Phạm Gia Minh
Phần 1: Chuyện Liên Xô sụp đổ
Kể từ thời điểm Liên Xô và các nước trong phe XHCN ở Đông Âu sụp đổ cách đây hơn hai thập kỷ, cứ đến dịp mồng 7 tháng 11 dương lịch là truyền thông trong nước và quốc tế lại có nhiều bài nhận định, đánh giá về sự kiện lịch sử quan trọng này.
Từng có cơ hội được làm nghiên cứu sinh tại bộ môn Quan hệ Kinh tế Quốc tế của một trong những “lò đào tạo” khoa học Kinh tế hàng đầu của Liên Xô thời đó là Trường Kinh tế Quốc dân mang tên Plekhanov, lại trùng vào giai đoạn giáo sư chủ nhiệm bộ môn là TS Ruslan Imrannovich Khasbulatov - sau này giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội Liên Bang Nga, thời xảy ra những biến cố dẫn đến việc Liên Xô tan rã, và kể cả sau khi giáo sư từ bỏ “chính trị bẩn thỉu“ (nguyên văn lời GS Ruslan Khasbulatov) để “về vườn”, tiếp tục dạy học nên tôi có nhiều dịp được trao đổi và tranh luận thẳng thắn, được nghe những ý kiến riêng tư của giáo sư về những vấn đề thời cuộc của nước Nga và quốc tế.
Năm 1993 giáo sư có viết lời tựa đề cho cuốn chuyên khảo của tôi về mô hình phát triển kinh tế Hàn Quốc.[1]
Hơi khác với những đánh giá nghiêng về chính trị, mang mầu sắc của “ thuyết âm mưu” có xu hướng kết tội ban lãnh đạo ĐCS Liên Xô, đứng đầu là TBT Gorbachev đã xa rời các đảng viên trung kiên và quần chúng, thậm chí đã “phản bội lại chủ nghĩa Mác- Lê v.v… dẫn đến sự sụp đổ của cả hệ thống các nước XHCN, Khasbulatov lại cho rằng bên cạnh các lý do trực tiếp liên quan tới sự lãnh đạo của ĐCS Liên Xô thì nguyên nhân sâu xa và bao trùm vẫn chính là những khuyết tật mang tính hệ thống của thể chế chính trị - kinh tế- xã hội Xô Viết.
Điều mà trước đây ít ai ngờ tới là các khẩu hiệu “giương cao ngọn cờ của chủ nghĩa Mác- Lê nin” và “vô sản toàn thế giới liên hiệp lại” mà ĐCS Liên Xô lấy làm phương châm hành động về thực chất lại che đậy những toan tính chiến lược nhằm xác lập và củng cố vị thế lãnh đạo thế giới của Liên Xô với thành phần nòng cốt là dân tộc Nga. Chậm chân hơn các quốc gia Tây phương trong tiến trình phát triển để vươn lên vị trí toàn cầu, nước Nga đã chọn cho mình một lối đi riêng: lấy chủ nghĩa Mác – Lê làm nền tảng tư tưởng để tập hợp quần chúng vô sản đói khổ đang hình thành đông đảo ngay tại nước Nga Xa Hoàng và trên toàn thế giới khi mà CNTB đang trong thời kỳ tích lũy tham lam nhất của nó. Phong trào cộng sản nhờ đó đã thu hút được hàng triệu quần chúng và trở thành một lực lượng hùng mạnh trong thế kỷ XX.
Quốc hữu hóa toàn bộ tư liệu sản xuất, cướp lại của cải từ người giàu để tập trung nguồn lực vật chất trong tay nhà nước và thực hiện mô hình XHCN toàn trị ( độc đảng chính trị lãnh đạo toàn diện xã hội, kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp, phi thị trường … ) trong mấy chục năm đầu tiên đã tạo nên bước nhảy vọt ngoạn mục khiến nhiều người cho rằng Liên Xô sẽ vượt Mỹ . Tuy nhiên ngay tại chân đế của tượng đài Xô Viết đã có những vết nứt mang tính cấu trúc cảnh báo một sự sụp đổ khó tránh khỏi.
Bước phát triển vượt bậc của Liên Xô trong mấy chục năm sau Cách mạng tháng 10 có liên quan đến cơ chế huy động mọi nguồn lực xã hội bằng sức mạnh chuyên chính của nhà nước toàn trị đồng thời sử dụng “ lợi thế thông tin” của người đi sau. “Lợi thế “ ở đây chính là thông tin về mô hình chuyên môn hóa sản xuất, phân bổ nguồn lực vào những ngành công nghiệp có năng suất cao nhất mang lại tỷ lệ tăng trưởng cao. Có điều là những thông tin này không bắt nguồn từ nội bộ nền kinh tế Liên Xô mà lại là từ các nước Phương Tây phát triển, nơi mà kinh tế thị trường tự do với tính đa dạng và năng động dưới tác động của quy luật “ bàn tay vô hình” Adam Smith kết hợp với động lực sáng tạo cá nhân theo lý thuyết tiến hóa của Schumpeter hình thành nên.
Kinh tế thị trường (được hiểu như điều kiện đủ) đóng vai trò phòng thí nghiệm khổng lồ nơi mà các phương pháp tổ chức kinh doanh, công nghệ, kỹ năng, trình độ học vấn và hệ thống nghiên cứu & phát triển …(được hiểu như các điều kiện cần) liên tục kết hợp, cạnh tranh khốc liệt để hoàn thiện và cho ra đời những đổi mới cơ bản trong quá trình tiến hóa .
Liên Xô từng tự hào có một nền giáo dục tiên tiến, các trang thiết bị nghiên cứu hiện đại cùng đội ngũ các nhà khoa học và nhà nghiên cứu đầu ngành. Tuy nhiên Liên Xô vẫn không tạo ra những đổi mới cơ bản mang tính tiên phong về công nghệ và kinh tế cho dù quốc gia này đã bắt kịp các nền kinh tế công nghiệp tiên tiến của Phương Tây trong những năm 50- 60 thế kỷ trước. Ngay cả trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng mặc dù đạt được những thành tựu đột phá vượt trội nhưng do thiếu tư duy thị trường nên Liên Xô không thành công trong việc thương mại hóa nhiều công nghệ tiên tiến phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Nguyên nhân chủ yếu là Liên Xô thiếu nền kinh tế thị trường ví như thiếu điều kiện đủ trong khi lại đang sở hữu một nguồn dồi dào các điều kiện cần. Kết cục là nền kinh tế Liên Xô muốn phát triển lại phải dựa vào thông tin định hướng từ phương Tây một cách thụ động.
Thái độ thụ động đó có lẽ phần nào giải thích vì sao vào thời kỳ những năm đầu thế kỷ XX, sau Cách mạng tháng 10, khi mà làn sóng thứ 3 của cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra ở Hoa Kỳ và Châu Âu tạo ra “ thời đại của điện và thép” thì Lê nin đã đưa ra công thức bất biến “ CNCS = Chính quyền Xô Viết + Điện khí hóa toàn quốc”
Các lý thuyết gia Xô Viết đã mắc một sai lầm lớn khi họ nhìn nhận rất cứng nhắc về quá trình chuyên môn hóa sản xuất và cho rằng phát triển điện, thép và các ngành công nghiệp nặng là bất biến, vĩnh viễn như một giáo điều. Sự xơ cứng trong tư duy phát triển này cũng là tất yếu khi bản thân Liên Xô không chấp nhận yếu tố thị trường, đồng nghĩa với việc chặn cửa tinh thần sáng tạo công nghệ và động lực kinh doanh làm giàu cho bản thân và xã hội của quảng đại quần chúng.
Cũng cần nhớ lại rằng Microsoft hay Apple khởi đầu từ những chàng trai trẻ rỗng túi nhưng chứa chan tinh thần kinh doanh sáng tạo và quyết tâm chinh phục thế giới chứ không phải là những viện nghiên cứu hay trường Đại học đồ sộ.
Khi tự nền kinh tế Liên Xô không có khả năng nhìn xa và luôn bị lệ thuộc vào thông tin từ Phương Tây thì “ lợi thế của người đi sau“ sẽ chấm dứt vào giai đoạn Liên Xô đã bắt kịp thậm chí vượt phương Tây về sản lượng điện, thép và ngũ cốc …
Trong khi Liên Xô vẫn tiếp tục phân bổ nguồn lực vào các ngành công nghiệp nặng truyền thống với điện, thép, … thì phương Tây đã âm thầm thúc đẩy làn sóng thứ 4 của cuộc cách mạng công nghiệp tạo ra “ thời đại của ô tô và hàng không” với các sản phẩm ô tô, Polime hóa dầu, tự động hóa …rồi làn sóng thứ 5 tạo ra “thời đại của thông tin liên lạc” với các thiết bị điện tử, máy tính, internet và công nghệ sinh học, Nano .. .
Vào những năm cuối của mình Liên Xô không hề thiếu vốn, số liệu cho thấy vốn cố định tăng trung bình khoảng 7,6% /năm trong thời kỳ 1960-1981, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 3,6% ở Hoa Kỳ và 3,4% ở Anh. Trong giai đoạn 1983-1987 con số này tiếp tục tăng khoảng 5,8% / năm. Tuy nhiên hiệu suất vốn của các ngành kinh tế công nghiệp nặng truyền thống lại giảm liên tục 3,5 % mỗi năm trong giai đoạn 1960-1981 và 3,8% mỗi năm giai đoạn 1983-1987, đó là tốc độ giảm mạnh nhất trong số các nước phát triển khác trong cùng giai đoạn.[2] Nhận định hợp lý ở đây là Liên Xô đã định hướng sai cho các luồng đầu tư do những thất bại của thông tin kinh tế từ trung ương.
Hiệu suất sử dụng vốn giảm dẫn tới sự tụt dốc tỷ lệ tăng trưởng vào cuối những năm 80. Nếu những năm 60 tỷ lệ này là 5,1% thì những năm 70 xuống còn 3,7% ; giảm tiếp 2% trong những năm 80 và vẫn tiếp tục giảm sau đó...[2]
Sự tụt hậu và mất phương hướng của Liên Xô bắt đầu từ khi mà mọi nỗ lực “tái cơ cấu nền kinh tế “ đều thất bại do sự sáng tạo của các cá thể và doanh nghiệp là nguồn lực cơ bản thúc đẩy năng suất sau hơn 70 năm phát triển phi thị trường đã bị tê liệt. Hơn thế nữa cơ chế giá là biện pháp điều phối duy nhất các nguồn lực lại không được thiết lập theo đúng cơ chế thị trường mà vẫn bị tư duy chính trị và bộ máy hành chính quan liêu, tham nhũng chi phối nặng nề.
Nếu luận điểm của Lê Nin về cuộc chiến ai thắng ai giữa CNXH và CNTB dựa trên cơ sở so sánh năng suất lao động thì xu thế thất bại của Liên Xô đã rõ từ những năm 80.
Thiết nghĩ cũng cần nói thêm ở đây về bộ máy hành chính quan liêu trong nền kinh tế Xô Viết.
Trong nền kinh tế Phương Tây, một cách tự phát đã hình thành hàng trăm năm nay một hệ thống các tổ chức muôn màu, muôn vẻ có chức năng thực hiện những giao dịch phục vụ cho thị trường nhằm hỗ trợ quá trình chuyên môn hóa. Ví dụ như các hệ thống phân phối bán buôn và bán lẻ, hậu cần Logistic, các tổ chức tín dụng, chứng khoán, tư vấn pháp luật, kinh doanh, tư vấn tiêu dùng, bảo vệ người tiêu dùng, môi giới thương mại, đăng ký bảo hộ sở hữu tác quyền v.v…Khu vực dịch vụ phục vụ giao dịch thị trường này có ý nghĩa thực tiễn rất lớn nên được ví như “ hạ tầng cơ sở mềm” (Soft Infrastructure) của nền kinh tế thị trường. Tại Hoa Kỳ khu vực này năm 1970 đã chiếm hơn 50% tổng sản phẩm quốc nội với số việc làm tăng liên tục từ 26% lực lượng lao động vào năm 1940 lên 43% vào năm 1990. Trong khi đó lao động sử dụng trong khu vực dịch vụ của Liên Xô (chủ yếu là y tế, giáo dục và thương nghiệp) chỉ chiếm 10% tổng lao động.[2]
Trong nền kinh tế Xô Viết hoạt động theo kế hoạch tập trung, phi thị trường thì khu vực dịch vụ này có ít cơ hội phát triển. Phần lớn các giao dịch trong nền kinh tế đều thông qua mệnh lệnh chỉ huy phát ra từ các cơ quan hành chính được hình thành theo nguyên tắc ngành và lãnh thổ. Nền kinh tế càng có quy mô lớn với những mối tương tác và giao dịch tăng với cấp số nhân thì bộ máy hành chính điều hành các giao dịch theo phương thức tập trung lại càng cồng kềnh và mang tính quan liêu nặng hơn. Thực tế này chẳng khác gì hình ảnh một tòa lâu đài đồ sộ nhưng lại được xây trên nền móng hẹp, nó khác hẳn với nền kinh tế thị trường phát triển cao ở Phương Tây sở hữu hạ tầng cơ sở mềm vững chắc là khu vực dịch vụ phục vụ thị trường phong phú, đa dạng và hiệu năng cao.
Xét cho cùng thì ngăn cấm thị trường cực đoan kiểu mô hình Xô Viết quan liêu bao cấp là một biểu hiện đặc trưng của chiếm đoạt quyền tự do, dân chủ trong kinh doanh và lựa chọn cơ hội mưu sinh cũng như thể hiện năng lực sáng tạo của mỗi cá nhân theo nguyên lý tiến hóa. Nếu kết hợp với những nhận định mang mầu sắc chính trị về sự suy thoái của ĐCS Liên Xô do nguyên tắc “tập trung dân chủ” trên thực tế luôn biến tướng thành “có tập trung nhưng mất dân chủ” thì rất tự nhiên một câu hỏi sẽ được nêu ra: “vậy thì phải chăng hệ tư tưởng Mác – Lê, nền tảng của mô hình Xô Viết chính là một khiếm khuyết mang tính hệ thống vì nó mất dân chủ và ngăn cản sự tiến hóa như mọi chế độ toàn trị khác trong lịch sử ?” .
Và bánh xe lịch sử vẫn lừng lững đi tới nghiền nát tất cả những vật cản trên con đường tiến hóa của nhân loại.
Thực tế đã cho thấy khi ngọn cờ Mác- lê và vô sản không còn giúp ích cho Liên Xô và người Nga giành vị thế lãnh đạo thế giới nữa thì những đại diện tinh hoa của họ như Gorbachev, Elxin và Putin đã từ bỏ nó để quay về với chủ nghĩa dân tộc Nga vĩnh hằng và bất biến.
Nói họ đã “ phản bội” chủ nghĩa Mác – Lê có lẽ là hơi hồ đồ vì người ta chỉ kết tội phản bội mục tiêu và lý tưởng chứ không ai bị kết tội phản bội cái công cụ để đạt mục tiêu cả . _
Thăng long – Hà nội 12/11/2013
Để ghi nhận ngày Tổng thống Putin thăm chính thức Việt Nam
(còn phần 2 và 3)
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét