Bình luận từ nghị trường:
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, nhân chuyện QH thảo luận về Dự luật Trưng cầu ý dân đã nêu ra 3 trường hợp có lý đến giật mình. “Nếu ta hỏi ý dân về vị trí đặt nhà máy điện nguyên tử thì sẽ không bao giờ đặt được ở đâu cả. Nước ta cũng thế, mà nước khác cũng vậy”- ông nói. Tương tự là các dự án môi trường. Chẳng hạn bãi rác; chẳng hạn nghĩa trang.
Thực tế là ai cũng có nhu cầu dùng điện, ai cũng xả rác nhưng bảo đặt nhà máy điện hạt nhân hay bãi rác ngay bên cửa nhà mình thì đúng là khó.
Cuộc sống, xã hội, quan điểm, các quyết định, đồng ý, phản đối… luôn được quyết định bởi các lợi ích. Và hỏi dân, nhất là những vấn đề trực tiếp ảnh hưởng đến lợi ích sát sườn của họ có lẽ rất khó để đạt được sự đồng thuận. Cũng thật khó để đưa một cách quá cụ thể chi li những từ khóa như “Bãi rác”, “Nghĩa trang” hay “Nhà máy điện hạt nhân” vào luật. Nhưng những khó khăn hay xung đột lợi ích không phải là lý do để một dự án luật lại chỉ quy định chung chung, miên man (chữ dùng của chính các vị ĐBQH) mà “đọc rách luật” người dân cũng chẳng biết mình sẽ được trưng cầu trong trường hợp nào, được quyết định cái gì. Càng không phải là lý do để đặt ra những “vùng cấm” trong trưng cầu dân ý.
Hôm qua, trước nghị trường, chính xác là có những ý kiến đề nghị quy định những “vùng cấm” không đưa ra trưng cầu ý dân. Có ý kiến lo ngại “dân trí còn rất thấp, dân trí cao là thiểu số” khiến việc trưng cầu ý dân có khi gây hại, không thể tùy tiện”. Cái đáng lo “trưng cầu dân ý có thể gây hại” thật ra không đáng lo bằng sự chung chung mơ hồ có thể dẫn đến nguy cơ biến một dự án luật cụ thể hóa quyền con người trở thành luật hình thức “có luật nhưng không biết bao giờ mới có thể thực hiện được”. Cái đáng lo chính phải là nỗi lo về những lĩnh vực tế nhị, nhạy cảm mà phải khoanh vào đó hai chữ “vùng cấm”.
Đối với dân thì liệu có nên nói đến “tế nhị, nhạy cảm”? Có lẽ, để tránh chung chung, tránh có luật mà không biết bao giờ mới có thể thực hiện thì nói như ĐBQH Đỗ Văn Đương - “bên cạnh những vấn đề có tính nguyên tắc, cần luật định những vấn đề bắt buộc phải trưng cầu ý dân liên quan đến quốc kế dân sinh, an ninh quốc gia”.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét