Sẽ không có gì quá lời khi cho rằng, Kissinger là nhân vật nổi bật nhất của trường phái ngoại giao “con thoi” thời chiến tranh lạnh. Ông ta thực hiện chính sách ngoại giao do chính mình vạch ra một cách tận tụy và khéo léo. Đột phá quan hệ với TQ, đàm phán với Liên Xô về hiệp ước hạn chế vũ khí chiến lược, thương lượng với VNDCCH nhằm tìm một con đường rút lui danh dự cho nước Mỹ, ông ta di chuyển như coi thoi giữa Washington – Pari – Moscow và Bắc Kinh.
Xem ra, Kissinger đàm phán với TQ dễ dàng hơn nhiều so với VNDCCH, vì Bắc VN không chịu thỏa hiệp. Kissinger khen những nhà thương lượng Bắc VN cứng rắn, nguyên tắc, kỷ luật và vô cùng kiên nhẫn, song “chê” họ là những nhà thương lượng tồi. Chừng nào mà họ chưa chịu thay từ “phải” bằng “sẽ là”, chừng đó cuộc hòa đàm Pari chưa thể tiến triển – Kissinger kết luận.
Và Kissinger cũng gặp không ít khó khăn khi thuyết phục VNCH.
Với bản dự thảo Hiệp định Pari đã thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và VNDCCH, ngày 18.10.1972, Kissinger tới Sài Gòn. Khi nghiên cứu bản dự thảo, Tổng thống Thiệu hết sức sửng sốt vì tất cả những đề nghị, phản đề nghị của Nam VN đã bị bỏ qua. Thiệu nói: “xin hỏi ngài ba nước Đông Dương được đề cập đến là những nước nào?”. Kissinger trả lời, không hề ấp úng: “à chắc đó là lỗi in sai” và mặc dù nó xuất hiện không chỉ một lần trong dự thảo hiệp định nhưng Kissinger cứ khăng khăng đó là lỗi in sai. Đối với Thiệu, có tất cả bốn nước, trong đó “hai nước VN” là VNDCCH và VNCH theo Hiệp định Giơnever năm 1954, chờ ngày thống nhất, dù chưa biết là ngày nào.
“Điều gì sẽ đến với quân đội Bắc VN khi hiệp định Pari ký kết?”. “Sẽ không có sự xâm nhập từ miền Bắc của quân cộng sản và quân đội VNCH hùng mạnh với 1,1 triệu quân chẳng có gì phải sợ hãi 140 ngàn quân Bắc VN”. Trả lời của Kissinger có nghĩa là quân Bắc VN được phép ở lại miền Nam. Thiệu dứt khoát yêu cầu Kissinger sửa đổi 69 điểm trong bản dự thảo Hiệp định. Dù sao, chẳng còn bao lâu nữa, cuộc hòa đàm Pari sẽ kết thúc.
Đi đêm với Bắc Kinh, Kissinger đe dọa Bắc VN qua đại sứ TQ:
“Đàm phán đã đến lúc có hậu quả nghiêm trọng: Bắc VN đòi Mỹ hoặc trở lại hiệp định cũ, hoặc nhận một hiệp định xấu hơn. Mỹ không thể chấp nhận cả hai điều kiện đó. Nếu Bắc VN cứ giữ lập trường đó thì đàm phán đứt quãng và Mỹ sẽ có mọi hành động bảo vệ nguyên tắc của mình”.
Cuộc ném bom Giáng sinh là nỗ lực cuối cùng của Hoa Kỳ trong cuộc chiến VN. Nixon và Kissinger tính toán, nước cờ này vừa làm hài lòng Nam VN, vừa gây sức ép tối đa lên Bắc VN. Dĩ nhiên, đàm phán bị cắt đứt.
Kissinger yêu cầu TQ khích lệ Bắc VN trở lại đàm phán để giúp giải quyết tình hình căng thẳng. TQ bèn lên tiếng chỉ trích cuộc ném bom Giáng sinh, nhưng Kissinger nhận thấy sự chỉ trích là “ôn hòa”. Ngày 6.1.1973, Lê Đức Thọ trở lại Pari và ba tuần sau đó, Hiệp định về việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở VN được bốn bên chính thức ký kết tại Pari. Kissinger và Lê Đức Thọ cùng được giải Nobel về hòa bình.
Kissinger phát hiện, người chế ngự chính sách ngoại giao của TQ là Mao chứ không phải Chu Ân Lai. Chu vẫn là người thừa hành và về mặt này, phải nói ông ta tỏ ra rất xuất sắc.
Kissinger nói với các cố vấn của Chu: Thủ tướng của các ngài nói tôi là người duy nhất có thể phát biểu trong 30 phút chỉ toàn là những lời trống rỗng. Tôi không giận Thủ tướng, nhưng ông ấy đã tiết lộ bí mật về tôi !?
Tháng 10.1975, Kissinger đã có một cuộc nói chuyên dài với Mao tại Trung Nam Hải, có mặt Đặng Tiểu Bình.
Mao tán dương Kissinger:
- Ngài quá bận.
Kissinger:
- Ngài cho rằng hành trình của tôi dài quá hay sao?
Mao:
- Tôi nói ngài quá bận, nếu không bận như vậy, xem ra ngài không phát huy được tác dụng. Ngài không thể không bận. Khi mưa gió tới thì con chim én luôn bận rộn.
Kissinger thán phục Mao:
- Muốn hoàn toàn lĩnh hội hàm ý sâu sắc câu nói này của Chủ tịch, tôi phải mất vài ngày.
Mao tiếp:
- Thế giới này không yên tĩnh. Một cơn bão tố, mưa gió sẽ ập tới. Khi mưa gió tới thì con chim én luôn bận rộn.
Kissinger không vừa:
- Đúng vậy, song tôi hy vọng tác động của tôi đối với bão tố phải lớn hơn so với tác động của chim én đối với mưa gió.
Mao:
- Cho mưa gió đến chậm lại là có khả năng, nhưng muốn ngăn chặn nó là khó khăn.
Kissinger:
- Song khi bão ập đến, liệu có tìm được một tình thế tốt nhất để đối phó với bão hay không là điều rất quan trọng. Chúng tôi tán đồng quan điểm của ngài cho rằng mưa gió sắp tới hoặc có thể sẽ tới, chúng ta cố gắng điều chỉnh bản thân trong tình thế tốt nhất, song không phải né tránh mà là chiến thắng nó.
“Mưa gió” và “bão tố” đã tới – có thể thấy điều đó qua sự kiện HD-981 của TQ. Và không ai khác, chính các nhà lãnh đạo thế hệ thứ năm của TQ đem nó tới. Giờ đây, vấn đề quan trọng đối với VN – như Kissinger nói, “không phải né tránh mà là chiến thắng nó”.
Tại Bắc Kinh, Kissinger gặp những đối thủ đáng gờm như Mao, Chu, Đặng. Mao thường thăm dò Kissinger khả năng Liên Xô tấn công TQ. Mao nói, Liên Xô tập trung một triệu quân ở biên giới Trung – Xô là chưa đủ cho một cuộc tấn công, họ phải có thêm một triệu quân nữa. “Chúng tôi có thể điều họ đi đâu, đến đâu. Họ muốn vào lưu vực Hoàng Hà ư? Tốt, tốt lắm. Còn họ muốn vào sâu lưu vực Trường Giang? Cũng không tồi”. “Nhưng nếu họ chỉ cho máy bay đến ném bom thì sao” – Kissinger hỏi. “Làm gì ư? Có lẽ ngài phải lập một hội đồng để nghiên cứu vấn đề này. Chúng tôi là nước XHCN, Liên Xô cũng XHCN, thành ra CNXH đánh CNXH” – Mao nói.
Kissinger có khuynh hướng ưu ái TQ. Ông ta ca ngợi cả lãnh đạo TQ đương nhiệm: “Tôi mới chỉ gặp Chủ tịch Tập Cận Bình một vài lần, nhưng tôi đã rất ấn tượng bởi quyết tâm và sự can đảm của ông ấy. Ban lãnh đạo mới đã bắt đầu tiến hành một loạt cải cách. Những cuộc cải cách này có thể không diễn ra một cách êm ả, nhưng tôi tin rằng ông ấy có ý chí và khả năng để vượt qua những vấn đề đó”.
Nhưng, chúng ta khó có thể tán thành đánh giá ấy của Kissinger về Tập – chắc rằng, vụ HD-981 và các sự kiện trong tương lai sẽ nhanh chóng trả lời. Thử hỏi, “quyết tâm” và “sự can đảm” của TQ gần đây – dưới sự lãnh đạo của Tập, có được thế giới tôn trọng hay không? Có nhận được sự ủng hộ của thế giới hay không?
Chơi con bài TQ là một trong những thành công ngoại giao lớn nhất của Kissinger. Nền ngoại giao mà ông ta tiến hành đầy ấn tượng. Kissinger sử dụng những mánh khóe ngoại giao lắt léo với ngôn ngữ hoa mỹ, tinh tế, trí tuệ, pha chút tự phụ nhưng làm đối phương vì nể. Cho dù có ưu ái TQ, nó vẫn khác xa nền ngoại giao “pháo hạm”, “đổi trắng thay đen”, “biến không thành có”, “trơ tráo” – dựa trên thứ chính trị cường quyền đang phơi ra trước thế giới của TQ. Có lẽ, một nhà ngoại giao xuất chúng, lừng danh như Kissinger cũng khó mà lý giải hiện tượng “quái gở”đó? Ta hãy chờ xem.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét