TP - Nguyễn Hoàng Đức tuổi Đinh Dậu, là tuổi con Gà. Nhưng có lẽ anh là con gà mái câm mắn đẻ, vì anh cứ đẻ sòn sòn những quả trứng to mà tiếng cục tác sau khi đẻ luôn bị chìm đi trong cái nhốn nháo của làng văn nghệ.
Ảnh: Hữu Việt |
Vậy mà anh vẫn ngày ngày đóng cửa mê mải viết, viết như một người cầm bút tự do, chuyên nghiệp. Viết hàng ngàn trang rồi để đấy không biết đến bao giờ mới được in...
Triết gia, thi sĩ bị đày ở hành lang
Đức viết văn từ năm 1991, mở đầu là viết tiểu thuyết 600 trang trong bốn tháng. Hai năm sau, đi đường bị tông xe máy ngã đập đầu xuống đường, máu chảy ra lênh láng phải đưa đi cấp cứu trong bệnh viện. Sau đó về Đức bắt đầu nổi hứng làm thơ.
Câu chuyện về sự ra đời của năng lực thi ca này nghe có vẻ giống như các truyền thuyết về các nhà tiên tri, sau khi bị ngã từ trên cây cao hay bị ốm thập tử nhất sinh bỗng nói như Thánh phán.
Có lần Đức tâm sự với tôi: “Lúc nào tôi cũng thấy sôi sục cảm hứng muốn viết ông ạ! Mỗi ngày tôi có thể viết được một bài tiểu luận. Nhiều khi tôi muốn bôi mực lên người để lăn trên giấy cho thỏa hứng sáng tạo như người ta vẽ tranh hiện đại.
Đối thoại và hùng biện là điểm mạnh nhất của tôi. Đối thoại thì chan chát như đọ gươm. Hùng biện thì sôi trào, rực lửa, càng viết càng hùng biện, hàng trăm trang cứ tông tốc tuôn ra, trang nào cũng hùng biện. Tôi như bản giao hưởng lúc nào cũng đại toàn tấu, không có lúc nào một hai cây sáo ỉ eo”.
Công đoạn sản xuất thơ ca triết học của Đức diễn ra sòn sòn mau lẹ bao nhiêu thì công đoạn lăng xê chữ nghĩa ấy ra xã hội nhọc nhằn và táo bón bấy nhiêu!
Mười mấy năm ôm những đứa con tinh thần máu thịt của mình lang thang vật vờ bên hành lang các hội nghị, đứng ngoài cổng các cuộc vui của Hội Nhà văn. Bị gọi là “con người hành lang” Đức không hề tự ái, trái lại thấy vinh dự, vì theo Đức giá trị đích thực phải vượt ra ngoài hệ thống.
Trước kia Đức học Đại học An ninh, ra trường đi công tác ở miền núi, tiếp xúc nhiều với thần học và triết học đâm ra mê, thế rồi bỏ nghề, đi phiên dịch ở một công ty dầu khí. Sau vài năm rồi cũng bỏ luôn nghề phiên dịch, ngồi nhà viết sách viết báo như một cây bút tự do.
Trong tự do, triết gia của chúng ta lại nôn nao thèm có một chân trong guồng máy. Đức bảo: “Chưa bao giờ tôi có một vị trí trong hệ thống của họ ông ạ! Có lần ở một tờ báo trống chỗ vì một biên tập viên nghỉ đẻ, tổng biên tập bảo tôi đến làm việc thế chân vào chỗ đó.
Tôi vui quá mặc complet, thắt caravat đến để nhận việc, ông TBT bắt tay hồ hởi nhưng lại nói chuyện khác chẳng đả động gì đến việc tôi vào làm trong báo như đã hẹn, nên tôi lại quay về. Hoá ra là cô kia muốn giữ cái chỗ ấy để đẻ xong sẽ quay lại làm. Tôi gửi thơ, truyện ngắn đến các báo nhưng chẳng được in”.
Giống như chàng Jozep K. của Kapka cứ luẩn quẩn bên ngoài mãi mà không vào được lâu đài bí ẩn, Nguyễn Hoàng Đức cũng luẩn quẩn vật vờ bên ngoài cánh cổng của Hội Nhà văn mà chưa một lần được mời vào.
Anh đành quay về đóng cửa viết như một triết gia cô đơn, một nhà thơ bị đời hắt hủi, một kẻ ảo tưởng mê cuồng đắm đuối viết hàng ngàn trang sách chỉ để tự thưởng thức, tự ngắm mình trong mỗi chữ viết ra.
Thiên tài bị dập vùi hay kẻ ngộ chữ và hoang tưởng?
Nguyễn Hoàng Đức giống như chàng Đông-ki-sốt cưỡi con ngựa văn hóa duy lý của phương Tây đi giữa cuộc đời…
Có điều Đức khôn hơn Đông-ki-sốt, biết dừng lại trước những cối xay gió vì chê nó… quá nhỏ so với cây gậy chữ nghĩa của mình. Và thế là ngày ngày Đức vẫn lầm lũi, say mê viết lách và sáng tạo, tỏa sáng ở… hành lang.
|
Nhà văn Nguyễn Đình Chính dữ dằn nhiều người gặp là “mất điện” thế mà đọc truyện ngắn dự thi Công chính và trái tim di trúcủa Đức đã nói trên trại viết văn Đại Lải trước mặt dăm bảy nhà văn, rằng “Cả đời các ông viết văn vẫn chỉ thấy cổng làng với con trâu. Bao giờ mới thấy được hòn đảo và công lý như thằng Đức!”.
Bà Lorenl Browning, Giáo sư Đại học Mỹ dạy văn học sang giảng cho Viện Sân khấu, Đức cũng đến nghe. Lúc giải lao Đức nói với bà rằng mình đã đọc cuốn Bách khoa thần học và cuốn Bốn trào lưu triết họcin ở Mỹ, khi vào giảng tiếp bà nói: “Ở đây có người giỏi hơn tôi”.
Đức hãnh diện với lời khen ấy lắm. Với Đức, mọi lời khen đều là những lời thán phục chân thành. Sự đơn giản ngây thơ ấy là cái đáng yêu của Đức, nhưng cũng là sân chơi phóng khoáng của mấy anh cáo cụ, lẳng lơ. Họ hứng lên tung ra một lời khen dễ dãi và hào phóng trước mặt Đức, rồi lại quên ngay.
Nhưng Đức trân trọng xếp lời khen ấy vào trong bộ nhớ, chôn sâu trong tâm khảm như những người trồng cây cảnh vẫn chôn phân hóa học dưới những gốc cây để nuôi nấng những vòm lá tự tin và kiêu hãnh.
Chẳng những được khen, Đức còn được các văn nhân tỏ ra coi trọng lắm. Đức khoe rằng, nhà thơ Hữu Thỉnh đã đề tặng tập thơ là “Thân tặng thầy Nguyễn Hoàng Đức”. (Đức có thời gian đến nhà dạy tiếng Anh cho nhà thơ Hữu Thỉnh).
Đức còn khoe khi Nguyễn Huy Thiệp mời Đức đến nhà dự khánh thành bức tượng Phật của Hoàng Hưng, Đức được ngồi mâm giữa cùng các bậc cao nhân như Nguyễn Đăng Mạnh, Hoàng Ngọc Hiến và tác giả Hồng Hưng. Đức tự hào: “Thiệp là chủ nhà mà cũng không ngồi mâm giữa. Tôi còn trẻ măng, chưa là gì cả mà đã được ngồi ngang ngửa với Hoàng Ngọc Hiến”.
Được khen như thế, được “trọng vọng” như thế, ấy vậy mà sao mười mấy năm viết lách Đức vẫn chỉ là thi sĩ ngoài lề, nhà lý luận ngoài cổng, nhà văn ở hành lang? Không biết người ta khen Đức thật lòng, hay chỉ khen xã giao để an ủi, động viên, làm đẹp lòng một con người đam mê, sắc sảo nhưng lại rất chân thành, ngây thơ và có cái gì như hoang tưởng?
Tôi ngờ vậy vì chính tôi, một người cũng có chung niềm say mê triết học như Đức và rất quý anh, tôi cũng chưa đọc hết sách Đức tặng. Dày quá, dài quá hay vì khi lướt qua vào đoạn tôi đã thấy nắm được cái thần rồi.
Lẽ ra có thể bốc phét đưa Đức lên mây xanh, nhưng tôi không thể nói dối Đức theo cách ấy. Khi Đức hỏi đã đọc chưa, tôi trả lời nửa đùa nửa thật: “Có đọc, nhưng nhảy cóc như tra từ điển, sách ông phải đọc như từ điển”. Đức nghe vậy cười rất hồn nhiên, cái hồn nhiên của người chân thực, phóng khoáng, tự tin.
Nguyễn Hoàng Đức có những cơ sở lý luận để tự tin. Theo Đức, mọi giá trị phải căn cứ vào thước đo và gương chiếu. Gương chiếu là những lời khen kia rồi. Còn thước đo? Đức quả quyết: “Bảo là hoa hậu phải đưa ra những chỉ số cụ thể như vòng eo, cân nặng, chân dài bao nhiêu, không thể nói vống lên là “làng tôi có con bé ấy con bé kia xinh lắm”.
Bảo là thiên tài phải có trước tác dày. Các nhà thơ Việt Nam nhiều anh làm thơ trong thời gian trà dư tửu hậu, hay lúc ăn cơm xong xỉa răng ngủ gà ngủ gật trên ô tô, giật mình tòi ra mấy vần thơ, sách in ra như tập tờ rơi, gáy sách mỏng dính con kiến nằm vắt qua còn thừa đầu thừa đít, làm sao mà thiên tài được!
Theo tiêu chuẩn dài, dày, cân nặng, “lấy thịt đè người” của mình, Đức có chỉ số vòng eo văn hóa rất đáng tự tin. Này nhé, một tập trường caBóng tượng đài ám ảnh chưa in viết tay 375 trang theo Đức “sẽ là một trường ca về chiến tranh đồ sộ có hạng trên thế giới”.
Tập chuyên luận Ý hướng tính văn chương trên 600 trang, “dày nhất Việt Nam”, nói về nguyên lý sáng tạo, siêu hình học và Thượng đế; một trường ca Đợi chuyến đò đã lỡ 240 trang theo Đức “là bài thơ tình dài nhất thế giới” trong đó có những nhân vật cao cấp nhất là nhà thông thái, linh mục và người trẻ tuổi.
Trường ca Kẻ hành hương từ đời đến thơ có nhân vật Homere được xây dựng như một anh hùng mỹ học. Đức bảo tự hào: “Tôi là người đầu tiên sáng tạo ra người anh hùng mỹ học. Xưa nay chỉ có anh hùng quân sự, anh hùng lao động, anh hùng văn hoá, chưa có anh hùng mỹ học. Xưa nay người ta chỉ coi Homere là tác giả, chưa có ai dám biến Homere thành nhân vật”.
Đó là chưa kể các cuốn sách đã in khác như tập sách đề cập đến những vấn đề lớn của xã hội và văn học đương đại như tập truyện ngắn Leo gác ngược, tập tiểu luận Cô đơn con người cô đơn thi sĩ, hay các tiểu thuyết và các chuyên luận hàng ngàn trang đang viết.
Nguyễn Hoàng Đức tâm sự: “Tôi có tập chuyên hiệu Người Việt Nam tự ngắm mình chưa in, mới chỉ trích in tám bài trên báo Tiền phong”. Đó là những chỉ số “tài năng” Đức tự đo bằng những thước đo trong hệ giá trị “to, cao, dày, dài, béo, khoẻ” của mình.
Theo hệ giá trị đó có lẽ một làn hương mong manh thoang thoảng và nhẹ bẫng không thể bằng một cân xà phòng thơm ?! Vì thế Đức giễu những người làm thơ lười biếng.
Đức bảo: “Người Trung Quốc có thói quen để móng tay dài để chứng tỏ mình nhàn. Nhiều người làm dáng bằng thơ cũng vậy, lười biếng khoe khoang giống như người Trung Quốc hãnh diện với những móng tay dài.
Người Hy Lạp có câu “Thành La Mã không thể xây trong một ngày”. Muốn thành đại văn hào phải có đại tác phẩm, nghĩa là gáy sách phải dầy. Dân làm thơ ở ta quen làm những bài thơ ngắn cũn trong mười lăm phút, sau đó co cụm vào nhau, chơi cánh hẩu, chơi anh em, chơi bác cháu, đem người nhà để thay thế cho nguyên lý và công lý. Như thế sao mà có tác phẩm hay!”.
Ảnh: Hữu Việt |
Nghi lễ của niềm đam mê sáng tạo
Đức là một người viết chuyên nghiệp, dành hầu hết thời gian cho bút giấy, cho các triết gia và Đức chúa Trời. Hai bốn giờ của Đức dành để viết sách, làm thơ, viết báo kiếm sống, đọc các sách nguyên lý dày hàng gang tay Đức gọi là “phần cứng”, “phần mềm” là các sách văn học và tivi.
Trưa và chiều đi ăn cơm bụi. Chủ nhật thường xuyên đi lễ nhà thờ. Y như một bác học thời trung cổ, không lướt mạng, không karaoke, hầu như không được quyền có mặt trong các đám đông khoảng trăm người trở lên, trừ khi đi xem triển lãm.
Thỉnh thoảng một số bè bạn quý Đức cũng gọi điện rủ đến uống bia bụi, dự sinh nhật, hay ăn tiệc mừng sách mới in ra, hay đón khách từ Tây Tàu Mỹ Nhật. Trong những buổi ấy Đức thường trở thành trung tâm vì hay đưa ra những lý lẽ kỳ quái nhưng sinh động và sắc sảo, ít nhất cũng làm cho mọi người được mẻ cười vui.
Trong những lúc ấy, Đức giống như anh hề triết học, làm cho mọi người xích gần lại nhau và thú vị trước những ý tứ vừa sắc sảo chân thành, vừa gai góc kỳ quái, lại vừa như mê lầm hay ngụy biện. Ít ai tranh luận lại Đức.
Thỉnh thoảng xảy ra tranh luận trong những cuộc bia bụi với những văn nhân thi sĩ chưa thân lắm thì Đức thường thua vì những ngón võ của đời thường mà Đức giải mã được nhưng không thắng được.
Đức hệ thống hoá những ngón võ người khác dùng để cướp diễn đàn hay thoát khỏi sự đuối lý khi tranh luận như sau: “ Khi tranh luận với tôi bị đuối lý, họ hay giả vờ nổi giận để lấp liếm ông ạ ! Họ bảo: “Mày nói thế mà cũng nói được à?”.
Mọi người sợ căng thẳng mất vui, lên tiếng can ngăn, đề nghị chuyển sang đề tài khác. Thế là thoát. Nếu cãi nhau to bị tôi hạ bệ về lý lẽ thì họ đập bát mắm tôm hay ném cốc bia để ra oai, giành lại thế thượng phong ra vẻ ta có nhân cách không để ai xúc phạm.
Những cậu khác ma lanh hơn thì chiếm diễn đàn bằng cách xoa đầu, khen vài câu về những cái vớ vẩn thứ yếu của tôi rồi dành hết thời gian nói về cái hay của nó. Chẳng hạn, nó bảo tiếng Anh, thì nhất ông Đức rồi, làm phim thì ai bằng ông Tuấn, thế là nó gạt tôi với ông ra khỏi lĩnh vực thơ để cả buổi nó đọc trường ca và kể về những lời ca tụng nó. Đấy là cái võ trích ngang cho người khác, trích dọc cho mình”.
Hóa ra, ngay cả ở hành lang của đời sống văn chương, Đức cũng đầy tâm sự vì vẫn tiếp tục bị gạt khỏi cuộc chơi hay chơi không đúng luật.
Có lần tôi đến chơi buổi chiều thấy Đức ngồi viết trường ca trước ba lọ hoa tươi và một dãy nến lung linh.
Đức giải thích: “Tôi đang viết chương cuối của một trường ca. Với tôi 50 trang cuối của trường ca phải bắn pháo hoa. Muốn vậy phải mua những lọ hoa đắt nhất để trước mặt để nó sỉ nhục mình - nó đẹp thế mà mình lại viết ra những dòng xấu xí được sao?
Còn thắp nến để cảm thấy sự hối thúc dồn dập và ngắn ngủi. Những ngọn nến đang tàn, còn sinh lực mình sẽ sôi trào tiếp tục được bao lâu? Bình thường tôi vẫn thắp nến làm thơ vào buổi chiều, để cái u uẩn của chiều tà và cái run rẩy của những ngọn nến truyền thêm cảm xúc”.
Một thi sĩ dữ dội coi trọng những gì đồ sộ, ghét đàn bầu, sáo trúc, coi thường thơ Đường thơ Haiku chỉ vì nó mỏng manh, ngắn ngủi, mơ hồ. Vậy mà vẫn phải tìm kiếm thần hứng trong cái mong manh của ánh chiều và cái run rẩy của ngọn nến kia ư?
Tôi chợt ngộ ra rằng có lẽ Đức cũng thông thái và sắc sảo, nhưng bị lưu đầy trong bảng giá trị của văn hóa phương Tây như đứa con hoang của các triết gia Socrats, Nietzch, Kant, Decacte nên bị lạc loài trong văn hóa Việt Nam.
Giống như những kẻ mù màu, Đức bị mù về văn hóa phương Đông, không nhìn ra cái lý của những gì nhẹ nhàng, yếu ớt, dịu dàng và tế nhị của cuộc sống xã hội đầy những bất trắc, mong manh. Đức không chịu được sự mập mờ, run rẩy và kín đáo của con người. Đức ý thức được mình là nạn nhân của sự yếu đuối, phù du và nhỏ bé.
Đức căm thù sự tế nhị, sự mệt mỏi, sự nghỉ ngơi. Đức muốn mọi thứ phải căng thẳng và mạnh mẽ. Đức tâm sự: “Mọi thứ trong cuộc đời không có sức căng không tạo ra gì cả. Một dây đàn muốn làm nên âm nhạc phải căng, ngay cả trong đời sống tình ái cũng phải đủ căng mới đạt tới khoái lạc.
Trong cuộc sống con người phải có sức căng, phải thẳng thắn, sát ván. Tôi chưa bao giờ được hưởng sức căng đến 20 phút. Mà cứ luôn luôn phải từ tốn, lựa lời, hạ nhiệt độ, dùng tâm lý để chiến thắng chân lý và xuê xoa chân lý.
Điều đó làm những người thích viết và sống mơ màng, bàng bạc không chịu được. Thế là họ xa lánh và đẩy tôi ra khỏi các cuộc chơi. Họ muốn tôi hiền lành, lờ lợ nước đôi. Con đại bàng không còn móng vuốt thì chỉ là con gà thiến”.
Nguyễn Hoàng Đức giống như chàng Đông-ki-sốt cưỡi con ngựa văn hóa duy lý của phương Tây đi giữa cuộc đời, tay vác cây gậy triết học nghênh ngang, thúc con ngựa che lá đề lao vào những vườn hoa, những hàng mã, những dải lụa mềm, những gian hàng bày bán những lọ thuỷ tinh gốm sứ khiến mọi người hoảng sợ và xa lánh. Có điều Đức khôn hơn Đông-ki-sốt, biết dừng lại trước những cối xay gió vì chê nó… quá nhỏ so với cây gậy chữ nghĩa của mình. Và thế là ngày ngày Đức vẫn lầm lũi, say mê viết lách và sáng tạo, tỏa sáng ở… hành lang.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét