Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 22 tháng 6, 2015

PHÁC THẢO BỨC TRANH THỜI SỰ VĂN HỌC

VĂN GIÁ


1. Thời sự văn học đối với đời sống văn học nhà trường 
Như chúng ta đều biết, văn học nhà trường được triển khai trên một bộ phận văn học dân tộc đã tương đối ổn định về mặt giá trị tư tưởng cũng như thẩm mỹ. Các lứa tuổi học sinh được thưởng thức, tìm hiểu các tri thức văn chương, các tác giả và tác phẩm văn chương của một khoảng cách thời gian khá xa so với thì hiện tại, nghĩa là chúng đã thuộc thì quá khứ. Ví dụ, chỉ lấy cái mốc văn học Việt Nam từ sau 1986 đến nay, cái thời điểm “đến nay” cũng đã xa so với thì hiện tại này khoảng chừng vài chục năm có lẻ. Cho nên, có một thực tế diễn ra là, những gì thuộc về nền văn chương đương đại, hiểu theo nghĩa thuộc thì hiện tại, ở đây, bây giờ, có ý nghĩa thời sự, cập nhật thường là nằm ngoài tầm ngắm của văn học nhà trường.

Cũng có thể ở một số trường nào đó, đôi khi cũng có hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ văn học, và đôi khi cũng có chủ đề về thời sự văn học. Tuy nhiên, đây không phải là nội dung bắt buộc, và thường là mang tính tự phát, tùy thuộc và ý thích và điều kiện của nhà trường. Nếu ông hiệu trưởng, hoặc bà tổ trưởng nào đó thích giao lưu với các tác giả, với các nhà nghiên cứu phê bình văn học, thích hiểu biết về các vấn đề thời sự văn học… thì các hoạt động đó có thể diễn ra. Còn nếu không thì ngược lại. Có những trường, chỉ hoàn toàn khép kín trong văn học học đường, tuyệt đối quay lưng lại với những gì đang diễn ra sôi động ngoài đời sống văn chương đương đại. Điều này, suy cho cùng chưa hẳn là có lỗi. Bởi vì trọng tâm chính của nhà trường là dạy học, giáo dục các tri thức sách giáo khoa, để các em có thể thi tốt nghiệp và cao đẳng, đại học. Không biết đến các vấn đề thời sự văn học có thể đáng tiếc chứ không đáng trách. 
Tại sao văn học nhà trường nên có một sự liên thông, tương tác với nền văn chương đương đại?
Tôi nghĩ có mấy lý do sau đây:
Thứ nhất, mặc dù các giá trị văn chương trong sách giáo khoa (SGK) đã tương đối ổn định, trong đó nhiều giá trị đã trở thành cổ điển, nhưng đi liền với nó bao giờ cũng có nguy cơ trở thành các giá trị tĩnh, bị đóng băng, xơ cứng, ít nhiều mang tính bảo thủ (bản chất của các giá trị văn hóa đều mang tính bảo thủ). Cho nên, với các trường hợp cũ, luôn luôn phải có con mắt mới để nhìn vào, để khám phá, hòng phát hiện thêm những tầng vỉa, những nét nghĩa mới và vẻ đẹp nghệ thuật mới. Để đạt được điều này, làm sao có thể làm ngơ được với các cách tiếp cận mới, mặt bằng tri thức lịch sử, lý luận, phê bình văn học mới. Ví dụ: không có tri thức về thi pháp thể loại truyện ngắn, thì làm sao có thể hiểu thêm được những giá trị về tư tưởng nghệ thuật của hàng loạt các cây bút truyện ngắn được học trong nhà trường như Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Nam Cao, Nguyễn Minh Châu và nhiều tác giả khác nữa. Hoặc không hiểu gì về chủ nghĩa siêu thực thì làm sao có thể giải mã được Cây đàn Garcia Lorca của Thanh Thảo… Trong khi đó, ngay cả câu chuyện thi pháp hay siêu thực được hiểu và ứng dụng vào Việt Nam hôm nay nếu so với thế giới cũng đã bị vượt qua rồi.
Thứ hai, nhìn từ phía giáo viên, thời sự văn học nên được hiểu là kích thích tố cho tình yêu đối với văn chương. Tình yêu nào cũng cần được chăm sóc. Nếu chỉ khép kín với các tác phẩm văn chương nhà trường thì làm sao tình yêu văn chương (vốn đã ít ỏi) có thể ngày càng nảy nở và giàu có được. Một khi bạn đọc một tác phẩm văn chương đương đại, nhất là tác phẩm ấy có giá trị, chắc chắn bạn sẽ được bồi đắp cảm xúc, sự mẫn cảm nghệ thuật. Qua đó bạn cũng thấy được nền văn học của dân tộc đang ở đâu, biến chuyển và vận động như thế nào?... Một nhà giáo dạy văn, nhất là dạy những trường chuyên chẳng hạn, lẽ nào không đọc Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, một tác phẩm đã đoạt một số giải thưởng quốc tế, đã được dịch ra hơn chục thứ tiếng trên thế giới? Lẽ nào không đọc Cánh đồng bất tận (Giải thưởng văn học ASEAN, 2008) của Nguyễn Ngọc Tư, một tác phẩm nói về cuộc sống, thân phận của những người dân vùng đồng bằng miền Tây Nam bộ, từ đó nhà văn đề cập đến vẻ đẹp và sức mạnh của lòng yêu thương trước sự thù hận của con người.
Thứ ba, nhìn từ phía học sinh, các em không chỉ hiện diện trong cái nhìn của thầy cô giáo như những học sinh thuần túy, mà là những đứa trẻ có nhân cách với tất cả vẻ đẹp, sự phong phú và phức tạp của chúng. Chúng không chỉ là độc giả của văn chương nhà trường, mà còn là độc giả của văn chương rộng rãi nói chung: văn chương dân tộc và quốc tế, văn chương cổ điển và hiện đại/ đương đại… Chúng cần được tư vấn nên đọc quyển gì, tìm hiểu tác giả nào, đánh giá như thế nào. Với văn chương đương đại, nhiều hiện tượng văn chương hết sức phức tạp, trái chiều trong đánh giá, rất cần được các thầy cô giáo tư vấn, định hướng. Một người thầy không am hiểu văn chương đương đại và các vấn đề thời sự văn học thì làm sao có thể làm tròn vai trò tư vấn cho học sinh - độc giả được.
Lý do cuối cùng, có thể cũng nên tính đến: đã từng có không ít các ý kiến phàn nàn về việc đọc sách của các thầy cô dạy văn trong nhà trường, nhất là ý kiến từ phía các nhà văn. Các ý kiến này cho rằng khá nhiều các thầy cô giáo ít đọc tác phẩm văn học nói chung, chứ không riêng gì văn chương đương đại[1]. Một người ít đọc thì làm sao có thể hy vọng trở thành một người dạy giỏi được.
Với những lý do như vậy, tôi nghĩ, không có lý gì chúng ta không mở lòng mình để thường xuyên đọc, tìm hiểu nền văn chương đương đại của đất nước. Có thể có ai đó nghĩ: thời gian đâu mà đọc những thứ như vậy, chỉ cái việc soạn giáo án, chấm bài, chủ nhiệm… đã ngốn hết thời gian rồi, ấy là chưa kể chuyện dạy thêm, “cua cáy” nữa. Với người trong lòng không có niềm say mê thì thường có muôn vàn lý do, kể cả lý do… “Chỉ tại con ruồi”! 
2. Vài nét về bối cảnh văn hóa - xã hội hôm nay 
2.1. Về xã hội: Chúng ta đang sống trong một thời kỳ khủng hoảng trên nhiều mặt của đời sống xã hội. Tuy nền kinh tế tăng trưởng, nhưng các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, xã hội ngày càng phức tạp. Niềm tin vào lý tưởng của chế độ có nguy cơ giảm sút, đặc biệt là tuổi thanh thiếu niên mới lớn, đang bước vào đời. Lòng người bị phân tán, hoang mang.
Các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, trong đó có văn chương, nghệ thuật đang bị trở nên lép vế trước một xã hội mà khuynh hướng duy kinh tế, vụ lợi ngày càng trở thành chủ đạo. Từ quan niệm phổ biến của xã hội, đến các bậc phụ huynh và các em học sinh, ngày càng xa rời văn chương. Môn văn chương bị lép vế trong sự lựa chọn của các em học sinh khi học cũng như hướng nghiệp. Đối với văn chương nói chung, trong bậc thang giá trị xã hội, có thể nói ngày càng bị xem nhẹ. Câu chuyện về văn chương ít được cộng hưởng trên toàn xã hội. Những nổi sóng văn chương quá lắm chỉ gây xôn xao trong giới là cùng.
Các giá trị đạo lý và nhân văn ngày càng bị xói mòn. Sự sa sút đạo đức, sự hư hỏng, những hiện tượng tiêu cực của đời sống xã hội ngày càng nghiêm trọng và khó kiểm soát. 
2.2. Sự trở lại và phát triển của con người cá nhân:
Xét ở cấp độ cá nhân, chưa bao giờ con người cái tôi cá nhân lại phát triển mạnh mẽ như bây giờ. Lịch sử tư tưởng Việt Nam đã từng chứng kiến một thời có sự phát triển mạnh mẽ của cái tôi cá nhân trong giai đoạn 1930-1945. Sau đó, đất nước phải trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, con người cái tôi cá nhân lại một lần nữa đứng lui vào hàng sau để duy trì và phát triển con người cộng đồng, quyền lợi và các giá trị cộng đồng. Sau 1975, đặc biệt sau 1986 con người cá nhân lại được phục hưng và phát triển trở lại. Đó là một trong những lý do quan trọng để cắt nghĩa sự phát triển và thành tựu vượt bậc của các lĩnh vực đời sống, trong đó có văn chương, nghệ thuật.
Cùng với ý thức cá nhân, đi liền với nó là quan niệm về dân chủ, ý thức về giá trị, về cá tính sáng tạo cũng thay đổi ngày càng phức tạp cả hai chiều tích cực lẫn tiêu cực.
Có thể nói không thiếu những trường hợp con người rơi vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, vụ lợi, và trong trường hợp cực đoan là phá phách. Lúc này hơn bao giờ hết, vấn đề cần đặt ra giải quyết đó là ý thức về mối quan hệ hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng, quyền lợi và nghĩa vụ. Nếu đi chệch một cách cực đoan về phía nào cũng sẽ bị lệch lạc và bị trả giá. Một xã hội phát triển là một xã hội có sự giải quyết tốt mối quan hệ đó. 
2.3. Về văn hóa, văn nghệ:
Chúng ta đã có nhiều cố gắng trong công cuộc xây dựng nền văn hóa mới với tiêu chí “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Tuy nhiên, thực tiễn diễn ra chưa như mong muốn, chưa tương xứng với đầu tư, chưa đáp ứng được lòng mong mỏi của nhân dân. Không ít các giá trị văn hóa truyền thống, kể cả văn hóa vật thể lẫn phi vật thể bị xâm hại, mai một hoặc mất hẳn.
Một số các giá trị văn hóa, tư tưởng, tinh thần của văn chương dân tộc trong quá khứ cũng chưa được đánh giá đúng mức và khai thác phát huy. Ví dụ một số gương mặt tư tưởng và văn hóa đầu thế kỷ như học giả Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, hay nền văn chương miền Nam trước 1975 vẫn còn là món nợ đối với giới nghiên cứu văn học, văn hóa hiện nay.
Một bộ phận không nhỏ các giá trị văn hóa tinh thần, trong đó có văn chương nghệ thuật của cộng đồng người Việt ở hải ngoại cũng chưa có điều kiện đánh giá toàn diện và đúng mức. Và do đó chúng ta cũng chưa phát huy được sức mạnh cộng đồng người Việt hải ngoại trong công cuộc xây dựng, phát triển văn hóa dân tộc.
Trong khi đó, sức mạnh của truyền thông, của kinh tế thế giới đang thiết lập một “Thế giới phẳng” (Thomas L.Friedman) toàn cầu. Từ đó, ngay tại đất nước chúng ta, cơn gió toàn cầu hóa đang ngày càng ảnh hưởng mạnh mẽ tới mỗi một công dân. Không chỉ chúng ta bị ảnh hưởng về mặt kinh tế, mà còn ảnh hưởng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội.
Nói riêng về lĩnh vực văn nghệ, trong đó có văn chương, ngày hôm nay chúng ta không thể làm ngơ trước hàng loạt các trào lưu, khuynh hướng, những tìm tòi thể nghiệm của thế giới – những thứ hàng ngày hàng giờ ảnh hưởng tới chúng ta qua nhiều con đường, nhất là qua hệ thông truyền thông hiện đại (điện thoại, internet). Tất cả thực tiễn phong phú, sôi động và phức tạp của thế giới tác động vào Việt Nam từng ngày từng giờ với một xu hướng không thể cưỡng chống và rất khó kiểm soát. Điều này vừa có hai mặt tích cực và tiêu cực của nó.
Chỉ xin lấy một ví dụ. Chủ nghĩa hậu hiện đại như một trào lưu tư tưởng và văn hóa mạnh mẽ trên thế giới, được hình thành từ những năm 50 của thế kỷ trước, nhanh chóng lớn mạnh, tác động tới toàn cầu. Đối với Việt Nam, chủ nghĩa hậu hiện đại trong tính chất như một cảm quan đã được hình thành từ sau 1986, ngày càng xuất hiện rõ nét bằng các sáng tác hậu hiện đại. Cái cảm quan hậu hiện đại chi phối rất mạnh mẽ đến sáng tạo, phê bình, cảm nhận văn chương, nghệ thuật. Kể cả văn học trong nhà trường, tác phẩm của một số nhà văn nhà thơ cũng đã bắt đầu được soi chiếu dưới lý thuyết hậu hiện đại[2]. Nếu những người nghiên cứu, giảng dạy và cả giới sáng tác đương đại nước ta không tiếp cận được trào lưu này thì làm sao có thể biết thế giới có những gì để ta học tập và nên tránh.
Như vậy, để hiểu tình hình thời sự văn học, chúng ta không thể không đặt các vấn đề, các hiện tượng văn học trong bối cảnh văn hóa xã hội hiện thời. 
3. Vài nét về các tổ chức, đội ngũ, hoạt động trong đời sống văn học hiện nay 
3.1. Có thể nói chưa bao giờ chúng ta lại có nhiều tổ chức đoàn thể, các cá nhân tham gia vào hoạt động văn học nghệ thuật như bây giờ. Ở cấp độ trung ương, cao nhất là Hội đồng LLPBVHNTTƯ (thuộc Ban Tuyên giáo TƯ), sau đến là Hội NVVN, bên cạnh đó lại có Liên hiệp các Hội LHVHNTTƯ, rồi Văn Nghệ Quân đội của ngành quân đội, Văn Nghệ Công an của ngành công an; ở cấp địa phương lại có các Hội VHNT các tỉnh thành; riêng Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và vài thành phố lớn còn có Hội nhà văn. Bên cạnh các Hội chính thống, ngày hôm nay còn có khá nhiều các đơn vị, cá nhân tham gia vào sân chơi chung này. Ví dụ các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học, các nhà xuất bản, các công ty sách, các tờ báo lớn, các công ty truyền thông, các chủ trang website… đang dần dần trở thành những “quyền lực” góp phần kiến tạo nên đời sống văn chương, rộng ra là văn hóa của đất nước.
Mỗi một hội đoàn, nhóm, cá nhân đó lại có những diễn đàn riêng. Chỉ tính riêng Hội nhà văn đã có đến 6 ấn phẩm: Tuần báo Văn Nghệ, Văn Nghệ Trẻ; các tạp chí Nhà Văn, Văn Học Nước Ngoài, Thơ; và trang website Vanvn.net; ấy là chưa kể NXB Hội Nhà Văn nữa.
Các cơ quan truyền thông, báo chí từ báo in, báo nói, báo hình, báo mạng đều có chuyên trang về văn hóa nghệ thuật, trong đó có văn học.
Điều này dẫn đến thực trạng sau:
Thứ nhất, chưa bao giờ các tác phẩm văn chương lại có điều kiện dễ dàng công bố, đăng đàn in ấn đến vậy. Người sáng tác có thể vừa dừng lại con chữ cuối cùng, ngay lập tức, chỉ cần một cú clik là tác phẩm đã lên không gian mạng, và ngay lập tức đi vào công chúng trên cả nước, thậm chí thế giới.
Thứ hai, văn chương bây giờ đã không còn “độc quyền” của một số người viết chuyên nghiệp nữa, mà là sân chơi chung của tất cả những ai muốn/ có nhu cầu được viết, được tỏ mình. Và như vậy, đi liền với nó là cái nhìn dân chủ đối với văn chương: không thần thánh hóa cũng không dung tục hóa nó, không ai tự cho phép độc quyền hoặc tôn ti trong lĩnh vực sáng tạo.
Thứ ba, việc tham gia vào bình luận, đánh gía, thẩm bình các tác phẩm văn chương không còn là độc quyền của các nhà phê bình nữa. Nó trở thành sinh hoạt tinh thần khá dân chủ của bạn đọc rộng rãi. Nhất là được sự trợ lực của các trang mạng xã hội, việc bình luận, đánh giá văn chương diễn ra như là những cuộc thảo luận tự nhiên, không có người điều hành, không có kết luận, không đưa ra nghị quyết.
Thứ tư, ngoài những khía cạnh tích cực kể trên, đi liền với nó cũng bộc lộ những mặt trái, tiêu cực. Tình trạng loạn chuẩn trong việc thẩm định văn chương; việc dễ dãi, thiếu trách nhiệm trong sáng tạo và bình luận; tình trạng sa sút trong văn hóa đối thoại và tranh luận; tình trạng ảo tưởng, tự mê trong việc sáng tạo và công bố tác phẩm; đặc biệt là rất khó có khả năng kiểm soát được các tác phẩm chất lượng thấp kém và độc hại. Tình trạng này không chỉ thấy trên các trang Web, Blog mà còn trên cả báo in, các nhà xuất bản nữa. 
3.2. Về đội ngũ sáng tác:
Hiện nay, nhìn vào đội ngũ những người hoạt động văn học bao gồm cả sáng tạo và nghiên cứu, lý luận, phê bình (NCLLPB) có thể hình dung ba thế hệ chủ lực căn cứ vào việc họ góp phần tạo nên diện mạo nền văn học qua các giai đoạn: lớp trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ; lớp trưởng thành sau 1975, được gọi là thế hệ hậu chiến, và lớp các nhà văn trẻ trưởng thành sau 1986 đến nay. Dĩ nhiên, không nói đến một số trường hợp ngoại lệ như nhà văn Tô Hoài đã 92 tuổi, hoặc một vài nhà văn trưởng thành từ giai đoạn kháng chiến chống Pháp như Hồ Phương, Nguyên Ngọc, Nguyễn Kiên, Ngô Văn Phú; hoặc một số nhà NCPBVH cũng đã cao tuổi như các GS Nguyễn Đăng Mạnh, Hà Minh Đức và một vài người khác hiện giờ thôi không viết nữa.
Thế hệ thứ nhất, phải kể đến các nhà văn như Đỗ Chu, Ma văn Kháng, Bùi Bình Thi, Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo, Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Xuân Khánh, Dương Hướng, Lê Minh Khuê, Khuất Quang Thụy, Hoàng Minh Tường, Nguyễn Phan Hách, Nhật Tuấn, Trung Trung Đỉnh; các nhà thơ như: Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Nguyễn Duy, Vũ Quần Phương,  Nguyễn Trọng Tạo, Phan Thị Thanh Nhàn, Ý Nhi, Nguyễn Đức Mậu, và một số gương mặt khác; các nhà NCLLPB như Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Ngô Thảo, Vương Trí Nhàn; các nhà dịch thuật như: Dương Tường, Đoàn Tử Huyến, Lê Bá Thự, Thái Bá Tân, Trần Đình Hiến…
Thế hệ thứ hai, đó là các nhà văn tiêu biểu như: Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh, Võ Thị Hảo, Nguyễn Bình Phương, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Việt Hà, Y Ban, Thùy Dương, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Thị Thu Huệ; các nhà thơ Trần Anh Thái, Y Phương, Dương Thuấn, Dư Thị Hoàn, Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Trần Quang Quý, Đặng Huy Giang, Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Linh Khiếu, Bùi Chí Vinh…; các nhà NCLLPB như Trương Đăng Dung, Lã Nguyên, Trần Đăng Suyền, Đỗ Lai Thúy; sau một chút là những Chu Văn Sơn, Phạm Xuân Nguyên, Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Hữu Sơn, Nguyễn Đăng Điệp, Nguyễn Hòa, Văn Giá, Lưu Khánh Thơ, Bích Thu…
Thế hệ thứ ba dao động trong khoảng tuổi trên dưới 40. Về văn xuôi có thể kể đến Phong Điệp, Nguyễn Ngọc Tư, Phan Triều Hải, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Danh Lam, Phạm Duy Nghĩa, Đỗ Bích Thúy, Trần Nhã Thuỵ, Nguyễn Thế Hùng, Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Đình Tú, Tiến Đạt; trẻ hơn một chút có Di Li, Nguyễn Quỳnh Trang, Trang Hạ, Cấn Vân Khánh… Về thơ có Phan Hoàng, Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, Đinh Thị Như Thúy, Lê Thiếu Nhơn, Lê Vĩnh Tài, Đỗ Doãn Phương, Trang Thanh,… Về NCLLPB có những cây bút trẻ như Nguyễn Thanh Sơn, Trần Văn Toàn, Phạm Xuân Thạch, Hoài Nam, Đoàn Ánh Dương, Trần Ngọc Hiếu, Trần Thiện Khanh, Đoàn Minh Tâm, Lê Hồ Quang, Nhã Thuyên, Mai Anh Tuấn, Ngô Hương Giang... Về dịch thuật có Trần Tiễn Cao Đăng, Cao Việt Dũng, Nguyễn Bích Lan, Hữu Việt, Thụy Anh, Nguyễn Kim Hiền…
Sự liệt kê này không thể đầy đủ, và còn một số gương mặt có thể ở khoảng tiếp nối giữa các thế hệ có thể bị bỏ sót, nên mong được châm chước. Nhưng qua đó cũng đủ thấy một đội ngũ khá hùng hậu các cây bút hoạt động văn học, họ góp phần làm nên diện mạo của nền văn học đương đại. Mỗi một thế hệ có những thế mạnh riêng, và có những hạn chế riêng. Họ không phủ nhận nhau, không thay thế nhau, mà tôn vinh nhau, cùng góp phần làm nên nền văn chương dân tộc. 
4. Về thực tiễn sáng tác văn học 
4.1. Văn xuôi:
Nói văn xuôi của thì hiện tại, hôm nay, ta có thể hình dung có một diện mạo văn xuôi khá đa dạng. Đa dạng về đề tài. Đa dạng về bút pháp, lối viết.
- Hiện nay, đề tài về chiến tranh chống Mỹ vẫn đang được tiếp tục. Đây là món nợ tinh thần của văn nghệ sĩ đối với lịch sử dân tộc, đối với nhân dân, một đề tài không bao giờ bị coi là cũ. Một số nhà văn vẫn tiếp tục khai thác đề tài này. Có được sự hỗ trợ từ Bộ Quốc phòng: Giải thưởng VHNT xét giải 5 năm /lần. Ví dụ: Giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng 2004-2009 đã trao giải cho hai tác phẩm Mùa hè giá buốt (2008) của Văn Lê, Rừng thiêng nước trong (2004) của Trần Văn Tuấn.
Tuy nhiên, sáng tạo trước hết  phải được xem là những cố gắng của các cá nhân. Trong những năm gần đây, Vùng lõm (Giải B- HNV 2010) của Nguyễn Quang Hà,Xiêng khoảng mù sương (Giải C- HNV, 2010) của Bùi Bình Thi; hay cách đó mấy năm trước là Thượng Đức của Nguyễn Bảo, và gần đây nhất là Lính trận của Trung Trung Đỉnh là những cố gắng đáng trân trọng, và được ghi nhận như những thành tựu đáng chú ý. Tuy nhiên, ở đề tài này, vẫn chưa thực sự có được một tầm vóc đáng kể như Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh (1992). Lính trận (2010) của Trung Trung Đỉnh được xem như là một cái nhìn cận cảnh về chiến tranh, cắt nghĩa lý do tại sao những chàng trai trẻ măng đi qua được những năm tháng chiến tranh khốc liệt? Lý do ở chỗ là do họ có tuổi trẻ, tuổi trẻ là một sức mạnh tinh thần vô giá khiến con người sống được và chiến thắng trong những hoàn cảnh khốc liệt nhất. Trước kia, một số tiểu thuyết giải thích về câu chuyện này thường viện đến chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lý tưởng sống… nên đưa lại cảm giác không thật, thậm chí giả tạo. Cách miêu tả và cắt nghĩa về người lính ở Lính trận đã có cái nhìn chân thực hơn, do đó thuyết phục hơn.
- Đề tài lịch sử quá khứ vẫn được xem là một lực hấp dẫn đối với các nhà văn xuôi, gồm cả truyện ngắn và tiểu thuyết. Đây là một lựa chọn rất lợi hại. Xưa vẫn thường nói: “Ôn cố tri tân” (Học xưa hiểu nay). Nhưng đối với các nhà văn, có thể nói, họ nói xưa để nói nay, để nói về cái hôm nay, và gửi gắm nhiều ngụ ý về thời thế, thân thế.
Có thể nói, người viết tiểu thuyết lịch sử hiện nay giật giải quán quân vẫn là nhà văn Hoàng Quốc Hải. Trước đây, ông đã hoàn thành bộ tiểu thuyết về triều Trần 4 tập; năm 2011 vừa qua, ông lại công bố bộ tiểu thuyết về triều Lý 4 tập nữa[3] Đó là một công phu lao động đáng nể, và cao hơn là ý thức viết về lịch sử và đối thoại với/về lịch sử trong cái nhìn từ hôm nay.
Cùng với nhà văn Hoàng Quốc Hải, đội hình những người viết tiểu thuyết lịch sử ngày càng đông đảo: nhà văn Nguyễn Xuân Khánh với Hồ Quý Ly (2000), Mẫu thượng ngàn (2005), Đội gạo lên chùa (2011) [4]; nhà văn Nguyễn Quang Thân với Hội thề(2009), Hà Phạm Phú với  Trưng Trắc (2012), Ngọc Bái với Ngang trời mây đỏ(2012); có thể kể thêm truyện ngắn Dị Hương của Sương Nguyệt Minh, Cửa Bắc của Nguyễn Anh Vũ… Trong số này, hai tác phẩm Hội thề và Dị hương đã gây nên cuộc tranh luận khá sôi nổi, thậm chí có lúc căng thẳng trong đời sống văn học năm 2011.
Hội thề, tác phẩm của nhà văn Nguyễn Quang Thân miêu tả cuộc kháng chiến của nghĩa quân Lê Lợi và Nguyễn Trãi. Trong đó, tác giả nhấn mạnh vào vai trò đặc biệt của nhân vật nhà nho Nguyễn Trãi, và cùng với Nguyễn Trãi là tư cách thủ lĩnh “đầu mục” Lê Lợi, tư cách của tướng giặc quy hàng Thái Phúc và mối quan hệ giữa họ. Tác phẩm đặt ra nhiều vấn đề: nhận thức lại tư cách và vai trò của Lê Lợi trong những năm đánh giặc Minh, cắt nghĩa bi kịch Lệ Chi Viên của Nguyễn Trãi sau đó, cách nhìn và đánh giá về kẻ bên kia chiến tuyến… Ý kiến đầu tiên nêu băn khoăn là của nhà văn Trần Hoài Dương, sau đấy là Phạm Viết Đào; ý kiến phê phán dữ dội là của Trần Mạnh Hảo. Các ý kiến bênh vực có Lê Thành Nghị, Nguyễn Hoài Nam; và ý kiến trên các báo TTVH, Đất Việt… Có thể ai đó chưa đồng tình điểm này điểm khác, nhưng tác phẩm Hội thề được viết một cách khá trang nhã, với nhiều sáng tạo mới, có tư tưởng, đọc hấp dẫn. Trong một trả lời phỏng vấn trên báo TTVH, nhà văn Nguyễn Quang Thân đã tâm sự về tư tưởng chính mà ông muốn thể hiện trong tác phẩm: “Ngắn gọn đó là quan điểm “vua - tôi”. Nguyễn Trãi không dự Hội Thề Đông Quan, ông cũng không được ghi vào danh sách đầu tiên những công thần được nhà vua ban thưởng sau ngày chiến thắng. Còn kết thúc bi thảm của mối quan hệ này thì chúng ta đã quá rõ rồi. Tại sao vậy? Với những khai quốc công thần áo vải cờ đào cỡ Lê Sát, Lê Ngân thì Nguyễn Trãi chỉ là một anh trí thức vào Lam Sơn khá muộn, chưa có công trạng chiến chinh gì ngoài mấy trang Bình Ngô sách. Lê Lợi không như họ. Vị lãnh tụ anh minh đã biết dùng Nguyễn Trãi ngay những ngày đầu. Dùng vì ông quá sáng suốt nhận thấy, nếu không có cánh trí thức Thăng Long như Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn hay Lưu Nhân Trú, Phạm Văn Xảo thì khởi nghĩa Lam Sơn chỉ là con đại bàng không có cánh mà thôi. Nhưng dùng mà không tin, dùng mà sợ, dùng mà coi như khách, dùng mà luôn đề phòng, dùng xong rồi thì tìm cách giết đi dù thừa biết là oan khốc (về sau, cả bốn ông đại khoa này đều bị giết vì những cớ khác nhau nhưng lý do chỉ là một, giết thật chứ không chỉ vắt chanh bỏ vỏ thôi đâu). Về điểm này, Lê Lợi lớn hơn Lưu Bang khi ông này ngay những ngày đầu đã rẻ rúng Hàn Tín. Nhưng sự nghi kỵ giữa những kẻ ít học với người học rộng tài cao thì vẫn giống nhau trong mọi thời”.
Cũng trong một bối cảnh tương tự, sau khi có trao đổi băn khoăn về tác phẩm Dị hương của nhà văn Trần Hoài Dương là ý kiến phê phán kịch liệt của nhà thơ Trần Mạnh Hảo. Ông cũng cho rằng nhà văn Sương Nguyệt Minh (SNM) đã có cái nhìn và đánh giá không đúng về nhân vật Nguyễn Ánh, rằng tác giả truyện ngắn “bôi bẩn lịch sử”, “yếu kém về nghệ thuật”… Phụ họa vào ý kiến phê phán này là của nhà PBVH Bùi Công Thuấn: cho rằng SNM bắt chước truyện lịch sử Kiếm sắc của Nguyễn Huy Thiệp. Có thể nói rằng câu chuyện của SNM tiếp tục đặt ra vấn đề lớn và muôn thưở về mối quan hệ giữa mỹ nhân và anh hùng, giữa cái đẹp và quyền lực.
- Văn xuôi viết về đề tài thế sự vẫn được xem là mảnh đất màu mỡ nhất hiện nay. Có thể nói với đề tài này, nhìn chung là khá đông về số lượng các tiểu thuyết, truyện ngắn, và trong số đó, không ít các tác phẩm thực sự có chất lượng. Ngoài những tác giả được xem là đang sung sức như Ngô Phan Lưu, Trần Đức Tiến, Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy…, còn góp mặt hàng loạt các nhà văn văn khác như Bích Ngân, Y Ban, Thùy Dương, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Thị Thu Huệ; cộng với khá nhiều các cây bút trẻ cũng tham gia vào đội hình này như Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Thế Hùng, Đỗ Tiến Thụy, Lê Anh Hoài, Phong Điệp, Nguyễn Quỳnh Trang, Di Li, Nguyễn Danh Lam… Mỗi người một vẻ, một tìm kiếm, một phong cách khác nhau. Trong một hai năm trở lại đây nổi lên một số tác phẩm như: tập truyện ngắn Lỏng và tuột của Trần Đức Tiến, tiểu thuyết Giữa dòng chảy lạc của Nguyễn Danh Lam (hai tác phẩm đoạt Giải thưởng 2011 của Hội NVVN), tiểu thuyết Những ngã tư và những cột đèn của Trần Dần (Giải thưởng Hội NV Hà Nội). Đặc biệt gần đây là tiểu thuyết Những mảnh hồn trần (NXB HNV, 2011) của Đặng Thân, và hai kịch bản chèo Vong bướm (NXB Thời đại, 2012) của Nguyễn Huy Thiệp lại gây xôn xao dư luận. Xin điểm qua một số tác phẩm có tính thời sự kể trên:
* Trần Đức Tiến sinh 1953, quê Hà Nam, nhiều năm làm chủ tịch HVHNT Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện là Uỷ viên Ban Chấp hành Hội NVVN. Ông viết nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện cho thiếu nhi; và là người có duyên với các giải thưởng từ trung ương tới địa phương. Gần đây nhất, Lỏng và tuột (NXB HNV, 2010) đã đoạt Giải thưởng văn xuôi của HNVVN 2011. Đây là tập truyện ngắn gồm 16 truyện, trong đó truyện Lỏng và tuột lấy làm tên chung cho tập. Ông là người bám sát vào thực tại đời sống để lên tiếng. Bút pháp thường pha trộn giũa hiện thực và huyền ảo. Truyện thường không có truyện, hay đi vào những cái tầm thường, bé mọn, không đâu của đời sống để đặt ra những vấn đề sâu xa về đời sống nhân sinh và con người. Truyện của Trần Đức Tiến dễ đọc, thanh thoát, để lại nhiều dư vị. Xin trích một đoạn nhận xét của nhà văn Bùi Ngọc Tấn trong Lời tựa của tập truyện: “Nhiều truyện ngắn của TĐT là truyện- không- có-chuyện. Những truyện không thể kể lại được, hấp dẫn ở cách viết, cách dẫn dắt, nhất là ở những chi tiết - những chi tiết không có gì đặc biệt, đầy rẫy quanh ta được tác giả để mắt tới và sử dụng như một phản ứng hóa học bùng nổ dây chuyền, làm hiện lên căn cốt sâu xa của con người, của cuộc sống… Trong truyện ngắn TĐT sự thật cứ dần hiển lộ đến gai cả người, đó là những trang cắt lớp về sự tha hóa và phân rã. Truyện ngắn là của trời cho và xuất hiện theo từng mùa. Những năm gần đây, thật may mắn có Lỏng và tuột”.
* Giữa dòng chảy lạc (NXB Văn Nghệ TPHCM, 2009) là tiểu thuyết của tác gia trẻ thế hệ 7X (sinh 1972) Nguyễn Danh Lam. Cuốn tiểu thuyết dày 382 trang chỉ dành để nói về cuộc đời của một anh chàng không có tên thất nghiệp, sống một cuộc sống hoang mang, hoài nghi về cuộc đời, không có lối thoát. Cuốn sách phản ánh tâm trạng của một thế hệ tuổi trẻ bị quăng quật, đổ vỡ niềm tin, thiếu khát vọng lớn, chưa tìm thấy lối đi… Tuy nhiên, “từ nỗi buồn thấm thía, đắm chìm, gợi lên một cảnh tỉnh. Để đứng dậy và thương yêu, sau khi gập trang sách cuối cùng và ngước nhìn cuộc sống còn mênh mông phía trước” (Nguyễn Hoài Nam).
* Những ngã tư và những cột đèn (NXB HNV, 2011) của Trần Dần là một hiện tượng văn học khá đặc biệt. Đặc biệt ở những điểm sau:
- Lâu nay thường ta chỉ biết đến ông là một nhà thơ, nay qua tiểu thuyết này, ông hiện lên như một nhà tiểu thuyết đáng nể, độc đáo.
- Tiểu thuyết này hoàn thành từ năm 1966, những năm ông đang bị cái án “Nhân văn - Giai phẩm”. Cũng năm đó, ông bị công an tịch thu 2 bản thảo: tiểu thuyết này và tập thơ Cổng tỉnh. Đến năm 1988, khi ông được trả lại Hội tịch, thì hai bản thảo này mới lại trả lại. Ông tiến hành sửa chữa, định đem in, không nhà xuất bản nào dám in. Lưu lạc cho tới tận bây giờ.
- Tiểu thuyêt này mượn hình thức tiểu thuyết trinh thám, để nói về nhiều vấn đề của đời sống thực tại trong xã hội, và sâu xa hơn là vấn đề nhân bản của con người. Hình ảnh “ngã tư và cột đèn” mang tính chất biểu tượng sâu sắc.
- Tuy viết năm 1966, nhưng nghệ thuật tiểu thuyết rất hiện đại: tiểu thuyết trong tiểu thuyết, dòng ý thức, biểu tượng… Những ngón nghề tiểu thuyết của ông đã đi trước nghệ thuật tiểu thuyết Việt Nam hàng chục năm, và hiện nay vẫn còn hết sức mới mẻ, hiện đại, trở thành những bài học tốt cho các cây bút tiểu thuyết.
* Tôi muốn nói đến hai trường hợp đang gây tranh cãi, tạo nên ít nhiều sóng gió trong đời sống văn học hiện nay: tiểu thuyết Những mảnh hồn trần của Đặng Thân và tập kịch Vong bướm của Nguyễn Huy Thiệp.
Những mảnh hồn trần là một tiểu thuyết thực sự được viết theo lối hậu hiện đại. Trong những năm gần đây, lối viết hậu hiện đại đang trở thành một xu hướng có thực của văn chương Việt Nam. Nó tìm kiếm một lối viết khác hẳn so với truyền thống. Nó có quan niệm hẳn hoi. Về mặt lý thuyết, xin tới phần tình hình lý luận phê bình sẽ nói rõ thêm. Ở đây, chỉ xin nêu lên mấy đặc điểm của tiểu thuyết này:
+ Đây là loại tiểu thuyết tương tác, nghĩa là sản phẩm của lối viết trên mạng, của văn học mạng. Người viết hoàn thành từng phần, rồi tung lên mạng, lắng nghe các comment trao đổi, rồi sửa (nếu thấy cần), thậm chí đưa cả các comment vào tác phẩm như là một thành phần của tiểu thuyết. Ngay cả một số tri thức về địa danh, danh nhân, các sự kiện nổi bật của thế giới, các vấn đề về văn hóa… nếu cần, đều có thể cắt dán được lấy từ nguồn Google.
+ Tiểu thuyết này mang kết cấu phân mảnh: không cốt truyện, chương đoạn tự do, ngẫu hứng; thậm chí mượn hình thức của tiểu thuyết dã sử chương hồi trước đây như đề thơ sau mỗi tên chương, kết nối mời gọi đọc tiếp chương khác....
+ Tiểu thuyết không có ý định xây dựng nhân vật chính theo hướng có tính cách, hoặc điển hình hóa như lý thuyết trước đây của chủ nghĩa hiện thực. Mỗi nhân vật là những trường hợp không tất yếu, thậm chí ngẫu nhiên, là những mảnh nhỏ lẻ, phân rã của đời sống.
+ Tiểu thuyết biểu đạt thực tại cũng theo cách phân mảnh, hiện thực hiện lên không có logic tất yếu, như những mảnh vụn của đời sống; nó ngược với cách phản ánh không gian thời gian rộng lớn, ôm trùm, cả cuộc đời hoặc nhiều thế hệ của nhân vật như trong chủ nghĩa hiện thực.
+ Tiểu thuyết đậm đặc chất hoài nghi, giễu nhại, trào tiếu, mang tính chất giải thiêng, giải trung tâm, hướng tới tinh thần dân chủ trong đời sống, giữa nghệ thuật với đời sống, giữa tác giả với nhân vật, tác giả với người đọc và ngược lại…
Nhà PBVH Đỗ Lai Thúy cho rằng tiểu thuyết của Đặng Thân là sự tiếp nối ở chỗ dừng của Nguyễn Huy Thiệp về thể loại tiểu thuyết. Chính vì thế, từ đây đã gây nên cuộc tranh luận (trong Tọa đàm, trên mạng…). Các ý kiến phản đối Đỗ Lai Thúy là Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Thị Minh Thái, Trương Đức… Họ cho rằng so sánh như vậy là khập khiễng, không đúng.
Hầu hết các ý kiến đồng tình đều cho rằng, tiểu thuyết này không phải ai cũng thích, nhưng chắc chắn nó là một tiểu thuyết đặc biệt độc đáo, khác lạ, có ý nghĩa gợi ý, kích thích sáng tạo và làm mới tiểu thuyết đang có nguy cơ chững lại hiện nay.
Hai vở kịch bản chèo Vong bướm và Truyền thuyết tìm vua của Nguyễn Huy Thiệp ra mắt bạn đọc vào dịp tháng 2.2012 vừa qua cũng gây sự chú ý của dư luận. Lễ ra mắt tác phẩm này thu hút sự quan tâm của nhiều người, từ giới nhà văn, nhà báo, kể cả những người làm sân khấu chèo. Nguyễn Huy Thiệp nói rằng gần đây thấy chèo bị cũ, trong khi đó chèo là một hình thức văn hóa vô cùng đặc sắc của dân tộc. Ông chia sẻ: "Chèo là một hình thức sân khấu rất hay của văn hóa Việt. Gần đây tôi đi xem chèo hiện đại và thấy dựng như thế thì phí công, phí tiền quá, nên nảy ra ý định viết. Chèo cổ rất hay, nhưng xu hướng kịch hóa chèo gần đây khiến nó bị dung tục, tầm thường hóa, làm mất đi độ ảo diệu, tính ước lệ, tính tối giản vốn có". Ông ao ước có nhà đạo diễn nào có tài để đưa vở chèo của ông lên sân khấu. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng đó mới chỉ là kịch bản văn học, việc đưa lên sân khấu là một việc làm không dễ (ý kiến của Nguyễn Thị Minh Thái, NSƯT Trần Ngọc Chung). Có thể nói, tuy không còn ở độ chói sáng như cách đây 20 năm về trước, nhưng những gì ngòi bút này viết ra gần đây, dẫu không nhiều, vẫn tạo ra được sự chú ý đặc biệt của độc giả. Về tác phẩm này, đã có đến 3 bài của tác giả Chu Giang mạt sát trên báo Văn Nghệ TPHCM, sau được đăng trên mấy trang mạng, và được comment sôi nổi. Tuy nhiên, không hề có ý kiến của Nguyễn Huy Thiệp lên tiếng.
Một cách nhận diện diện mạo và thành tựu văn xuôi hiện nay có thể căn cứ vào hệ thống giải thưởng, trong đó có hai loại giải thưởng: Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội là có uy tín hơn cả. Tuy nhiên, giải thưởng không có nghĩa là đã có tính đại diện, nhất là khi giải thưởng ấy lại rơi vào tình trạng thiếu sức thuyết phục. Cho nên, cũng cần bao quát thêm những tác phẩm ngoài giải thưởng mà lại gây tiếng vang đối với dư luận. Trường hợp như Đăng Thân, Nguyễn Huy Thiệp như trên kia là một ví dụ sống động. Hoặc vừa mới cách đây mấy hôm, cũng đã có thêm mấy tập truyện tin là cũng gây được chú ý của độc giả: Thành phố đi vắng (NXB Trẻ, 2012) của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, Vàng son thạch thủy khí (NXB HNV, 2012) của Võ Thị Xuân Hà, Nhật ký nhân viên văn phòng (NXB Trẻ, 2012) của Phong Điệp. Văn chương bao giờ cũng là dòng chảy liên tục. Nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, có khi một cuốn sách vừa mới ra đã nhanh chóng trở nên cũ. Cũ hay mới cũng lại tùy thuộc vào giá trị tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm.
4.2. Thơ
Thể loại thơ bao giờ cũng chiếm số lượng tác phẩm đông nhất. Người ta vẫn có một cách nói tồn tại lâu nay nhưng chưa có thống kê thực sự: bình quân mỗi ngày ở nước ta có 2-3 tập thơ ra mắt bạn đọc. Ngoài thơ của các nhà thơ chuyên nghiệp, còn có thơ mới xuất hiện của các cây bút trẻ. Ấy là chưa kể đến thơ của các Câu lạc bộ trên khắp địa bàn cả nước, mà Câu lạc bộ thơ Việt Nam của ông Bành Thông bao gồm trên 7000 hội viên là một ví dụ. Cho nên, theo tiêu chí thời sự, cần tính đến các tác phẩm mới xuất hiện có giá trị hoặc tạo được dư luận, có thể hình dung nền thơ hiện nay với một số hiện tượng/vấn đề dưới đây:
- Một số tập thơ được trao giải:
Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2010 và 2011 dành trao cho 4 tập thơ: Bầu trời không mái che của Mai văn Phấn, Sóng và khoảng lặng của Từ Quốc Hoài, Ngày linh hương nở sáng của Đinh Thị Như Thúy, Hoan ca của Đỗ Doãn Phương. Trong số này, có hai tác giả đứng sau thuộc lớp các nhà thơ trẻ: Đinh Thị Như Thúy sinh 1965, Đỗ Doãn Phương sinh 1977. Nhìn chung, các tập thơ được trao giải lần này đều là những tiếng nói thơ ca mang khuynh hướng cách tân, bứt phá khỏi thi pháp cũ, mang hơi thở đương đại. Trong số này, có lẽ đáng kể nhất là nhà thơ Mai Văn Phấn. Đây là một tác giả xuất hiện trong làng thơ Việt Nam từ những năm 90 của thế kỷ trước. Anh cũng bắt đầu bằng thơ lục bát, thơ tự do, với một thi cảm truyền thống. Phải chờ đến những tập thơ sau, anh đã có ý thức bứt phá, tìm kiếm những thi tứ, thi ảnh lạ, nhiều trường hợp mang màu sắc siêu thực. Anh hay nói về lẽ hóa sinh miên viễn bí ẩn của sự sống. Thơ anh chính là những biểu đạt đa dạng, phong phú, độc đáo về niềm khát vọng sống thường hằng và to lớn của con người. Thơ tuyển Mai Văn Phấn (NXB HNV, 2011) với 370 bài thơ thực sự là một thành tựu thơ ca của nền thơ Việt Namđương đại.
Một tập thơ khác mà chúng tôi muốn nói đến, tuy không lọt vào giải thưởng Hội NVVN, và sau đó đã đoạt Giải thưởng năm 2011 của Hội NV Hà Nội: Những kỷ niệm tưởng tượng (NXB Thế giới, 2011) của PGS.TS, nhà thơ Trương Đăng Dung. Anh đã từng có thơ đăng trên báo Văn Nghệ từ năm 1978. Sau đó, vì nhiều lý do, đến tận năm 2002 anh mới trở lại với thi đàn. Do là một người chú tâm nghiên cứu, anh ít xuất hiện trong tư cách người làm thơ. Tuy thế, mỗi chùm thơ của anh đăng đàn đây đó đều gây được chú ý đối với công chúng yêu thơ. Ra mắt tập thơ lần này, Trương Đăng Dung được khẳng định thêm tư cách một nhà thơ đích thực ngoài tư cách một nhà NCVH. Thơ Trương Đăng Dung ngay từ những bài thơ đầu tiên đã được viết theo cách hiện đại. Anh thường sử dụng lối viết xen lẫn giữa thực và ảo, kết hợp bút pháp siêu thực với nhiều hình ảnh kỳ dị, huyền bí. Anh thường đặt ra những suy tư, chiêm nghiệm về những vấn đề lớn của kiếp nhân sinh: thời gian, sự tồn tại, cái chết và sự hủy diệt, tình yêu và niềm hy vọng ở con người. Tuy mới chỉ xuất hiện tập thơ đầu tay, nhưng thơ anh thực sự là một trong những tiếng nói cách tân tiêu biểu thơ ca đương đại.
Ngoài ra, có thể kể đến tập thơ Phim đôi- tình tự chậm của nữ nhà thơ Vi Thùy Linh (đoạt giải Hội LHVHNT Hà Nội, 2012). Thơ chị vẫn là tiếng nói nồng nhiệt của một tâm hồn khao khát yêu đương, khẳng định nữ quyền, “ái quyền” (chữ dùng của Chu Văn Sơn), khẳng định bản thể, đòi được sống được yêu tận độ đắm say và thành thực nhất. Về thi pháp, thơ chị dùng lối thơ tự do, phóng túng, ào ạt chữ nghĩa như “những cuộc bạo động chữ” (Văn Giá), lôi cuốn người đọc. Tuy nhiên, nhiều nhà phê bình cũng cho rằng Vi Thùy Linh nên tiết chế hơn, tinh lọc hơn về cảm xúc và ngôn từ để tránh bộn lời. Dù sao vẫn có thể khẳng định trong số các cây bút thơ trẻ, Vi Thùy Linh đã định danh được tư cách thi sĩ của mình.
Có hai sự kiện thơ ca đáng chú ý trong những ngày vừa qua: Tuyển tập Thơ Dương Kiều Minh (NXB HNV, 2011), và Tuyển thơ Châu thổ (NXB HNV, 2012) của Nguyễn Quang Thiều.
Tập Thơ Dương Kiều Minh (DKM) được in ra chưa đầy một năm thì nhà thơ xấu số đã ra đi (mất ngày 28.3.2012). Anh bị cơn ung thư quái ác quật ngã khi mới tròn 53 tuổi. Khoa Viết văn- Báo chí (tiền thân là Trường Viết văn Nguyễn Du) đã tiến hành Tọa đàm “Thơ Dương Kiều Mình trong diễn trình cách tân thơ Việt Nam hiện đại” được tổ chức ngày 16.5.2012. Hội thảo thu hút sự quan tâm của giới nhà thơ, các nhà NCPB, đông đảo sinh viên và công chúng yêu thơ. Nhìn chung các ý kiến khẳng định DKM là một trong những nhà thơ tiên phong của quá trình cách tân thơ của thế hệ hậu chiến (trưởng thành sau 1975). Bắt đầu băng tập Củi lửa (1989), bạn đọc yêu thơ đã nhận ra một giọng điệu khác lạ, độc đáo, và đặc biệt tinh tế của nhà thơ này. Sau đó, anh lần lượt cho in các tập Dâng mẹ, Những thời đại thanh xuân, Ngày xuống núi, Tựa cửa, Tôi nhớ mãi những ngày thu tận, Khúc chuyển mùa. Càng về sau, thơ anh càng rút sâu vào nỗi buồn thân thế, nhất là khi anh biết mình bạo bệnh. Nhìn vào hành trình thơ của DKM có thể hình dung nhà thơ hiện lên như một thân phận lữ thứ: lữ thứ đời, lữ thứ thơ.
Riêng tập Châu thổ của Nguyễn Quang Thiều  (NQT) là tuyển thơ được chọn lọc từ các tập thơ Ngôi nhà 17 tuổi (1990), Sự mất ngủ của lửa (1992), Những người đàn bà gánh nước sông (1995), Nhịp điệu châu thổ mới (1997), Bài ca con chim đêm(1999), Cây ánh sáng (2009). Năm 1992, NQT được nhận Giải thưởng của Hội NVVN cho tập Sự mất ngủ của lửa.
Vừa qua, ngày 28.6.2012,  Viện Văn học đã tổ chức Tọa đàm khoa học Thơ Việt Namhiện đại và Nguyễn Quang Thiều. Đây là diễn đàn nhằm đánh giá thơ Việt Namđương đại trên cơ sở khảo sát những nỗ lực sáng tạo của các nhà thơ cụ thể. Thông qua nỗ lực đổi mới thơ của Nguyễn Quang Thiều, từng bước nhận diện, lý giải sâu hơn sự vận động của thơ Việt sau 1975 trong bối cảnh giao lưu và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Buổi Tọa đàm đã nhận được gần 30 tham luận của các nhà văn, nhà thơ, các nhà lý luận, phê bình văn học. Các tham luận gửi đến tọa đàm đã được chọn lọc, biên tập, thẩm định kỹ lưỡng và được tập hợp trong cuốn sách Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều (NXB HNV) vừa ra mắt bạn đọc.
Tại buổi tọa đàm, trong vai trò kết thúc, nhà thơ Hữu Thỉnh đã phát biểu một số ý quan trọng: “… Tôi rất hoan nghênh không khí đối thoại của cuộc tọa đàm này, nó làm thay đổi phương thức, cách tổ chức hội thảo của chúng ta, chân lý chỉ xuất hiện khi có tranh luận. Tôi cảm ơn ý kiến của nhà phê bình Văn Giá. Đặc điểm thời đại hiện nay là đa cực cả trong chính trị và văn hóa. Văn học đang có nhiều trung tâm, không thể nói thế hệ nào là trụ cột. Sự phi tập trung hóa tạo ra sự đa diện. Tôi sẽ suy nghĩ và điều chỉnh sau khi nghe ý kiến của Văn Giá”. Nhà thơ Hữu Thỉnh tiếp tục đưa ra những nhận định về thơ NQT qua bài viết: “Tôi thay đổi thói quen để tiếp nhận NQT như thế nào?”. Trong bài viết sâu sắc của mình, nhà thơ Hữu Thỉnh nêu lên những vấn đề chính:
- Nguyễn Quang Thiều - con người sinh ra cho những cuộc tranh cãi. Bắt đầu từ 1983, khi Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội tổ chức cuộc thi thơ, Ban chung khảo vào phút cuối "bắt" được bài thơ của NQT (được giải 3) có hai câu thơ mang sức khái quát cả lịch sử của một dân tộc: “Biên giới giờ này giặc vẫn bắn vào đêm/ nàng Tô Thị bồng con đi lối tắt”. NQT đã có những câu thơ mở ra những vô tận của liên tưởng… Cuộc tranh cãi thứ hai vào năm 1993 khi Hội Nhà văn Việt Nam trao giải cho tập thơ “Sự mất ngủ của lửa”. Năm 1995, cuộc thi thơ của báo Phụ Nữ Việt Nam, NQT đã giành giải Nhất nhưng đến giờ này chưa có người nhận vì NQT đã lấy một bút danh khác: Nguyễn Thị Hoàng Lê, như một sự thách thức đối với sự thẩm định thơ của Ban giám khảo.
- NQT đã từ chối một công nghệ làm ra những câu thơ hay để hoàn toàn đổi mới. Theo tôi, NQT là truyền thống. Truyền thống của văn hóa, thơ ca, hiểu theo nghĩa mỹ học, đó là truyền thống của cách tân. Những giá trị mới cứ xuất hiện, khẳng định và gây tranh cãi. Thơ NQT luôn đổi mới vì nó xác lập những giá trị mới.
- NQT với những đóng góp vào tiến trình đổi mới:
+ Tạo ra trường thẩm mỹ mới, khước từ mọi sự véo von nhễ nhại, du dương tội nghiệp, NQT huy động tối đa những ngẫu nhiên. NQT là người cộng hưởng được cả thông tin, cảm xúc, tranh luận, bình luận…
Chính vì vậy thơ NQT phồn thực, đa chiều, "xôm tụ"...
+ NQT không bị sa vào "bẫy chữ", anh dành nhiều tâm sức cho giọng điệu, nó cuốn hút, tạo ra từ trường và vực xoáy của con chữ. NQT chẻ nhỏ mọi cảm xúc của mình. Tôi đã đọc NQT một cách tử tế, nghiêm túc để nhận ra điều đó.
+ NQT thực sự là 1 “phù thủy” về liên tưởng, anh luôn biết nuôi dưỡng các liên tưởng, người đọc luôn bất ngờ bởi những dẫn dụ của nhà thơ. Thủ pháp NQT là vừa chẻ nhỏ cảm hứng vừa biết phát hiện không ngừng. Đọc NQT là cuộc phát hiện không ngừng, như một trận pháo hoa ngoạn mục về các hình tượng. Xu hướng mỹ lệ hóa đời sống của NQT rất mạnh. Anh biết nuôi dưỡng sự thích thú của người đọc. Điều cuối cùng là anh đã tạo ra được sự ám ảnh – đó mới là cao diệu.
+ NQT biết "dán tem" cho những góc nhìn mới, tạo cơ hội tối đa cho sự tham gia của những cấu trúc khác nhau, "ban bố" sự bình đẳng của những chi tiết. Chưa có ai gia công đặt tên những bài thơ nhiều như NQT. Bài thơ hay nhất của NQT là bài mở đầu trong tập “Châu thổ”. NQT đã có một bài thơ văn xuôi đắng xót, lộng lẫy, có thể coi là hay nhất của NQT.
+ Thơ NQT là thơ ít bị "khấu hao" khi chuyển dịch sang các nền thơ khác, bởi lẽ mạch thơ của NQT gần nhất với mạch thơ hiện nay, thơ tiêu biểu cho giai đoạn hội nhập, điều này cắt nghĩa tại sao thơ NQT được đón nhận ở nhiều quốc gia trên thế giới. Hôm nay tôi ngả mũ cúi chào một thế hệ mới đã xuất hiện. Những nhà thơ như NQT, Mai Văn Phấn, Inrasara, Trần Quang Quý, Đặng Huy Giang, Phạm Đương… đại diện cho một thế hệ mới đang xuất hiện.
Bên cạnh đó, nhà thơ Hữu Thỉnh cũng thẳng thắn bày tỏ những băn khoăn:
- NQT đang đi từ những câu thơ hay không giải thích được đến những câu thơ hay có thể giải thích được.
- NQT hơi lạm dụng sự kể lể. Những câu thơ kể lể đã nhiều lên. Chúng ta cần tận dụng khả năng tinh túy của ngôn ngữ để diễn đạt cái tối đa.
- NQT đang “đi thang máy” lên các lâu đài thơ, quy luật của cầu thang chính là những chiếu nghỉ, NQT cần tạo ra những khoảng trống, sự im lặng.
(Bài lược thuật của Phong Lan, đã đăng trên vanvn.net cùng ngày 28.6)
Sở dĩ tôi trích hơi dài như vậy, vì có lý do của nó. Ngoài chuyện khẳng định và chỉ ra một số hạn chế của thơ NQT, nhà thơ Hữu Thỉnh trong tư cách Chủ tịch HNVVN lần đầu tiên đã thừa nhận có một thế hệ các nhà thơ hậu chiến với những đóng góp không thể phủ nhận và góp phần vào công cuộc làm mới thơ dân tộc. 
4.3. Lý luận- phê bình
Nền lý luận - phê bình (LLPB) nước ta hiện nay đang phải hứng đón nhiều phê phán, chỉ trích từ phía công chúng văn học, kể cả những người trong giới. Họ đưa ra một số hạn chế như: không theo kịp sáng tác, khen chê cảm tính, biểu dương những tác phẩm không có chất lượng, văn hóa tranh luận không bảo đảm, thiếu tính chuyên nghiệp…
Các Hội thảo, tọa đàm của Hội NVVN, của Hội đồng LLPBVH, NTTƯ diễn ra trong mấy tháng gần đây tập trung vào vấn đề nâng cao chất lượng LLPBVH, nâng cao chất lượng PBVH trên báo chí, vv… Gần đây nhất, sáng 10.7 tại TP Ninh Bình, Hội đồng LLPBVH, NTTƯ  phối hợp Tỉnh uỷ Ninh Bình khai mạc lớp tập huấn “Công tác lý luận, phê bình văn học nghệ thụât” khu vực phía Bắc trong khoảng thời gian 4 ngày, thu hút hơn 300 những nhà báo, phóng viên, những người viết LLPBVHNT trẻ tham dự.
Tuy nhiên, theo thiển ý của tôi, tình hình của LLPB không đến mức như các ý kiến đánh giá trên kia. Cái mà đưa đến nhận xét có tình trạng loạn phê bình chủ yếu là do hoạt động phê bình trên báo chí, nơi không có khả năng kiểm soát chất lượng, nơi bộc lộ sự non kém về chuyên môn, về quản lý, về việc sử dụng bài vở…Trong khi đó vẫn có một bộ phận phê bình chuyên nghiệp hoạt động một cách nghiêm túc. Các bài vở của họ có tham vọng bàn cho đến “ngọn nguồn lạch sông”, nên thường là dài, mà đã dài thì báo chí không đăng, đành đăng trên các trang mạng, người biết đến không nhiều; vả lại, ở Việt Nam vẫn có thói quen không coi bài vở trên mạng là chính thức. Chính vì thế, thực tiễn LLPB đó đã đưa lại một cảm giác thiếu tính tích cực như vừa nêu trên.
Những năm gần đây, một số công trình dịch thuật, nghiên cứu LLPB ra đời tuy không nhiều, nhưng trong đó có một số công trình gây được sự chú ý đối với bạn đọc.
Năm 2010, công trình LLPB của Đỗ Lai Thúy (ĐLT) mang tên Bút pháp của ham muốn (NXB Tri thức, 2009) đoạt giải của HNV Hà Nội. Trong công trình này, ĐLT đã nhất quán trong một tinh thần tiếp cận phân tâm học đối với văn học. Những bài viết về thơ Hồ Xuân Hương, Nguyễn Gia Thiều, Bà Huyện Thanh Quan,  Hoàng Cầm, Chế Lan Viên được soi sáng bởi lý thuyết phân tâm học. Hướng tiếp cận này đã từng có từ trước 1945 với Nguyễn Bách Khoa (về Tú Xương, Nguyễn Du), Nguyễn Văn Hanh (về Hồ Xuân Hương),  sau đó bị dừng lại. Phía Nam trước 1975, phê bình phân tâm học khá phát triển. Tuy nhiên sau 1975, với nhiều định kiến, ít ai để ý. Việc ĐLT trở lại với phê bình phân tâm học được xem là một thái độ khoa học nghiêm túc và đáng trân trọng. Chất lượng của các bài viết về Hồ Xuân Hương và Hoàng Cầm tỏ ra khá thuyết phục.
Cũng năm vừa qua, cuốn sách của GS Hoàng Ngọc Hiến mang tên Bàn về minh triết và minh triết Việt (NXB Tri thức, 2011) cũng đã đoạt giải thưởng năm của Hội NVVN. Đây là một công trình khi ra đời, cha đẻ của nó không được nhìn thấy mặt (ông mất ngày 24.1.2011). Công trình này dựa trên một tư tưởng: bên cạnh nền triết học đồ sộ, có một nền minh triết hết sức rực rỡ của bất kỳ một dân tộc, một cộng đồng nào, nó nằm ở tất cả các sách vở, văn học truyền miệng, văn bia, kinh sách… Kho tàng minh triết thông tuệ và rực rỡ này hiện nay vẫn chưa được giới nghiên cứu coi trọng, và đặc biệt chưa đưa được nó ứng dụng vào công cuộc phát triển xã hội và con người. GS Hoàng Ngọc Hiến đã luận bàn vấn đề minh triết trong văn hóa, tư tưởng và tôn giáo Việt Nam, đề xuất hướng nghiên cứu và vận dụng minh triết vào sự phát triển đất nước. Ông được xem như là người mở đường cho hoạt động nghiên cứu và ứng dụng minh triết ở Việt Nam. Sinh thời ông đảm đương chức Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm minh triết. Tối mùng 4.7.2012 vừa qua, Trung tâm văn hóa Pháp Le’space tại Hà Nội đã tổ chức Tọa đàm Hoàng Ngọc Hiến- bậc trí giả lương thiệnnhằm hướng tới tưởng niệm một năm ngày mất của GS Hoàng Ngọc Hiến. Buổi tọa đàm đã thu hút sự có mặt của nhiều các vị Giáo sư, các nhà NCLLPB, các đồng nghiệp và học trò của GS Hoàng Ngọc Hiến. Trong niềm cảm phục và kính trọng dành cho Giáo sư, nhiều ý kiến ôn lại những kỷ niệm vui buồn với GS Hoàng Ngọc Hiến, nhiều ý kiến đồng tình đánh giá và tôn vinh những đóng góp của ông trong các tư cách: nhà giáo lỗi lạc, nhà nghiên cứu uyên bác tài hoa, nhà dịch thuật và truyền bá khoa học tài giỏi.
Ngoài một số sách LLPB nói trên, nên tham khảo thêm một số cuốn sách LLPB khác như: Đánh đường tìm hoa (NXB Văn hóa- Văn nghệ, 2010) của Nguyễn Thị Minh Thái, Tiểu thuyết trên đường đổi mới (NXB Tri thức) của GS Phùng Văn Tửu; Thơ, thi pháp và chân dung (NXB Phụ nữ, 2009) của Đặng Tiến, Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy (NXB HNV, 2010) của Đỗ Lai Thúy, Thơ đến từ đâu (NXB Lao động, 2009) của Nguyễn Đức Tùng, Thực thể Việt nhìn từ góc độ chữ (NXB Tri thức, 2010) của Trần Ngọc Vương, Phê bình văn học Việt Nam hiện đại (NXB VH, 2011) của Trịnh Bá Đĩnh, Thơ điệu hồn và cấu trúc (NXBGD, 2007) của Chu Văn Sơn, Chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX (Nhà xuất bản KHXH, 2010) của Trần Đăng Xuyền, Viết cùng bạn viết (NXB HNV, 2009) của Văn Giá…
Chúng tôi muốn nói đến một số công trình trực tiếp bàn về chủ nghĩa hậu hiện đại. Trào lưu hậu hiện đại có mặt trên thế giới từ quãng những năm 50 của thế kỷ XX. Nó là một trào lưu có ý nghĩa văn hóa, khởi nguồn từ phương Tây, sau đó lan tỏa, ảnh hưởng tới toàn nhân loại. Ở Việt Nam, nó không tồn tại như một chủ nghĩa, nhưng cho đến nay đã có những dấu hiệu thực sự và hết sức đa dạng trong các diễn ngôn nghiên cứu, phê bình, nhất là các sáng tác văn học, kể cả thơ và văn xuôi. Một người làm công tác nghiên cứu văn học, kể cả một người đọc văn học tử tế không thể làm ngơ trước hiện tượng ngày càng nổi bật này.
Về phương diện lý thuyết, cần chú ý tới các công trình dưới đây:
Văn học hậu hiện đại thế giới- Những vấn đề lý thuyết (Nhiều tác giả), NXB HNV, Trung tâm VHNN Đông Tây, 2003
Nhập môn chủ nghĩa hậu hiện đại (Richard Appignanesi…, Trần Tiễn Cao Đăng dịch), NXB Trẻ, 2006
Hoàn cảnh hậu hiện đại (Jean Francois Lyotard, Phạm Xuân Nguyên dịch), NXB Trí thức, 2007.
Lý thuyết văn học hậu hiện đại (Phương Lựu), NXB ĐHSP, 2011
Văn học hậu hiện đại - lý thuyết và tiếp nhận (Lê Huy Bắc), NXB ĐHSP, 2012.
- Ngoài ra cần đọc thêm một số bài viết bàn về hậu hiện đại và văn học hậu hiện đại của Lã Nguyên, Nguyễn Văn Dân, Trương Đăng Dung, Phùng Gia Thế… (có thể search trên google).
Về tác phẩm, ngoài một số tác phẩm thế giới được dịch và công bố trong Văn học hậu hiện đại thế giới- Những tác phẩm chọn lọc (Nhiều tác giả, NXB HNV, Trung tâm VHNN Đông Tây, 2003), nên tìm đọc một số tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Bình Phương, Tạ Duy Anh, Đặng Thân, Nguyễn Quang Lập, Thuận, nhóm Mở miệng… Gần đây nhất có cuốn thơ Đa ngữ- Mảnh mảnh mảnh(NXBVH, 2012) của Lê Anh Hoài đang gây được sự chú ý trong dư luận.
Hậu hiện đại là một vấn đề phức tạp, không thể trình bày một cách cặn kẽ được, chúng tôi chỉ phác họa một số nét cơ bản dưới đây:
- Chủ nghĩa hậu hiện đại (HHĐ) được hình thành trên thế giới ban đầu mang tinh thần nhận thức lại triết học, về sau nó được ứng dụng vào văn hóa, nghệ thuật, trong đó có văn chương. Các tên tuổi nổi tiếng trên thế giới về HHĐ là Jean Francoir Lyotard, Jacques Derrida, Jean Baudrillard, Michel Foucaut,… Khi đến Việt Nam, ban đầu nó chỉ dừng lại ở cảm quan hậu hiện đại (postmodern sensibility), càng về sau nó càng được ý thức như một hệ hình tư duy với một hệ khái niệm công cụ, và một tinh thần ứng dụng năng động.
- Chú ý tới mấy khái niệm sau:
Đại tự sự (Grand narrative): để chỉ những tham vọng bá chủ, độc tài, tuyên xưng chủ nghĩa, chay theo cái độc tôn, duy nhất. HHĐ hoài nghi, tiến tới giải thiêng, giễu nhạiđại tự sự; chấp nhận tiểu tự sự, chấp nhận sự hỗn độnphi trung tâm, thế giới phân mảnh. Nó hướng tới tinh thần dân chủ, giá trị tự do của các các nhân.
Hiện thực thậm phồn (hyperreality): vật thế vì, vật thay thế giả tạo (simulacra): thế giới ảo, không thật, ngôn ngữ thay thế (hiện thực ngôn ngữ). Không nên tin vào thứ hiện thực hiểu theo nghĩa của chủ nghĩa hiện thực, mà nó là một thứ hiện thực của ngôn ngữ, ngôn ngữ trị vì.
Trò chơi (playfulness): Xác lập quyền uy tối cao của ngôn ngữ. Chống lại tinh thần của F.de Saussure (1857-1913) về cái biểu đạt (CBĐ) và cái được biểu đat (CĐBĐ): CBĐ chính là CĐBĐ, đằng sau CBĐ là những CBĐ tiếp. Cho nên văn học là trò chơi ngôn từ: phá vỡ biểu nghĩa, phá vỡ tuyến tính, phá vỡ đẳng cấp từ vựng, văn học chính là ngày hội carnaval của ngôn từ…
Tính liên văn bản (Intertextuality): Trong mối quan hệ giữa tác gỉa và người đọc (trục ngang), giữa văn bản này với văn bản khác (trục dọc), mỗi văn bản được viết ra là giao điểm của vô vàn văn bản và chịu sự chi phối của các quy ước viết và đọc có sẵn từ trước. Jacques Derrida nói: “Không có gì là ngoài văn bản”. Từ đây, sinh ra những thủ pháp chắp nối, phỏng nhại, đan xen và phối kết nhiều thể loại… trong sáng tác; hoặc lý thuyết tiếp nhận trong việc đọc tác phẩm.
Theo tôi nghĩ, cái được lớn nhất của HHĐ là nó thiết lập một tinh thần dân chủ trong sáng tạo và tiếp nhận, giải phóng năng lực sáng tạo cho con người, tôn trọng những sự khác biệt. Tuy nhiên, nó cũng có nguy cơ, nếu không được bảo hiểm bằng tư thế văn hóa cao và trách nhiệm cộng đồng, sẽ dẫn đến ứng xử và tìm kiếm cực đoan, hỗn loạn, đánh tráo giá trị. Thực tiễn văn học đương đại, bên cạnh một số thể nghiệm nghiêm túc, có giá trị, một số tác phẩm nhân danh HHĐ đã rơi vào sự tầm thường, dễ dãi. Nghệ thuật không có chỗ cho cái tầm thường. 
5. Văn học dịch
 Đây là bộ phận văn học có tính chất giao lưu quốc tế, và nếu chọn được những trường hợp tốt, nó có giá trị tham khảo, kích thích nền văn học trong nước phát triển. Một số nước trên thế giới, họ coi dịch thuật là chiến lược văn hóa hết sức bài bản được tiến hành hai chiều: dịch các tác phẩm nước ngoài và chuyển ngữ tác tác phẩm trong nước ra các ngôn ngữ phổ biến. Ở nước ta, tuy có Hội đồng văn học dịch của HNVVN, có NXB Thế giới, nhưng chưa có một chiến lược bài bản như vậy. Hiện nay toàn bộ hoạt động dịch thuật vẫn dựa vào ý chí của mỗi cá nhân.
Tuy nhiên, số lượng sách dịch vẫn chiếm một số lượng khá lớn, và chất lượng không đồng đều. Gần đây, có một số tác phẩm đã được trao giải, ghi nhận thành tựu và chất lượng dịch thuật của các dịch giả: Nguyên Ngọc với tác phẩm văn học dịch Nhẫn thạch(Atiq Rahimi, NXB HNV, 2009)  được Hội NV Hà Nội trao giải năm 2009;  Nguyễn Bích Lan với bản dịch tiếng Việt tác phẩm Triệu phú khu ổ chuột (NXBVH, 2009) của Vikas Swarup được nhận giả thưởng Hội NVVN 2010; Tuyển thơ Olga Berggolts (thơ dịch của Thụy Anh từ nguyên bản tiếng Nga, NXB Trẻ, 2010) cũng được Hội NVVN trao giải năm 2011.
Nói về chất lượng dịch thuật, gần đây dư luận xôn xao về hai bản dịch: Bản đồ vùng đất, Vô tri do dịch giả trẻ Cao Việt Dũng chuyển ngữ từ tiếng Pháp. Cuốn Bản đồ và vùng đất, tác phẩm đoạt giải Goncourt năm 2010 của Michel Houellebecq, mới được Nhã Nam phát hành hồi giữa tháng 1-2012. Chỉ hơn một tháng sau đó, từ cuối tháng 2, trang Tiền Vệ (tienve.org) liên tiếp cho đăng loạt bài của tác giả Hà Thúc Lang chỉ ra những sai sót trong bản dịch tiếng Việt do Cao Việt Dũng chuyển ngữ. Theo tác giả này, Cao Việt Dũng đã dịch sai hàng ngàn lỗi trong cuốn sách. Trước việc này, Ban Giám đốc Nhã Nam quyết định dừng việc phát hành cuốn sách kể từ ngày 15-3 để tiến hành kiểm định chất lượng bản dịch một cách toàn bộ.
Ngày 14.6.2012, Công ty Văn hóa và truyền thông Nhã Nam cũng vừa phát hành thông cáo trên trang web của đơn vị này, thừa nhận các lỗi dịch trong quyển Vô tri(nguyên tác L’Ignorance của Milan Kundera). Sách được Cao Việt Dũng dịch, NhãNam và NXB Hội Nhà Văn ấn hành năm 2010.
Sự cố bản dịch quyển Vô tri được khởi lên từ loạt bài viết ký tên Hà Thúc Lang trên một trang web về nghệ thuật hồi tháng 4-2012, đã “kê cứu” các lỗi sai có thể tìm thấy trong bản dịch Vô tri đang lưu hành.
Trước những phản hồi đó, Nhã Nam cho biết đã thẩm định lại chất lượng bản dịch Vô tri và trong thông cáo mới nhất Nhã Nam nhìn nhận: “Bản dịch Vô tri có tương đối nhiều lỗi, cụ thể 264 điểm có thể xác định được là lỗi và đều thuộc loại lỗi cần sửa, nên sửa, trong đó bao gồm: 87 lỗi sai nghĩa (cụ thể hơn: có năm từ dùng sai nghĩa lặp đi lặp lại trong bản dịch do đó bị tính gộp lại thành 32 lỗi), 67 lỗi chệch nghĩa, 77 lỗi diễn đạt, 33 lỗi sót từ/câu so với nguyên bản”.
Ðồng thời Nhã Nam thông báo hướng khắc phục: “Chúng tôi quyết định tiến hành hiệu đính bản dịch cho lần tái bản ngay sau đây, đồng thời thực hiện mọi biện pháp cần thiết để chấn chỉnh khâu biên tập, hầu bảo đảm tình trạng sai sót như đối với bản dịch này kịp thời được hạn chế với mọi ấn phẩm của Nhã Nam về sau”.
Từ sau “thảm họa dịch thuật” (chữ dùng của dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng): Mật mã Da Vinci (NXB Văn hóa Thông tin 2005) của tác giả Dan Brown, dịch giả Đỗ Thu Hà, cho đến nay mới bùng phát trở lại hiện tượng đáng báo động về dịch thuật đối với trường hợp hai tác phẩm kể trên. Âu cũng là bài học cho nhưng người làm công tác dịch thuật, biên tập và xuất bản các tác phẩm dịch hiện nay.
Gần đây, cuốn tiểu thuyết Lolita (NXB HNV và Công ty Nhã Nam, 2012) của Vladimir Nabokob do dịch giả Dương Tường chuyển ngữ đã gây được tiếng vang trong công chúng yêu văn học. Tuy có một vài trao đổi nhỏ, bản thân Dương Tường cũng thừa nhận là không tránh khỏi sai sót, tác phẩm dịch đã trở thành một hiện tượng đáng lưu ý trong đời sống văn học hiện nay.
Tác giả của "Lolita" - nhà văn Vladimir Nabokov là người Mỹ gốc Nga, từng bị giới văn chương coi như quái vật, nhưng cũng được xưng tụng như một trí tuệ trác tuyệt, một nghệ sĩ ngôn từ với phong cách độc đáo có một không hai, một nhà văn có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong nền văn học thế giới thời hiện đại. "Lolita" (1955) chính là tác phẩm đã xác lập vị trí của Nabokov như một trong những tiểu thuyết gia lớn nhất thế kỷ XX. Cuốn tiểu thuyết là câu chuyện về mối tình si của Humbert Humbert, một nhà nghiên cứu văn học tuổi trung niên, vốn bị ám ảnh bởi những cô gái nhỏ mà ông trìu mến gọi là “tiểu nữ thần”. Lolita - đối tượng mối tình si của ông - là một cô bé 12 tuổi, con gái bà chủ nơi ông thuê trọ. Cô bé là ngọn lửa đã chiếu rọi và đồng thời thiêu rụi cuộc đời Humbert Humbert.
Khởi đầu của Lolita không hề suôn sẻ. Bốn nhà xuất bản đầu tiên mà Nabokov đem bản thảo tới đều bị sốc và thẳng thừng cự tuyệt. Đến khi được in, tác phẩm lập tức gây sóng gió. Cho đến những năm gần đây, một số người, kể cả trong giới phê bình - học thuật, vẫn xem Lolita là một cuốn “dâm thư”. Tuy nhiên, nhiều văn hào và nhà phê bình lớn đã khẳng định về Lolita như một viên ngọc quý của văn học thế kỷ. Độc giả thu nhận ở đây không ít khoái cảm thẩm mỹ về văn chương và ngôn ngữ. Tính đến nay, "Lolita" đã được dịch và xuất bản tại gần 40 quốc gia, đứng trong "Top 100 tác phẩm xuất sắc nhất mọi thời đại", "Top 10 tác phẩm gây nhiều tranh cãi nhất" và thậm chí từng được tái bản 2 lần trong vòng 4 ngày khi xuất bản tại Mỹ - một kỷ lục đáng kinh ngạc với ngành xuất bản ở bất kỳ thời nào.
Tuy nhiên, không trở thành “cơn cuồng phong” trong đời sống văn học như ai đó mong muốn, có người bi quan cho rằng nó chỉ như “cơn bão trong đáy cốc”. Điều này có nhiều nguyên nhân không dễ cắt nghĩa. Dù sao thì những người làm nghề văn chương ít nhất cũng đã không quay lưng với tác phẩm này, và xem nó như một tham khảo tốt về nghệ thuật tiểu thuyết của một nhà văn lớn.
Khi bàn về văn học dịch cũng không nên quên một số công trình dịch thuật lý thuyết văn học như đã kê cứu ở phần LLPBVH trên kia. Những công trình dịch thuật này có ý nghĩa truyền bá các tri thức lý thuyết hiện đại của thế giới vào Việt Nam, có ý nghĩa thúc đẩy tiến trình văn học Việt Nam trong công cuộc hội nhập và phát triển.
Tuy nhiên, vẫn phải thừa nhận rằng, trong sân chơi dịch thuật, tuy tất cả vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cần thiết, song phần dịch các tác phẩm nước ngoài sang tiếng Việt vẫn trội hơn phần dịch các tác phẩm Việt Nam ra nước ngoài. Để hoạt động dịch thuật phát triển như mong muốn phải có một chiến lược cấp quốc gia mới có thể thực hiện được. Điều này đang còn ở phía trước. 
6. Kết luận: 
Chúng tôi không dám chắc đã bao quát được diện mạo trung thực nhất của nền văn học Việt Nam trong những ngày này. Sự bao quát của một người bao giờ cũng có hạn, và không tránh khỏi những hạn chế trong việc chỉ chỗ, phân tích và đánh giá tổng quát. Tuy nhiên, ít nhất, chúng tôi cũng đã cố gắng ở mức cao nhất có thể.
Một bức tranh văn học dù kỹ hay chưa ở mức nào trong phần trình bày này cũng sẽ trở nên vô nghĩa nếu không được cộng hưởng từ phía người đọc, trong trường hợp này là các thầy/ cô khối chuyên bậc PTTH. Hy vọng, hiểu được bức tranh thời sự văn học sẽ là nguồn tiếp sức cho tình yêu văn chương, tình yêu nghề nghiệp của các thầy/cô.
Hà Nội, tháng 6/7.2012
         
________________
[1] Xem bài “Dạy văn nhưng không bao giờ …đọc sách” qua đương link:  http://yume.vn/viethuvn/article/day-van-nhung-khong-bao-gio-doc-sach.35D88604.html
[2] Xem bài viêt về các tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Đàn ghi-ta của Lorca trong cuốn Văn học hậu hiện đại- Lý thuyết và tiếp nhận (NXB ĐH SP, 2012) của PGS.TS Lê Huy Bắc.
[3]  “Tám triều vua Lý” gồm 4 tập: Thiền sư dựng nước, Con ngựa nhà Phật, Bình Bắc dẹp Nam, Con đường định mệnh - viết về nhà Lý từ khi khởi nghiệp đến khi kết thúc (10091225) trải dài 216 năm trong tiến trình lịch sử Việt Nam.
Bộ “Bão táp triều Trần” gồm 4 tập: Bão táp cung đình,Thăng Long nổi giậnHuyền Trân Công chúaVương triều sụp đổ - được xuất bản lần đầu cả bộ năm 2003 và đã được tái bản nhiều lần. Lần tái bản mới đây, bộ tiểu thuyết được bổ sung thêm hai tập mới là Đuổi quân Mông - Thát và Huyết chiến Bạch Đằng - Với việc thêm 2 tập mới, bộ sách trở nên liền mạch từ khi nhà Trần ra đời cho đến khi kết thúc sứ mệnh lịch sử 175 năm tồn tại.
[4] Thực ra, hai tác phẩm Mẫu thượng ngàn và Đội gạo lên chùa cũng không hẳn là tiểu thuyết lịch sử, mà có lẽ nên gọi là tiểu thuyết lịch sử - văn hóa. Nhà văn đặt ra vấn đề tôn giáo trong tiến trình lịch sử và văn hóa dân tộc.

 Nguồn: Nhà văn TP Hồ Chí Minh 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: