Chủ tịch nước:
Trước ý kiến cử tri cho rằng Quốc hội "chưa phản ứng đủ liều" về vấn đề Biển Đông, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, Việt Nam không chỉ có phản đối mà còn đàm phán nảy lửa với Trung Quốc.
Ngày 29/6, tại buổi tiếp xúc của đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM với cử tri, ông Nguyễn Việt Hùng (quận 1) nêu, Đảng và Nhà nước luôn khẳng định bằng mọi giá phải giữ được chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông đang ảnh hưởng trực tiếp đến ngư dân đánh bắt hàng ngày trên vùng biển thuộc Hoàng Sa và Trường Sa.
"Ngư dân phải vay ngân hàng để đóng tàu nhưng ra đó bị Trung Quốc làm hỏng tàu. Đảng và Nhà nước ta có chính sách hỗ trợ bà con ngư dân ra sao?", cử tri Hùng đặt câu hỏi.
Cùng quan tâm vấn đề biển đảo, cử tri Hoàng Xuân Dương (quận 3) cho rằng, hai năm qua Trung Quốc liên tục xâm phạm chủ quyền nước ta. "Những nước ít liên quan hoặc không liên quan đã lên tiếng phản đối, còn ra hẳn Nghị quyết. Trong khi đó, Quốc hội Việt Nam là cơ quan đại diện cho tâm tư, nguyện vọng của dân mà vẫn chần chừ. Tại sao như vậy?", ông Dương đặt câu hỏi.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri quận 1 và 3. Ảnh: H.C
|
Đồng tình, cử tri Nguyễn Hoài Nam (quận 1) cho rằng hành vi san lấp và xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc hết sức nguy hiểm, đề nghị Quốc hội phải ra nghị quyết về Biển Đông vào kỳ họp tới.
Trao đổi với các cử tri, Chủ tịch nước chia sẻ, bà con chưa hài lòng rằng Quốc hội phản ứng chưa đủ liều là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, Việt Nam không phải chỉ phản đối mà còn đàm phán nảy lửa với Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Đông. "Song phương, đa phương cũng làm rất dữ. Lãnh đạo cấp cao cũng tham gia, không phải đơn giản chỉ là anh phát ngôn hàm vụ trưởng phát biểu thôi đâu, mà cả hệ thống chính trị cùng làm việc", Chủ tịch nước nói.
Theo Chủ tịch nước, việc hỗ trợ ngư dân Trung ương đã làm từ lâu, chăm lo đời sống cho ngư dân là một trong những trọng tâm lớn.
"Tôi đã đi thăm một số tỉnh ven biển, số tàu được đóng mới, được cải hóa tăng công suất mỗi năm mỗi tăng. Đây là điều đáng mừng. Chính phủ cũng bỏ ra mười mấy nghìn tỷ để hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu với lãi suất ưu đãi", Chủ tịch nước nói và cho biết tàu bè của ngư dân bị thiệt hại đều được giúp đỡ rất kịp thời từ phía Chính phủ, doanh nghiệp và địa phương.Không có trường hợp nào để ngư dân phải "tự bơi".
Một vấn đề khác trong buổi tiếp xúc cử tri, ông Nguyễn Hữu Vạn đề nghị các đại biểu hãy "vi hành" đến các quán cà phê, chợ để nghe và hiểu đời sống dân vì khoảng cách giữa đại biểu và người dân quá xa nhau. "Tôi đến Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội gửi đơn thì không nhận trực tiếp mà bảo về gửi qua bưu điện. Tôi gửi 3 lần, 6 tháng nhưng không thấy hồi âm. Làm như thế thì xa dân chứ còn gì?", ông Vạn nói.
Nói về khoảng cách giữa cử tri với đại biểu Quốc hội, Chủ tịch nước chia sẻ: "Mình cũng là dân chứ có gì đâu. Bỏ áo mũ cân đai thì là dân thôi mà. Có gì đâu xa cách". Theo Chủ tịch nước, mỗi khi tiếp xúc cử tri, đa phần là các bí thư chi bộ, trưởng khu phố, không thể 100% là người dân nhưng tại sao những người đại diện tổ dân phố, chi bộ của mình lại không mạnh dạn công khai những bức xúc của dân.
"Ngày xưa chiến đấu, địch tra tấn dã man cỡ nào ta không sợ, sao giờ ta với ta lại sợ. Đó là điều hết sức vô lý. Hay chăng có lợi ích gì đó, rồi chỉ cho cử tri phản ảnh những vấn đề tốt, chung chung. Hay sợ bị trù dập, mất ghế mà ém những chuyện xấu, không tốt ở địa phương?", Chủ tịch nước nói.
Hữu Công
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét