Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

Truyện ngắn:


NGUYỆT

          Nhà Nguyệt ở sát đường. Suốt ngày xe tải xe công nông chạy, bụi mù cả mắt. Hai bên hàng xóm sấy sắn, sấy củ ba mươi, khói lên cuồn cuộn.
Gần đấy hai giàn máy xát bột chạy mô tơ lớn, tiếng ồn thâu đêm suốt sáng chả lúc nào dừng.
Có cảm giác như đang ở dưới địa ngục chứ không phải chỗ dành cho con người lương thiện.
           Hai đứa con gái chăm thế nào cũng không chịu lớn. Nào bột cóc, bột dinh dưỡng cao cấp mua đắt lòi mắt mà chả ăn thua gì.
Trẻ con muốn lớn được, ngoài dinh dưỡng ra còn cần nhiều thứ khác, tỷ dụ như nắng, gió, không khí trong lành và cả sự yên tĩnh, sạch sẽ của môi trường nữa.
Phải đâu cứ nhồi nhét cho chúng ăn thật nhiều, đủ chất, là cứ thế lớn thuôi thuổi, béo tốt, đỏ da cả đâu?
           Mà hình như hai đứa con nàng chớm bị tâm thần rồi hay sao ấy?
Cả đêm chúng chỉ ngủ chập chờn, chả say giấc. Bốn giờ sáng mẹ dậy đặt nồi xôi, chúng đã theo dậy rồi. Tỉnh như sáo.
          Con chị dắt con em đến cái đầu DVD mở, loa kêu hết cỡ. Nguyệt ù hết cả tai, hai đứa cứ nhìn nhau, te tởn cười.
           Nàng bực nhưng không nỡ mắng con.
Con nhà nghèo nên chúng mới vậy. Chứ con nhà khác bảy tám giờ sáng vẫn nằm nguyên trên giường. Có đứa bố mẹ dỗ mãi cũng không chịu dậy, ăn sáng để còn kịp đến lớp mầm non. Đằng này con Nguyệt dậy có hôm còn sớm hơn cả mẹ.
          Công nhận chúng có bộ lỗ tai dày. Tiếng ồn đến mấy trăm đề xi ben, chúng coi như không!
           Cũng có thể chúng nghe mãi thành quen, màng tai lên chai không còn thấy đau nữa rồi sao?
          Bà ngoại lâu lâu ra thăm cháu, ở chưa hết buổi, đã phải chạy. Tiếng máy, tiếng loa như thế, lại bụi nữa.. Bà bảo ở lâu nữa chắc phát bệnh, chịu không nổi..
          Chồng Nguyệt thì đi vắng suốt ngày.
Phần vì công việc thất thường, ở nhà không có việc làm. Xe máy Tàu bán rẻ sang, như bèo, hỏng người ta mua cái khác, ít người chịu sửa. Đâu phải như xưa, có cái xe máy trong nhà như của để dành? Lau chùi, giữ như giữ sơn.
         Người ta quý cái xe của mình, tất nhiên thợ sửa chữa có công có việc.
Thời ấy phụ tùng lại hiếm, mua một, bán cho khách lời gấp đôi gấp ba. Ai có cái xe giữ như giữ ấn, hỏng một tí là sửa ngay.
       Không như bây giờ xe vất ngoài hè, thậm chí để ngoài vườn. Có sửa phụ tùng cũng không đáng bao nhiêu tiền. Đã thế các tiệm sửa xe lại nhan nhản. Quãng quãng lại có biển đề “ Viện sửa chữa tân trang xe máy”.
        Chán mớ đời. Chả nhẽ cứ cơm ngày ba bữa ngồi nhìn nhau hít bụi xe chạy qua đường à?
Phần vì chàng thần kinh không được khỏe. Hễ có người đột ngột nói to, là giật mình. Máy chạy nhức óc thế này, làm sao chịu nổi?
Có bạn đến rủ đi chơi tá lả, chơi chờ tướng là mừng như vớ được bạn vàng, lồng đi ngay.
        Đến khuya, cả xóm tắt đèn đi ngủ, máy móc đã nghỉ hết vì không thể làm liên tu ti mãi được, cần cho nó kịp nguội, lúc ấy chàng mới mò về.
Thường là say bí tỉ, chả biết giời đất là gì nữa.
Nguyệt lại bưng chậu nước, lau mặt, cởi giày cho chàng. Khổ thế mà đâu có được yên? Giống có rượu vào, lại là thứ rượu men hóa học, con người gần con thú hơn. Ngày thường chồng nàng cũng không đến nỗi. Nhưng rượu vào trở thành người khác. Điên điên, rồ rồ, tức không chịu nổi.
Đã phải thay áo cởi quần như cho con bé thì chớ, lại phải nghe chồng lẩu bẩu chửi láo chửi càn. Nỗi đau âm thầm về hoàn cảnh từ buổi ấu thơ của nàng, chàng cũng không tha. Chạm đến, Nguyệt có cảm giác thảng thốt, rã rời chân tay, không muốn sống nữa!                     Những lúc ấy Nguyệt muốn vùng bỏ chạy..


       Nhưng mà chạy đi đâu bây giờ?

( Còn nữa.. )
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: