Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

XỨ SỞ VỌNG PHU…

Alan Phan

Có ai xuôi vạn lý, nhắn đôi câu giúp nàng, lấy cây hương thật quý, thắp lên thương tiếc chàng… (Lê Thương – Hòn Vọng Phu)

Hôm qua xe tôi tình cờ bị kẹt trước một giao lộ gần khu Little Saigon của Quận Cam. Một tai nạn nhỏ đang được cảnh sát giao thông xử lý. Ở lane cạnh xe tôi là một người phụ nữ lớn tuổi, đang quay kính xe xuống và để một bài hát Việt hơi ồn ào qua phóng thanh trong xe. Cũng may đó là một bài hát ngày xưa tôi thích, nên nó cũng làm dịu đi chút nắng nóng và sốt ruột của mình. Bài “Mưa Trên Phố Huế”.

Tôi yêu Huế và nhũng người con gái Huế. Có lẽ vì đây là hai sự thể mà tôi không bao giờ hiểu nổi?

Đêm đêm khua ánh trăng vàng mà than…

Dù quê cha là Quảng Trị và tôi có dịp ghé thăm Huế nhiều lần, tôi chưa bao giờ ở Huế hơn 5 ngày liên tục. Do đó, ấn tượng của tôi về dòng sông Hương, về cầu Tràng Tiền, về Thiên Mụ, về Quốc Học hay Đồng Khánh…chỉ là những nét đẹp thoáng qua như bức tranh thuỷ mạc, không có gì sâu đậm. Nhưng chính cái đơn giản mộc mạc đó đã cuốn hút lòng người?

Thực ra, cảm nhận làm tôi yêu thành phố này là một nỗi buồn câm nín, chịu đựng và man mác lan tỏa trong khắp môi trường. Nỗi buồn đó thể hiện qua nụ cười e ấp của nhũng tà áo màu tím, qua đôi mắt vời vợi của những đứa trẻ lang thang, qua giọng nói trọ trẹ khó nghe của các bạn hàng, qua những đền đài cung điện đã tan phế…Tôi đã đi qua rất nhiều thành phố khắp thế giới, và tôi chắc chắn là không đâu “buồn” bằng Huế. Ngay cả Sarajevo đổ nát tang thương cũng không làm tôi rưng rưng như khi đọc vài đoạn văn “Giải Khăn Sô cho Huế” của nhà văn Nhã Ca. Cái buồn kỳ lạ, se sắt dù nhẹ nhàng.

Nón lá sầu khóc điệu Nam Ai …

Rồi những người con gái Huế. Dù họ tíu tít như chim đầu ngày hay lãng mạn mông lung nhìn đất trời, cái nỗi buồn câm nín, chịu đựng và man mác đó vẫn thể hiện quanh họ. Bạn bè thường nói đàn ông Huế “thâm hiểm” và “khép kín” lắm; nhưng qua lớp bọc mỏng manh, họ vẫn là những con người hết sức bình thường, tốt với bà con bạn bè thân thuộc. Riêng đàn bà Huế, họ tràn đầy những bí mật không ai biết giải mã. Họ thông minh, khôn khéo, phức tạp, phi lý, theo mùa (moody?) và hoàn toàn sống theo cảm giác. Yêu một người con gái Huế là phiêu lưu bên bờ vực của núi cao, khi lên đỉnh với trăng sao, khi rớt xuống vực với thú dữ.

Có thể tôi diễn tả hơi quá, nhưng các bạn tự làm cuộc thử nghiệm nhé.

Thực ra, dù không có cường độ cao vút như gái Huế, phần lớn những người con gái Việt, không nhiều thì ít, đều chia sẻ cái “nỗi buồn câm nín” này. Câu hát “mong đợi một người biền biệt nơi mô” trong những chiều mưa rơi vẫn làm những cô gái khắp đất nước rơi lệ và thông cảm. Có một thời gian mà bài trường ca “Hòn Vọng Phu” của Lê Thương là một bài hát được nhiều người thích nhất.

Ôi Quê Hương Xứ Dân Gầy …

Trên thế giới, ngoại trừ Đan Mạch tạc tượng một mỹ nhân cá ngóng đợi một chàng thủy thủ (hay hoàng tử?), tôi chưa nghe một huyền thoại nào về một phụ nữ ôm con đứng đợi chồng về, rồi hóa đá. Tình yêu và sự chung thủy mà người đàn bà Việt dành cho gia đình, nhất là chồng, đã được nhiều bạn bè nước ngoài của tôi xác nhận. Dù đây là nét đặc trung của nền văn hóa Khổng Phu Tử khắp Á Đông, nhưng người đàn bà Việt đảm đương, bươn chải, chăm sóc…chồng con nhiều hơn cả người Tàu hay người Hàn (OK, có lẽ thua đàn bà Nhật một chút, và thế hệ mới của dân Việt đang lưu đày tứ xứ hay đã hưởng nền giáo dục XHCN có thể không còn mang nhiều truyền thống này…). Trong khi đó, tôi nghĩ đàn ông Việt gần như …”hư” nhất thế giới trong khía cạnh lo lắng cho gia đình. Alan tôi cũng không là ngoại lệ.

Lý do chính là trai Việt thích làm…anh hùng hơn. Nền văn hóa 4 nghìn năm của chúng ta đầy những huyền thoại về chiến công hiển hách, vang động đất trời…của những chàng trai đất Việt, lúc thì chống ngoại xâm giữ gìn quê hương, khi thì đi mở mang bờ cõi…Hồi còn nhỏ, khi học sừ, có lần tôi hỏi ông thầy là tại sao Tây, Tàu, Mỹ …là bọn thực dân xâm lược, còn Chiêm Thành, Chơn Lạp, Khmer…lại là bọn man di mọi rợ cần dẹp tan để khuếch trương…giang sơn đế chế Việt hào hùng? Ông cho tôi một cái đá đít đau điếng và đuổi ra ngoài lớp.

Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất quân…

Vì đàn ông Việt phải băng rừng lội suối sống kiếp chinh nhân, tạo thành tích cho lịch sử ngàn sau…cho nên chúng ta không còn nhiều thì giờ để quan tâm đến những chuyện lẻ tẻ? như một công trình dấu ấn trong lãnh vực văn hóa nghệ thuật hay khoa học…có thể sánh với các nền văn minh thế giới? Sao chép Tây, Tàu, Mỹ…cho nó tiện? Nhưng tệ nhất là bỏ bê gia đình lại cho người đàn bà Việt quản lý…để họ biến thành những hòn đá vọng phu?

Gần đây, thế giới thay đổi nhanh chóng và những …chinh nhân Việt không còn nhiều cơ hội để vung tay mài dao múa kiếm. Ngay cả mấy thằng đồ đệ như Lào, Kampuchia…cũng không còn ngoan ngoãn. Thay vì những cuộc viễn chinh…chúng ta đi “xuất khẩu lao động”, thay vì những trấn lột công khai của bên thắng cuộc, chúng ta đi xin viện trợ và FDI. Chúng ta vẫn nghĩ mình là…rồng, nhưng không ai quan tâm.

Sinh ra làm gái Việt, có lẽ các chị cũng biết về cái “định mệnh buồn muôn thuở” của mình. Và nỗi buồn man mác do đó vẫn thể hiện ngay cả trong những môi cười, trong những tiệc cưới. Nhưng nếu có chút an ủi, các chị phải biết rằng nhũng chàng trai Việt cũng đang..hóa đá trong lúc đợi chờ một thời kỳ vàng son mới. Anh hùng phải làm anh hùng…nghĩa là phải mang trong người một dũng khí để trực diện bất công và nô lệ.

Thực ra, họ chỉ cần làm một con người đúng nghĩa…và chăm sóc gia đình.

Alan Phan


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: