Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 17 tháng 7, 2014

Từ 1938 VN đã tính chuyện khởi kiện vấn đề chủ quyền QĐ Hoàng Sa trước Tòa QT La Haye -

Tác giả: Nguyễn Hữu Sơn
Việt Nam có vùng biên giới biển đảo rộng dài nên trong suốt nửa đầu thế kỷ XX đã xuất hiện nhiều tác phẩm du ký, ghi chép, điều tra về các vùng duyên hải và biển đảo. Trong dự kiến thực hiện công trình sưu tập Du ký về biển đảo Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, bước đầu chúng tôi đã tập trung điều tra, sưu tập, kiểm kê, phân loại và tổng hợp các tác phẩm du ký trên các loại sách báo khắp trong Nam ngoài Bắc, kể cả ở nước ngoài (chủ yếu lưu trữ ở Pháp) viết về các vùng biển đảo Việt Nam từ Quảng Ninh đến Kiên Giang (gồm 5 vùng: Quảng Ninh – Hà Tĩnh, Quảng Bình – Bình Định, Phú Yên – Bắc Bình Thuận, Nam Bình Thuận – Bạc Liêu, Cà Mau – Kiên Giang), trên cơ sở kết quảtư liệu văn bản tác phẩm sẽ tiến hành nghiên cứu theo hệ thống chuyên đề, chủ đề, nội dung (các sáng tác văn xuôi theo phong cách ký, ký sự, ghi chép, hồi ức về các chuyến đi, các điểm du lịch, các điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và nhiều phương diện của an ninh, quốc phòng, hoạt động du lịch, xã hội học, dân tộc học khác nữa). Đơn cử một số tác phẩm  du ký tiêu biểu của Trần Trọng Kim: Sự du lịch đất Hải Ninh(Nam phong Tạp chí, 1923); Đông Hồ: Thăm đảo Phú Quốc (Nam phong tạp chí,1927); Mộng Tuyết: Chơi Phú Quốc, Trúc Phong: Tết chơi biển (Nam phong tạp chí,1934); Phan Thị Nga: Ra Cù Lao Yến (Ngày nay, 1935); Vĩnh Phúc: Một tuần ở đảo Hoàng Sa (Tràng An báo,1938), Biểu Chánh: Hà Tiên du ngoạn (Nam Kỳ tuần báo, 1943);Khuông Việt: Tôi ăn tết ở Côn Lôn (Nam Kỳ tuần báo,1944), v.v…
Việt Nam có đủ các bằng chứng lịch sử về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. Chưa kể đến các nguồn tài liệu cổ, thư tịch Hán Nôm, chỉ tính riêng trên báo quốc ngữ đầu thế kỷ XX cũng thấy rõ nhà nước Việt – Pháp thời bấy giờ đã lên tiếng bàn luận và xác nhận, khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Riêng trên báo Tràng An báoxuất bản tại Huế vào khoảng giữa năm 1938 đã có cả loạt bài thông tin, điều tra, khảo cứu và đặc biệt nhấn mạnh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Xin nói trước, đặt trong bối cảnh lịch sử đương thời thì chính quyền thuộc địa Pháp có tính cách nhà nước bảo hộ Việt Nam; thêm nữa, sự can thiệp của người Nhật ngày ấy cũng chỉ mang tính lâm thời, cục bộ và hạn chế.
Nhận thức về tầm quan trọng và tính thời sự của vấn đề quần đảo Hoàng Sa, tác giả Thúc Dật xác định ngay từ những dòng mở đầu bài báo Một vấn đề tối quan trọng hiện thời – đảo Hoàng Sa (Archipel des Paracels) – Chúng tôi quả quyết nói lớn rằng: Nước Nam khai thác đảo Hoàng Sa đã 240 năm nay! Trước tòa quốc tế trọng tài La Haye cái thuyết của chúng tôi phải thắng (Tràng An báo, số 338, ra ngày 15/7/1938, tr.1+3):
“Nhơn cuộc Trung – Nhật chiến tranh mà mới đây vấn đề chủ quyền đảo Hoàng Sa lại thấy tranh luận ở giữa nước Pháp và nước Nhật. Dư luận bên Pháp và bên ta rất chú ý đến vấn đề ấy, cho rằng đảo Hoàng Sa là cái chìa khóa của các con đường hàng hải của xứ Đông Pháp.
Trên các báo chương, bàn tới đảo Hoàng Sa, có nhắc lại các việc kinh lý của nước ta ở vùng đảo ấy từ đời vua Gia Long, nghĩa là từ hơn 100 năm nay.
Nhưng vấn đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, chắc còn làm đầu đề tranh luận cho các nhà ngoại giao Pháp – Nhật nhiều nữa; và có lẽ hai nước sẽ đem nó ra giữa tòa án quốc tế La Haye để nhờ những tay pháp luật quốc tế trung lập phán xử cho.
Sự tranh luận này có quan hệ cho lãnh thổ nước ta”…
Từ đây tác giả chú trọng sưu tập, hệ thống hóa, “cung hiến thêm một vài tài liệu chắc chắn về vấn đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa”:
“Những sử sách chép đến quần đảo ấy có:
1. Quyển Phủ biên tạp lục của ông Lê Quý Đôn soạn trong năm Lê Cảnh Hưng thứ 37 (1776). Sách này tư rằng: Đảo Hoàng Sa thuộc hải phận xã Yên Vĩnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
2. Đại Nam nhất thống chí toàn đồ vẽ một dãy nhiều đảo nhỏ thuộc về phương đông hải phận tỉnh Quảng Nam và các tỉnh đi nam, ghi tên là Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa.
3. Quyển cổĐại Nam nhất thống chí.
4. Quyển Lịch triều loại chí của ông Phan Huy Chú.
5. Quyển Đại Nam nhất thống chí của ông Cao Xuân Dục soạn trong triều vua Duy Tân.
6. Quyển Minh Mạng chính yếu do Quốc sử quán soạn trong năm Thiệu Trị thứ nhất (1840), sách này thuật chuyện tàu Anh Cát Lợi bị đắm ở đảo Hoàng Sa năm 1836”…
Tiếp sau các dẫn chứng, tác giả đi đến phân tích, lý giải, kết luận, khẳng định lẽ phải và ý chí tự quyết, kiên định, ngoan cường của dân tộc Việt Nam về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa:
“Chứ chiếu theo đồ thư biên chép và luật quốc tế hiện hành thời nước ta hoàn toàn có quyền sở hữu trên vùng đảo Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa mà nay người ta gọi là quần đảo Paracels.
Cách 300 năm trước, vì trên hoàn cầu, đất vô chủ nhiều, nên hễ người một nước nào đi đến một cõi đất nào và cắm cờ nước mình lên, thời tự nhiên cõi đất ấy thuộc về nước ấy.
Gần đây Quốc tế công luật lại định rằng: sự cắm cờ chưa đủ trao quyền sở hữu; một nước nào tìm thấy một cõi đất vô chủ, trừ sự cắm cờ của mình, lại còn phải kinh lý và đồn binh mới được công nhận là có chủ quyền.
Thời đối với quần đảo Paracels, nước ta, từ đời vua Hiến Minh (1702) đã có đặt đội quân Hoàng Sa trông nom quần đảo, đã có khai thác tìm được bạc, thiết, đồng, v.v… đã có trồng cây, đã có xây miếu lập bia.
Dấu vết đồn binh và kinh lý của nước ta đã hiển nhiên.
Nếu vấn đề quần đảo Parscels đem ra giữa tòa án quốc tế La Haye phán xử, thời nước Pháp, lấy danh nghĩa là đại diện cho nước An Nam, chẳng những có thể đem sử sách của ta ra mà chứng cớ, lại còn có thể mượn đoạn sử hàng hải của nước Anh trong năm 1836 và sử Tàu về đời Càn Long (1753) để chứng minh cho lý thuyết của mình. Sự hơn kiện chắc là về phần nước Pháp.
Nhưng nếu có một nước nào cậy cường quyền, không kể công lý, đem vũ lực tranh giành quần đảo ấy, thời nước Pháp hiện đứng bảo hộ cho nước Nam, cũng là một nước hùng cường về bực nhất trên thế giới, không lẽ chịu nhượng bộ để mất lãnh thổ quan yếu ở hải phận nước ta, và quốc dân ta không lẽ ngồi yên mà chịu mất đất của ông cha mình khai thác mấy trăm năm trước”.
Ngay sau đó ký giả Trương Lập Tạo (có thể là một quan chức, nhà biên khảo lịch sử) đã in liền ba kỳ bài báo Một vấn đề quốc tế nghiêm trọng hiện thời: lịch sử cận đại của đảo Paracels (Tràng An báo, số 340, ra ngày 22/7/1938, tr.1+4; số 341, ra ngày 26/7/1938, tr.1+4; số 343, ra ngày 2/8/1938, tr.1+4), trong đó chủ yếu tập trung phân tích hoàn cảnh lịch sử dẫn đến tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam giai đoạn hơn ba mươi năm đầu thế kỷ XX. Ngay từ những dòng mở đầu, người viết tỏ rõ thái độ khách quan và nhấn mạnh khả năng cần đưa vấn đề ra trước tòa án quốc tế La Haye:
“Chúng ta đã biết: từ mấy hôm nay, dư luận thế giới đều xôn xao về vụ nước Pháp cho binh lính An Nam đổ lên quần đảo Paracels – người Tàu gọi là quần đảo Tây Sa?
Chánh phủ Pháp thì bảo quần đảo đó thuộc quyền sở hữu của nước Nam từ thế kỷ 19, nhưng cả hai nước Tàu và Nhựt lại không nhìn nhận, và quả quyết rằng mình làm chủ quần đảo Tây Sa trước nước Nam kia.
Đọc tin vô tuyến điện ở báo nầy về cuộc chiến tranh Hoa – Nhựt, độc giả đã lấy làm lo ngại mà thấy máy bay Nhựt liệng bom xuống cù lao Hải Nam mấy lượt, rồi kế xẩy ra vụ Pháp đem binh chiếm cứ quần đảo Tây Sa, gây nên cuộc tranh giành lợi quyền giữa ba nước Pháp, Tàu và Nhựt, mà không khéo rồi đây cả ba phải dắt nhau đến tòa án quốc tế La Haye phân xử, chúng ta liền phải nảy sinh một ý nghĩa này: quần đảo Tây Sa, đứng sau cù lao Hải Nam, là những hải đảo sau này có một địa vị đệ nhất quan hệ về quân sự ở biển Đại Thanh, vì nó sẽ là một căn cứ địa cho chiến hạm Pháp giữ phần phòng thủ miền duyên hải suốt Đông Dương.
Ở đây, chúng tôi không phải là nhà chuyên môn quân sự mà đem cái phương diện của nhà binh ra xem xét về quần đảo Tây Sa.
Chúng tôi chỉ căn cứ về phương diện luật pháp mà xem xét coi quần đảo Tây Sa thuộc quyền sở hữu của nước nào, vậy là chúng tôi đã động đến cái then chốt của một vụ kiện thưa quốc tế có lẽ kéo dài đến cơn binh cách ở Thái Bình Dương sau này”…
Người viết đi sâu phân tích các sự kiện đối nội, đối ngoại của nhà nước bảo hộ và chính quyền Pháp ở Việt Nam liên quan đến vấn đề quần đảo Hoàng Sa và đi đến khẳng định:
“Lịch sử đã chỉ cho ta thấy rằng sự đòi hỏi của họ là không căn cứ vào đâu hết, quần đảo Tây Sa vốn là của nước Nam.
Của nước Nam, ấy là của nước Pháp”.
Theo một cách nhìn khác, trong bài viết Vì có vấn đề quần đảo Paracels, danh hiệu nước Việt Nam sẽ xuất hiện trên trường quốc tế: Chúng ta nên nhân dịp này mà làm cho quốc gia Việt Nam được thực hiện (Tràng An báo, số 344, ra ngày 5/8/1938, tr.1+4), ký giả T. A. cho rằng việc ngoại bang tranh chấp quần đảo Hoàng Sa lại là dịp thử thách lòng ái quốc của người dân đất Việt, đồng thời việc đưa vấn đề này ra trước dư luận quốc tế và tòa án La Haye xét xử thì chắc chắn nước Pháp – Nam thắng, góp phần nâng cao danh hiệu Việt Nam trên trường quốc tế:
“Nước Việt Nam trong khoảng năm sáu mươi năm nay nương náu dưới bóng cờ ba sắc tịch mịch êm đềm, trên trường quốc tế tranh luận lâu nay, tuồng như không ai nhắc nhở đến danh hiệu của nó nữa. Cái danh hiệu của một nước mà không ai nhắc nhở đến thì cái địa vị của nước ấy ra thế nào? Tưởng những người ái quốc ai cũng lấy làm ngậm ngùi đau đớn.
Muốn khôi phục lại, tất phải có thời cơ dun dủi, cái thời cơ ấy, quốc dân không thể bỏ qua. Cái thời cơ ấy ở đâu? Chính là vấn đề quần đảo Paracels, hiện đang sôi nổi dư luận trên thế giới vậy.
Quần đảo Paracels cũng như danh hiệu nước Việt Nam, lâu nay vẫn tịch mịch êm đềm, không ai nhắc nhủ đến nó. Độp một cái! chiến hạm phi cơ nước Nhật đùng đùng kéo đến đảo Hải Nam. Nước Pháp vì sự phòng thủ, phải đem quân và hạm đội ra đóng ở Paracels, tức thì người Tàu người Nhật đều nhao nhao lên tranh giành quyền sở hữu ở đảo ấy. Vì thế mà vấn đề quần đảo Paracels thành ra một vấn đề quan trọng, có lẽ nay mai sẽ đem ra giữa tòa án quốc tế La Haye phán xử, không khéo lại gây ra một cuộc binh cách cũng nên.
Mấy số Tràng An báo trước, bạn Thúc Dật và bạn Trương Lập Tạo đã kê cứu lịch sử nước Nam chiếm cứ đảo Hoàng Sa (tức Paracels) trước hai trăm năm đến nay, để cống hiến tài liệu cho chánh phủ về vấn đề tranh luận quần đảo ấy. Theo những chứng cớ xác thực mà hai bạn đã trưng ra đó, thì quần đảo Paracels đích là sở hữu của nước Việt Nam rồi. Nếu vấn đề ấy mà ra giữa trường quốc tế La Haye, thì nước Pháp thế nào cũng cầm chắc cái lẽ tất thắng. Nước Pháp sở dĩ nắm phần thắng, là nhờ có cái danh hiệu nước Việt Nam. Vậy thì từ đây cái danh hiệu Việt Nam, người ta sẽ nhắc nhủ đến luôn trên trường quốc tế vậy”…
Sau khi phân tích mối quan hệ giữa vấn đề quần đảo Hoàng Sa với lịch sử Việt Nam, chính thể Việt – Pháp, đặc thù Việt Nam trong các xu thế độc lập và liên lập ở tầm khu vực và quốc tế, người viết đi đến lời kết: “Nói rút lại, nước Pháp đã lấy danh hiệu nước Việt Nammà giành quần đảo Paracels, thì chúng ta cũng nên lấy hòa ước năm 1884 mà yêu cầu cho được cái phần nội trị hoàn toàn”.
Như vậy, qua mấy trang tư liệu trên Tràng An báo (1938) cho thấy người Việt Nam và nhà nước Việt – Pháp khi ấy đã có suy tính, đoán định và chủ trương đưa vấn đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa ra trước tòa án quốc tế La Haye. Câu chuyện cách ngày nay 76 năm vẫn còn nguyên tính thời sự.
Xin nói thêm, trên Tràng An báo trong năm 1938 này còn mấy mục tin tức thời sự liên quan đến đảo Hải Nam và việc phòng thủ Đông Dương trước hiểm họa chiến tranh thế giới thứ hai vùng Đông Á; một bài điều tra thực sự công phu củaVĩnh Phúc: Một tuần ở Hoàng Sa (số 345, ra ngày 9/8/1938, tr.1+4); một bài bình luận, phân tích chính trị sâu sắc của Hoàng Văn Sự: Trong một buổi chuyện với người đại diện của Chánh phủ từ 7 năm trước, tôi đã nói đến đảo Hải Nam và Đông Dương đối với mắt Nhật (Những lẽ khiến người Nam cần phải cùng người Pháp cố giữ Đông Dương) (số 347, ra ngày 16/8/1938, tr.1+3)…
Nguồn: Văn hóa Nghệ An
- See more at: http://nghiencuuquocte.net/forums/topic/tu-1938-vn-da-tinh-chuyen-khoi-kien-van-de-chu-quyen-qd-hoang-sa-truoc-toa-qt-la-haye/#sthash.hloaLt61.dpuf

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: