Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2013

Trung Quốc & mèo các màu



Nhãn quan của ông Đặng vẫn định hướng cho tương lai Trung Quốc

Cuối tuần này, Trung Quốc khai mạc kỳ hội nghị trung ương Đảng quan trọng với tham vọng mở ra một hướng đi mới kể từ năm 1978, khi cố lãnh tụ Đặng Tiểu Bình tung ra chương trình Hiện đại hóa, làm biến đổi toàn diện Trung Quốc.

Đặng Tiểu Bình khi đó đã diễn giải chính sách cải cách Đổi mới và Mở cửa qua cách nói bình dân rằng “Bất kể hắc miêu, bạch miêu cứ bắt được chuột là tốt".

Sau hơn ba thập niên Khai phóng, Trung Quốc đã vượt qua một chặng đường dài và thực tế cuộc sống cũng khác hẳn với hình dung của ông Đặng mà đến lúc qua đời vẫn nhấn mạnh con đường xã hội chủ nghĩa.

Hai màu đen trắng

Trung Quốc chính thức vẫn tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội nhưng trên thực tế cả Đảng và dân đã và đang ồ ạt tư bản hóa.

Nhà nước đã xóa bỏ từ lâu các nông trường, công xã, giảm đi hàng vạn doanh nghiệp nhà nước và gần đây nhất, Lý Thủ tướng còn tung ra sáng kiến về Khu vực Đầu tư Tự do Thượng Hải trị giá trên 40 tỷ USD.

Người dân Trung Quốc cũng say mê với đầu tư và đầu cơ địa ốc, chứng khoán và các trào lưu hướng ngoại và con cháu các lãnh đạo cao nhất cũng du học hay ở lại sống tại các nước Phương Tây.

Các nhà quan sát gọi đây là mô hình tư bản đỏ hay tư bản nhà nước vốn đang có sức mạnh khiến các nền dân chủ tư sản Phương Tây phải lo sợ.

Thế giới hâm mộ hay lo ngại Trung Quốc là chuyện quốc tế, còn ở đây tôi muốn bàn đến con đường riêng của Trung Quốc.

Trong một xã hội như thế, nếu diễn giải tiêu chuẩn ‘tốt-xấu’ một cách hình ảnh theo ý của ông Đặng thì đàn mèo của ông nay mang màu lông gì?

"Mèo Trung Quốc nay không chỉ có hai màu đen và trắng"
Theo tôi, các tấm gương ‘điểm hình’ về con người ở Trung Quốc hiện nay gồm cả hai màu đen trắng.

Mèo trắng có các gương mặt kinh doanh giỏi, các văn nghệ sỹ đoạt thành tích cao, diễn viên, đạo diễn lừng danh toàn cầu, các nhà thể thao danh tiếng, đang góp phần nâng cao hình ảnh quốc gia, cho thấy một Trung Quốc vươn ra bên ngoài, đặc sắc, tinh tế, giàu truyền thống và tham vọng quốc tế.

Nhưng Trung Quốc cũng không thiếu mèo đen, chủ yếu nằm trong số trên 80 triệu đảng viên.

Báo chí ngày nào cũng tìm ra các con mèo đen, mà đa phần là quan chức ‘tham nhũng, trác táng, dâm ô’ từ mọi cấp, mọi vùng trong quốc gia 1,3 tỷ dân.

Vẫn theo cách hiểu của Đảng, một số con đã to lên khủng khiếp, thành 'hắc hổ' cần bị tiêu diệt như gia đình họ Bạc.

Còn lại là các con mèo đen khá bự, là quan chức tỉnh, thành phố đã bị bắt và xử.

Nhưng có những chú mèo đen bị xử chỉ vì ‘vô cảm’ như Dương Đạt Tài, cựu Giám đốc Sở An toàn Lao động tỉnh Thiểm Tây, cười khi thấy tai nạn xe chết người, hay vì ‘tiêu hoang’ như Mạc Lâm Tường ở Bắc Kinh, chi cho đám cưới con trai 260 nghìn USD.

Nhỏ hơn nữa, có khi mèo đen chỉ là vài anh dân phòng hay công an viên chặn đánh người ở cấp xã bị tố cáo và ra tòa.

Họ thực ra cũng là dân, được thuê vào, khoác áo chính quyền để làm những việc kiểm soát xã hội nhỏ nhất, theo một mô hình họ cũng không chọn ra.

Xét về mặt đạo đức, mọi hành vi bạo lực, lừa đảo, gian dối đều đáng lên án nhưng tôi không tin rằng hàng chục triệu Đảng viên ở Trung Quốc đều là mèo đen.

Cả bộ máy gồm cả các quan chức tham nhũng cũng chỉ hoạt động trong các chiều kích đến từ giải pháp thực dụng áp dụng từ thời Đặng Tiểu Bình.

Không còn cẩm nang?

Nhắc lại thời kỳ hơn ba thập niên trước, vào tháng 8/1977, ông Đặng đã toàn thắng trong cuộc đấu đá loại Hoa Quốc Phong, khép lại kỷ nguyên Mao.
Đặng Tiểu Bình mong muốn Trung Quốc ổn định sau nhiều biến loạn
Đến Hội nghị Trung ương III, khóa 11 của Đảng (12-1978), dù không nhận chức vụ chính thức cao nhất như Mao và Hoa, ông đã nắm toàn bộ quyền lực tại Trung Quốc.

Bị ám ảnh bởi các cuộc thanh trừng nội bộ liên tiếp mà ông là nạn nhân, Đặng Tiểu Bình muốn vừa ngăn Tả phái, vừa chống Hữu phái để ổn định.

Mối lo về ổn định cũng là một lý do Đặng Tiểu Bình cho đàn áp đẫm máu sinh viên biểu tình ở Thiên An Môn năm 1989 và cả bộ máy tốn kém được bồi đắp để giữ an ninh bằng mọi giá.

Cho tới lúc qua đời, ông quan niệm rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc phải tránh xa đường lối ‘Tả phái cứng nhắc’, thực ra là mô hình Mao, nhưng cũng không được phép ‘lạc lối’ về hướng tư bản chủ nghĩa, nhất là ‘tự do kiểu tư sản’.

Trang Bấm Nhân dân Nhật báo hiện còn viết, “Đặng Tiểu Bình đã chỉ ra rằng nếu Trung Quốc thành nước tư bản chủ nghĩa, cả xã hội sẽ trở nên không thể nào hiện đại hóa được.”

Theo ông Đặng, cải cách tự nó là quá trình liên tục nhằm vào mục tiêu chính trị và hiện đại không có nghĩa là chấp nhận các giá trị tự do dân chủ phương Tây.
Vẫn trang báo trên trong mục về Đặng Tiểu Bình ghi lại lời ông, “cải cách liên tục là tối quan trọng để khắc phục xu hướng và ảnh hưởng của tư duy cứng nhắc cũng như chống tự do hóa tư bản”.

Như thế, Đặng Tiểu Bình không đưa ra một lý luận hay tư tưởng gì trọn vẹn.
Ngày nay, khi mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội bị đẩy xa tới mức qua khỏi đường chân trời, công cuộc Khai phóng của Trung Quốc chỉ còn là một phương thức thúc đẩy bộ máy ‘nắm vững thực tế’ nhằm ‘hiện đại hóa’ đất nước.

Nhưng khi nào thì hoàn thành ‘hiện đại hóa’ và đạt tiêu chuẩn về con người theo màu sắc ý thức hệ, đỏ hay xanh, đen hay trắng lại không được nói rõ.
Tỷ phú TQ làm từ thiện: xã hội đã thay đổi và có rất nhiều màu sắc
Vì thế, không lạ khi Đảng và quân Giải phóng hiểu ‘hiện đại hóa’ là phình to bộ máy, kiểm soát truyền thông, bành trướng quân sự ra bên ngoài.

Xã hội thì chạy theo các tiêu chuẩn ‘hiện đại’ do họ tự tìm ra, hoặc làm giàu tối đa, hoặc bắt chước lối sống Hàn, Nhật, tiêu dùng kiểu Pháp, Anh, Mỹ...và không ít chỉ quý Mèo vàng.

Các cô gái Trung Quốc thì muốn lấy chồng ngoại như một ghi nhận gần đây.

Ông Đặng quả là khó tính khi muốn dân Trung Quốc làm giàu thả phanh nhưng đảng viên phải sống đạo đức, khắc khổ, thậm chí hy sinh cho cộng đồng theo tinh thần từ thời Vạn lý Trường Chinh mà vẫn lãnh đạo tốt các doanh nghiệp tiền tỷ.

Tiêu chuẩn cho người của bộ máy ngày càng khác xa tiêu chuẩn của xã hội nhưng vẫn tiếp tục được thổi lên bằng cách phong trào hồi cổ, nhắc lại quá khứ 'trong sạch'.

Đôi khi, để chấn chỉnh hàng ngũ hoặc nhân danh chống tham nhũng để giải quyết tranh chấp nội bộ, lãnh đạo chọn từ đàn mèo có màu xam xám, quy thành màu đen để xét xử.

Nhưng vấn đề cơ bản sẽ vẫn còn đó và Hội nghị Trung ương III lần này chắc sẽ khó tìm ra giải pháp, trừ khi lãnh đạo Trung Quốc bỏ lại đằng sau vấn đề Đen - Trắng cho một xã hội đã phát triển rất đa dạng.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: