Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 5 tháng 6, 2014

Sự thật trước sau cũng thật

 tinnhiem


Bọn bánh trướng TQ đạt giàn khoan trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam đã hơn ba tuần. Bất chấp mọi phản đối từ nhiều thành phần trong ngoài nước Việt Nam, giàn khoan vẫn đứng yên dù Cảnh Sát Biển VN luôn ngày đêm xua đuổi.

Điều gì khiến bọn xâm lược vẫn tỏ ra ngang ngược, thậm chí còn mạnh miệng tố cáo Việt Nam là xâm phạm đe dọa lãnh hải, hung hăng va chạm, lao húc hàng trăm lần vào tàu của chúng, dù chẵng có một chứng cứ nào. Những luận điệu ấy không làm phân tâm một ai vì không đúng sự thật. Nhưng khi chúng nhắc lại và tố VN bội ước vội quên những lời khước từ chủ quyền ở HS và TS mà nhà nước Việt Nam cụ thể là công hàm của Thủ Tướng Phạm Văn Đồng đã đồng ý với chúng từ năm 1958 làm nhiều người phải suy nghĩ lại. Tại sao có chuyện như vậy? Thực hư như thế nào? Cùng lúc những người không ưa Cộng Sản được dịp nói mạnh hơn CSVN bán nước.
Trong lúc toàn dân đồng lòng chống quân xâm lược để giữ yên bờ cõi, luận điệu này được lập lại nhằm phá mối đoàn kết toàn dân có thể hàn gắn, hòa giải hòa hợp dân tộc nhằm tạo nên một lực lượng hùng hậu nhất của Việt Nam khi vận nước đang bị lung lay như đèn trước gió. Do vậy, chúng ta nên tìm hiểu kỹ hơn để hiểu rõ ngọn nguồn, dù chuyện này không mới chút nào, và cách đây hơn 5 năm TN đã từng có entry về việc này nhưng lúc ấy ít ai quan tâm
Tại đâyvà tại đây Sự thật là sáng ngày 21.9.1958, ông Nguyễn Khang, Đại sứ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà tại TQ, đã gặp Cơ Bàng Phi, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa để chuyển bức công hàm của Chính phủ VNDCCH có nội dung sau:Như vậy công hàm với cấp độ Thủ Tướng nhà nước Việt Nam gửi cho chính quyền TQ công nhận lãnh hải 12 hải lý của TQ vào ngày 14 tháng 9 năm 1958 là có thật, và trong đó không có một dòng nào nói về Hoàng Sa hay Trường Sa cũng là có thật.
Nhưng cái đáng nói là, thời điểm đó Trung Quốc vừa tuyên bố về lãnh hải vào ngày 4/9/1958 với nội dung rất xấc xược kể ra những đảo của TQ trong đó cóTây Sa và Nam Sa (là Hoàng Sa và trường Sa từ bao đời của Việt Nam) là bằng chứng rõ nhất cho thấy sự xâm lăng trong ý thức của họ dù chẳng đưa ra một chứng lý nào, lại được nhà nước Việt Nam DCCH đáp từ một cách nhanh chóng chỉ sau một tuần công bố.
Tuyên Bố của Chính Phủ Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc về Lãnh Hải (Ðược thông qua trong kỳ họp thứ 100 của Ban Thường Trực Quốc Hội Nhân Dân ngày 4 tháng 9 năm 1958) Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc nay tuyên bố: (1) Bề rộng lãnh hải của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc là 12 hải lý. Ðiều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả) và các đảo phụ cận, quần đảo Penghu, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc. (2) Các đường thẳng nối liền mỗi điểm căn bản của bờ biển trên đất liền và các đảo ngoại biên ngoài khơi được xem là các đường căn bản của lãnh hải dọc theo đất liền Trung Quốc và các đảo ngoài khơi. Phần biển 12 hải lý tính ra từ các đường căn bản là hải phận của Trung Quốc. Phần biển bên trong các đường căn bản, kể cả vịnh Bohai và eo biển Giongzhou, là vùng nội hải của Trung Quốc. Các đảo bên trong các đường căn bản, kể cả đảo Dongyin, đảo Gaodeng, đảo Mazu, đảo Baiquan, đảo Niaoqin, đảo Ðại và Tiểu Jinmen, đảo Dadam, đảo Erdan, và đảo Dongdinh, là các đảo thuộc nội hải Trung Quốc. (3) Nếu không có sự cho phép của Chính Phủ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, tất cả máy bay ngoại quốc và tàu bè quân sự không được xâm nhập hải phận Trung Quốc và vùng trời bao trên hải phận này. Bất cứ tàu bè ngoại quốc nào di chuyển trong hải phận Trung Quốc đều phải tuyên thủ các luật lệ liên hệ của Chính Phủ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc (4) Ðiều (2) và (3) bên trên cũng áp dụng cho Ðài Loan và các đảo phụ cận, quần đảo Penghu, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc. Ðài Loan và Penghu hiện còn bị cưỡng chiếm bởi Hoa Kỳ. Ðây là hành động bất hợp pháp vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Ðài Loan và Penghu đang chờ được chiếm lại. Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc có quyền dùng mọi biện pháp thích ứng để lấy lại các phần đất này trong tương lai. Các nước ngoại quốc không nên xen vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc.
Hoàn cảnh ra đời của tuyên bố này là nhằm hợp pháp hóa việc nả súng vào hai đảo Kim Môn, Mã Tổ nằm sát nách TQ nhưng lại thuộc Đài Loan và trong lúc Hội Nghị Liên Hiệp Quốc về luật biển họp tại Geneve từ 24-2 đến 29-4-1958 cũng chưa ấn định được chiều rộng nhất định của hải phận các nước trên thế giới, nên TQ đưa ra 12 hải lý luôn vì TQ và cả hai chế độ Việt Nam đều không được tham dự hội nghị này.

Vấn đề là tuyên bố của TQ quá đà, xâm phạm biển đảo của Việt Nam, vì TQ chưa hề có chủ quyền ở 2 quần đảo này. Chỉ có cái cớ là vào năm 1946, quân Tưởng giới Thạch (một lãnh tụ đối nghịch với Mao Trạch Đông) mượn cớ giải giáp quân đội Nhật thua trận, đã chiếm vài đảo trong quần đảo Hoàng Sa. Ngày 1/10/1949 nước CHNDTrung Hoa ra đời, quân Tưởng rút khỏi đảo Phú lâm và quân đội Pháp vẫn hiện diện trên toàn đảo Hoàng Sa. Tại Hội nghị San Francisco năm 1951, có 51 quốc gia tham dự để ký kết hoà ước với Nhật, Liên Xô cũ đưa tu chính: "Nhật thừa nhận CHNDTrung Hoa có chủ quyền trên đảo HS va TS" nhưng nội dung này bị hội nghị bác bỏ với 48 phiếu chống và 3 phiếu thuận, ngay sau đó ngoại trưởng Trần Văn Hữu của chính phủ Bảo Đại tuyên bố hai quần đảo TS và HS là của Việt Nam. Kết thúc hội nghị với hoà ước được ký kết trong đó nêu rõ ở điều 2 đoạn 7 nội dung: "Nhật từ bỏ mọi quyền danh nghĩa và tham vọng đối với các quần đảo Paracels và Spratly (HS và TS)”. Tháng 4/1956 ngay lúc Pháp rút khỏi Đông Dương, quân đội quốc gia Việt Nam sau này là VNCH đã tiến hành quản lý phía Tây HS với số quân 40 người. Cũng thời gian này bọn bành trướng đã lén lút đưa quân chiếm phần phía đông của HS gồm đảo Phú Lâm và Linh Côn. Ngày 1/6/1956 ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu của VNCH tuyên bố tái khẳng định chủ quyền hai đảo HS và TS là của Việt Nam.

Không quốc gia nào công nhận tuyên bố lãnh hải kiểu trời ơi ấy của TQ, nên có một vị Thủ Tướng đáp từ là chúng mừng lắm rồi, dù chẳng có dòng nào nói Hoàng Sa và Trường Sa là của chúng. Lẽ ra không công nhận gì cả vẫn hay hơn và cũng không gây hại gì. Nhưng sao Bác Đồng không chỉ ra cho chúng thấy tính cách xâm lược pháp lý đó? và dưạ vào đâu để công nhận lãnh hải 12 hải lý? Chuyện này không thuộc sự hiểu biết của thảo dân. Nó có giá trị trong học thuật ngoại giao, thảo dân không thể bàn.

Nhưng nói công hàm trên bán nước lại không đúng sự thật. Vì hội nghị quốc tế Geneve 1954 công nhận Việt Nam có hai chế độ: VNDCCH có lãnh thổ từ vĩ tuyến 17 trở ra giáp với biên giới TQ; từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam thuộc VNCH bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa. Vậy VNDCCH có chủ quyền đâu mà bán. Cũng vậy, VNDCCH là bên thứ ba không phải là người trong cuộc và không phải là người có quyền thì làm sao khước từ chủ quyền hay công nhận chủ quyền cho TQ.

Do đó, từ góc độ pháp lý quốc tế, công văn của PV Đồng là không có giá trị, và thực sự việc công nhận lãnh thổ quốc gia tiếp giáp không thể bằng công văn. Vấn đề là nó đang nằm trong tay của bọn xâm lược nên chúng bám víu vào đó được chút nào hay chút đó, chứ nếu minh bạch trước Tòa án Quốc tế thì rõ ràng chỉ là tờ giấy. Nhưng nếu bảo không giá trị mà xóa nó đi thì mắc tội không thống nhất, nói hai lời.



Vì sao? Và giá trị thực của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam nằm ở đâu ? Nằm ở lệnh từ các vua chúa nhà Nguyễn từ thế kỷ thứ 17 xuyên suốt đến thế kỷ 20 điều hành hai quần đảo trong hòa bình; ở tuyên bố của Pháp khi xác lập thực quyền cai trị Việt Nam; nằm ở rất nhiều Hội nghị quốc tế công nhận HS,TS là của Quốc Gia Việt Nam sau này là Việt Nam Cộng Hòa; nhất là hàng vạn bản đồ được vẽ từ khi con người biết đến họa đồ thế giới cho tới năm 1904 với bản đồ quy mô lớn nhất do chính vương triều TQ tổ chức vẽ cũng xác nhận TQ có chủ quyền đến đảo Hải Nam là cùng.



Riêng về bản đồ, dù TQ ghi nhận lãnh thổ của chúng chỉ đến đảo Hải Nam, nhưng không thể suy luận bên dưới vĩ tuyến 18 là của Việt Nam. Lập luận như vậy chưa đủ tính tuyết phục.



May thay, đầu năm nay, có bộ bản đồ của nhà địa lý Philippe Vandermaelen in năm 1827 xuất hiện, với nhiều chiết vô cùng quý giá. Đặc biệt tấm Partie de la Cochinchine là tờ số 106, vẽ đường bờ biển miền Trung từ vĩ tuyến 12 đến vĩ tuyến 16 có nhiều thông tin có giá trị về chủ quyền biền đảo của Việt Nam.



Phía ngoài khơi, Paracels (Hoàng Sa) được vẽ khá chi tiết và chuẩn xác trong khoảng vĩ độ 16 đến 17 và kinh độ từ 109 đến 111. Quần đảo Paracels trong bản đồ có các đảo Pattles, Duncan ở phía Tây; Tree và Lincoln, Rocher au desus de l’eau (bãi đá ngầm) ở phía đông và Triton ở phía Tây Nam, ngay dưới vĩ độ 16; Investigateur ở sâu xuống phía Nam khoảng vĩ độ 14,5. Bên cạnh khu vực được xác định là Paracels, bản đồ còn một bản giới thiệu tóm tắt về Đế chế An Nam.

Đây là bộ bản đồ của công dân người Bỉ, đam mê công việc khoa học địa lý tự nghiên cứu, tìm tòi, ghi nhận nhưng rất chi tiết, rõ ràng, khách quan và chính xác. Đối với Việt Nam bộ bản đồ này là vô giá, vì vài năm trước đây, và cả mấy mươi năm trước kia, chưa bao giờ Việt Nam có những bản đồ chính thức hiện lên rõ ràng Hoàng Sa và Trường Sa như vậy.


Ngày 11.1.1974 TQ lại tuyên bố chủ quyền trên hai quần đảo HS-TS và đưa quân tới khu vực Hoàng Sa. Ngay khi phát hiện âm mưu xâm lược chính quyền VNCH đã ra tuyên cáo ngày 19-1-1974 như sau:


“Sau khi mạo nhận ngày 11.1.1974 chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam Cộng Hòa, Trung Cộng đã đưa Hải quân đến khu vực Hoàng Sa, và đổ bộ quân lính lên các đảo Cam Tuyền (Hữu Nhật), Quang Hòa và Duy Mộng.

Lực lượng Hải quân Trung Cộng gồm có 11 chiến đỉnh thuộc nhiều loại và trọng lượng khác nhau, kể cả một tàu loại Komar có trang bị hỏa tiễn.

Để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và nền an ninh quốc gia trước cuộc xâm lăng quân sự này, các lực lượng Hải quân Việt Nam Cộng Hòa trấn đóng trong khu vực này đã ra lệnh cho bọn xâm nhập phải rời khu vực.

Thay vì tuân lệnh, các tàu Trung Cộng, kể từ 18.1.1974, lại có những hành động khiêu khích như đâm thẳng vào các chiến đỉnh Việt Nam.

Sáng ngày 19.1.1974, hồi 10 giờ 20, một hộ tống hạm Trung Cộng thuộc loại Kronstadt đã khai hỏa bắn vào khu trục hạm “Trần Khánh Dư” mang số HQ-04 của Việt Nam Cộng Hòa. Để tự vệ, các chiến hạm Việt Nam đã phản pháo và gây hư hại cho hộ tống hạm Trung Cộng. Cuộc giao tranh hiện còn tiếp diễn và đang gây thiệt hại về nhân mạng và vật chất cho cả đôi bên.

Các hành động quân sự của Trung Cộng là hành vi xâm phạm trắng trợn vào lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa, và một lần nữa vạch trần chánh sách bành trướng đế quốc mà Trung Cộng liên tục theo đuổi, đã được biểu lộ qua cuộc thôn tính Tây Tạng, cuộc xâm lăng Đại Hàn và Ấn Độ trước kia.

Việc Trung Cộng ngày nay xâm phạm lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa không những chỉ đe dọa chủ quyền và an ninh của Việt Nam Cộng Hòa, mà còn là một hiểm họa đối với nền hòa bình và ổn cố của Đông Nam Á và toàn thế giới.

Với tư cách là một nước nhỏ bị một cường quốc vô cớ tấn công, Việt Nam Cộng Hòa kêu gọi toàn thể các dân tộc yêu chuộng công lý và hòa bình trên toàn thế giới hãy cương quyết lên án các hành vi chiến tranh thô bạo của Trung Cộng nhằm vào một quốc gia độc lập và có chủ quyền để buộc Trung Cộng phải tức khắc chấm dứt các hành động nguy hiểm đó.

Làm ngơ để cho Trung Cộng tự do tiến hành cuộc xâm lấn trắng trợn này là khuyến khích kẻ gây hấn tiếp tục theo đuổi chánh sách bành trướng của chúng và sự kiện này đe dọa sự sống còn của những nước nhỏ đặc biệt là những nước ở Á châu.

Trong suốt lịch sử, dân tộc Việt Nam đã đánh bại nhiều cuộc ngoại xâm. Ngày nay, chánh phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa cũng nhất định bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ quốc gia”
.


Sau đó bọn bành trướng cho quân đánh chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực. VNCH tiếp tục phát tuyên cáo ngày 14 tháng 2 năm 1974:



“Nghĩa vụ cao cả và cấp thiết nhất của một Chánh phủ là bảo vệ chủ quyền, độc lập và sự vẹn toàn lãnh thổ của quốc gia. Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa cương quyết làm tròn nghĩa vụ này, bất luận những khó khăn trở ngại có thể gặp phải và bất chấp những sự phản đối không căn cứ dầu phát xuất từ đâu.

Trước việc Trung Cộng trắng trợn xâm chiếm bằng vũ lực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa, Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa thấy cần phải tuyên cáo long trọng trước công luận thế giới cho bạn cũng như thù biết rõ rằng:

Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là những phần bất khả phân của lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa. Chánh phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa không bao giờ chịu khuất phục trước bạo lực mà từ bỏ tất cả hay một phần chủ quyền của mình trên những quần đảo ấy.

Chừng nào còn một hòn đảo thuộc phần lãnh thổ ấy của Việt Nam Cộng Hòa bị nước ngoài chiếm giữ bằng bạo lực thì chừng ấy Chánh phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa còn đấu tranh để khôi phục những quyền lợi chánh đáng của mình. Kẻ xâm chiếm phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về mọi tình trạng căng thẳng có thể do đó mà có.

Trong dịp này, Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa cũng long trọng tái xác nhận chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa trên những hòn đảo nằm ở ngoài khơi bờ biển Trung Phần và bờ biển Nam Phần Việt Nam, từ trước tới nay vẫn được coi là một phần lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa căn cứ trên những dữ kiện địa lý, lịch sử, pháp lý và thực tại không thể chối cãi được. Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa cương quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia trên những đảo ấy bằng mọi cách.

Trung thành với chánh sách hòa bình cố hữu của mình, Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa sẵn sàng giải quyết bằng đường lối thương lượng những vụ tranh chấp quốc tế có thể xảy ra về những hải đảo ấy, nhưng nhất định không vì thế mà từ bỏ chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa trên những phần đất này”


Như vậy nhà nước chủ sở hữu biển đảo thực sự được các hội nghị quốc tế công nhận đã lên tiếng xác nhận những kẻ xâm lược chiếm đoạt biển đảo bằng vũ lực và vì vậy không bao giờ và không ai có thể công nhận chủ quyền của kẻ đi cướp đảo từ nhà nước có thực quyền; chiếm hữu trong hòa bình; kéo dài hàng mấy thế kỷ!

Chuỗi sự kiện trên là có thật, dù quân bành trướng có khoác lác bịa đặt thêm gì đi nữa không phải ai cũng tin ngay, kể cả nhân dân TQ, mà sẽ giúp mọi người tập trung tìm hiểu để biết thêm sự thật, và sự thật đó chỉ ra có một điều: TQ là quân ăn cướp biển đảo của một nhà nước có chủ quyền. 

Nhưng thật tiếc cho Việt Nam của chúng ta, bị bao thế lực ngoại bang điều khiển nên dù đã nhiều lần nạp đơn xin làm thành viên LHQ thì là bấy nhiêu lần không thành, nên tiếng nói với thế giới chưa có trọng lượng, người ta chỉ thương hại hơn là giúp đỡ. Chỉ một lần tại cuộc họp 603 ngày 19/09/1952, đơn của Quốc Gia VN được biểu quyết với kết quả 10 phiếu thuận và 1 phiếu chống. Vì phiếu chống của Liên Xô là một thành viên thường trực hội đồng bảo an nên đơn của QGVN bị loại. Đơn của VNDCCH được 1 phiếu thuận và 10 phiếu chống và cũng bị loại.Do đơn của QGVN có số phiếu hơn 2/3 nhưng bị phủ quyết nên Đại hội đồng đã ra nghị quyết bảo lưu sự kiện QGVN đủ điều kiện làm thành viên LHQ.

Chỉ sau khi thống nhất, Việt Nam mới được gia nhập LHQ từ năm 1977, đến bây giờ đã có quan hệ ngoại giao với hơn 180 nước, tham gia hầu hết các tổ chức của LHQ và làm thành viên không thường trực trong HĐBA.

Trong những ngày qua, Thủ tướng Việt Nam lần đầu tiên có những nghị trình ngoài dự đoán, đã đáp trả bọn bành trướng TQ bằng những lời lẽ đanh thép nhất, xứng đáng thể hiện sức mạnh của nhân dân trong nước và để mọi người tiếp tục an tâm. 



Tiếc là những biểu hiện của lòng dân đã bị ngăn chận từ những cuộc bạo loạn không biết do ai gây ra, làm giảm dần sức mạnh đáng nên có, và tiếp tục làm một bộ phận dân chúng vẫn chưa an tâm. Vì bọn tham ô, nhũng nhiễu vẫn còn hoành hành, xã hội dân sự chưa phát triển để tập hợp được nội lực. Thời điểm này chỉ có cách toàn dân trong và ngoài nước sống hòa hợp đoàn kết một lòng mới tạo ra được một nội lực đủ sức quét sạch bóng quân xâm lược cả giặc nội xâm lẫn ngoại xâm. 



Dù gì đi nữa, chúng ta nên góp chung bàn tay ủng hộ lực lược chấp pháp ở biển khơi đang từng giờ từng phút đối mặt với quân thù. Hãy động viên họ bằng mọi cách góp phần giữ yên bờ cõi để tiếp tục đưa bọn bành trướng ra tòa án quốc tế dù chúng có làm bộ rút cũng không nhân nhượng vì đường còn dài, "lưỡi bò" vẫn còn đó.



Chúng ta không dại gây chiến, nhưng cũng không hèn nhát để chịu thua ở trận biển đảo này. Trận này nếu làm đúng mực sẽ sáng tỏ luôn cà Hoàng Sa và Trường Sa mãi mãi là của Việt Nam.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: