Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014

Triều phục thời Nguyễn

Sách Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn 1802 - 1945 (NXB Hồng Đức, quý 4/2013) của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn đã “bật mí” thêm những bí ẩn về triều phục thời Nguyễn, nên rất đáng tham khảo.
Bìa sách Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn 1802 - 1945
Hoàng đế Đại Nam với đại triều phục
Hoàng đế Đại Nam với lễ phục tế Nam Giao
Từ trái sang: Phẩm phục tam phi; hoàng hậu; thứ phi
Từ trái sang: Triều phục phò mã; triều phục hoàng tử; lễ phục công chúa
Từ trái sang: Lễ phục tước huyện công tế Nam Giao; đại triều phục tước huyện công
Hiệp biện - tòng nhất phẩm
Từ trái sang: Văn minh - chánh nhất phẩm; Cần chánh - chánh nhất phẩm. Triều phục của quan văn
Từ trái sang: Ngũ quân Đô Thống phủ Đô Thống chưởng phủ sự - chánh nhất phẩm; Cấm binh Ngũ doanh Đô Thống - tòng nhất phẩm. Triều phục của quan võ
Từ trái sang: Thị lang - chánh tam phẩm; Quang lộc - tòng tam phẩm
Từ trái sang: Lính thân vệ; lính dẫn đạo; lính giám thủ
Từ trái sang: Nhạc công; lính đánh trống; lính đốt pháo
Từ trái sang: Lính thượng trà (trà nước); lịnh thượng thiện (nấu ăn)
Lính trong đội voi
Theo THỂ THAO & VĂN HÓA
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tướng Lê Mã Lương dự báo quan hệ Việt – Trung năm 2015

Nguồn: Theo GDVN


PHONG NGUYÊN 
Tướng Lê Mã Lương: Trung Quốc sẽ không từ bỏ việc “gặm nhấm” (biển đảo) và mưu đồ tạo ra “vết dầu loang” trên đất nước ta. 

“Vết dầu loang” ấy đều nằm ở những vị trí có ý nghĩa chiến lược về mặt quân sự, quốc phòng. 
Ví dụ điển hình như khu vực chân Đèo Hải Vân. Những vị trí nhạy cảm như vậy có ý nghĩa sống còn đối với nền quốc phòng, việc phòng thủ của chúng ta. Tôi thấy làm lạ, vì sao Trung Quốc có thể dễ dàng trúng thầu và triển khai các dự án như vậy?! 

Theo tôi, trong năm 2015 mối quan hệ đó vẫn sẽ bình thường. Tuy nhiên, sẽ không còn được như trước bởi chúng ta đã hiểu thêm nhiều điều qua cách ứng xử của Trung Quốc với Việt Nam. Chúng ta vẫn sẽ xem Trung Quốc là nước bạn láng giềng, nhưng kiên quyết không để Trung Quốc ngang ngược muốn làm gì thì làm.

(GDVN) - Chúng ta vẫn sẽ xem Trung Quốc là nước bạn láng giềng, nhưng kiên quyết không để Trung Quốc ngang ngược muốn làm gì thì làm. 

Trước thềm năm mới, phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Mã Lương. Ông nguyên là Giám đốc Bảo tàng Quân sự Việt Nam, lần trao đổi này là về các vấn đề an ninh – quốc phòng năm 2014 và dự đoán mối quan hệ Việt – Trung trong năm 2015.

Theo đánh giá của ông, trong năm 2014 những hành động nào uy hiếp nền an ninh – quốc phòng quốc gia?


Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Mã Lương

Như chúng ta đã biết, 2014 là năm Trung Quốc có nhiều hành động gây hấn ở Biển Đông. Tuy nhiên, đó chưa phải là mối nguy hiểm nhất gây uy hiếp nền an ninh – quốc phòng quốc gia. Nếu chúng ta chỉ để ý đến những vấn đề căng thẳng ở Biển Đông mà không chú ý đến đất liền thì dễ rất bị đánh lạc hướng. 

Theo tôi, vấn đề nổi cộm nhất trong đất liền liên quan đến các dự án mà các nhà thầu Trung Quốc đã bỏ thầu ở mức thấp nhất khiến các nhà thầu khác phải bỏ cuộc và họ trúng thầu. Khi trúng thầu rồi, họ lại cố tình kéo dài thời gian để gây ra khó khăn và tình trạng đội vốn đầu tư.

Tuy nhiên, đằng sau những dự án đó, về bản chất Trung Quốc muốn thể hiện một vết dầu loang trên đất nước ta. “Vết dầu loang” ấy đều nằm ở những vị trí có ý nghĩa chiến lược về mặt quân sự, quốc phòng. Ví dụ điển hình như khu vực chân Đèo Hải Vân. Những vị trí nhạy cảm như vậy có ý nghĩa sống còn đối với nền quốc phòng, việc phòng thủ của chúng ta. Tôi thấy làm lạ, vì sao Trung Quốc có thể dễ dàng trúng thầu và triển khai các dự án như vậy?!

Nhìn lại năm 2014 sắp qua, ông đánh giá như thế nào về công tác quốc phòng – an ninh của chúng ta?


Theo nhìn nhận của tôi, công tác quốc phòng – an ninh của ta trong năm 2014 có thể nói đã đạt yêu cầu mặc dù còn bất cập gây ảnh hưởng đến sự ổn định của nền quốc phòng.

Rõ ràng, nếu không kịp thời ngăn chặn và tỉnh táo trước những bất cập đó thì hệ quả nghiêm trọng, nhất là với các dự án kinh tế ở các vị trí nhạy cảm như Đèo Hải Vân đã không xảy ra. Nếu cứ thực hiện các dự án kinh tế bằng mọi giá mà hạ thấp vấn đề quốc phòng - an ninh thì sẽ gây ảnh hưởng tới việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước ta.

Làm thế nào để quân đội của chúng ta có thể chủ động ứng phó với mọi tình huống xấu thưa ông?

Muốn chủ động đối phó với các thế lực thù địch trong tất cả các điều kiện kể cả những tình huống xấu nhất, lực lượng vũ trang nhân dân phải thường xuyên diễn tập các phương án chiến đấu, nâng cao bản lĩnh của người chỉ huy, sự trung thành của những người lính bộ đội cụ Hồ với Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Mặc dù, trong năm 2014 chưa có vấn đề gì thật sự nổi cộm, nhưng chúng ta cũng phải thấy trước những nguy cơ. Chỉ 1 phút lơ là, mất cảnh giác chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt. Nếu không cảnh giác cao thì mọi sự sẵn sàng chiến đấu đều trở nên vô nghĩa. Cảnh giác cao chính là điều kiện tiên quyết trong việc chủ động đối phó với các thế lực thù địch khi có tình huống xấu xảy ra.

Việc bảo vệ Tổ quốc không chỉ đơn thuần là nhiệm vụ của lực lượng quân đội, công an mà còn là trách nhiệm của toàn dân. Đã là vấn đề của toàn dân thì phải có sự chỉ đạo nhất quán từ trung ương xuống địa phương.

Năm 2015 sắp tới, theo nhận định của ông, chúng ta sẽ phải đối mặt với những nguy cơ nào về mặt an ninh – quốc phòng và làm thế nào để thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra trong việc đảm bảo hòa bình ổn định của nền an ninh – quốc phòng quốc gia? 

Giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam
Thứ nhất, Trung Quốc sẽ không từ bỏ việc "gặm nhấm" và mưu đồ tạo ra “vết dầu loang”. Nếu chúng ta không có sự chủ động ứng phó, đặc biệt tranh thủ sự ủng hộ của khối ASEAN thì hậu quả sẽ rất khó lường.

Tôi nghĩ đã đến lúc các nước thuộc khối ASEAN đoàn kết hơn nữa để trở thành một khối vững chắc, sẵn sàng ứng phó khi có các tình huống xấu xảy ra ở Biển Đông. Nếu ASEAN không là một khối vững chắc, giữa các nước không có sự hợp tác sâu hơn nữa thì sẽ rất khó khi Trung Quốc khuấy động các vấn đề ở Biển Đông. Nói cách khác, không cẩn thận trong năm 2015 sẽ rất dễ có các xung đột vũ trang ở Biển Đông, tuy rằng không lớn.

Từ năm 2015 trở đi, chúng ta không thể đánh giá thấp Trung Quốc trong việc gặm nhấm và tạo ra "vết dầu loang" ở Biển Đông. Những động thái vừa qua của Trung Quốc như biến một số bãi đá thành căn cứ hậu cần, căn cứ quân sự, đường băng cho máy bay quân sự của họ hoạt động… là nhằm củng cố sức mạnh để khống chế khu vực Biển Đông mà như ta vẫn nói trước đây là họ đang có tham vọng biến Biển Đông thành "ao nhà" và họ đang thực hiện điều đó.

Tôi không nghĩ đến một lúc nào đó Trung Quốc sẽ dừng lại bởi vì họ đang muốn xây dựng một cường quốc về biển, một hạm đội mạnh của hải quân Trung Quốc không chỉ ở khu vực Biển Đông mà còn ở khu vực Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, thậm chí tầm ảnh hưởng sẽ lớn hơn nữa bởi tham vọng của Trung Quốc là rất lớn. Theo tôi, cần phải có một lực lượng giám sát quốc tế để xem xét các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông.

Thứ hai, trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, lịch sử từng ghi lại nhiều lần Trung Quốc gây cho chúng ta nhiều khó khăn, khốn khó. Do vậy, dù hợp tác chúng ta cũng phải hết sức cảnh giác đặc biệt với các dự án kinh tế mà Trung Quốc thực hiện ở Việt Nam. Những câu chuyện đáng buồn như trong năm 2014, sau khi thực hiện dự án, chúng ta lại bác bỏ, không cho thực hiện nữa gây tốn kém rất lớn cho ta. Ngoài ra, điều đó còn gây tâm lý xã hội. Vì vậy, theo tôi ngay từ đầu chúng ta phải cảnh giác để đảm bảo cho nền an ninh – quốc phòng của Việt Nam ngày càng vững chắc.

Thứ ba, phải tạo ra trong toàn dân một tinh thần đoàn kết cao bởi vì chỉ khi có sức mạnh đoàn kết dân tộc mới không có kẻ thù nào có thể chia rẽ được chúng ta. Muốn vậy, phải làm cho người dân tin tưởng vào các chủ trương, chính sách của nhà nước và chính phủ. Chống tham nhũng cũng là một vấn đề đang gây nhức nhối trong dư luận, cần phải giải quyết thật tốt vấn đề đó để củng cố niềm tin của dân vào Đảng.

Cuối cùng, để đảm bảo hoàn thành tốt các nhiệm vụ quốc phòng – an ninh, thời gian tới chúng ta phải tăng cường các trang thiết bị, các phương tiện chiến đấu hiện đại cho các lực lượng để tăng hiệu quả chiến đấu và khả năng sẵn sàng ứng phó khi có các tình huống xấu xảy ra.

Để tăng cường sức mạnh của quân đội, trước hết phải làm sao để quân với dân một lòng. Ngoài ra, các quân binh chủng cũng phải thường xuyên diễn tập. Không làm được những việc này thì đừng nói đến chuyện sẵn sàng chiến đấu. Trong những năm qua, chúng ta đã tiến hành diễn tập nhưng tôi nghĩ như thế là chưa đủ. 

Quan hệ Việt – Trung trong năm 2015 sẽ ra sao thưa ông?

 
Theo tôi, trong năm 2015 mối quan hệ đó vẫn sẽ bình thường. Tuy nhiên, sẽ không còn được như trước bởi chúng ta đã hiểu thêm nhiều điều qua cách ứng xử của Trung Quốc với Việt Nam. Chúng ta vẫn sẽ xem Trung Quốc là nước bạn láng giềng, nhưng kiên quyết không để Trung Quốc ngang ngược muốn làm gì thì làm.


Xin cảm ơn ông!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Một cựu nhà văn viết về một gã đang khiếu kiện vì chưa được kết nạp vào HNV

...Đất nước làm sao đến thời điểm này vẫn còn những kẻ nói mớ giữa trưa hè nắng gắt như Đông La ?!
Trước đây đã đôi ba lần đọc bài của Đông La, đọc vì bất chợt thấy một bài viết có các tựa đề rất chi là “đao to búa lớn”; thế nhưng khi vào nội dung bài thì không thấy gì ngoài một mớ chữ nghĩa cóp nhặt, loè loẹt, lủng xủng loẻng xoẻng, chẳng đâu vào đâu- sản phẩm của một bộ óc cuồng viết, thích, viết và nói ngược với những điều mà nhiều người khác đã nói, viết như một kẻ đã mất hết trí khôn…
Đọc loạt bài mới của Đông La trên blog cá nhân của gã về nhà văn Nguyễn Quang Lập, nhất là bài viết “Nguyễn Quang Lập: đâm lao phải theo lao”…bài viết đã quy kết, vu cho Nguyễn Quang Lập và một số người khác một số tội, trong đó có tội nhận tiền viết những bài vi phạm luật pháp; Mặc du vu tội tày đình cho người khác nhưng Đông La không đưa ra được một bằng chứng nào cụ thể về chuyện Lập nhận tiền và không chứng minh được bài nào của Lập, trong đó có những ý kiến, hành vi phạm pháp luật nên bị bắt, bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Đọc loạt bài của Đông La viết về nhà văn-blogger Nguyễn Quang Lập, thấy buồn nôn vì chất lính tẩy và giọng điệu hung đồ theo lối “ ngậm máu phun người “ mạt hạng…Bởi vì những việc làm của Nguyễn Quang Lập làm công khai viết bài trên blog cá nhân, lấy một số bài trên các trang mạng khác về blog của mình mọi người đều biết, không giống như hoạt động hình sự khác.
Thử hỏi Đông La tự nhận mình là kẻ phò chính thống, cầm đèn chạy trước ôtô như vậy sao không đặt vế đề với một tờ báo chính thống nào đó, chính thức phát ý kiến, phân tích có lý có lẽ, có bằng chứng của mình thuyết phục dư luận để mọi người thấy Nguyễn Quang Lập bị bắt, bì tù là đích đáng, là không có gì quá đáng…
Sao Đông La không gây sức ép yêu cầu các báo chính thống viết bài phân tích, chỉ ra xem các blogger vi phạm pháp luật như thế nào, xâm phạm lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân những gì khiến cho các cơ quan chức năng phải huy động cả một bộ máy hùng hậu trừng phạt, bỏ tù mà chỉ đưa tin mấy trăm chữ…
Nếu những blogger này vi phạm pháp luật như lời Đông La vu vạ theo kiểu “ dậu đổ, bìm leo”, “theo voi hít bã mía”, “ ngậm máu phun người “ thì tại làm sao các phiên toà xử những người bị quy cho tội danh mà Đông La nêu lại không được tổ chức xử công khai, đàng hoàng để cho ai muốn đến để chứng kiến mà rút kinh nghiệp không vi phạm; Phần lớn những phiên toà xử loại tội danh như của Lập thường được tổ chức xử úp úp, mở mở, hạn chế người dân vào chứng kiến mặc dù danh nghĩa là xử công khai…
Các vị, các cơ quan bị các blogger, trang mạng cá nhân này xâm phạm lợi ích thì đó là lợi gì, cân đong đo đếm ra trước bạn dân thiên hạ để mà rút kinh nghiệm; mà tránh đừng vi phạm này. Các vị bị xâm phạm lợi ích, bị chống đối này có giống những đứa bé vị thành niên bị hiếp dâm đâu; đưa ra xét xử công khai, đàng hoàng, cho thông tin công khai chi tiết loang chuyện này làm ảnh hưởng tới đời tư sau này của các cháu…
Trong bài viết: Nguyễn Quang Lập đâm lao phải theo lao của Đông La: thấy mấy ý sặc khẩu khí “ ngậm máu phun người “, vu cho nhà văn- blogger Nguyễn Quang nhận tiền của người khác để viết blogger “ xâm phạm lợi ích hợp pháp “ của ai đó ?!
Trước hết: căn cứ vào bằng chứng nào để Đông La ngậm máu phun vào một số người:” Như vậy, giống việc tụ tập với những người cùng băng nhóm như Huy Đức, Huỳnh Ngọc Chênh, Đỗ Trung Quân, Phạm Xuân Nguyên để tính kế khi thấy Đào và Nhất bị bắt; giống như chuyện Lập bảo vợ khi bị bắt nếu 9 ngày không về thì 3 năm; “tiết lộ” của Phạm Thị Hoài như trên lại thêm một lần chứng tỏ Lập biết rất rõ việc mình làm là phạm pháp. Có điều lập mưu ngụy tạo danh tính pháp lý cho Phạm Thị Hòai chịu trận để mình có thể tiếp tục phạm pháp mà vô can, chứng tỏ Lập thật hèn và đểu khi muốn để cho một người đàn bà gánh tội, chặn đường về nước của Phạm Thị Hoài…”
Về quan hệ giữa nhà văn Nguyễn Quang Lập và Phạm thị Hoài xin để nhà văn này lên tiếng: có chuyện Nguyễn Quang Lập “muốn để cho một người đàn bà gánh tội”, đó là Phạm Thị Hoài như Đông La chỉ điểm không?
Riêng với những người có danh tính được nêu trong bài thì Đông Là đã dùng ngón nghề ma cô của một tên chỉ điểm mạt hạng… Lấy chứng cớ nào để chứng minh những người Đông La nêu là họ đã tập hợp nhau trong một băng nhóm như “Huy Đức, Huỳnh Ngọc Chênh, Đỗ Trung Quân, Phạm Xuân Nguyên”? Nếu đúng như Đông la viết, chắc cơ quan chức năng cũng không để họ yên; Trong khi đó các cơ quan chức năng chưa dám đưa ra kết luận đó…
Hãy nghe Đông La “ phun máu” tiếp:” Cả “đám” Nguyễn Quang Lập đều không phải là những nhà phản biện như thế. Xuất phát từ lòng tham, sự đố kỵ, trâu ăn ít ghét trâu ăn nhiều, tất cả đều ở trong thể chế, kể cả là Đảng viên, nhưng họ vẫn quậy để bắt cá nhiều tay, và vì thế giới còn phân cực, luôn luôn còn lực lượng chống phá Việt Nam kể cả những người coi việc chống VN như một cái nghề kiếm tiền, họ đã nhanh nhậy đánh hơi thấy cơ hội, tìm cách liên minh, liên kết. Chính vì thế mới có chuyện quái đản là đến tận hôm nay lại có những kẻ tìm cách chiêu hồi phe thua cuộc, đầu hàng mồ ma chế độ VNCH. Có thể họ “được” nhiều nhưng theo tôi cái mất lớn nhất khi chiêu hồi là họ mất tự do. Không chỉ có thể bị công an tóm mà họ còn bị những ông chủ mới buộc phải làm những điều họ không muốn. Có kẻ chấp nhận xé, dẫm lên cờ đỏ sao vàng, nhưng vẫn không dám xé và dẫm lên ảnh Bác vì vẫn biết sợ những điều thiêng liêng, sợ quả báo! Nhiều lần trò truyện với bạn bè làm trong những lĩnh vực liên quan, tôi hỏi tại sao có chuyện nhìn trắng nói đen, hay tại họ dốt về lịch sử? Họ cho tôi biết không phải vì dốt đâu mà đơn giản là vì tiền thôi. Mà khi đã ăn tiền thì phải “lập công” vì thế mới có chuyện biết nước sôi mà vẫn phải nhúng tay vào, biết buôn thuốc phiện có thể mất mạng vẫn đâm đầu vào. Tức là đã đâm lao thì phải theo lao! Thế đấy!” 
Thế hoá ra Nguyễn Quang Lập viết bài phản biện lại một ý kiến của TBT về chống tham nhũng là do Lập đối kỵ, phải làm nhà văn quèn không leo lên đến chức to, tức khí lên nên viết phản biện à ?!

Lời lẽ tởm lợm, tanh tưởi, sặc mùi vu vạ như thế thì đến hàng tôm hàng cá ngoài chợ cũng phải cháo thua; bởi khi thoá mạ ai những điều độc địa như thế phải có bằng chứng?
Đông La đã có bằng chứng nào về ai đó trong cái băng nhóm mà Đông La nêu là đã ăn tiền của ai đó và hãy cung cấp cho các cơ quan điều tra đi ? Còn cứ ngậm máu phun người lung tung như Đông La viết là “sẽ bị quả báo” đấy ?!
Để thêm “hành tỏi”, sự khả tín cho những “lô máu” tanh tưởi mà Đông La phun vào một loạt người, Đông La đã chìa các chứng chỉ của bản thân: “Bản thân tôi đây cũng là một chứng nhân. Bởi chính tôi đây là một cán bộ nghiên cứu khoa học viết văn, quen thân được với cả Chế Lan Viên, nên tôi rất thích đổi mới cả văn chương lẫn xã hội, tôi rất ngán tình trạng trì trệ, “đi đều bước”. Nên tôi từng thân với cả Nguyễn Quốc Chánh, Hoàng Hưng, rất thân với Nguyễn Quang Thiều, từng ca ngợi Nguyễn Huy Thiệp...”
Không rõ những vị có tên tuổi được Đông La đưa có lấy gì làm vinh hạnh để được đứng ra cấp chứng chỉ cho một tên du côn mạng như Đông La, cùng với những ngôn từ tanh tưởi của gã; nhất là trường hợp Chế Lan Viên, một người đã quá cố, tuổi bậc cha chú của Đông La; cuộc đời của Chế Lan Viên cũng như sự nghiệp viết lách của ông cũng có lúc cuối đời ông nhận là sai lầm; nhưng cái quan trọng là ông đã phản tỉnh; liệu người như Chế Lan Viên có để một con người như Đông La “quen thân được”, thế mới tài ?!
Hãy nghe Đông La chém gió: “Nhưng rồi thời gian dần phân ly, có thể tôi là người trọng lý hơn trọng tình, nên người thân, người quen mỗi người một ngả, có người ngược hẳn với tôi. Tôi thấy đa phần họ có năng khiếu, có thể rất tài năng nhưng có rất nhiều tri thức quan trọng họ không biết; có người rất ngông ngênh, coi mình là rốn vũ trụ nhưng về tri thức nền tảng thì rất dốt. Tôi từng viết nhiều bài phản biện nên có người nghĩ có thể tìm cách “lái” tôi sang hẳn phía chống đối. Tôi nhớ không lầm trước khi tôi biết bài về Các Mác, có lần một ông nhà thơ nói “Nguyễn Huệ Chi khen mày đấy”. Rồi ông Nguyễn Trung cũng nhờ nhà văn Bùi Bình Thi gọi điện làm quen với tôi. Tôi từng được mời “Anh viết cho  Đàn chim Việt đi, có đô đấy”. Tôi viết nhưng lại đi phê phán Dương Thu Hương, Đàn chim Việt không thích nhưng cứ đăng lên với mục đích là để tôi bị ném đá, vì thế mà chỉ có một lần duy nhất ấy thôi. Nếu tôi tham và ngu thì hôm nay chắc cũng như Nguyễn Quang Lập rồi. Tôi từng được kích động “nếu ông cứ viết thế sẽ có ngày được giải Nobel”; “Có ông… Việt kiều về nước, một trong hai người ở VN ông ấy muốn gặp chính là Đông La”; tôi còn được mời ăn tiệc để gặp Lê Công Định, Nguyễn Giang (BBC), từng được khuyên đọc BBC tiếng Việt và được cho biết, những người làm cho BBC như thằng nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh, con ông Nhà văn Trần Hoài Dương mà tôi có quen, nhiều tiền lắm. Nhưng tôi, vốn không phải đi tu, dù rất thích nhiều tiền để chi tiêu thoải mái nhưng không chấp nhận làm tiền phi nghĩa. Tôi rất thích tiền nhưng tôi coi trọng sự đúng sai cao hơn tiền. Chính vậy tôi luôn là tôi và không như Nguyễn Quang lập hôm nay…”
Chà cao sĩ làm sao; Cao đạo làm sao ?
Và ở đoạn sau đây thì Đông La lộ nguyên hình là một tên đồ tể, một côn đồ mạng, một kẻ hung tợn đến mất trí:”Vì vậy, để nói chính xác và ngắn gọn về những người như Nguyễn Quang Lập: Họ chính là những kẻ cơ hội và phản bội chứ hoàn toàn không phải phản biện phản biếc, đấu tranh dân chủ dân chiếc gì hết. Họ mong được nhận “chuyển tiền” chứ không phải “chuyên chở sự thật”? “
Đất nước làm sao đến thời điểm này  vẫn còn những kẻ nói mớ giữa trưa hè nắng gắt như Đông La ?!


P.V.Đ.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Về một vài dư luận xung quanh việc xét kết nạp Hội viên mới (2014) của Hội Nhà văn Việt Nam


PV - 31-12-2014 05:35:29 PM
  
VanVN.Net - Vừa qua trên báo Đại Đoàn Kết và một số trang báo mạng xuất hiện vài ý kiến về việc xét kết nạp Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2014. Nhìn chung, dư luận rộng rãi đều cho rằng những năm trước đây chất lượng kết nạp Hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam đều rất tốt, cũng có những trường hợp đáng tiếc xảy ra với một vài trường hợp do không đủ số phiếu bầu, hay những trường hợp chỉ thiếu một phiếu mới đủ tỉ lệ quá bán cũng chưa được xem xét lại. Quy trình xét kết nạp Hội viên từ khâu tiếp nhận hồ sơ đến việc xem xét bỏ phiếu ở các Hội đồng chuyên môn đều được tuân thủ nghiêm ngặt. Để làm rõ hơn những ý kiến này, phóng viên VanVN.Net có cuộc phỏng vấn trực tiếp với ông Nguyễn Hoa, Ủy viên BCH, Trưởng Ban công tác Hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam.

 PV: Trên báo Đại Đoàn Kết số ra ngày 24.12.2014, có đăng bài “Cửa rộng – cửa hẹp và cái danh hội viên” của tác giả Vi Cầm (sau đó được một vài trang báo mạng trích dẫn) có nêu một vài ý kiến về việc rộng – hẹp trong việc kết nạp Hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam, là Trưởng Ban công tác Hội viên, ông bình luận gì về điều này?

Nhà thơ Nguyễn Hoa: Tiêu chí và quy trình kết nạp Hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam là rõ ràng, được ghi rõ trong điều lệ của Hội. Hội luôn đánh giá cao việc có rất đông những người viết văn làm thơ, nghiên cứu phê bình và dịch thuật văn học là người Việt Nam tán thành tôn chỉ mục đích của Hội, chấp nhận điều lệ Hội, luôn phấn đấu để có nhiều sáng tác, nhiều công trình nghiên cứu có chất lượng tốt để được trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Vì thế, danh sách những người có đầy đủ điều kiện tối thiểu (có hai tác phẩm được xuất bản thành sách), làm đầy đủ hồ sơ gửi về xin được kết nạp Hội luôn kéo dài. Năm 2014 có tới 616 hồ sơ. Việc hằng năm BCH Hội Nhà văn Việt Nam thường chỉ xét kết nạp được vài chục trường hợp là rất bình thường. Rộng hay hẹp là do yêu cầu về chất lượng của đội ngũ những người xin tham gia vào Hội ở thời điểm đó. Hội Nhà văn là một Hội chuyên ngành sâu về văn học, nên có những yêu cầu cao về chất lượng là điều tất yếu.

PVCũng trong bài báo trên, tác giả có chỉ đích danh một trường hợp, đó là nhà thơ Tân Linh, từng tuyên bố với phóng viên rằng: ông chưa làm đơn xin vào Hội Nhà văn Việt Nam, vậy nên khi nghe tin mình có tên trong số những người đã đủ số phiếu cần thiết để được kết nạp năm nay, ông rất ngạc nhiên. Điều này có mâu thuẫn với điều mà ông nói về quy trình rất chặt chẽ trong việc kết nạp Hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam hay không?

Nhà thơ Nguyễn Hoa: Trước hết, đến thời điểm này, danh sách chính thức những nhà văn nhà thơ được kết nạp Hội năm 2014 vẫn chưa được chủ tịch Hội phê duyệt. Ông Tân Linh đúng là người đã có đủ số phiếu cần thiết để được xét công nhận là Hội viên. Việc xuất hiện thông tin về những phát ngôn của ông Tân Linh lập tức đã được Thường trực BCH Hội Nhà văn Việt Nam xem xét. Chúng tôi đã trực tiếp liên lạc với ông Tân Linh để hỏi thực hư về những phát ngôn của ông. Cũng rất nhanh chóng, ngày 26.12.2014 ông Tân Linh đã có bản tưởng trình gửi về Hội, giải thích về sự hiểu lầm của phóng viên báo Đại Đoàn Kết và xin lỗi BCH Hội về sự sơ xuất của ông. Là người trực tiếp phụ trách việc thụ lý hồ sơ xin vào Hội của các ứng cử viên, tôi xin bảo đảm rằng không có chuyện ông Tân Linh không có đủ hồ sơ theo yêu cầu mà đã được xem xét kết nạp. Ông Tân Linh sẽ phải chịu trách nhiệm trước những phát ngôn của mình với các cơ quan báo chí. Vụ việc này cũng đang được Thường trực BCH Hội Nhà văn Việt Nam xem xét.

PVVâng. Xin cảm ơn ông!


Đơn xin vào Hội Nhà văn Việt Nam của ông Tân Linh


Bản tường trình của ông Tân Linh, Hội Nhà văn Việt Nam nhận ngày 29/12/2014


Phần cuối bản tường trình của ông Tân Linh

Cùng thời điểm diễn ra việc báo chí đăng phát những thông tin chưa được kiểm chứng về việc kết nạp Hội viên năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam còn có việc ông Đông La (tên thật là Nguyễn Văn Hùng) gửi đơn khiếu nại tới Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và một số các đồng chí lãnh đạo có thẩm quyền về việc ông đã bị đối xử không công bằng trong cuộc bỏ phiếu bầu chọn hội viên mới kỳ này. Để làm rõ điều này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhà văn Khuất Quang Thụy, Ủy viên BCH, Trưởng Ban kiểm tra của Hội.

PVĐược biết ông Đông La đã có đơn khiếu nại gửi cho chủ tịch Hội, (ông Đông La cũng đã gửi thư và những lời phản ánh đến hộp thư của VanVN.Net), với tư cách là Trưởng Ban kiểm tra của Hội, ông có ý kiến như thế nào về trường hợp này?

Nhà văn Khuất Quang Thụy: Tôi cũng đã được thông báo chuyện này, ông Đông La không gửi đơn trực tiếp cho Ban Kiểm tra của Hội, nên chúng tôi chưa thực hiện quy trình kiểm tra. Nhưng với trách nhiệm của mình, tôi cũng đã tự tìm hiểu vấn đề, hỏi ý kiến các đồng chí có trách nhiệm, nên có thể nêu ý kiến sau: Ông Đông La thuộc nhóm những tác giả hoàn thiện hồ thơ xin vào Hội muộn so với thời điểm đã công bố trên các phương tiện truyền thông. Cụ thể, ngày 3/12/2014, hồ sơ của ông Đông La mới được chuyển đầy đủ về Ban công tác Hội viên. Vì chậm so với thời điểm quy định, nên Ban công tác Hội viên đã phải xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực BCH. Trực tiếp Chủ tịch Hội, sau khi cân nhắc, đã quyết định đưa toàn bộ nhóm hoàn thiện hồ sơ chậm, trong đó có ông Đông La vào diện được các Hội đồng xem xét. Tại Hội đồng Lý luận Phê bình, ông Đông La đã đủ số phiếu để chuyển lên BCH xem xét. Trong phiên họp bầu chọn Hội viên mới, BCH đã thực hiện đúng quy trình bỏ phiếu kín. Khi kiểm phiếu, ông Đông La là một trong số những người chưa hội đủ số phiếu quá bán để lọt vào danh sách những người được công nhận kết nạp kỳ này. Đây là chuyện bình thường, không chỉ riêng ông Đông La, mà còn có rất nhiều trường hợp không hội đủ số phiếu một cách đáng tiếc.

PVTrong đơn khiếu nại, cũng như trong thư gửi VanVN.Net ông Đông La có kêu ca rằng: Tại hội nghị BCH, một vài ủy viên đã có những phát biểu bất lợi cho ông, là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc ông không đủ phiếu. Ông bình luận như thế nào về điều này?

Nhà văn Khuất Quang Thụy: Tôi đã đọc kỹ đơn khiếu nại của ông Đông La, trong đó, ông không chỉ chỉ trích một vài người trong BCH, mà còn nêu tên nhiều người khác đã phát ngôn không có lợi cho ông ở chỗ này chỗ khác. Điều đó tôi không bình luận. Nhưng tôi có thể bảo đảm rằng tại cuộc họp xét kết nạp Hội viên, ngoài những phát biểu đánh giá tình hình chung, xem xét lại đội ngũ ở một vài địa phương đặc biệt, để các Ủy viên BCH cân nhắc trước khi bỏ phiếu sao cho lực lượng các Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam không có mặt quá tập trung ở những thành phố, đô thị lớn. Hội nghị cũng có bàn đến những trường hợp vì những lý do khác nhau mà những năm trước đã bị thiếu phiếu một cách đáng tiếc (như trường hợp các tác giả đã được giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam, và của các địa phương, đoàn thể khác.) Không có chuyện trường hợp của ông Đông La được đưa ra bình luận trong hội nghị.

PV: Vậy theo ông, việc ông Đông La nêu trong đơn khiếu nại rằng: Do BCH Hội Nhà văn Việt Nam bỏ phiếu chọn Hội viên mới chưa tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ là đúng hay sai?

Nhà văn Khuất Quang Thụy: Nguyên tắc hàng đầu trong việc điều hành mọi hoạt động của BCH Hội Nhà văn Việt Nam là nguyên tắc tập trung dân chủ. Nếu BCH vi phạm nguyên tắc này thì không phải đợi đến ông Đông La mà hàng trăm Hội viên sẽ lên tiếng. Trong những nhiệm vụ lớn hằng năm của Hội, như xét tặng giải thưởng và kết nạp Hội viên thì nguyên tắc này càng được đề cao. Trong đơn ông Đông La cũng đề nghị các cơ quan cấp trên của Hội Nhà văn Việt Nam dùng nguyên tắc “tập trung” để xem xét và thay đổi kết quả việc bỏ phiếu của BCH Hội Nhà văn Việt Nam. Đó là ý kiến riêng của ông, tôi tin rằng các cơ quan cấp trên, nếu có đưa trường hơp của ông ra xem xét thì sẽ không chỉ sử dụng nguyên tắc tập trung mà còn đề cao một cách đầy đủ biện chứng nguyên tắc tập trung dân chủ để tìm hiểu sự việc.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nguồn Ở ĐÂY
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Ba, 30 tháng 12, 2014

'Lời nguyền địa lý' - sức nặng đè lên số phận dân tộc Việt


Một số nhà nghiên cứu ví von Trung Quốc như một con gà trống, với bán đảo Triều Tiên là chiếc mỏ và Việt Nam là chân của con gà.
Bài viết của nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp đăng trên Tuần Việt Nam năm 2011.
Hình ảnh so sánh này một mặt cho thấy tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam đối với Trung Quốc, đặc biệt là về an ninh, một mặt ám chỉ tới một thực tế rằng Việt Nam từ hàng ngàn năm qua đã gánh trên vai mình, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, sức nặng của Trung Quốc. Vấn đề là Việt Nam nếu muốn cũng không thể làm được gì để thay đổi thực tế này.
Vì vậy, cũng giống như Cuba đối với Mỹ hay Grudia đối với Nga, Việt Nam, như cách nói của giáo sư Carl Thayer, đã bị chi phối bởi một “lời nguyền địa lý” (tạm dịch từ “tyranny of geography”). Theo đó Việt Nam không có sự lựa chọn nào khác ngoài học cách chia sẻ số phận của mình với người láng giềng Trung Quốc trong suốt từng bước đi lịch sử của mình.
Trong thực tế, một nước Trung Quốc mạnh hơn từ lâu đã là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với an ninh của Việt Nam. Việt Nam đã nằm dưới ách thống trị của các triều đại Trung Quốc suốt gần một ngàn năm cho đến năm 938 sau Công nguyên. Từ thời điểm đó cho tới khi Việt Nam bị Pháp biến thành thuộc địa vào nửa sau thế kỷ 19, Trung Quốc đã xâm lược và chiếm đóng Việt Nam một vài lần. Bằng chứng gần đây nhất cho thấy Trung Quốc là một nguồn đe dọa đối với Việt Nam chính là cuộc chiến tranh ngắn ngày nhưng đẫm máu mà Trung Quốc tiến hành dọc theo biên giới phía Bắc của Việt Nam vào năm 1979, và cuộc đụng độ hải quân do Trung Quốc châm ngòi ở Biển Đông tháng 3 năm 1988 .
Các mối đe dọa của Trung Quốc đối với Việt Nam không chỉ xuất phát từ sự gần gũi về mặt địa lý mà còn từ sự bất đối xứng về sức mạnh giữa hai nước. Ví dụ như Trung Quốc rộng gấp 29 lần so với Việt Nam, và dân số của Việt Nam, mặc dù đông thứ 14 thế giới, cũng chỉ tương đương với số dân một tỉnh tầm trung của Trung Quốc mà thôi.
Thành tích kinh tế ấn tượng của Việt Nam từ cuối những năm 1980 cũng không cho phép Việt Nam thu hẹp khoảng cách quyền lực với Trung Quốc. Ngược lại, cùng với quá trình hiện đại hóa của Trung Quốc trong ba thập kỷ qua, khoảng cách quyền lực giữa hai nước càng được nới rộng. Ví dụ, theo dữ liệu Ngân hàng Thế giới, GDP của Trung Quốc tính theo đô la Mỹ hiện hành đã tăng hơn 16 lần trong khoảng thời gian từ 1985 đến 2009, từ 307 tỷ USD lên 4.985 tỷ USD. Tuy nhiên, trong cùng thời gian trên, GDP của Việt Nam chỉ tăng 7 lần, từ 16 tỷ USD vào năm 1985 lên 97 tỷ USD trong năm 2009.
Nhờ kinh tế phát triển, sức mạnh quân sự của Trung Quốc cũng được gia tăng mạnh mẽ, đặt ra một mối đe dọa lớn hơn đối với an ninh Việt Nam. Trong năm 2011, theo tuyên bố chính thức của Trung Quốc, ngân sách quân sự của nước này là 91,5 tỷ USD, trong khi Việt Nam được cho là chỉ chi 2,6 tỷ USD cho quốc phòng (khoảng 2,5% GDP). Điều đặc biệt đáng lo ngại đối với Việt Nam là chi phí quân sự gia tăng của Trung Quốc được tập trung dành cho lực lượng không quân và hải quân, giúp nước này tăng cường khả năng triển khai sức mạnh quân sự ở khu vực Biển Đông, nơi Trung Quốc và Việt Nam đang có tranh chấp chủ quyền.
Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang một nền kinh tế thị trường mở lại bổ sung thêm một khía cạnh khác cho “lời nguyền địa lý” mà Việt Nam phải gánh chịu, đó chính là khả năng bị tổn thương về kinh tế ngày càng gia tăng.
Kể từ khi Việt Nam nối lại quan hệ thương mại với Trung Quốc vào cuối những năm 1980, sản xuất trong nước của Việt Nam đã từ lâu bị đe dọa bởi hàng hóa Trung Quốc, tràn vào Việt Nam thông qua đường thương mại chính thức lẫn buôn lậu. Ví dụ như vào đầu những năm 1990, hàng tiêu dùng Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam quá nhiều và gây bất lợi cho sản xuất trong nước đến mức chính phủ Việt Nam đã phải áp đặt một lệnh cấm trên 17 chủng loại hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong những năm gần đây, bất chấp khả năng cạnh tranh ngày càng cao của sản phẩm Việt Nam và ấn tượng về tình trạng kém chất lượng của hàng hóa Trung Quốc, buôn lậu từ Trung Quốc vẫn còn phổ biến. Điều này không chỉ tạo nên tác động tiêu cực đối với sản xuất trong nước mà còn đe dọa người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là khi nhiều mặt hàng nhập lậu từ Trung Quốc có chất độc hại, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người dùng.
Một điểm dễ bị tổn thương khác chính là tình trạng thâm hụt thương mại kinh niên của Việt Nam với Trung Quốc, lên tới 5,4 tỷ USD trong tổng thâm hụt thương mại 7,5 tỷ USD của Việt Nam trong nửa đầu năm 2011. Hơn nữa, Trung Quốc đã nổi lên như là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần một phần tư kim ngạch nhập khẩu trong năm 2010. Việt Nam phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc đối với các nguyên liệu đầu vào cho một số ngành xuất khẩu chủ yếu của mình, chẳng hạn như giày dép, dệt may, hay đồ nội thất. Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc. Vì vậy, nếu Trung Quốc quyết định ngưng trao đổi thương mại với Việt Nam vì lý do nào đó, thiệt hại cho nền kinh tế của Việt Nam sẽ là rất lớn.
Một mối quan ngại được nêu lên ở Việt Nam gần đây chính là việc các công ty Trung Quốc đã giành được đến 90% các hợp đồng EPC (Thiết kế/Mua sắm/Xây lắp) cho các dự án công nghiệp lớn của Việt Nam, đặc biệt là các nhà máy điện đốt than. Nhà thầu Trung Quốc được ưa chuộng vì họ cung cấp công nghệ giá rẻ và hứa sẽ giúp đỡ bố trí vốn cho chủ đầu tư từ các ngân hàng Trung Quốc. Dù có vẻ là rẻ nhưng trong thực tế Việt Nam đang phải trả giá đắt cho các hợp đồng này.
Thứ nhất, công nghệ rẻ gây nên ô nhiễm. Các báo cáo cho thấy một số công nghệ được cung cấp bởi các công ty Trung Quốc đã bị nước này đào thải hoặc cấm sử dụng từ năm 2005. Thứ hai, năng lực nhà thầu Trung Quốc hạn chế làm cho nhiều dự án bị chậm tiến độ, ngay cả khi dự án hoàn thành đúng thời hạn thì họ cũng để lại cho các chủ dự án những hóa đơn bảo dưỡng tốn kém. Thứ ba, do nhà thầu Trung Quốc từ chối sử dụng các sản phẩm sẵn có ở địa phương và thay vào đó nhập khẩu mọi thứ từ Trung Quốc, kể cả những chi tiết cơ bản như bù-loong, nên góp phần làm cho thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc tăng cao. Nhà thầu Trung Quốc thậm chí không sử dụng lao động địa phương mà còn đưa lao động Trung Quốc vào làm việc bất hợp pháp, gây nên sự phản đối trong công luận Việt Nam.
Một điểm dễ bị tổn thương về kinh tế của Việt Nam xuất phát từ Trung Quốc được thể hiện trong thời gian gần đây liên quan đến việc các thương lái Trung Quốc mua ào ạt số lượng lớn nông sản Việt Nam, từ vải thiều, sắn đến hải sản hay thịt lợn. Điều này đã góp phần khiến giá thực phẩm tại Việt Nam tăng mạnh, khiến cho tới tháng Sáu lạm phát đã tăng 20,8% so với cùng kỳ năm ngoái bất chấp những nỗ lực kiềm chế lạm phát của chính phủ.
Những điểm dễ tổn thương về kinh tế hiện nay mang lại cho Việt Nam một mối đe dọa khác bên cạnh những mối đe dọa quân sự vốn rõ ràng hơn. Nếu Trung Quốc quyết định phát động một cuộc “chiến tranh kinh tế”, Việt Nam sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề.
Tuy nhiên, Việt Nam dường như có ít lựa chọn để xử lý tình trạng dễ bị tổn thương của mình trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Một mặt, các phản ứng nếu có sẽ bị hạn chế bởi thực tế rằng Việt Nam hiện phải tuân thủ các luật lệ thương mại và đầu tư quốc tế, như các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới mà Việt Nam đã là thành viên từ đầu năm 2007. Mặt khác Việt Nam cũng phải cảnh giác về khả năng trả đũa quy mô lớn nếu có động thái tiêu cực đối với Trung Quốc.
Xem thêm:



Tất nhiên, ở đây cũng không thể không kể tới các điểm tích cực. Việt Nam hy vọng rằng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế ngày càng tăng, cho dù không đối xứng, cũng sẽ giúp làm giảm khả năng Trung Quốc tấn công quân sự Việt Nam, đặc biệt là trên Biển Đông. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng nhận thấy hợp tác với các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn ít tốn kém và thuận tiện hơn so với hợp tác với doanh nghiệp các nước khác.
Chính vì vậy, Việt Nam vẫn muốn kiên trì hợp tác kinh tế với Trung Quốc, tiếp tục cố gắng gặt hái càng nhiều lợi ích càng tốt từ nền kinh tế đang bùng nổ của người hàng xóm phương Bắc. Nhưng tục ngữ Việt Nam vẫn có câu “mật ngọt chết ruồi”. Việt Nam vì vậy cần phải luôn nhận thức đầy đủ về các mối đe dọa và tìm ra các chiến lược phù hợp để ít nhất có thể hóa giải được khía cạnh kinh tế mới nổi của “lời nguyền địa lý” mà Việt Nam đang phải gánh chịu.
LÊ HỒNG HIỆP (TUẦN VIỆT NAM)
Phần nhận xét hiển thị trên trang