Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

nhưng thượng đế ban cho họ hơi ít..


NỖI NIỀM TÁC PHẨM ĐỈNH CAO 

Hoàng Quốc Hải

 

TNc: Tham luận này nhà văn Hoàng Quốc Hải đọc tại Đại hội VII Hội Nhà văn VN. Mười năm trôi qua vẫn còn nguyên "nỗi niềm" ấy. Nhân ĐH IX sắp họp, trang nhà xin giới thiệu cùng bạn đọc ý kiến của tác giả Vương triều sụp đổ....

Tại sao văn học Việt Nam hiện nay không có tác phẩm đỉnh cao?
Câu hỏi ấy đã bao hàm câu trả lời rồi. Thật ra trên thế giới không phải đã có nhiều quốc gia có nền văn học đỉnh cao. Và cũng không phải thời nào cũng có tác phẩm đỉnh cao.
Châu Âu suốt ba thế kỷ ( XVII – XVIII – XIX ), nền văn học xuất hiện nhiều trường phái, đạt nhiều đỉnh cao chói lọi. Nhưng sang thế kỷ XX các đỉnh cao cứ thưa vắng dần, và chỉ còn lại những bình nguyên văn học.
Nước ta không phải không có văn học đỉnh cao. Nhưng người mình thường có tư tưởng vọng ngoại. Cái gì của nước ngoài cũng xem trọng, của ta thì xem thường. Đã thế, người trong nghề lại không chịu thừa nhận ai, ngoài mình. Đó là đầu óc thiếu tự tin, nhưng lại nặng về vị kỷ. Lọai tư duy này làm con người trở nên bé mọn, và thường không được khách quan, sáng suốt.
Mười năm (1932 – 1942) của Tự lực văn đoàn làm nảy sinh các trường phái văn học:
- Lãng mạn.
- Hiện thực phê phán.
- Suy đồi. …
Các trường phái này cọ sát nhau nảy sinh khá nhiều đỉnh cao văn học. Thế nhưng sự đánh giá của cả đương đại và hậu thế khá dè dặt, thậm chí không thừa nhận.
Trong giai đoạn này ta dễ nhận thấy có một nhà văn, nếu ông sinh ở nước khác, và với những cống hiến ấy, đời phải tôn ông là bậc thiên tài. Đó là Vũ Trọng Phụng.
Vũ Trọng Phụng sống và chết trong nghèo khổ. Sinh thời, ông chỉ ao ước: “ Nếu như ở đời có được cơm mà ăn no nhỉ?”. Năm 27 tuổi, ông qua đời vì bệnh lao phổi, để lại một người con và một đống tác phẩm. Không ít trong số mấy chục tác phẩm của ông đạt tầm cao thế giới.
Vậy mà những tác phẩm ấy bị vùi lấp trên nửa thế kỷ, không một lần được tái bản. Bởi một thời gian dài người ta vu cho ông là phần tử Trốt- kít( Trosky ). Tới khi tác phảm của ông được tái bản, chị Vũ Mỹ Hằng, con gái ông đã ngoài 50 tuổi, chỉ dán mắt nhìn các tác phẩm của cha mình là tài sản chung của xã hội, theo “Luật bản quyền” vừa mới ban hành.
Chị Hằng và chồng đưa phần mộ của cha mình về ngôi vườn tại quê hương, nơi làng Mọc. Ngôi mộ được xây cất đàng hoàng, ốp đá cẩm thạch mà không có bất kỳ một tài trợ nào từ nhà nước và các hội đoàn. Sự thờ ơ đến bội bạc của đương thời và hậu thế khiến nhiều nhà văn thấy nản lòng.
Lại mười năm nữa ( 1986- 1995 ) thường gọi là “văn học thời đổi mới”. Giai đoạn này, các nhà văn Việt Nam bằng văn chương của mình, đã khuấy động toàn xã hội; đem lại cho mọi người một không khí sinh hoạt dân chủ. Công chúng độc giả trong cả nước như bị lên đồng, và họ “ngốn” tác phẩm của nhà văn như người khát trên sa mạc. Báo Văn nghệ in trên 100.000 rồi 200. 000 bản cho mỗi số, vẫn không đủ bán. Tiểu thuyết tirage thấp nhất là 10.000 bản, cao nhất tới gần 100.000 bản cho mỗi đầu sách. Thơ cũng in từ 5000 đến 10.000 bản. Thử hỏi văn chương đó ai viết ? Phần lớn các tác giả của những tác phẩm ấy vẫn còn tồn tại, và một phần không nhỏ có mặt trong Đại hội này.
Thời đó, cái 10 năm vàng son ấy, tuyệt nhiên không có công chúng nào đòi chúng ta phải có tác phẩm đỉnh cao.
Liệu có phải những gì chúng ta viết thời đó đều đã ở đỉnh cao, hay bởi giai đoạn đó văn học đã đề cập một cách thỏa đáng khát vọng của công chúng. Có lẽ vậy. Vấn đè là khát vọng của số đông được thỏa mãn.
Và 10 năm lại đây ( 1996-2005 ), số lượng tác phẩm của các nhà văn phát hành không phải là ít, nhưng không khuấy động được công chúng. Không khí văn học bình lặng như mặt nước ao thu. Khá nhiều tác phẩm rất đáng đọc. Nó tốt cả về nội dung lẫn nghệ thuật. Nhưng công chúng bạn đọc vẫn cứ thờ ơ, và đòi nền văn học đương đại phải có tác phẩm đỉnh cao. Đòi hỏi đó là nỗi bức xúc của công chúng trước hiện thực xã hội. Bởi soi vào tác phẩm văn học, họ cảm thấy hẫng hụt.
Thật ra, cái nền hiện thực xã hội trong 10 năm gần đây , dư thừa chất liệu cho các nhà văn Việt Nam làm nên tác phẩm đỉnh cao. Đây là cơ hội, dù là cơ hội đem lại nhiều bất hạnh cho số đông, nhưng nếu bỏ qua là một tiếc nuối, một ân hận. Bức tranh xã hội đủ màu sắc. Vui có, buồn có, bi thương có, âm mưu thủ đoạn có, tham nhũng hối lộ có, lừa đảo có, đểu cáng có, bất hiếu bất mục , bất nhân bất nghĩa… không thiếu một loại nào. Đặc biệt lũ cơ hội xuất hiện nhan nhản. Đó là những kẻ tiếm dụng quyền hành để tước đoạt trắng trợn tài sản quốc gia, hối hả tích lũy vốn liếng để mau chân chạy sang hàng ngũ tư bản. và bây giờ chúng đang âm mưu rửa tiền để hợp thức hóa và công khai khối tài sản khổng lồ mà chúng chiếm được bằng các thủ đoạn bất lương. Từ bức tranh xã hội này, công chúng đòi hỏi nhà văn bằng ngòi bút và lương tâm của mình, vạch mặt bọn chúng, “ không cho chúng nó thoát!”. Phải cho tái xuất các gương mặt kiểu “Nghị Quế “, “Nghị Hách”, “Xuân tóc đỏ”, “Bà phó Đoan”, “Bá Kiến”, “Chí Phèo” … thời hiện đại.
Bức tranh hiện thực xã hội phong phú là vậy mà không được phản chiếu trong tác phẩm,vì thế công chúng mới chối bỏ. Và đó là điều tệ hại nhất đối với nhà văn. Đó còn là dấu hiệu báo trước một nền văn học đang vững chắc bước vào giai đoạn suy thoái. Có người đặt vấn đề, hay là nhà nước không đầu tư tiền bạc thỏa đáng cho nhà văn sáng tác?
Không phải vậy. Tiền bạc là cần thiết nhưng không phải là nhân tố cấp bách với nhà văn.
Ta chẳng từng thấy Ngô Tất Tố phải bán non tác phẩm cho nhà xuất bản Mai Lĩnh, để lấy tiền sống đó sao? Lại chẳng thấy Nam Cao, Vũ Trọng Phụng sống trong khốn khó, mà các ông vẫn để lại cho đời những tác phẩm đỉnh cao đó sao?
Thật ra muốn có tác phẩm đỉnh cao, ngoài yếu tố tài năng của nhà văn, còn đòi hỏi xã hội phải chuẩn bị cho nó.
Thời Vũ Trọng Phụng, Nam Cao các mâu thuẫn xã hội, mâu thuẫn dân tộc và đế quốc đã phát triển tới đỉnh điểm. Các trào lưu văn học đua nhau nảy nở thành trường phái mà không có sự gò ép, cấm đoán. Chính quyền thực dân chỉ khống chế các đoàn thể chính trị, cách mạng. Các nhà văn như Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Thế Lữ, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Xuân Sanh… tiêu biểu cho các trường phái đều có những tác phẩm đỉnh cao.
Muốn nói gì thì nói, 10 năm đó ( 1932-1942 ), các trường phái văn chương đua nhau nảy nở, đã là chất xúc tác cho các nhà văn sáng tạo. bản thân mỗi nhà văn đều có lòng yêu ghét rõ ràng, và được viết tất cả những gì mình viết, mà không sợ chính quyền thực dân cản trở.
Tình hình hiện nay, phải thừa nhận điểm yếu của văn chương Việt Nam là đơn điệu quá. Trên nửa thế kỷ qua tất cả chỉ nói theo một giọng điệu, viết theo một thi pháp. Bản thân nghệ thuật là khám phá, là luôn luôn tìm tòi đổi mới. Vậy mà 60 năm qua chỉ đi mỗi một con đường để cùng đến một mục tiêu làm gì chẳng cũ kỹ, sáo mòn. Lẽ ra phải tạo điều kiện để có nhiều con đường khác nhau, cùng đến chung một đích; đó là dân tộc, là Tổ quốc, là chủ nghĩa yêu nước.
Vậy cái gì cản trở nhà văn? Phải chăng quyền tự do sáng tác, tự do công bố tác phẩm của nhà văn bị hạn chế? Nó còn là sự tự kỷ ám thị, lâu năm trở thành nỗi sợ hãi, tới mức không dám viết về những điều mình nghĩ. Bởi chế tài những sai sót của nhà văn không được minh bạch, không có luật mà phụ thuộc vào định hướng chung chung. Và rồi ai cũng có quyền phá hỏng cả một sáng tác phẩm nghiêm túc của nhà văn, thậm chí phá nát cả sự nghiệp và cuộc đời nhà văn bằng nhận thức thấp kém của chính một người quyền uy nào đấy. Tình trạng đó tới nay vẫn chưa chấm dứt. Thỉnh thoảng vẫn thấy những tác phẩm bị đình chỉ phát hành, bị thu hồi nhưng không công bố công khai, khiến tác giả và công chúng cũng không biết vì sao nữa.
Để chấm dứt tình trạng mù mờ đó cần phải xây dựng một xã hội đối thoại, xã hội dân chủ. Vì vậy, mọi thứ phải được minh bạch trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Tôi đề nghị nhà nước hãy trả lại cho văn chương báo chí quyền tự do sáng tác, mà nhà nước đã trưng dụng trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm vừa qua. Đó không chỉ là quyền tự do sáng tác của nhà văn, nhà báo mà còn là quyền được thông tin khách quan của công chúng. Chiến tranh đã chấm dứt 30 năm rồi mà văn chương báo chí vẫn sống trong cảnh mù mờ. Cả nước có tới gần 1000 tờ báo và tạp chí, nhưng quy về chỉ có mỗi một Tổng biên tập, tránh sao khỏi sự đơn điệu và sáo mòn.
Tròn 60 năm kể từ ngày văn chương báo chí đi theo cách mạng, tỉ lệ mắc sai lầm về tư tưởng, về chính trị, kinh tế trong đội ngũ văn chương báo chí là thấp nhất so với bất cứ một ngành nghề nào. Thế mà độ tin cậy của Nhà nước đối với nhà văn lúc nào cũng ở mức thấp nhất.
Nhân loại đang bước mạnh vào kỷ nguyên hội nhập. Những ngành có tính chất sống còn của một quốc gia, từ xưa nhà nước vẫn độc quyền nắm giữ như thông tin viễn thông, điện lực, tài chính ngân hàng, nhà nước còn mở cửa mời gọi tư bản đến hùn hạp tỉ lệ đến 30%. Nhiều phương diện được thúc đẩy cổ phần hóa, tư nhân hóa. Vậy mà chỉ một tờ báo, một nhà xuất bản tư nhân lại không thể chấp nhận. Tiếc thay, những quyền đó đã được ghi liên tục trong hiến pháp từ ngày mở nước tới nay. Tôi đề nghị Nhà nước nên thành lập một cơ quan kiểm duyệt. Ví dụ đó là Cục kiểm duyệt chẳng hạn. Đặt nó trong Bộ nào, Ngành nào tùy Nhà nước.
Công cụ để giám sát, chế tài là “luật báo chí”, “luật xuất bản”, “luật sở hữu trí tuệ”; đồng thời tham chiếu cả “luật dân sự”, “luật hình sự”.
Mọi công dân Việt Nam đều phải tuân thủ luật pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Điều đó có nghĩa rằng, công dân nhà văn Việt Nam không được phép viết ra, cũng như không được phép công bố những điều mà luật pháp ngăn cấm.Ví dụ tuyên truyền cho bạo lực,dâm ô,kích động các phần tử phản động chống lại nhà nước…Trái lại,công dân nhà văn Việt Nam có quyền được viết,được công bố những sáng tác phẩm của mình trên các phương tiện thông tin và in ấn,với những nội dung mà luật pháp không cấm.
Đương nhiên,đây là quyền công dân,lẽ ra phải được tôn trọng,được bảo hộ song hành với việc ban bố các đạo luật trên.
Chúng ta đang sống trong một xã hội công dân,đòi hỏi mọi sự phải được giải quyết minh bạch.Vì vậy,những tác phẩm bị kiểm duyệt toàn bộ hoặc kiểm duyệt một phần,cần được công bố công khai.Và nói rõ tác giả đã vi phạm những điều nào ,điều nào theo luật định.Nếu tác giả không chấp nhận,họ có quyền khiếu nại việc đó ra tòa dân sự.
Một khi mọi việc đã minh bạch,mà nhà văn không đem lại được điều gì mới mẻ vào văn chương,thì đúng là họ bất tài.Mọi trách cứ,mọi lên án của công chúng bạn đọc đều trở nên có lý.
Điều hiển nhiên,tác phẩm văn học đỉnh cao không phải là thứ cầu được, ước thấy.Nó đòi hỏi nhà văn phải có tài năng lớn,trí tuệ siêu việt,nhân cách cao thượng.Hơn nữa,tầm tư tưởng phải vượt thoát ra khỏi sự cám dỗ của đời thường.Nhà văn cỡ này phải có tâm huyết tới mức tử vì đạo.Những phẩm chất trên,các nhà văn Việt Nam đều có cả,nhưng thượng đế ban cho họ hơi ít.
Láng Thựong ngày 21 tháng 4 năm 2005
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: