Bài và ảnh: Phan Anh
NLĐO - Nhiều đại biểu cho rằng dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) cho phép dùng vốn vay mới để trả nợ cũ là một bước lùi, nhất là trong bối cảnh nợ công tăng cao
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (QH) Phùng Quốc Hiển đã báo cáo trước QH về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) vào sáng 2-6. Nhiều đại biểu (ĐB) cho rằng luật đã mở ra cơ chế cho chủ thể đi vay tràn lan là bất hợp lý.
Dẫn dụ khoản 3, điều 7 của dự luật, ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) đánh giá đây là một bước lùi của luật, nên chăng quay lại quy định cũ là chỉ vay để chi đầu tư phát triển chứ không được trả nợ gốc đáo hạn.
“Một nền kinh tế vĩ mô không thể ổn định vững chắc khi thu không đủ chi. Nếu thu không đủ chi, chỉ trông chờ đi vay thì sao ổn định được nền kinh tế. QH không nên thông qua điều này như dự thảo luật đề xuất” - ông Khanh kiến nghị.
ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) cho rằng với tình trạng nợ công hiện nay cao mà cứ đến hạn trả nợ gốc lại đi vay mới thì sẽ rất khó khăn. Theo bà Huệ, tới thời gian trả nợ mà phải vay để trả thì Chính phủ phải báo cáo với QH, UBND phải báo cáo HĐND. Quy định như vậy mới bảo đảm việc vay và quản lý bội chi ngân sách được chặt chẽ.
ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) phân tích mục đích vay nhằm đầu tư phát triển, tạo thu nhập tăng thêm. Khi đi vay, phải tính toán nguồn vay đó có hiệu quả để phát triển kinh tế - xã hội. Chính khoản lời này mới dùng để trả nợ.
Ông Mạo nhìn nhận quy định như vậy là che lấp sự yếu kém trong sử dụng vốn vay trước đây. Đáng sợ hơn, dự luật tạo tiền đề cho chủ thể đi vay ít bị áp lực và ít quan tâm đến hiệu quả sử dụng vốn vay, dẫn đến việc đi vay tùy tiện, tràn lan, ngân sách nợ nần triền miên.
Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết việc công khai ngân sách nhà nước là biện pháp rất quan trọng tạo sự minh bạch trong quản lý tài chính kinh tế và sử dụng ngân sách nhà nước. Do đó, dự thảo luật đã quy định về nội dung, hình thức, thời hạn công khai ngân sách khá cụ thể. Nhưng theo nhiều ĐB, quy định như thế vẫn chưa đầy đủ, chưa thực chất là công khai ngân sách.
ĐB Khúc Thị Duyền (Thái Bình) nêu dự thảo luật còn chưa quy định cụ thể về đối tượng chịu trách nhiệm công khai. “Chúng tôi thấy chưa thể hiện rõ việc công khai các nguồn quỹ thu từ ngân sách nhà nước cũng như sự đóng góp của nhân dân thể hiện trong luật. Vì thế, trong luật phải quy định bắt buộc về công khai từ khâu dự toán cho đến chấp hành dự toán và quyết toán ngân sách. Các nguồn quỹ có nguồn ngân sách nhà nước và đóng góp của nhân dân thì phải công khai” - bà Duyền nhấn mạnh.
Còn ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu) nêu con số năm 2013, chi ngân sách vượt hơn 110.000 tỉ đồng. Nguyên nhân chi vượt dự toán do cơ chế chính sách vẫn cho phép ứng trước dự toán năm sau. Hơn nữa, quản lý điều hành ngân sách kém làm tăng chi. Do đó, luật cần rà soát lại các khoản chi, hạn chế về diện, quy định về trần chi; đồng thời thể chế hóa trách nhiệm của người đứng đầu.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét