Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2013

Vụ án oan chấn động Việt Nam 30 năm trước lặp lại .

(Tinmoi.vn) Mấy ngày gần đây, dư luận đang xôn xao về việc ông Nguyễn Thanh Chấn (quê Bắc Giang) người bị kết án chung thân về tội giết người được trả tự do sau 10 năm ngồi tù. Sự việc chỉ được làm sáng tỏ khi Lý Nguyễn Chung (người cùng thôn) đã ra đầu thú và khai nhận đã thực hiện hành vi giết chị Nguyễn Thị Hoan để cướp tài sản.

Sự việc này làm nhiều người nhớ lại vụ án oan, chấn động dư luận cách đây 30 năm.
Như bao người con xa quê, ngày 28 tết năm 1983, chàng giảng viên trường Đại học Tây Nguyên – Nguyễn Sỹ Lý (xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ Tĩnh – nay là tỉnh Nghệ An) trở về quê ăn tết với gia đình.
Thế nhưng, niềm vui “ngắn chẳng đầy gang” khi tai họa ập đến ông và gia đình ngay buổi tối gia đình đoàn tụ, sau khi nấu xong nồi bánh chưng đón Tết. Đêm hôm đó, trên đường đi trẩ nồi nấu bánh cho hàng xóm trở về, ông Nguyễn Sỹ Huỳnh (bố anh Lý) cầm đèn phin soi trúng mặt hai anh em Bùi Văn Vinh và Bùi Văn Lai (ở cùng huyện) khi họ đi chơi về. Cho rằng ông Huỳnh cố ý, anh em Lai lao tới đánh tới tấp.
Nghe tiếng bố kêu la thất thanh ngoài ngõ, 4 anh em anh Lý chạy ra. Thấy vậy, Lai bỏ chạy thục mạng. Không chạy theo được anh mình, Vinh trốn vào bụi cây ven đường. Thấy người nhà ông Huỳnh trở vào nhà, Vinh mới dám lao ra chạy đuổi theo Lai. Trong đêm tối, nghe tiếng người chạy huỳnh huỵch phía sau, cứ ngỡ là bố con anh Lý đuổi theo để trả thù, Lai rút dao thủ sẵn đâm thấu ngực bóng đen lao đến.
Nghe tiếng Vinh thét lên, Lai hoảng hồn khi nhận ra chính y đã hạ sát em trai mình. Trong lúc nóng giận, Lai quay trở lại nhà ông Huỳnh ném vào đó một quả lựa đạn.
Khi công an vào cuộc, biết không có nhân chứng, Bùi Văn Lai đổ hết tội cho cha con ông Huỳnh. Cơ quan CSĐT vào cuộc và rất nhanh chóng, ngày 7-1-1983, cả 4 cha con ông Huỳnh bị bắt tạm giam vì là nghi can của vụ án.
Những ngày trong trại tạm giam, mấy cha con ông phải chịu rất nhiều áp lực. Thương cha và các em, người anh cả Nguyễn Sỹ Lý đã nhắm mắt thừa nhận chính mình là người đã ra tay giết Vinh để người thân thoát được cảnh tù đày.
h1
Ông Nguyễn Sỹ Lý, người phải ngồi tù 5 năm trước khi được giải oan. 
Ngày 20-9-1983, TAND tỉnh Nghệ Tĩnh đã xử phạt Nguyễn Sỹ Lý 17 năm tù giam về tội Giết người. Trong thời gian thụ án, anh Lý gặp được bạn tù là anh Cao Tiến Mùi. Trong thời gian sống với nhau, anh Mùi thấu hiểu được nỗi oan của bạn. Khi ra tù, anh Mùi đã đến “ăn lỳ, ở cắm” tại nhà hung thủ để thuyết phục y ra đầu thú. Sau gần 1 năm thuyết phục, Bùi Văn Lai đã viết đơn đầu thú về việc đã giết nhầm em mình.
Nguyễn Sỹ Lý được minh oan, anh được trả tự do sau hơn 5 năm ngồi tù. Nhưng ra tù giảng viên ngày nào đã thành thất nghiệp, đôi chân bị bại liệt. Từ một giảng viên đầy triển vọng, anh trở thành phế nhân.
Cuộc hành trình tự do đã trải qua bao chông gai, nhưng chân lý đã thuộc về sự thật. Khi đó, cuộc giải oan của Nguyễn Sỹ Lý được coi là kỳ lạ nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam.
Thế nhưng, ngày 4-11-2013, một vụ án tương tự được lặp lại, khi ông Nguyễn Thanh Chấn bị kết án tù chung thân về tội giết người, đã được trả tự do. Hành trình có được tự do của ông Chấn thậm chí còn dài và chông gai hơn rất nhiều khi phải “ăn cơm tù oan” những 10 năm. Ông Chấn hiểu rõ, mình không phải là người phạm tội, vì vậy, trong suốt 10 năm thụ án, cũng như trong 2 lần xét xử ông không nhận tội và liên tục làm đơn kêu oan, kháng cáo.
Cay đắng hơn, trong lúc ông ngồi tù, 4 đứa con của ông Chấn đều phải bỏ học vì không chịu được búa rìu dư luận. Vợ ông từng phải nhập viện tâm thần sau hơn 8 năm kêu oan cho chồng. Thậm chí, một người con của ông Chấn hiện vẫn đang xuất khẩu lao động tại nước ngoài còn quyết tâm không về nước, ở lại làm việc kiếm tiền để kêu oan cho cha.
h2
 Ông Chấn trở về trong nước mắt của hạnh phúc
Điểm tương đồng ở 2 vụ án chính là kẻ thủ ác một mực không chịu nhận tội. Trong vụ án của ông Chấn, Lý Nguyễn Chung (người cùng thôn) mới chính là kẻ đã ra tay sát hại chị Nguyễn Thị Hoan vào tối ngày 15-8-2003 để cướp tài sản.
Tuy nhiên, y không chịu thú nhận tội lỗi mình đã gây ra, mặc dù biết người hàng xóm, cùng gia đình họ đang phải gánh những tủi nhục, đớn đau thay mình. Thế nhưng, chân lý không đứng về cái ác, bản án lương tâm sau 10 năm hành hạ, cùng  sự nỗ lực của vợ ông Chấn, người nhà hung thủ và cơ quan chức năng… Lý Nguyễn Chung đã viết đơn thú tội, để trả tự do về cho người đáng được hưởng nó.
2 vụ án là hai số phận, nhưng dường như là một khi họ đều vô tội nhưng họ vẫn bị kết án và ngồi tù 5-10 năm. Hậu quả của bản án nhầm không gây thiệt thòi chỉ với bản thân người bị oan, mà còn liên lụy tới cả gia đình họ. Vì thế, câu hỏi dư luận đang rất quan tâm đó là: Trách nhiệm thuộc về ai? Người chịu án oan sẽ được bồi thường danh dự như thế nào?
Thuận Phong

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: