ trở nên thiếu bền vững vào một lúc nào đó. Hơn nữa, nó còn yêu cầu một sự cung cấp vô hạn về mặt năng lượng cũng như sẽ gây ra một áp lực lớn lên môi trường. Trung Quốc hiện đã thải ra một lượng carbon vào bầu khí quyển nhiều hơn cả Mỹ và châu Âu cộng lại, và mức độ của nó vẫn tiếp tục gia tăng.
Trước thực tế đó, Trung Quốc sẽ có ít lựa chọn nào khác ngoài việc phải giảm tốc. Mặc dù mức tăng trưởng 7% vẫn là cao so với phần lớn các nền kinh tế trên thế giới, sự chững lại này sẽ làm giảm nhu cầu của Trung Quốc về nguyên nhiên liệu cơ bản, như than hoặc nước sạch, về một mức dễ kiểm soát hơn. Nó cũng đồng thời cho phép Trung Quốc kiểm soát các tác động tiêu cực của mình đến sự thay đổi khí hậu toàn cầu, một phần bằng cách thực hiện tốt tuyên bố chung Mỹ-Trung về vấn đề thay đổi khí hậu, một thỏa thuận đạt được vào năm 2014, theo đó yêu cầu Trung Quốc bắt đầu cắt giảm lượng khí thải CO2 trễ nhất vào năm 2030. Nhờ vào sự tăng trưởng chậm và đặt trọng tâm vào các chính sách chuyển đổi sang sử dụng các nguồn năng lượng mới, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ đạt được mục tiêu trên trước thời hạn.
Bước đi đến giai đoạn bình thường mới của Bắc Kinh đã bắt đầu, và cho đến giờ, kết quả thu được là rất ấn tượng khi nhìn vào sự thành công của kế hoạch 5 năm lần thứ mười hai của Trung Quốc được thông qua vào năm 2011 và sẽ được tiếp tục kế thừa sau năm 2015. Mặc dù kế hoạch được thực hiện vào thời kỳ suy giảm tăng trưởng, 5 trong số những mục tiêu của kế hoạch đã giúp củng cố nền kinh tế và nâng cao cuộc sống của người Trung Quốc. Mục tiêu thứ nhất là một cam kết tạo ra 45 triệu việc làm mới cho cư dân thành thị. Bắc Kinh đã vượt mức kế hoạch đặt ra khi đã tạo ra được trên 50 triệu việc làm mới ở các thành phố của Trung Quốc, một kỳ tích hoàn toàn đối lập với cuộc khủng hoảng thất nghiệp ở Mỹ và châu Âu trong cùng thời kỳ.
Thứ hai là cơ cấu lại nền kinh tế bằng cách mở rộng sự đóng góp của lĩnh vực dịch vụ từ 43% GDP lên tới trên 48% GDP vào năm 2014. Với mục tiêu này, chính phủ cũng đã chạm được đến đích với việc đa dạng hóa nền kinh tế và gia tăng tỷ lệ có việc thông qua quá trình đó.
Mục tiêu thứ ba, nhấn mạnh việc đổi mới khoa học, đánh dấu việc gia tăng ngân sách nhà nước cho nghiên cứu và phát triển từ 1,75% GDP vào năm 2010 lên tới 2,2% vào năm 2015. Một lần nữa, Bắc Kinh đạt được cột mốc này, biến quốc gia này trở thành quốc gia tài trợ nhiều thứ hai thế giới cho nghiên cứu và phát triển. (Khoản đầu tư này đã bắt đầu đem lại hiệu quả: khi mà vào năm 2012, chỉ ít hơn ba thập niên sau khi Trung Quốc thông qua luật về bằng sáng chế, đơn xin cấp bằng sáng chế ở Trung Quốc đã nhiều hơn 50% so với Mỹ).
Ưu tiên thứ tư là an sinh xã hội, bao gồm việc mở rộng hệ thống chăm sóc sức khỏe, thứ mà hiện đã phủ rộng đến 95% dân số Trung Quốc. Và mục tiêu đạt được thứ 5 liên quan đến sự chuyển đổi nguồn năng lượng, tức việc cải thiện 8 chỉ số về môi trường, như tỷ lệ nhiên liệu phi hóa thạch so với tổng mức tiêu thụ năng lượng chủ yếu và tỷ lệ lượng khí thải cacbon dioxit trên GDP.
Các mục tiêu liên quan đến tăng trưởng trong bản kế hoạch lại rất khiêm tốn so với những tiêu chuẩn của Trung Quốc. Chính quyền Trung ương xác lập mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 7% và tăng gấp đôi thu nhập bình người đầu người vào năm 2020 so với mức năm 2010. Những mục tiêu này truyền tải một thông điệp rõ ràng, đặc biệt là cho những chính quyền địa phương luôn trông chờ vào chỉ dẫn của Bắc Kinh, rằng nên tập trung hơn vào chất lượng tăng trưởng hơn là số lượng tăng trưởng.
Thu nhập bình quân ở các thành phố hiện vẫn đang gấp đôi so với khu vực nông thôn, nhưng khoảng cách này được hoạch địch là sẽ giảm vào những năm tới – một bước đi có thể thúc đẩy tiêu dùng nội địa cũng như sự tăng trưởng GDP. Tất nhiên, sự chững lại tương đối của Trung Quốc cũng tạo nên những thách thức khó khăn, đặc biệt trong địa hạt tạo việc làm và sản xuất lương thực, nơi mà tốc độ tăng trưởng rất thấp. Nhưng đó là chi phí của một cuộc chuyển đổi cấu trúc, và là cái giá đáng để trả nhằm đưa đất nước tiến lên phía trước.
Những lợi ích toàn cầu
Những tác động của giai đoạn bình thường mới sẽ không chỉ giới hạn trong lãnh thổ Trung Quốc: bằng cách tái cân bằng nền kinh tế nội địa, quốc gia này có thể đảm nhận một vai trò lớn hơn ở nước ngoài. Trung Quốc vốn dĩ đã là đầu máy kinh tế lớn nhất cho sự tăng trưởng kinh tế thế giới, và nếu như nền kinh tế của nó tiếp tục phát triển ở quanh mức 7%, thì nước này vẫn tiếp tục là lực đẩy quan trọng nhất cho sự phát triển của cả thế giới nếu xét theo sức mua tương đương. Từ năm 2000 đến năm 2013, riêng Trung Quốc đã đóng góp gần 23% cho sự phát triển của thế giới (Mỹ chỉ đóng góp gần 12%). Dự đoán của riêng tôi là chỉ số này sẽ tăng lên 25% trước năm 2020 và sẽ giúp cho tốc độ tăng trưởng của thế giới duy trì ở mức trên 3%.
Về thương mại, Trung Quốc hiện dẫn đầu thế giới, và nó sẽ tiếp tục đi trên quỹ đạo này. Theo dữ liệu từ Văn phòng thống kê thương mại của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nước này hiện là đầu mối giao thương lớn nhất của 140 quốc gia, và các hoạt động giao dịch của nó chiếm 13% tổng tăng trưởng thương mại của cả thế giới từ năm 2000-2012. Nhưng nếu Bắc Kinh muốn thúc đẩy tiêu dùng nội địa và giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào xuất khẩu, thì nó sẽ buộc phải mở cửa biên giới, bằng cách cắt giảm hàng rào thuế quan, khuyến khích các công ty của Trung Quốc mở rộng hoạt động ra bên ngoài lãnh thổ, lập nên nhiều khu vực mậu dịch tự do, và đẩy mạnh các hoạt động giao thương trong lĩnh vực dịch vụ. Và để thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài, Bắc Kinh sẽ phải thực thi các cuộc cải cách nền tảng như tự do hóa tài khoản vốn liên quan đến việc xóa bỏ những chướng ngại ảnh hưởng đên sự lưu thông dòng tiền xuyên biên giới và tạo ra một bản danh sách cấm, trong đó quy định những lĩnh vực kinh tế nào không cho phép mở cửa nhận các khoản đầu tư nước ngoài, tức là cũng đã làm rõ rằng những lĩnh vực còn lại sẽ mở cửa.
Trung Quốc hiện cũng có kế hoạch để đóng góp nhiều hơn cho địa hạt trí tuệ. Nước này hiện là một trong những quốc gia tạo ra nhiều sản phẩm trí tuệ nhất thế giới; từ năm 2000 đến năm 2012, những nhà phát minh ở Trung Quốc đã đóng góp 62% mức tăng đơn xin cấp bằng sáng chế mới (ở Mỹ con số này chỉ là 25%). Và một trong số những cam kết mới trong lĩnh vực sáng tạo là việc Bắc Kinh sẽ thực thi một sự bảo hộ tài sản trí tuệ nghiêm ngặt hơn và khuyến khích các công ty Trung Quốc làm đơn xin cấp bằng sáng chế quốc tế và phổ biến những công nghệ mới, đặc biệt cho các nước đang phát triển.
Nền kinh tế Trung Quốc càng hội nhập bao nhiêu thì quốc gia này sẽ càng được công nhận như là một người gìn giữ sự ổn định của nền kinh tế thế giới bấy nhiêu, như cách nó đã làm vào năm 2008 khi cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra. Đó cũng chính là tư tưởng chính của kế hoạch kích thích tăng trưởng đầy tham vọng của Trung Quốc khi nó được cho là sẽ đóng góp phần lớn cho sự hồi phục kinh tế thế giới sau cú sốc khủng hoảng. Bằng cách đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ duy trì tỷ lệ tăng trưởng ở mức trên 9%, Bắc Kinh sẽ biến sự tăng trưởng âm của kinh tế thế giới thành dương. Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy hơn nữa vai trò này của mình, tuy nhiên nó cũng sẽ hành động thông qua nhiều kênh chính thức hơn, chủ yếu là qua các tổ chức tài chính toàn cầu, như Ngân hàng Thế giới hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế, để cải cách quá trình cho vay quốc tế theo cách đem lại lợi ích cho các nước đang phát triển.
Khi Trung Quốc nâng cao vị thế dẫn đầu kinh tế của nó, nước này sẽ không tránh khỏi việc bị kêu gọi phải đảm nhận những trách nhiệm quốc tế lớn hơn. Nhưng sự thật là Bắc Kinh cũng đã bước ra theo nhiều cách khác nhau khi nó nhận thức được rằng, sự thành công của giai đoạn phát triển tiếp theo của Trung Quốc phụ thuộc vào thế giới bên ngoài nhiều như là phụ thuộc vào bản thân nội lực của nó. Trung Quốc không thể đạt được sự thịnh vượng nếu không có những quy chuẩn pháp lý quốc tế công bằng, và vì vậy Trung Quốc sẽ tiếp tục ủng hộ cho việc tự do hóa thương mại, sự kết thúc của chủ nghĩa bảo hộ ở mọi nơi, sự hợp tác khu vực và một hệ thống quản trị toàn cầu với mức độ đại diện nhiều hơn của các quốc gia đang phát triển. Bình thường mới, theo ngữ cảnh này, sẽ bao gồm việc xây dựng một Trung Quốc đủ mạnh để không chỉ vì lợi ích của chính mình mà còn để giúp các nước khác.
Hu Angang là giáo sư của trường Quản trị và Chính sách công thuộc Đại học Thanh Hoa.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét