Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 3 tháng 7, 2014

Gia tài để lại cho thế hệ sau

Buồn nhất là chúng ta luôn mồm nói nếu đời ta không đòi được Biển Đông thì đời con cháu sẽ tiếp tục đòi; tư tưởng đã như vậy thì đâu còn ý chí để đấu tranh với Trung Quốc nữa. Đây là gia tài lớn nhất để lại cho con cháu sao ? Trong khi đó thì tài nguyên rừng, biển, trên mặt đất và dưới lòng đất... chúng ta đã và đang đua nhau khai thác triệt để.

Gia tài để lại
Nguyễn Thị Hậu: (TBKTSG) - Đừng đặt lên vai thế hệ sau những trách nhiệm quá lớn với tương lai, khi mà chính chúng ta còn chưa làm hết trách nhiệm với ngày hôm nay.
Gần đây trong một số hội thảo về Bảo tồn di sản văn hóa đã có những tham luận đề cập đến nội dung giáo dục về di sản văn hóa cho lớp trẻ, ngoài ý nghĩa để cho thế hệ trẻ hiểu biết về giá trị của di sản văn hóa còn là việc giáo dục ý thức bảo vệ, bảo tồn di sản văn hóa. Và người ta luôn nhấn mạnh vai trò của giới trẻ trong việc bảo tồn di sản văn hóa... trong tương lai.

Cũng vậy, trong nhiều lĩnh vực khác, lớp trẻ luôn được người lớn trao cho một vai trò rất quan trọng. Từ chuyện nhỏ như tuân thủ Luật Giao thông, không xả rác nơi công cộng... cũng được dạy trong trường học để các em hiểu và làm theo, và còn để “làm gương” cho cha mẹ nữa. Bởi không hiếm trường hợp cha mẹ chở con cái trên xe máy vô tư vượt đèn đỏ, đậu sai làn đường quy định, hay ngồi trên xe hơi vứt rác xuống đường phố. Những lúc đó một câu hỏi, một lời nhắc nhở của con trẻ “sao ba mẹ lại làm thế, cô giáo con dạy không được làm như vậy” sẽ có tác dụng làm cho phụ huynh nhớ lâu hơn và “tự giác” thay đổi thói quen tùy tiện.

Những việc lớn hơn như bảo vệ môi trường, bảo tồn động vật hoang dã, bảo vệ tài nguyên khoáng sản... đến những việc quan trọng nhất là bảo vệ đất nước và làm sao để nước ta “có thể sánh vai với các cường quốc năm châu”... đều luôn được nhắc nhở, tuyên truyền, vận động và phát động thành phong trào trong lớp trẻ.

Đúng thôi, vì lớp trẻ là tương lai của mỗi gia đình, của cả đất nước. Tuy nhiên, nếu trong mỗi gia đình, nhiều người đã cố gắng, bằng mọi cách, để lại cho con gia tài vật chất to lớn: nhà cửa, đất đai, tài khoản ngân hàng nước ngoài, địa vị cao... hoặc để lại cho con gia tài tinh thần là tri thức to lớn và nhân cách giúp con thành người tử tế, thì ở tầm “vĩ mô”, thế hệ chúng ta để lại cho con cháu những gì, khi giao cho chúng trách nhiệm bảo vệ, bảo tồn và phát triển?

Như trường hợp Di sản văn hóa chẳng hạn, muốn lớp trẻ yêu quý và bảo vệ di sản văn hóa thì trước hết chúng ta phải bảo tồn, gìn giữ tốt những di sản cha ông để lại, đồng thời tạo ra những di sản mới, thực sự mang giá trị văn hóa truyền thống và cả giá trị văn hóa của thời đại. Vậy nhưng chỉ cần qua những gì báo chí phản ánh trong thời gian gần đây, chúng ta hãy tự hỏi đã để lại những di sản văn hóa như thế nào cho thế hệ tương lai?

Từ thế hệ sinh những năm 1950, 1960 đã được tin tưởng giao trách nhiệm “làm cho dân tộc ta vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu”, lời gửi gắm từ hơn nửa thế kỷ rồi vẫn tiếp tục được gửi đến thế hệ mai sau? Trong mỗi gia đình, có khi nào chúng ta nghĩ rằng, ta đang hướng con cái thực hiện bằng được... ước mơ của chính mình, qua việc chọn ngành nghề, qua thái độ sống và có khi cả việc hôn nhân - gia đình? 

Đừng “vẽ đường hươu chạy”, đúng quá, vì những “con hươu” ngày nay đủ khả năng tự tìm đường mà đi, và việc của chúng ta là hãy chỉ ra những cái bẫy những bụi gai... mà chính chúng ta đã mắc phải, để “hươu con” biết đằng mà tránh không lặp lại sai lầm ấy. Khi trao cho lớp trẻ quyền tự quyết định cuộc đời chính là chúng ta thể hiện sự tin tưởng, tôn trọng và đánh giá cao vai trò của lớp trẻ một cách thật sự, chứ không phải bằng những lời “có cánh”.

Người xưa có câu chuyện: một người cha sắp mất liền trăng trối “cha để lại vàng cho các con ở ngoài thửa ruộng”. Sau khi ông mất mấy người con ra sức cày cuốc tìm vàng. Nhưng tất nhiên không tìm thấy vàng mà được một vụ mùa bội thu. Những người con hiểu ra giá trị của ruộng đất, từ đó gìn giữ và chăm chỉ cày cấy trên mảnh ruộng cha ông để lại, từ đó họ trở nên giàu có.

Đời con cháu có được “vàng” là của cải vật chất, “vàng” là nhân cách, tinh thần hay không... phụ thuộc vào việc thế hệ đi trước đã để lại những gì, thế hệ sau sẽ làm gì để xứng đáng và phát triển hơn những tài sản đó.

Như vậy cả hai thế hệ đều có vai trò và trách nhiệm rõ ràng.

Đừng đặt lên vai thế hệ sau những trách nhiệm quá lớn với tương lai, khi mà chính chúng ta còn chưa làm hết trách nhiệm với ngày hôm nay.

TRanMaiLai.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: