Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Xin đừng xúc phạm tới phẩm hạnh của trâu


Gocomay: Chuyện xưa kể rằng, khi đã trở thành Ỷ Lan Phu Nhân vợ yêu của vu Lý Thánh Tông rồi, Ỷ Lan vẫn dắt theo một con trâu mộng mang từ làng Thổ Lỗi vào chăn ở bãi cỏ trong cung. Không những giữ mãi bên mình con vật kỷ niệm thuở hàn vi nơi thôn dã của mình. Mà còn với hàm ý khuyến khích nông tang.

Bà dâng biểu tấu với vua:

“Gần đây người kinh thành và làng ấp đã có kẻ trốn đi chuyên nghề trộm trâu. Nông dân cùng quẫn. Mấy nhà phải cày chung một trâu. Trước đây, nhà nước đã ra lệnh cấm. Nhưng nay việc giết trâu lại có nhiều hơn trước”.

Nhà vua bèn ra lệnh phạt rất nặng những người trộm và giết trâu, phạt cả vợ con và hàng xóm vì tội không tố giác.

Nguyên Phi Ỷ Lan trong lễ phục thời Lý

Mặc dù bận rộn với chính sự, Ỷ Lan vẫn tận tay chăm bẵm chu đáo chú trâu làng. Người và vật luôn gắn bó như hình với bóng. Mặc dù vậy vào những ngày chính vụ, nông dân thiếu sức kéo, Ỷ Lan vẫn cho người nghèo quanh vùng mượn trâu cày ruộng.

Trong một đợt triều cống định kỳ sang Tống triều, trong mười chú trâu mộng, dự kiến, bất ngờ có một con bị ngã bệnh vào đúng ngày khởi hành. Không còn đủ thời gian chạy chữa hoặc thay con trâu mộng khác tương xứng. Để kịp cho sứ đoàn lên đường đúng thời gian đã định, Ỷ Lan đã tự nguyện xung công con trâu quí cuả mình, thế vào chỗ trống. Và sau đó là cuộc chia ly giữa trâu và người thật lâm ly, đầy nước mắt.

Ỷ Lan, theo tiễn sứ đoàn, tiễn trâu qua sông rồi, vẫn chưa hồi cung còn lưu luyến theo trâu mãi tới hơn mười mấy cây số nữa. Tới một vùng cỏ sậy rậm rạp ngút ngàn thì chủ và trâu mới chia tay. Khi đoàn hành tiễn của Nguyên Phi quay gót thì chú trâu tri kỷ ấy cứ phủ phục mà khóc mà trông theo cho tới khi bóng Ỷ Lan khuất lút khỏi tầm mắt. Mọi người chứng kiến cảnh ấy đều không ai cầm được nước mắt, thương trâu.

Dân quanh vùng sau đó còn đắp một gò đất rất lớn hình con trâu, ngay trên điểm chia ly lịch sử ấy. Lại đặt tên gò “Trâu Quỳ”

Vùng đất bạt ngàn lau sậy ấy, vẫn cứ hoang vu, cho mãi tới đầu thế kỷ XX, khi một kỹ sư canh nông người Pháp sang mua và khai phá đất hoang hoá, cải tạo thành khu đồn điền Trâu Qùi sầm uất với cây trái quanh năm tươi tốt.

Sau 1954, nơi đây được giao cho trường Đại Học Nông Nghiệp I Hà Nội quản lý. Nhưng nhiều thầy trò nơi đây không phải ai cũng đều biết cái tích “Trâu Qùi” sâu xa kia. Cái tên đó là để ghi lại cái tình tri kỷ của con trâu qúi với bà Ỷ Lan cách đây ngót 1000 năm trước.



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: