Tôi mở cái blog này là để chơi cho vui, đôi khi để chửi cho sướng mõm. Ấy thế mà cũng dập diu đông đúc lắm, từ nhi đồng ị bô cho đến lão thành đái bỉm. Tôi có thêm nhiều bạn mới, có kẻ trở nên thân và nhiều người cũng chỉ là sơ giao cho phải phép, nhưng với thi sĩ xứ Đoài thì tôi coi như...tình yêu, hehe.
Anh hơn tôi hai tuổi, nhà ở Thạch Thất phủ của xứ Đoài xưa. Nước ta, chả mấy vùng văn vật để được gọi là xứ, điểm danh thì có xứ Thanh, xứ Nghệ, xứ Nẫu, xứ Lạng, xứ Tuyên và xứ Đoài quê anh là chấm hết. Anh hay than phiền, rằng tự độ xứ Đoài bị cưỡng hiếp vào với đất kinh kỳ thì mây không còn trắng nữa. Tôi hiểu là anh lấy cái ý tứ của một thi sĩ đồng hương nổi tiếng với những Tây Tiến hay Đôi mắt người Sơn Tây, rằng " bữa ấy xứ Đoài mây trắng lắm..."
Anh hay thơ. Hẳn nhiên rồi. Bởi hình như mỗi một con dân của xứ sở quê anh đều chất chứa những đa mang và nhiều nguồn cơn ẻo lả. Tôi cứ đồ rằng những bọn làm thơ hay đều đa mang và ẻo lả cả. Khác với bọn viết văn, phần đa chúng láo khoét và suy đồi. Nếu có dăm ba mống tử tế thì đều ngồi nghế cao cao, nghĩa là làm quan. Mà cái giống quan văn nghệ thì mỗi cái nước Nam ta mới có.
Thơ tôi dốt đặc cán mai. Nếu có cái môn nào dốt mà muốn trở nên thông thái thời nhờ thày dạy hay chuyên cần hôm sớm là đặng, chứ riêng với thơ thì vô phương bởi đó là tiếng lòng, là sự giằng xé hay phô phang của cảm xúc. Mà phàm những thứ chủ về tinh - khí - thần thì đều không thể mang ra mà so bì tị nạnh với: " đàn bà - xôi nếp - thịt gà" được "bởi ba thức ấy phải là dùng tay". Chứ với thơ thời vô hình ảo diệu lắm nên cái sự cầm nắm đâm ra lại càng mông lung.
Thú thật tôi chửa từng thuộc thơ anh dù bài nào anh bốt lên Phây hoặc rì rầm đọc tôi nghe những đêm cháo gà chống vã tôi đều chăm chú cả. Chỉ biết cái ý tứ nó riêng lắm mà nếu chặt khúc ra thì rất tuyệt nhưng hễ cứ chập vào nhau thành những mẩu dài dài thì y rằng...như c. Anh cũng đồng ý thế nên mỗi lần tôi có nhỡ mồm khen thì anh lại nhăn mặt rồi phì phì: "thơ như cái con củ c.". Chính vì thơ anh như con củ c. nên đàn bà họ sướng, họ mê lắm - là anh tự nhận vậy. Và tôi thấy cũng phải bởi thơ anh tuyền làm về đàn bà. Nhiều cô ả si mê lặn lội tìm đến cổng nhà ngồi chầu hẫu mà mong được gặp, gan lì cóc tía đến độ vợ anh lót tay lá chuối đuổi đi vẫn cố nài nỉ được chạm vào hình hài một cái. Thật là khốn khổ khốn nạn cho cái con vợ anh. Và anh cũng ra chiều băn khoăn trong cái nét suy đồi rạng rỡ:))
Nhà anh cạnh mé chùa Thầy. Mỗi bận tôi đến chơi là anh mua một đùm thịt chó to và xách nguyên can 5 lít diệu ngô trong như mắt mèo leo lên mỏm núi chỗ ôm ấp phủ bóng mái cong mà thù tạc. Uống diệu và ăn thịt chó ở chùa quả là một trải nghiệm không bao giờ tao nhã nhưng may có tí gia vị điều hòa là thơ nên cũng bớt éo le. Mấy nữa tôi với anh tuy là bạn hiền nhưng đều thuộc hạng hổ mang vô sư vô sách. Cứ ngà ngà là anh đọc thơ. Tôi gật gù như gà rù ăn tỏi sống. Mùi khói hương trầm mặc, tiếng kinh kệ lao xao lẫn thì thào của gió làm thơ anh hay lên bội phần. Cái không gian diễn xướng trình tấu đó có thể làm đống cứt chó trở thành cái bánh rán trứ danh. Thảo nào mà bọn thi nhân mậu dịch hay có trò này vào đầu xuân lún phún. Tiện đây tôi có lời khuyên, rằng năm nào cũng ở cái Văn Miếu tiêu điều thời cũ lắm. Thơ đã không mới lại trình tấu diễn xướng chỗ cũ thì còn ra cái phong vị đếch gì. Nên chăng vào đền mà đọc hoặc cũng có thế lên chùa như cái sự của tôi với anh.
Sau cái cữ dâng trào cảm xúc về thơ là anh chùng xuống, giọng tậm tịt hẳn. Chốc chốc lại dơm dớm những giọt kim lồ trong veo chảy ra từ đôi mắt đang đỏ quạch lên chẳng hiểu là vì thơ hay vì diệu. Anh bảo cả họ nhà anh chẳng ai hay thơ. Và khi biết anh bị nàng thơ hớp hồn thì họ lên án anh kịch liệt. Bố anh còn thề độc là nếu anh không bỏ thơ đi để chịu khó làm ăn thời ông từ mặt. Vợ anh thì khỏi phải nói, thị bảo từ khi anh bị nàng thơ ám thì cái sự giăng hoa đào liễu thị có thể thứ tha chứ riêng việc lơ là bướm đoi hôn phối là không thể chấp nhận. Mẹ kiếp, thiên hạ hay có câu " ma bắt hồn không bằng l. bắt vía", ấy mà riêng anh lại bị nàng thơ lơ đãng nó bắt cả vía lẫn hồn. Còn cái việc anh chê l. hay không thì tôi làm sao mà biết được???
Ấy bẵng đi một dạo anh chả thơ phú mẹ gì, Phây búc tối om om. Nhẽ anh vì sức ép áo cơm hay bị nàng thơ bội phản? Tịnh cũng chẳng thấy í ới tôi để khoe những câu cú xuất thần. Bỏ mẹ thật...!
Tôi đến thăm anh một chiều mưa rả rích. Trước là xem anh sống chết ra sao, sau là hỏi nguồn cơn thơ thẩn. Anh không dắt tôi lên chùa Thày như mọi khi mà ngoắc ra quán baba ngay mé sông đào. Cảnh trí nom thanh tao hĩu tình lắm. Về khoản chọn nơi phơi đít quả là anh nhiều năng khiếu, nơi nao cũng vắng tiếng lao xao của đời để mặc cho tiếng lòng hô hấp những trong ngần. Vài tuần diệu tuồn tuột trôi, anh bồi hồi " giờ tôi là thằng bán nước". Bỏ mẹ, làm thơ mà cũng thành Việt gian à? hay có phốt gì với an ninh mà bị ghép cho cái tội bán nước? Anh cười rung rốn, tiền môn leng keng và hậu môn cũng rủng rẻng " đéo phải, là tôi làm nước lọc đóng bình bán cho các nhà máy ở khu công nghiệp quanh vùng". A, ra thế? Nhưng còn thơ? Anh bảo thơ là sự tinh lọc của tiếng lòng trong veo chứ cái sự nghiệp bán nước được chiết ra từ những đầu nguồn uế tạp qua cái bộ lọc thẩm thấu ngược xịt thêm một tý cái gọi là cực tím ô-zôn nó bất nhân lắm. Thơ muốn hay thời phải lương thiện - anh kết luận.
Thì anh vẫn lương thiện đấy thôi. Thiên hạ người ta bán nước đều làm theo phép ấy cả. Anh bảo vì thế nên anh thôi làm thơ, nhất là thơ cho đàn bà. Bởi chẳng thể đầu độc người ta bằng cái thứ thơ của thằng bán nước từ suối nguồn uế tạp. Nhưng ông yên tâm, tôi đang ấp ủ làm cái trường ca, đặt tên là " trường ca bán nước" - Anh nói.
Nhẽ đó là sự kết hợp giữa cơm áo và thơ ca trứ danh nhất mà tôi từng biết, hehe.