VNE
– Ông đánh giá thế nào về cơn mưa giông chiều qua ở Hà Nội?
– Được hình thành từ một đám mây đối lưu nhỏ ở Hòa Bình, mây giông theo hướng tây nam qua các huyện Ứng Hòa, Thanh Oai, Quốc Oai, Mỹ Đức và khi tràn đến trung tâm Hà Nội thì trở thành siêu giông. Sức gió giật đo được ở trạm Láng là cấp 8, ở Hà Đông là cấp 9 (75-88 km/h), tương đương với cấp gió bão.
Siêu giông hoành hành ở nội thành là chính, nhưng không đều, có chỗ mưa đá, thậm chí có nơi lốc xoáy với khả năng bốc mọi thứ lên cao rồi thả xuống. Đây là cơn giông cực kỳ mạnh và rất nguy hiểm, diễn ra trong 2 tiếng. Sau khi bầu trời xuất hiện cầu vồng thì mưa giông chấm dứt.
– Trong lịch sử, Hà Nội đã bao giờ có mưa giông diện rộng và lớn như thế?
– Cách đây 7-10 năm, trước khi có một cơn bão đổ bộ vào đồng bằng, Hà Nội từng xuất hiện cơn giông rất mạnh. Gió lớn đã quật đổ nhiều cây xanh, khiến một cháu bé ở phố Hàng Khay thiệt mạng. Cơn giông hôm qua cường độ phải mạnh hơn, tương đương với gió bão cấp 9, một số nơi có thể đạt cấp 10 (89-102 km/h) và cực kỳ hiếm gặp. Bản thân tôi suốt 30 năm ở Hà Nội chưa từng chứng kiến một cơn giông nào mạnh đến thế.
Cũng phải nói thêm, các nghiên cứu của đồng nghiệp trên thế giới, đặc biệt ở Mỹ cho thấy, giông ở thành phố thường mạnh hơn vùng ngoại ô, nông thôn. Lý do vùng thành phố nhà cửa bê tông nhiêu, hấp thụ nhiều năng lượng mặt trời nên tạo ra nhiều đối lưu mạnh mẽ. Đối lưu nôm na giống như ta đun nồi nước, nhiệt độ càng cao hơi nước bốc lên càng mạnh.
– Trên cùng địa bàn, nhưng vùng Mễ Trì (Nam Từ Liêm) lại có tới cả trăm nhà bị tốc mái vì giông lốc. Ông lý giải thế nào về hiện tượng này?
– Nam Từ Liêm đang phát triển mạnh, có nhiều tòa nhà cao tầng. Theo nguyên lý, những nơi có nhiều vật liệu bằng bê tông, sắt thép sẽ hấp thụ nhiệt nhiều và cũng tỏa nhiệt nhiều, góp phần làm cho mây đối lưu phát triển mạnh. Mặt khác, những khu dân cư nằm giữa những dãy nhà cao tầng thường chịu tác động của dòng gió rất mạnh (như hôm qua có thể tới cấp 10), đi thành luồng và gây thiệt hại nhiều hơn những nơi khác.
– Tại sao mùa này mưa giông đến rất nhanh, tức là đang nắng chuyển ngay sang mưa giông khiến nhiều người không kịp trở tay?
– Tất cả cơn giông đều đến rất nhanh, chỉ 1-3 tiếng. Như cơn giông chiều qua hình thành lúc 16h, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương đưa ra cảnh báo lúc 16h20 và đến 17h xuất hiện ở Hà Nội. Giông là hiện tượng thế giới chỉ đưa ra cảnh báo, theo dõi lúc nó xuất hiện, sớm là 30 phút đến 2 tiếng. Riêng các cơn xoáy lốc ở Mỹ chỉ cảnh báo trước 7-14 phút, đủ thời gian để mọi người chui xuống trú ẩn.
– Hiện tượng giông lốc đặc biệt hiếm gặp có liên quan gì đến El Nino và nguy cơ mưa giông thời gian tới tại Hà Nội cũng như các khu vực khác thế nào?
– Tháng 5-6 có số ngày mưa giông nhiều nhất trong năm ở Bắc Bộ, thường chiếm 10-15 ngày mỗi tháng và xảy ra buổi chiều. Nguy cơ lặp lại siêu giông như chiều qua là không nhiều, cường độ nếu có chỉ ở mức trung bình khá.
Về mối liên hệ giữa siêu giông với El Nino thì hiện chưa có những đề tài nghiên cứu. Tuy nhiên, có thể thấy El Nino làm gia tăng nắng nóng ở Hà Nội cũng như cả nước. Mà nắng nóng càng gay gắt thì càng tạo mây đối lưu phát triển mạnh, từ đó gây mưa giông mạnh.
Xuân Hoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét