Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

Vừa đi vừa đọc, chưa kịp ngâm cứu!

Bài viết khá, chủ Blog này cắt bỏ nhiều đoạn liên quan tới Việt Nam.
Giới trí thức nhốt trong lồng
Trần Phan Thưa các nhà trí thức, các anh chị nghĩ sao nếu chúng ta ngồi trong hội trường và nghe những lời rao giảng, chỉ dạy (in nghiêng) như dưới đây ?
Ảnh minh họa của chủ Blog, lấy trên mạng
Một Trải Nghiệm Hơn 30 Năm Trước
Người lao động trí óc mà không liên hệ với lao động chân tay thì chỉ mới là trí thức một nửa. Còn người lao động chân tay mà văn hoá kém, không biết lao động trí óc thì cũng là người không hoàn toàn, cũng chỉ được một nửa. Vì vậy, chẳng những người lao động trí óc và người lao động chân tay phải đoàn kết với nhau, mà mỗi người lao động trí óc muốn là người hoàn toàn phải có lao động chân tay và người lao động chân tay muốn là người lao động hoàn toàn phải vừa biết lao động trí óc, vừa phải biết lao động chân tay. Người trí thức phải biết làm lao động chân tay. Người công nhân, nông dân phải có trình độ văn hoá” (1).

Tôi đã trải nghiệm cảnh đó rồi, lúc đó tôi còn làm việc cho một cơ quan nhà nước trong nước. Vào một dịp lễ kỉ niệm nào đó hơn 30 năm trước, Hội Trí Thức Yêu Nước Tp HCM tổ chức “sinh hoạt chính trị” với chủ đề “Vai Trò Của Giới Trí Thức Trong Liên Minh Công Nông”. Buổi họp có mặt các giáo sư nổi tiếng Nguyễn Chung Tú (Vật Lý), Nguyễn Vĩnh Niên (Dược), Lý Chánh Trung (Triết)… 

Báo cáo viên từ Ban Tuyên Huấn Thành Ủy. Ông đọc đoạn văn trên của chủ tịch Hồ Chí Minh và phát triển các ý chính, ý phụ dài lê thê. Sau đó ông đi vào phần nhà trí thức cần được lãnh đạo bởi đảng của giai cấp công nhân, đảng Cộng Sản Việt Nam, thì mới phát huy được vai trò tích cực của mình, mới có ích cho đất nước. Ông lại trích Hồ Chí Minh: “Đảng và Chính phủ phải giúp bằng cách giáo dục, để trí thức có lập trường vững vàng, quan điểm đúng đắn, tư tưởng sáng suốt, tác phong dân chủ” (2)

Thực tình, tôi có cảm giác đang nghe một người nói lạc đề. Hội Trí thức yêu nước Tp HCM gom một số người mà Ban Tuyên huấn nghĩ là các nhà trí thức, rồi cử một cán bộ tuyên huấn cao cấp lên lớp, giảng giải như giảng cho những công dân sắp tới tuổi bước vào đời!

Nhìn cái cách mà chính quyền Việt Nam đối xử với giới trí thức, người ta cảm nhận rằng cách mà họ hiểu giới trí thức là gì, bao gồm ai khác với nhiều người hiểu. Tôi thấy hình như họ nghĩ bất kì ai có một chuyên môn nào đó, một bằng cấp nào đó đều là người trí thức. Cách nghĩ đó khiến tôi có cảm giác họ có khuynh hướng đánh đồng người công chức làm việc trí óc với người trí thức. Thực ra hai khái niệm đó khác nhau. Chính sự lẫn lộn giới công chức làm việc trí óc với giới trí thức, (............) đã khiến giới trí thức bị lãnh đạo và quản lí thật chặt chẽ, tới mức bị chỉ việc, bị sai khiến!

Người Trí Thức Trong Xã Hội

Nhà trí thức là người có những kiến thức rộng và sâu trên nhiều mặt, từ các sự kiện, qui luật trong thế giới tự nhiên tới các sự kiện và qui luật trong xã hội con người. Những kiến thức đó đồng qui làm cho nhà trí thức có tầm nhìn xa, đưa ra những dự báo chính xác cho tương lai, gợi mở những hướng đi mới, cũng như góp ý, phản biện sâu sắc những kế hoạch, chính sách của nhà cầm quyền hay của một chính đảng… Kiến thức rộng và chắc của người trí thức khiến các hoạt động, tư tưởng của họ thường có tính đột phá, xuyên ra “bên ngoài cái hộp” của các suy nghĩ, các quan niệm thông thường, các định kiến sai lầm…

Một tính chất nổi bật khác của nhà trí thức là sự tham gia tích cực và chủ động để đóng góp vào sự phát triển xã hội. Sự đóng góp này có mục tiêu là phát triển xã hội, phát triển đất nước chứ không nhằm biện minh hay minh họa cho một chính quyền, một đảng phái, một khuynh hướng chính trị-xã hội riêng nào. Bởi vì người trí thức chân chính tìm được nguồn vui và sự thõa mãn vô tận trong các công việc có tính tri thức cao và mang lợi ích cho công đồng.

Do đó, đóng góp của giới trí thức có tính khách quan, tính khoa học, tính cống hiến, và từ đó, là tấm bảng chỉ đường quí báu cho dân tộc.

Ngoài ra, hoạt động của giới trí thức, thông qua kiến thức được chia sẻ, thảo luận… sẽ nâng tầm tri thức của toàn thể xã hội. Dân chúng được trang bị tri thức là nắm trong tay phương tiện mạnh nhất để xây dựng và bảo vệ cuộc sống ấm no, hạnh phúc, bảo vệ nền tự chủ của dân tộc, nền độc lập của tổ quốc trong thanh bình.

Do tính khách quan và không xu phụ quyền thế, giới trí thức thường ít được nhà cầm quyền yêu mến. Tuy nhiên, nhà cầm quyền nào biết giá trị các đóng góp của giới trí thức sẽ biết cách dùng tấm bảng chỉ đường giới trí thức đề ra, và sẽ cùng dân tộc đi lên con đường phát triển.

....................................................

Như đã nói ở trên, người trí thức có 2 đặc tính chính: a) kiến thức rộng về tự nhiên, xã hội, có tầm nhìn xa, đúng đắn, và b) tinh thần và thái độ dấn thân một cách khách quan, trung thực vì sự phát triển xã hội.

Hai đặc tính đó chỉ được phát triển mạnh mẽ trong các điều kiện của một xã hội tự do khai phóng. Xã hội tự do dân chủ phát triển giới trí thức, và hoạt động của giới trí thức hoàn thiện xã hội tự do. Ngoài ra, cũng cần một chính quyền có đủ tầm tri thức để biết giá trị của giới trí thức, và đủ tấm lòng trong sáng với vận mệnh dân tộc để khuyến khích các hoạt động của giới trí thức. Chỉ một xã hội tự do dân chủ mới có điều kiện tuyển chọn một chính quyền như vậy.

Xã hội nhất nguyên, độc nguyên ràng buộc tri thức con người trong một cái lồng tư tưởng chắc chắn sẽ kìm hãm các hoạt động của giới trí thức. Giới trí thức bị nhốt trong lồng thì không còn là giới trí thức nữa

Hậu quả của con đường Việt Nam đang đi là:

1) Đất nước ngày càng thua kém lân bang, thua cả những nước mà vài mươi năm trước cùng trình độ phát triển với Việt Nam;

2) Xã hội không ổn định trong bất công và hận thù, phong hóa suy đồi, giá trị sống thấp kém và đảo lộn;

3) Việt Nam ngày càng yếu ớt, ươn hèn và lệ thuộc vào Trung Quốc đang từng ngày xâm lấn thêm lãnh thổ cha ông, giết hại dân chúng Việt Nam…

Chừng nào giới trí thức mới giành được quyền tự do hoạt động trên nước Việt Nam?

Chừng nào các nghiên cứu, đề xuất, giải pháp... của giới trí thức về các đề tài lớn liên quan tới vận mệnh dân tộc mới được tự do công bố để dân chúng công khai thảo luận và chọn lựa?

Chừng nào nước Việt Nam mới bước lên con đường phát triển văn minh và bền vững trên nền tảng tri thức?

Tác giả tin rằng chỉ cần một bước nữa thôi! Một bước mạnh dạn và quyết tâm về phía dân chủ hóa đất nước để tri thức hóa dân tộc.

Chỉ cần một bước đó thôi là cứu vãn được 40 năm phát triển đã bị mất!

Thời cuộc thế giới và khu vực đang bày ra thời cơ thuận lợi. Việt Nam ơi, có cố gắng được hay không?

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1) Hồ Chí Minh Toàn Tập, Nhà Xuất Bản Chính Trị Quốc Gia, 2002, tập 8, tr.395.
2) Hồ Chí Minh Toàn Tập, Nhà Xuất Bản Chính Trị Quốc Gia, 2002, tập 8, tr.216.
3) VOV. VN – Phát Biểu Của Tổng Bí Thư Tại Đại Hội Liên Hiệp các Hội KH&KT Việt Nam.

http://www.voatiengviet.com/content/gioi-thi-thuc-nhot-trong-long/2837263.html


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: