Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 25 tháng 6, 2015

ĐẠI HỘI NHÀ VĂN VUI ĐÁO ĐỂ


NM và nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú ở ĐH 8


Ngô Minh
 Mỗi kì Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam đều để lại những kỉ niệm khó quên.  Tôi là nhà văn đã dự liên tục nhiều kỳ đại hội Hội Nhà Văn Việt Nam (4, 5, 6, 7,8). Đại hội 9 diễn ra từ ngày 9- 11/7/2015, đã có giấy mời. Như thế tôi đã dự 6 ĐH nhà văn. Nhiều chuyện vui lắm. Đối với tôi, ấn tượng nhất là Đại hội IV họp 6 ngày, từ 26/10 đến ngày 1/11/1989 tại Hội trường Ba Đình. Tôi đã ghi tốc ký đầy một cuốn sổ tay đầy. Dự kiến sẽ viết một cuốn sách, nhưng chưa viết được. Trong Đại hội này các nhà văn đã bàn nhiều chuyện rất nghiêm túc như:  không nên có một phương pháp sáng tác duy nhất, tự do sáng tạo, đổi mới văn chương, nghị quyết 05 của Bộ Chính trị về Văn hoá văn nghệ, về việc đổi mới của báo Văn Nghệ , tạp chí Sông Hương. Đại hội bầu trực tiếp Tổng thư ký Hội, quy định một người không giữ chức Tổng thư ký quá hai nhiệm kỳ, thông qua điều lệ mới v.v...Đại hội sôi nổi và căng thẳng giữa  2 phe "cấp tiến" và "bảo thủ" . Nhiều người Hà Nội đến trước Hội trường Ba Đình "biểu tình", chờ các nhà văn nghỉ giải lao để gửi kiến nghị lên trên. Các bác xích lô Hà Nội thấy tôi đi bộ, đeo phù hiệu ĐH là mời ngồi lên xe về nhà khách Chu Văn An không lấy tiền...Nhân Đại hội Nhà văn IX sắp họp, tôi muốn kể những chuyện rất lạ, rất vui mà chỉ có Đại hội Nhà văn mới có.

MẤT NỬA NGÀY BẦU CHỦ TỊCH ĐOÀN ĐẠI HỘI 4

Nhà văn Nguyễn Đình Thi, Tổng thư ký (TTK) Hội Nhà văn khoá 3 xin Đại hội trù bị biểu quyết cho số lượng chủ tịch đoàn Đại hội 5 hay 7 người và đưa ra danh sách Chủ tịch đoàn dự kiến do BCH cũ giới thiệu gồm, nhưng lại kê sẵn 7 cái ghế Chủ tịch đoàn (CTĐ). Thế là tranh luận. Nhà văn Dương Thu Hương: "Ban chấp hành đưa ra danh sách ngay từ đầu là thiếu khiêm tốn. Đại hội sẽ bầu ra già làng của mình". Nhà văn Nguyễn Quang Thân: "tôi rất lo lắng cho sức khoẻ của CTĐ, nếu theo danh sách đề nghị của BCH cũ". Ý nói CTĐ toàn người già. Thế là chuyện già trẻ thành vấn đề tranh cãi. Nhà văn Vũ Thị Thường nói: "Nhà văn phải thương nhau. Đừng áp đảo người già. Thế là ác. 30 năm nữa các anh cũng thành cụ". Nhà thơ Ý Nhi lên tiếng: "Đẩy vấn đề sang thiện - ác như chị Vũ Thị Thường là không đúng". Nhà thơ Tạ Vũ ngật ngưỡng rượu bước lên diễn đàn chỉ nói một câu rồi lại ngật ngưỡng về: "CTĐ cũng sai. Sai quá đi chứ!". Cả hội trường cười ồ. Rồi tranh luận CTĐ cần cơ cấu hay không cơ cấu cũng mất cả tiếng đồng hồ. Tranh luận về nguyên tắc bầu cử giơ tay hay bỏ phiếu kín. Tranh luận căng thẳng tới mức, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn nói: "Đại hội ta rất vui, rất có ý nghĩa. Nên mua cái catsett để ghi lại". Nói năng qua lại rồi cuối cùng cũng thống nhất được một danh sách 9 người để bầu 7 vị CTĐ. Bầu bằng giơ tay và đếm. Đến đây thì sinh một chuyện gay cấn. Nhà văn Tô Hoài, đã có vé đi Cai-rô (Ai-Cập). Ngày mai bay, lại có tên trong danh sách bầu CTĐ, nhưng ông không rút. Các nhà văn Nguyễn Kiên, Nguyễn Quang Lập: "Chuyến đi của anh Tô Hoài là có thật. Đề nghị anh làm rõ". Nhà văn Tô Hoài: "Tôi đã nhận trước BCH, tôi không có ý kiến rút. Công việc của tôi tôi sẽ báo cáo với BCH". Cuối cùng thì cũng thống nhất bầu CTĐ bằng giơ tay. Các nhà văn trúng CTĐ là: Nguyễn Đình Thi, Trần Bạch Đằng, Chu Văn, Lương Quy Nhân, Phan Tứ, Lê Minh, Ý Nhi, Cao Tiến Lê. Mới khởi đầu mà đã gay go thật. Nhiều nhà văn ngồi CTĐ Đại hội IV ấy bây giờ đã thành người thiên cổ. Nhớ lắm!
Đến 12 giờ kém 15 mới được nghỉ. Như vậy già nửa ngày làm việc Đại hội mới bầu xong CTĐ. Gay go thật!

CHỦ TỊCH ĐOÀN RUNG CHUÔNG - CHUYỆN HI HỮU Ở VIỆT NAM

Một chuyện gay cấn mà vui ở Đại hội Nhà văn IV là ai được tham luận, ai không. Số hội viên đi Đại hội là 400 mà có tới 108 người đăng ký tham luận. Lấy đâu thời giờ mà đọc, mà nói. Có người sáng kiến: Những tham luận lạc đề, hoặc dài quá, thì Đại hội sẽ vỗ tay mời xuống. Nhà văn Hoàng Xuân Nhị (lúc này đã 82 tuổi) nói: "Đề nghị không được vỗ tay mời đại biểu xuống". Nhà văn Tô Ngọc Hiến đứng phắt dậy: "Đề nghị vỗ tay, không được trích kinh điển dạy dỗ anh em dài dòng". Nhà văn Nguyễn Khắc Phê đề nghị: "Mỗi đại biểu nên phát biểu 10 phút". Một đại biểu quân đội nói: "Nên được 2 lần phát biểu nhưng không được liền nhau". Nhà văn Hoàng Quốc Hải cười hỏi: "Có được bán nhượng quyền tham luận không? Tôi nghe có người định đầu cơ quyền tham luận!". Nhà văn Nguyễn Huệ Chi phân trần: "Mỗi người chỉ phát biểu hai lần trong xung đột sợ không tìm ra chân lý - tức là tước bỏ chân lý. Vì có người có 5 cái lưỡi, một hộp lưỡi!". Nhà thơ Thu Bồn bức xúc: "tôi đăng ký tham luận từ 2 ngày trước, sao lại xếp số 70? Hôm qua tôi đã đăng ký một lần nữa, số 47. Tôi không tin Đoàn thư ký trong việc xếp thứ tự tham luận!". Nhà văn Triệu Bôn: "Đề nghị bắt thăm đọc tham luận" v.v... Cuối cùng nhà văn Nguyễn Quang Lập có sáng kiến được mọi người tán thưởng: "Đề nghị CTĐ rung chuông đối với những người nói lạc đề và nói quá 10 phút". Thế là Đại hội nhất trí rung chuông. Giải lao, có người đùa với anh Nguyễn Đình Thi: "Thế là Hội ta thành Liên hiệp quốc rồi đấy. Phát biểu quá giờ Tổng thư ký rung chuông cắt". Anh Thi cười: "Hội Nhà văn còn hơn cả Liên Hiệp quốc. Liên Hiệp quốc có 200 nước, Hội ta có 400 hội viên, tức là 400 nước, không ai chịu ai. Nên phải có chuông rung mới công bằng".
Không biết nhà văn Nguyễn Đình Thi kiếm đâu ra cái chuông rung cũng kêu ra phết. Mỗi lần nhà văn nào nói quá giờ, hay nói lạc đề, chuông rung, tức thì cả đại hội vỗ tay bắt phải xuống. Nhưng cũng có nhà văn rất khôn. Nhà văn DTH lên diễn đàn, trước khi đọc tham luận của mình, nói: "Có người nhờ tôi nói việc này, việc kia, chủ tịch đoàn không được cắt thời gian của tôi. Trong tham luận của nhà văn khi nói đến ông Kim Ngọc ở Vĩnh Phú, toàn dùng cụm từ "Tổng bí thư Kim Ngọc". Có nhà văn ngồi dưới nói to nhắc: "Bí thư tỉnh uỷ Kim Ngọc". Nhưng DHT vẫn cứ nói "Tổng Bí thư Kim Ngọc". Tôi hiểu ý nhà văn này muốn nói rằng, người như ông Kim Ngọc phải gọi là "Tổng bí thư". Nhà thơ Thu Bồn cũng học theo cách đó: "Trước khi tham luận tôi xin nói hộ ý kiến của hai đồng chí ngồi cạnh tôi, rằng 400 nhà văn không mất đoàn kết. Chỉ có BCH khoá 3 gây mất đoàn kết, báo cáo sai lệch tình hình nhà văn lên Trung ương. 400 nhà văn Việt Nam không phủ nhận quá khứ…". Thế là thêm nửa ngày nữa mới thống nhất được việc tham luận mấy phút và chuông không.
Cái chuông CTĐ hiệu nghiệm thật. Đa số tham luận đã được đọc. Nhiều vấn đề then chốt của văn chương nước nhà đã được các nhà văn bàn luận nghiêm túc, cởi mở.

BẦU CỬ LẠ LÙNG Ở ĐẠI HỘI NHÀ VĂN

Tôi ở trong Ban kiểm phiếu của Đại hội nên rất thấm thía chuyện bầu cử ở Đại hội Nhà văn IV. Nhà văn luôn mong có nhiều thời gian để đi, để đọc, để viết. Nhưng cũng có không ít nhà văn mê làm BCH lắm. Đại hội Nhà văn IV là đại hội toàn thể. Có 400 nhà văn đi Đại hội. Đại hội biểu quyết số lượng BCH khoá mới từ 21 - 25 vị. Thế mà mà danh sách ứng cử và đề cử sau khi rút lại lên tới 251 người, chiếm 63 %. Đại hội Nhà văn lần VII cũng vậy. Danh sách đề cử sau khi rút lại gần 200 người, nên bỏ phiếu chỉ 6 người quá bán. CTĐ đề nghị bầu lần 2, Đại hội biểu quyết: "Không bầu nữa". Thế là BCH chỉ đúng một mâm. Hồi Đại hội IV chưa sử dụng máy vi tính, nên phải đánh máy phiếu bầu cử dài dằng dặc tới ba bốn trang, rồi in ra thành 400 bản. Vì danh sách đề cử đông nên bầu đại biểu quá bán rất khó. Nhà văn nói năng hăng hái thế, nhưng nhiều người ham vui quên bỏ phiếu. Ban tổ chức mấy lần ra căng tin đằng sau Hội trường Ba Đình kêu gọi: "Mời các nhà văn vào hội trường để bỏ phiếu", vẫn có mấy chục người ngồi say sưa chạm cốc.
Đại hội IV là Đại hội lần đầu tiên có ngọn gió đổi mới, nên nhà văn chia làm 2 phái "Phái vui tươi và phái hằm hằm" (Nguyễn Duy). Anh em gọi phái vui tươi là phái đổi mới, phái hằm hằm là phái bảo thủ. Nên trong BCH cũng xảy ra việc tranh chấp phái. Kiểm phiếu từng bàn một cũng chia làm hai: Hai người đọc, hai người ghi, hai người đứng đằng sau theo dõi. Kiểm phiếu tới gần một giờ đêm, phải bồi dưỡng cháo gà khuya. Tính tôi hay ngủ sớm, nên buồn ngủ lắm. Đến nhà văn Nguyễn Khải, tôi lẫn sang người dưới nên không xướng. Đáng lẽ người theo dõi đằng sau nhắc nhở: "Anh quên đọc Nguyễn Khải". Thì anh ta lại hỏi gay gắt: "Tại sao anh lại không đọc Nguyễn Khải?". Thật căng thẳng. Có một cái phiếu bầu cử trong đó có bầu cho nhà thơ Ý Nhi. Nhưng cái phiếu ấy phía trên lại có mấy nét gạch bút bi như là người ta thử bút trước khi viết vậy. Thế là hai bên cãi nhau. Một bên cho là người bầu cử làm ám hiệu, tôi thì cho rằng đây không phải là ám hiệu, vì ký hiệu như vậy không có ý nghĩa gì cả. Thế là tờ phiếu được lưu lại. Đến phiên họp sáng mai, chủ toạ Đại hội là nhà văn Trần Bạch Đằng, Nhà văn Bùi Hữu Tòng, trưởng ban kiểm phiếu và tôi đưa tờ phiếu bầu xuống xin ý kiến CTĐ. Nhìn thấy tên Ý Nhi không gạch, Chủ tịch đoàn phán ngay: "Đây là ám hiệu". Thế là tờ phiếu bị huỷ. Sau này tính toán quá bán, Ý Nhi chỉ cần một phiếu đó nữa là trúng BCH. Nhưng chị đã không trúng vì cái phiếu huỷ ấy. Thật oan uổng.
Vì quá đông người đề cử, nên bầu lại lần thứ hai mới có 9 người quá bán là: Nguyễn Quang Sáng, Nguyên Ngọc, Vũ Tú Nam, Xuân Cang, Chính Hữu, Hữu Thỉnh, Nguyễn Khải, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Hữu Mai. Chưa được một nửa con số 21 người BCH mà Đại hội thông qua. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng cao phiếu nhất, được Đại hội giới thiệu bầu Tổng thư ký, nhưng ông một mực xin thôi để về Sài Gòn uống rượu. Cuối cùng nhà văn Vũ Tú Nam được bầu làm Tổng thư ký Hội Nhà văn khoá 4. "Tổng thư ký của hội ta / Tướng công vốn có hiệu là Văn Ngan" (Nguyễn Duy). Sau khi nghe công bố danh sách BCH mới, nhà văn Trần Dần, được ở nhà khách Chu Văn An vì đau chân, xách đồ đặc ra đường tìm taxi về nhà. Tôi hỏi: "Đại hội còn ngày mai nữa sao bác về sớm thế?". Anh Trần Dần thảng thốt: "Thua rồi!". Tức ý anh trong BCH mới ấy, người bảo thủ nhiều hơn, nên khó đổi mới văn chương.
Tôi thì nghĩ khác, văn chương là của từng người, nhà thơ Trần Dần bao nhiêu năm nay là người luôn đổi mới văn chương chữ nghĩa đấy thôi, có ai cản ông được đâu!
Đến Đại hội lần thư 8 (2010) thì bầu cử càng trở nên bát nháo. Số là danh sách đề cử đông, không ai chịu rút. Cho đến phút chót đaị hội  thông qua danh sách bầu cử cả trăm người, Ban tổ chức mới cho in phiếu. Phiếu in máy vi tính ở phòng cành hội trường, in đến đâu phát đến đấy. Không phải một người phát mà hàng chục người phát. Có người nắm cả tập phiếu, ngồi ghi gạch cắm cúi, muốn ghi ai thì ghi. Có hội viên ngồi chờ cuối cùng không có phiếu để bầu. Tôi phải xông lên giành được một pohieeus để thực hiện”quyền bầu cử”.Nữ nhà thơ Vi Thùy Linh như con choi choi, nhạy lên chạy xuống nhặng xị hô hãy bỏ cho người này, không bỏ cho người khác. Trên tay chị cầm cả nắm phiếu. May mà số đại biểu bầu một lần trung 15 Ủy viên chấp hành như dự kiến. Không biết trong đó có bao nhiêu người trúng cử BCH nhờ cách phát phiếu nhặng xị ấy.

HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG HAM "ĐỐI TRỌNG" QUÊN ĂN TRƯA

Ở Đại hội Nhà văn lần thứ V (1995), nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đọc bài tham luận rất hay về quan điểm Đối trọng, nghĩa là các nhà văn có trách nhiệm với đất nước, nhân dân phải mạnh dạn nêu ý kiến phản biện xã hội để Đảng và Nhà nước ban hành các quyết sách đúng đắn hơn. Kiểu như quan can gián vua trong các triều đại ngày xưa. Trưa hôm sau, văn phòng Tổng Bí thư Đỗ Mười đưa xe đến mời nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường tới gặp mặt Tổng bí thư. Anh Tường kể: Cuộc nói chuyện bắt đầu từ 10 giờ sáng, chỉ có 3 người là là TBT Đỗ Mười, anh Tường và ông Nguyễn Đức Bình, lúc đó là Uỷ viên Bộ Chính trị phụ trách công tác tư tưởng. Nhưng ông Bình chỉ ngồi nghe, từ đầu đến cuối không nói gì. TBT Đỗ Mười là một nhà lãnh đạo tâm huyết và có tài hùng biện, Hoàng Phủ Ngọc Tường là nhà văn thông kim bác cổ, nên hai người say sưa nói chuyện. Vẫn chuyện đối trọng hay không đối trọng, nhưng câu huyện thân tình, cởi mở. Đến khi nhìn đồng hồ thì đã 12 giờ rưỡi trưa. Hồi đó chưa có chế độ làm việc thông tầm. TBT Đỗ Mười chủ động dừng câu chuyện. TBT Đỗ Mười bảo: "Tôi với anh sẽ ăn suất cơm của tôi!". Nhưng nhà bếp Trung ương Đảng đã đóng cửa. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường về đến khách sạn thì bếp ăn cũng đóng cửa…

PHÙNG QUÁN MỜI RƯỢU ĐẠI HỘI

Sau Đại hội nhà văn lần thứ nhất (từ 1 - 4/4/1957), nhà văn Phùng Quán dính tai nạn văn chương Nhân văn - Giai phẩm, mãi đến Đại hội IV, tức 32 năm sau anh mới được cùng các đồng nghiệp văn chương dự Đại hội Nhà văn. Anh xúc động lắm nên anh đã mời rượu đại hội theo cách của anh. Những ngày Đại hội anh luôn thủ sẵn một be rượu và một cái chén mắt trâu trong cái túi Mán của mình. Anh lần đi từng dãy ghế trong Hội trường Ba Đình, tìm đến các bạn văn ba miền, rót mời mỗi người một chén, rồi lại đi dãy bàn khác. Hết rươụ thì về nhà lấy. Vì nhà anh ở sau trường Chu Văn An, rất gần Hội trường Ba Đình. Anh mời rượu như thế suốt mấy ngày Đại hội, nên những chuyện "Nguyễn Văn Hạnh một mình một ngựa/ Phá vòng vây ở giữa sa trường"… hay "Hồi kết cuộc chia làm hai phái/ Phái vui tươi và phái hằm hằm"… như trong diễn ca của Nguyễn Duy kể, anh Quán không quan tâm lắm. Một buổi tối, không họp, tôi đến nhà anh mượn cái xe đạp để đi thăm bạn bè Hà Nội. Thấy tôi bước lên "chòi ngắm sóng", Phùng Quán reo lên: "Đây rồi! Đây rồi. Ngô Minh vừa là nhà thơ vừa là nhà báo, sẽ tường thuật đầy đủ cho các vị về "tình hình Đại hội ngày hôm nay". Tôi nhận ra rất nhiều trí thức đang ngồi nhâm nhi rượu Phùng Quán mời như giáo sư Hồ Ngọc Đại, Tiến sĩ toán học Nguyễn Xuân Tấn… đang chờ Phùng Quán kể cho nghe không khí sôi động, quyết liệt của Đại hội Nhà văn trong Hội trường Ba Đình, nhưng anh Quán lại ít quan tâm về việc ấy, nên không tường thuật được, chỉ mời rượu mọi người thôi. Thế là tôi phải bỏ việc mượn xe đạp đi chơi, ngồi kể lại từng sự việc xảy ra trong Đại hội cho mọi người nghe cho đến tận khuya
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: