(TNO) Bộ ngoại giao Trung Quốc ngày 4.7 xác nhận việc tàu hải quân nước này bắt giữ 6 ngư dân Việt Nam một ngày trước đó.
“Cơ quan chức năng Trung Quốc đang điều tra vụ việc. Một lần nữa Trung Quốc yêu cầu Việt Nam có những biện pháp cần thiết, siết chặt kỷ cương và tăng cường giáo dục ngư dân nhằm tránh để xảy ra những vụ việc tương tự”, Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố.
Bộ ngoại giao Trung Quốc cho rằng các ngư dân bị bắt “đã vi phạm pháp luật” khi đánh bắt trong vùng biển của Trung Quốc, nơi cách đảo Hải Nam của nước này khoảng 7 hải lý về phía nam.
Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Thị Thái Thông cho biết hiện cơ quan chức năng đang xác minh thông tin liên quan đến vụ việc.
Theo lời tường trình của ngư dân Võ Đạt (46 tuổi) với các cơ quan chức năng, vụ việc diễn ra vào sáng 3.7, khi tàu cá của gia đình ông - QNg 94912 TS - do con ruột là Võ Tấn Tèo làm thuyền trưởng, đang đánh bắt trên ngư trường truyền thống. Trên tàu có tổng cộng 6 ngư dân.
Cùng thời điểm, tàu cá QNg 94913 TS do ngư dân Trần Si (39 tuổi) làm thuyền trưởng (trên tàu có 2 ngư dân) và hàng chục tàu cá khác ở xã Phổ Thạnh cũng đang kéo luới ở vùng biển vịnh Bắc Bộ.
Các tàu của Việt Nam bị tàu Trung Quốc vây đuổi. Sau khi khống chế tàu cá QNg 94912 TS và bắt 6 ngư dân dồn về mũi tàu, phía Trung Quốc còn cử lực lượng lái tàu cá QNg 94912 TS chạy về hướng Trung Quốc.
Ông Đạt cho biết thêm, hiện tàu cá QNg 94913 TS cùng 2 ngư dân đang chạy về đất liền, dự kiến ngày mai (5.7) sẽ về cập cảng cá Sa Huỳnh (xã Phổ Thạnh).
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc bắt giữ tàu cá và ngư dân Việt Nam kể từ khi hạ đặt phi pháp giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng biển Việt Nam.
Ngày 26.5, khi đang hành nghề trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa của Việt Nam, tàu cá ĐNa 90152 đã bị tàu Trung Quốc đâm chìm, khiến 2 trong số 10 người dân bị thương. Rất may, các ngư dân này được cứu nạn kịp thời.
Vụ bắt giữ mới nhất này "sẽ làm không khí ngột ngạt hơn", hãng tin Bloomberg dẫn lời Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Úc.
"Đây là một hành động đơn phương trong vùng biển mà Việt Nam có thẩm quyền [hay ít ra là] đang tranh chấp", GS Thayer nhận định.
Hoàng Uy – Hiển Cừ
Phần nhận xét hiển thị trên trang