Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 3 tháng 7, 2014

Điên rồ nhưng đáng quý:


Nguyễn Hoàng Đức trong mắt tôi
(Nhà văn Hoà Vang)

Hầm hố, tự tin quá đáng có dạng tiền bệnh lý. Mà quyết liệt, dám sống, dám trả giá, vô hình chung lại thành một nhân chứng uyên bác cho một ý nghĩ rụt rè và bất khuất của tôi:
“Sao con người lại có niềm tự hào phục vụ cộm nảy, trỗi vượt, lấn lướt... niềm Tự Hào Sống đến vậy nhỉ?”
Vì vậy... thấy nhau là được, là có thể đưa lên đá, cấy trong nước, sống được thành thứ Tình Bạn tôn trọng và day dứt.
Gã - tác gỉa khinh khủng và võ đoán của biết bao Triết luận, thơ, trường ca, truyện ngắn, tiểu thuyết chưa được in - Nguyễn Hoàng Đức- là Người lăm lăm không tiễn đưa quá khứ bằng hài kịch. Y vừa cười cợt, vừa tôn kính chân thành, giảng Mác... Phrớt... Bét-tô-uần (theo lối phát âm của Thái Bá Tân) cho nhiều người. Trong đó có tôi. Há mồm nghe. Uyên bác. Quyết liệt. “Mục hạ vô nhân”, với lý sự đủ đầy. Y, Tôi đã một lần nói và mãi mãi găm giữ:
Đức đã vô nghĩa hóa toàn bộ văn học Việt Nam đương đại”. Bằng một nghĩa khác, Ông (tức là Đức đấy, sinh năm 1957 – Đinh Dậu) – Bây giờ không thể tưng tửng gọi là “Anh” theo cung cách Nhà hàng tay vịn – 44, 45 tuổi rồi. “Tứ thập bất hoặc”. Vậy mà cả nội lực Đức, cả mái tóc và gương mặt, cả dáng vẻ và hành xử, cả những giấc mơ cô miên... Hình như tôi không cần hy vọng. Tôi tin chắc: Con người này, nhà tư tưởng quyết liệt, trước một nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình lý luận này... là một con người Hữu Ích, trước hết cho tôi – sau đó ra cả cộng đồng... Muốn đến đâu thì phải hỏi người ta?

Cây kèn Nguyễn Hoàng Đức và quặng thơ
(Nguyễn Đình Chính)
Cái ấn tượng đầu tiên xộc thẳng vào mắt tôi – đó là một vùng đồi đỏ khé, mênh mông, hỗn mang ... Như là cảnh trên mặt trăng trong các phim khoa học viễn tưởng – Và quặng - Quặng nguyên khối thơ, tươi rói, hôi hổi nóng, nhơn nhớt dính dầu và nồng nặc mùi bùn đất, mùi xác hoa rữa nát, và cả thứ mùi ê te cay cay vô nghĩa. Thứ quặng gì vậy? Quặng thơ!
Nhưng chẳng nhẽ thế là hết ư! Không, hãy đọc Nguyễn Hoàng Đức đi. Đọc một lần, đọc hai lần, phải kiên nhẫn, phải độ lượng, đừng hẹp hòi đố kỵ và nhất là đừng có cợt nhả - Những quặng kia bật ra từ đâu, trồi ra từ đâu? Có phải từ một tâm hồn rừng rực khát khao - từ một trái tim hừng hực đòi lên tiếng. Từ một con người nghênh ngang tự tin bước lên với cây kèn Ô-BOA trong tay – cây kèn Ôboa thi ca mà Nguyễn Hoàng Đức chế riêng không phải từ kim loại, từ gỗ mà từ những ống xương của anh, từ máu và hơi thở của anh.
Tôi quả quyết Nguyễn Hoàng Đức có tư chất thi sĩ – Cái tư chất ấy nó phát lộ trong thơ anh vừa kiêu hãnh vừa hoảng hốt, vừa êm ái vừa hỗn loạn. Thơ Đức không hề có sự trau chuốt, thẩm chí còn cẩu thả nữa. Ngôn ngữ xô bồ, ý tứ hỗn loạn, cảm xúc tung tóe và nhịp điệu thì như những cú vô-lê ngoạn mục – Nó như một bãi lổn ngổn – nhưng mà thật quái quỉ - trong đống lổn ngổn mà tác giả cố tình quăng ra đấy – lóe lên những thỏi vàng mà lại rất nhiều vàng cơ chứ. Toàn vàng ròng vậy thì đó là cái gì – Đó là thơ – Đích thực thơ - thật quái quỉ!
Chúng ta lấy chuẩn mực gì để đưa Nguyễn Hoàng Đức lên đoạn đầu đài của thi ca mà bêu đầu anh? Sự tinh tế ư? những niêm luật ư? cấu trúc đóng mở ư? Hay là luật bằng trắc cổ xưa? Hay là nhịp điệu tuyệt vời của tiếng Việt Nam v.v... ? Thơ Đức thiếu tất cả - nhưng bù lại vượt lên trên hết những chuẩn mực đó là - thứ chuẩn mực khác - thứ chuẩn mực của thi sĩ: dào dạt, quẫy mạnh, vật vã và khao khát như phát rồ. Hành trình tạo lên thơ Đức là một hành trình lộn ngược. Người ta đều đi từ gốc đến ngọn - với Đức, thì ngược lại – anh bắt đầu từ những vòm cây xum xuê trên cao, dào dạt, xanh biếc rồi bò dần xuống gốc.
Không hiểu sao, vừa đi cà nhắc, cà nhắc trên cánh đồng thi ca hỗn độn, rộng mênh mông của Nguyễn Hoàng Đức. Tôi cứ khấp khởi mừng thầm – Xin lỗi nhé! Tôi khoái Đức – khoái nhất cái sự văng mạng, không rụt rè do dự của anh. Nó na ná như nhạc Pốp, khó khăn đấy . Khó tiêu đấy nếu đưa nó vào những sa-lông thơ trịnh trọng một cách hời hợt - Hoặc đặt nó vào trong các bảo tàng thơ ca nghiêm trang đến mức cũ kỹ. Vậy thì chỗ đứng của thơ Nguyễn Hoàng Đức ở đâu. Trên vỉa hè ư? Không – nơi đó giành cho những người nhàn tản ưa đi bộ. Chỗ thơ của Đức là những bãi cỏ hoang xanh rì, chưa kịp xây phố cất nhà. Đó là địa chỉ của những đám đông độc giả xô bồ. Rất đông, nhưng mà lại rất trẻ, rất yêu đời, rất khao khát hành động. Tôi đoán như thế và cam đoan như thế.
Nhưng thôi, đoán về thơ Nguyễn Hoàng Đức như vậy là đủ rồi. Ta hãy đọc một khúc hoài niệm mùa thu của anh nhé. Một điệu kèn lọt tai nhất, êm dịu vào loại bậc nhất, trong cái đống quặng thi ca của anh.

HOÀI NIỆM THU
Nguyễn Hoàng Đức
Vòi vọi trời xanh thẳm nâng lên
mỗi lần dâng mỗi lần quặn thắt
vắt nỗi đau qua những lớp mây mù
nặng ký ức mùa ngâu rả rích
lã chã vấn vương
chưa nguôi lệ sầu lòng đất sũng
Dòng sông gợn sóng đến gai lòng
Níu mây trôi ngập ngừng
Không dám buông lời nói
về những cơn mưa mùa hạ đã qua rồi
Muôn dòng sông
thả những khúc sầu ra biển
xao xuyến xô lớp lớp sóng cồn
dồn dập vỗ buồn mê mùa gió chướng
thủy triều tê lưỡi sóng
nếm vị nắng u hoài
bò loang bờ cát mặn
những sợi sáng se dìu dịu
của mặt trời u uẩn
nuối tiếc tuổi thanh xuân
ngày nào chang chang mùa hạ
ngổ ngáo sao và mãnh liệt sao
Hoàng hôn rải lớp sương lành lạnh
nhuốm con đường đất thịt cô đơn
những mái nhà trắc ẩn nhô lên
đội nón quai thao cho những vòm cây hiền hậu
da diết tâm hồn rách dọc mái nhà
một ý nghĩa cuộc đời vừa nứt
man mác mùa thu
man mác lớp da non cơn đau mùa hạ

Mái tóc đau màu trắng thời gian
những chiếc lá đau mùa vàng năm tháng
Hơi thở đau khí trời se lạnh
Gió heo may đau làn sương tê tái
Ánh mắt đau cái nhìn giã biệt
nhật - nguyệt mùa thu đau trời hoài niệm
Cánh tay đau những vòng tay dứt
những dòng sông đau mùa nước cạn
Bàn tay đau những bắt tay
Cành cây đau mùa lá rụng
Bàn chân đau những chặng đường chưa tới
Và chân lý hằng đau mùa gặt...
Cơ thể đau mùa sống
Tâm hồn đau mùa luân chuyển khoái lạc và đau khổ
Khoái lạc đau khúc hoan ca
Nơi sân khấu mỏi mòn
Và đau khổ đau những thánh ca buồn
Trên thập giá cưu mang
Linh hồn ta đau khúc bi hùng
Ca trên những ngọn đồi Hy Lạp
Theo mây thời gian tỏa
Theo gió đời lan
Theo lịch sử khơi dòng
về đây cuốn lên một vòm trời hoài niệm
khơi thẳm mãi hồn ta
mãi tim ta
mãi thân ta
một khúc ca xanh về cuộc đời hy vọng
dâng tràn mọi ký ức u buồn
như vòm trời thu vọt qua những tầng mây ngâu lã chã
mãi mãi dâng lên !
( Hà Nội 22/9/1997 )
Thơ như vậy chứ còn là gì ?
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: