Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2015


     
    
 Hồi còn ở Hà Nội, một lần anh bạn thân đưa tôi đi thăm thành Cổ Loa, với tinh thần tưởng nhớ đến bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước. Cổ Loa có nhiều cái để thu hút người ta, đó là một tòa thành của nghệ thuật quân sự, và sau cùng là truyền thuyết “Mỵ Châu – Trọng Thủy” bất hủ. Thành Cổ Loa nằm ở vị trí bây giờ thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Hơn 2300 năm trước, đây vốn là kinh đô sầm uất của người Âu Lạc, là một thành trì có lối kiến trúc độc đáo và vững chãi.

     Sau khi triều đại của 18 đời vua Hùng kết thúc, Thục Phán An Dương Vương lên ngôi và dời đô từ Phong Châu về Cổ Loa. Tại đây ông cho xây dựng thành Cổ Loa, mà về sau rất nổi tiếng.

     Vào thời Âu Lạc, Cổ Loa là nơi giao lưu quan trọng của đường thủy và đường bộ. Từ đây có thể kiểm soát cả một vùng đồng bằng rộng lớn. Có thể nói, nơi đây có vị trí chiến lược hơn bất cứ nơi nào khác tại đồng bằng Bắc Bộ lúc đó. Thuyền bè qua lại khắp nơi, nếu xuôi theo sông Hồng thì có thể ra đến biển cả. Không chỉ lợi thế về phòng thủ chống ngoại xâm, Cổ Loa còn thuận lợi trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp và giao thương. Vì vậy mà nơi đây đã phát triển thành một đô thị phồn thịnh, dân cư đông đúc.

     Như vậy, công lao Thục Phán An Dương Vương có ý nghĩa như việc đức vua Lý Công Uẩn khi dời đô về Thăng Long sau này ( năm 1010), nhưng ở đây là sớm hơn rất nhiều.

     Chúng tôi vào bên trong thành và quan sát, những gì còn lại giờ đây chỉ là vài đoạn tường thành bằng đất, hoặc ụ nổi để làm tháp canh, không còn hình dung rõ nữa. Những dòng mương nhỏ là dấu tích của sông ngòi và hệ thống thủy trận trước kia, những hàng cây xanh đung đưa trong gió, soi bóng xuống mặt nước. Gần đó là thôn xóm của người dân. Anh bạn chở tôi một vòng bằng xe máy vào trong khu dân cư, hệ thống đường trong thôn cấu trúc xoáy trôn ốc thực sự, có cảm giác như lạc vào ma trận mà không tìm thấy lối ra.

     Theo giới khảo cổ, thành Cổ Loa được xây bằng đất, đá và gốm. Thành có 3 vòng:

     Thành nội: Hình chữ nhật, cao 5 mét, mặt thành rộng từ 6 mét – 12 mét, chu vi là 1.650 mét.

     Thành trung: Có chiều dài 6500 mét, có năm cửa ở các hướng đông, nam, bắc, tây bắc và tây nam.

     Thành ngoại: Chiều dài hơn 8000 mét, cao trung bình 3 – 4 mét.

     Mỗi vòng thành đều có hào nước rộng 10 – 30 mét bao quanh. Các hào này đều thông với nhau và sông Hoàng. Hệ thống tường thành và hào nước như một mê cung, rất thuận tiện cho việc tấn công lẫn phòng thủ khi có địch.

     Cổ Loa được coi là tòa thành cổ nhất, quy mô lớn và kiến trúc độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ. Khi xây thành, người ta đã khéo léo lợi dụng tối đa địa hình tự nhiên. Họ tận dụng chiều cao của các gò, đồi, cũng như bên cạnh sông nước để làm hệ thống giao thông hào đường thủy. Thuyền bè có thể đi lại dễ dàng trong các hào, và sau đó thông ra sông để tỏa đi khắp nơi. Thủy binh và bộ binh kết hợp dễ dàng trong khi tác chiến. Người ta cho rằng, sở dĩ An Dương Vương xây được thành Cổ Loa là nhờ có thần Kim Quy giúp đỡ. Thành được thiết kế theo hình xoáy trôn ốc, vì thế mà dân gian còn gọi là Thành Ốc.

     Cổ Loa không chỉ được người ta biết đến với tòa thành Ốc, mà còn có câu chuyện tình Mỵ Châu, Trọng Thủy nổi tiếng.

     Truyền thuyết kể rằng:

     “Sau khi giúp An Dương Vương xây thành, thần Kim Quy trao cho ông một cái móng của mình để làm lẫy nỏ mà giữ thành. An Dương Vương liền sai tướng quân Cao Lỗ chế tạo một chiếc nỏ, lẫy nỏ được làm từ móng của thần Kim Quy. Chiếc nỏ này có thể bắn một phát hàng trăm mũi tên, khiến cho kẻ địch vô cùng khiếp sợ. Người ta gọi đó là nỏ thần. Nỏ rất lớn và cứng, phải là tay lực sĩ mới có thể giương nổi.

     Lúc bấy giờ Triệu Đà làm chúa đất Nam Hải, đã nhiều lần đem quân xâm chiếm Âu Lạc. Nhưng vì An Dương Vương có nỏ thần, quân Nam Hải bị giết hại rất nhiều. Thấy dùng binh không lợi, Triệu Đà bèn xin giảng hòa với An Dương Vương, rồi lại sai con trai là Trọng Thủy sang cầu thân, nhưng mục đích là để tìm hiểu bí mật về nỏ thần.

     Trọng Thủy sang đến Âu Lạc, gặp con gái xinh đẹp của An Dương Vương là Mỵ Châu, chàng bèn đem lòng yêu. Thấy đôi trai gái yêu nhau, vua liền gả Mỵ Châu cho Trọng Thủy mà không chút nghi ngờ.

     Sau khi tìm hiểu được bí quyết của nỏ thần, Trọng Thủy liền tháo móng rùa thần Kim Quy dấu đi, rồi làm một cái lẫy giả để thế vào.

     Ít lâu sau, Trọng Thủy xin phép An Dương Vương trở về nước. Trước khi chia tay, chàng nói với Mỵ Châu:

     - Bây giờ đôi ta sắp xa nhau, không biết đến khi nào gặp lại. Nếu chẳng may xảy ra binh đao, ta biết nàng ở đâu mà tìm?

     Mỵ Châu đáp:

     - Thiếp có cái áo lông ngỗng, hễ cứ chạy đến đâu thì thiếp sẽ rắc lông ngỗng dọc đường. Chàng cứ theo dấu lông ngỗng thì sẽ tìm thấy thiếp!

     Rồi đôi trai gái bịn rịn chia tay trong nước mắt.

     
Thành Cổ Loa
Về đến đất Nam Hải, Trọng Thủy đưa cái móng rùa thần cho cha. Mừng rỡ, Triệu Đà liền ra lệnh cất quân đánh Âu Lạc. An Dương Vương vẫn cậy có nỏ thần nên không phòng bị gì cả. Đến khi quân giặc đã đến sát chân thành, ông mới sai đem nỏ thần ra bắn thì thấy không còn linh nghiệm nữa. Quân Triệu Đà phá cửa thành, rồi kéo ùa vào. An Dương Vương vội lên ngựa, đặt Mỵ Châu sau lưng rồi thoát ra cửa sau. Ngồi sau lưng cha, Mỵ Châu bứt lông ngỗng mà rãi khắp đường đi, những mong Trọng Thủy có thể tìm thấy mình.

     Hai cha con nhà vua chạy suốt mấy ngày đêm thì đến ngọn núi Mộ Dạ gần bờ biển. Đang định xuống ngựa nghỉ ngơi thì quân giặc đã hò reo đuổi đến gần. Thấy đường núi quanh co, không còn lối nào chạy, nhà vua liền hướng ngựa ra phía biển, vừa chạy vừa khấn thần Kim Quy phù hộ. Khấn xong thì cũng vừa đến lúc ra đến bờ biển, lúc này chợt nước bắn lên mù mịt, thần Kim Quy hiện lên nói rằng:

     - Giặc ở sau lưng nhà vua đấy!

     An Dương Vương tỉnh ngộ, liền rút gươm chém Mỵ Châu, rồi nhảy xuống biển tự vẫn”.

     Nơi An Dương Vương tuẫn tiết sau đó được nhân dân lập đền thờ, gọi là Đền Cuông, ngày nay thuộc huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Đền tọa lạc trên núi Mộ Dạ, hướng ra phía quốc lộ 1, rất tiện cho du khách qua lại thăm viếng, lại quay lưng ra biển, vì vậy mà có thể coi đây là một thắng cảnh của xứ Nghệ. Người ta cho rằng, núi Mộ Dạ gọi là “Đan phượng hàm thư”, có nghĩa là chim Phượng ngậm thư. Đầu con Phượng chính là Đền Cuông bây giờ.

     Người bán hàng trước cổng Đền Cuông đang lúi húi cột lại tấm bạt che nắng buổi sáng, bắt đầu một ngày phục vụ khách tham quan. Đã mấy năm rồi, ngày nào ông cũng bán hàng ở đây. Quán bày bán đồ tế lễ, ngoài ra còn có bánh kẹo và nước nôi cho du khách. Khi có ai hỏi thăm, ông cũng nhiệt tình kể cho họ nghe, tựa như là một hướng dẫn viên du lịch thực thụ vậy. Ông am hiểu rành rẽ sự tích Đền Cuông, về Thục Phán An Dương Vương, cũng như câu chuyện tình đẫm nước mắt của công chúa Mỵ Châu.

     Với một vẻ thành kính miên man, ông bắt đầu kể:

     - Vào đúng ngày diễn ra lễ hội năm 1995, một con Hạc lớn màu trắng bổng từ đâu xuất hiện, bay lượn một vòng quanh núi Mộ Dạ, rồi đậu trên Đền Cuông. Lạ lùng ở chỗ, con chim Hạc không biết sợ người, cứ đứng như trời trồng giữa những tiếng hò hét của đám đông hiếu kỳ.

     Rồi ông cho rằng, đó là con hạc thần do công chúa Mỵ Châu hóa thân. Bây giờ người ta đã ướp xác con Hạc đó, đặt trong tủ kính để thờ trong chính điện.

     - Còn nữa – ông kể tiếp -  vào dịp lễ năm 1996, xác một con cá voi lại trôi dạt vào cửa biển ngay phía sau lưng đền. Ai cũng cho đó chính là hiện thân của vua An Dương Vương. Đền linh thiêng lắm! Vì thế mà những ngày rằm hoặc mùng một người ta đều đến thắp hương khấn vái, kể cả ngày thường cũng vậy.

    
Đền Cuông (Hình: Minh Văn)
     Lễ hội Đền Cuông diễn ra vào dịp tháng 2 âm lịch hàng năm. Đầu tiên là lễ “khai quang”, tổ chức vào ngày 12 tháng 2 âm lịch, mục đích là xin phép thần linh cho nhân dân dọn dẹp đền để chuẩn bị lễ hội. Sau đó là lễ “cáo trung thiên”, tổ chức vào sáng ngày 14 tháng 2 âm lịch để báo cáo với thần linh công việc dọn dẹp đã hoàn thành. Chiều tối ngày 14 tháng 2 sẽ diễn ra “lễ yết”. Cũng tối hôm đó, “lễ rước vua và công chúa” được tiến hành. Đến sáng ngày 15 tháng 2 là “đại tế”, và cuối cùng là “lễ tạ” vào sáng ngày 16 tháng 2 để tạ ơn các vị thần đã về dự lễ.

    Ngay cạnh Đền Cuông, một bãi đất trống vuông vức được người ta xây tường bao quanh để tổ chức lễ hội. Ở đây diễn ra nhiều trò chơi truyền thống như đánh đu, chọi gà, cờ người, biểu diễn võ cổ truyền. Ban đêm thì có hát ca trù, tuồng, chèo và đốt lửa trại cho du khách.

     Leo hết khoảng hơn hai mươi bậc đá xanh nhẵn, chúng ta sẽ lên đến chính điện Đền Cuông. Trên đó là một quần thể di tích, có cả giếng ngọc Mỵ Châu, nơi tượng trưng cho tấm lòng trong sạch của nàng. Trên đỉnh núi Mộ Dạ, người ta lập một am thờ công chúa Mỵ Châu, từ đây có thể nhìn thấy biển phía xa xa, phong cảnh vô cùng lãng mạn và tráng lệ. Cho thấy người dân ở đây có một cái nhìn đầy cảm thông với mối tình si mê, mới dành cho nàng một địa thế tương xứng với truyền thuyết tình yêu bất hủ này.

     Từ trên núi Mộ Dạ, tôi đưa mắt nhìn quanh, cố lấy hết trí tưởng tượng để mà hình dung ra cảnh vật thủa xưa. Lúc An Dương Vương tới đây, hẳn ông đã vượt qua muôn vàn gian nan và hiểm nguy lắm vậy. Khi mà giang sơn đã rơi vào tay giặc, sau lưng là tiếng ngựa hí quân reo. Xứ Nghệ thủa xưa là nơi biên địa xa xôi, non cao biển rộng, sông Lam thì đầy rẫy những thú dữ, thuồng luồng. Cho nên cảnh tượng lúc đó hẳn là bi tráng lắm.

     Từ thành Cổ Loa tới Đền Cuông, đó là hành trình cuối cùng của Thục Phán An Dương Vương. Câu chuyện để lại bài học sâu sắc cho hậu thế về kinh nghiệm dựng nước và giữ nước, cũng như để tri ân vị vua tài ba lỗi lạc, người đã có công xây dựng thành Cổ Loa hùng vĩ, một công trình đặc sắc về nghệ thuật quân sự của người Việt xưa.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: