NôngDân Hiệu Minh
HM Blog. Xin giới thiệu bài viết của một bạn đọc có nick NôngDân nói về bão. Chữ NôngDân viết liền tịt, chả hiểu có nghĩa gì. Cảm ơn sự đóng góp của bác. Nghe nói lão thạo IT, biết chụp ảnh, bây giờ kèm viết báo, phân tích về bão hơn cả bên Khí tượng Thủy văn. Cảm ơn nàng Kim Dung đã biên tập, giúp cho cánh NôngDân thực tập nghề…vạch váy tìm sâu
Chúc các bạn vui. Enjoy your reading.
Chúc các bạn vui. Enjoy your reading.
Lão NôngDân: Mỗi năm Việt Nam có trên chục cơn bão đổ bộ vào, thế mà những người làm ở ngành khí tượng thủy văn coi đó như chuyện đùa. Chỉ cần tính mấy cơn bão xảy ra gần đây mà ngành khí tượng thủy văn đã cuống quýt, giật đùng đùng như lên đồng.
Đơn cử: Bão số 08 dự báo sẽ vào, có mưa to phía Nam, làm cho cả miền Trung hỗn loạn, nhưng nó lại tự tan ở biển, sau mới bò vào bờ, mưa thì “ông trời” lại dội xuống phía Bắc. Bão số 13 dự báo di chuyển nhanh và có khả năng mạnh lên, giật tới cấp 10, cấp 11, té ra là không phải! Nó chỉ là áp thấp nhiệt đới. Đã thế lại ưỡn ẹo đi vào tận miền Nam, khiến cho Hồ Chí Minh (tên Sài Gòn cũ) cuống cuồng chạy “bão”.
Còn nàng Hải Yến di chuyển có vài ngàn cây số từ khi vào Biển Đông, mà dự báo sai vị trí đổ bộ tới trên 1500 km thì phải chắp tay lạy “các bố!”. Thể theo nguyện vọng của “trên 60 ngón cái giơ lên trời ”, Nông dân tôi viết một bài về bão theo đúng kiến thức đã học được từ phổ thông, hệ 10 năm cách đây đã tới 50 năm.
Nói đến “Bão” ở Việt Nam là muốn nói đến bão nhiệt đới, đây là hiện tượng thời tiết có những đặc trưng là chỉ xuất hiện trên các vùng biển nhiệt đới. Khi một vùng trên đại dương có nhiệt tăng độ đột ngột, hơi nước bốc mạnh lên cao, làm xuất hiện nhanh một vùng áp thấp, tạo nên sự chênh lệch khí áp lớn so với khối không khí khác ở khu vực biển lân cận.
Khi đó lực khí áp xuất hiện làm cho không khí di chuyển từ nơi khí áp cao phía ngoài, vào vùng tâm bão có khí áp thấp hơn.
Trên hình mũi tên mầu tím là lực khí áp dồn tâm tác động lên các vòng tròn nhỏ màu tối, giả định là phần tử khí. Nhưng các phần tử chuyển động trên bề mặt trái đất đều bị ảnh hưởng một lực sinh ra do sự tự quay quanh trục của trái đất. Lực này ở bắc bán cầu sẽ làm các vật chuyển động lệch về phía phải so với phương chuyển động của nó (trong hình mũi tên mầu vàng).
Lực này kết hợp với lực hướng tâm làm cho không khí đang dồn về vùng biển có khí áp thấp, chuyển động xoay tròn xung quanh tâm bão theo ngược chiều kim đồng hồ. Nó giống như hồi còn đi chăn trâu, trẻ con chúng tôi hay ngăn những nơi nước chảy, khoét hẫng một chỗ, đặt ngầm đoạn ống đu đủ để thi nhau tạo ra những xoáy nước!
Do nhiệt độ và áp khí thấp ở tâm bão, làm cho một lượng hơi nước cực lớn bốc nên cao. Khi hơi nước lên cao gặp lạnh sẽ ngưng tụ thành các hạt băng có trọng lượng đủ lớn để lực ly tâm do chuyển động xoay tròn thắng lực hướng tâm, đẩy các hạt băng trên cao ra ngoài xa mắt bão.
Điều này tạo ra một vùng mưa rộng lớn quanh tâm bão, khí áp những vùng ngoài tâm bão lại cao lên. Mặt khác do gió xoáy rất mạnh quanh tâm bão làm cho khí áp và diện tích vùng mắt bão cân bằng hoặc mở rộng tùy theo cường độ gió quanh tâm bão (Định luật Bernoulli ). Trên đây coi như sự giải thích kỹ hơn tại sao điều kiện chính để hình thành, phát triển các cơn bão lại là nhiệt độ và độ ẩm?
Khi bão hình thành, tạo ra một khối khí khổng lồ xoay tròn quanh tâm, nhưng do môi trường xung quanh có tác động không cân bằng, nên bão không thể đứng yên một chỗ, chắc chắn nó phải di chuyển. Với các cơn bão đổ bộ vào nước ta đều phần lớn đều hình thành từ tây Thái Bình Dương, thường vào mùa thu và đầu đông nơi này có luồng khí áp cao phụ nhiệt đới.
Ở đó gió đông thổi mạnh tạo nên ngoại lực làm cho phần lớn cơn bão đều chuyển dịch về phía tây trong giai đoạn đầu mới hình thành. Như vậy khối không khí khổng lồ xoay tròn này đã có sự chuyển động phức tạp, đó là: Sự chuyển động xoay tròn của khối không khí nội tại. Sự dịch chuyển của cả khối theo một phương. Mỗi sự chuyển động này lại phụ thuộc vào nhiều tham biến khác, tạo ra sự “phức tạp khó lường”. (Thế mới có chuyện người ta chỉ muốn “ổn định” mà không cần sự vận động để phát triển! )
Nhưng với những cơn bão mạnh, muốn tính toán hướng đi của chúng, ta phải quan tâm nhiều nhất tới mối quan hệ giữa các lực sinh ra do tốc độ di chuyển, cường độ của nó.
Nhìn các đường vẽ trên ảnh minh họa, trong đó: V1 là tốc độ và hướng di chuyển của bão; V2 là vận tốc gió gần tâm bão ở phía bắc; V3 là vận tốc gió gần tâm bão ở phía nam. Bão mạnh tạo thành một khối khổng lồ không khí và các trạng thái khác nhau của nước đang quyện chặt, cùng với vận tốc di chuyển lớn, chắc chắn lực F bẻ hướng Bắc của Bão sẽ tỷ lệ thuận với vận tốc V1.
Điểm thứ hai trong chuyển động này, chúng ta cần lưu ý V2 thuận chiều cùng V1, trong khi đó V3 ngược chiều V1, hiển nhiên V2 > V3. Sự khác nhau về vận tốc V1 và V2 rất dễ nhận biết qua thực tế với những cơn bão mạnh, thì phạm vi ảnh hưởng của gió, mưa và sóng biển khác nhau rất nhiều ở hai bên theo hướng di chuyển.
Ví dụ vừa qua “nàng Hải Âu” đi vào giữa vịnh bắc bộ theo hướng tây bắc, khi đó phía Đảo Hải Nam của Trung Quốc gió mưa, sóng biển chắc chắn sẽ dữ dội hơn so với phía bờ biển Miền Trung nước ta. Hay khi nàng tốc váy đi vào giữa Hải Phòng và Quảng Ninh, thì khu vục Quảng Ninh sẽ thấy cấp gió mạnh hơn.
Trở lại việc phân tích hướng đi cơn bão mạnh di chuyển nhanh ( V1 lớn) thì lực F sẽ lớn, lực này lại được cộng thêm với lực sinh ra do sự chênh lệch của V2, V3, từ đó tạo ra lực tổng hợp tác động, nên liên tục bẻ hướng bão về phương Bắc, làm cho các tác động khác kể cả tại thời điểm có không khí lạnh đang tràn xuống ít tác động được. Điều này giải thích tại sao những cơn bão mạnh từ biển Đông đổ bộ vào nước ta thường dịch chuyển theo hướng tây bắc.
Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp khác biệt thường xảy ra với những cơn bão cường độ nhỏ và tốc độ di chuyển thấp, đặc biệt vào đầu hoặc cuối mùa mưa bão.
Quay về với “nàng Haiyan”, “Nàng” có bất thường là ở thời gian xuất hiện, còn sự di chuyển là đúng quy luật. Phải nói đây là cơn bão cực mạnh tốc độ gió lên tới 300km/giờ, tốc độ di chuyển của “Nàng” lên tới 35 km/giờ. “Nàng” đi qua Philippines mà tốc độ di chuyển và cường độ của “Nàng” hầu như không thay đổi. Thế thì “Nàng” phải “định hướng” theo quy luật của trời đất thôi!, vì các lý do sau:
Thứ nhất, vào Biển Đông vẫn duy trì tốc độ di chuyển nhanh từ 30 đến 35 km/giờ theo hướng tây tây bắc. Điều này làm tổng hợp lực hướng bắc lớn (theo phân tích phía trên), như vậy đường đi của “Nàng” phải lệch dần về phía bắc, nhất là ở thời điểm các yếu tố thời tiết khác không có sự bất thường đáng kể.
Thứ hai với hướng đi như vậy quãng đường di chuyển trên Biển Đông dài, mà vào mùa này, đó là khu vực có nhiệt độ thấp hơn 20 độ C, làm tăng áp xuất vùng tâm, sức mạnh của “Nàng” chắc chắc phải giảm dần. Cho dù cường độ giảm, nhưng do tốc độ di chuyển theo quán tính vẫn ít thay đổi, Khi V1 không đổi “Nàng” ngày càng lệch bắc hơn do lực F xoay chậm về hướng đông bắc nước ta (xem ảnh).
Vì vậy nên “Nàng” mới đi vào giữa cửa Vịnh Bắc bộ. Đây là vùng biển gần bờ, thời điểm này nhiệt độ nước biển có nơi thấp hơn 15 độ C. Điều này đã góp phần tăng nhanh áp suất vùng tâm, năng lượng của “Nàng” giảm, theo cách nói của Tổng Cua là “Nàng” đã bị “suy thoái đạo đức nghiêm trọng”!.
Điều bực mình nhất là khi bão mới thò vào Biển Đông, thông tin về tốc độ, hướng đi, cường độ của Bão được cập nhật từng giờ ở các cơ quan khí tượng khác trên thế giới. Mấy lão nhà ta đặt thước kẻ ngay một đường thẳng chênh chếch theo hướng đi lúc đó và căn cứ vào đấy, ùn ùn kéo nhau lập tổng hành dinh tiền phương ở Bình Định, Quảng Ngãi.
Tại sao không biết rằng vì bão Haiyan quá mạnh và di chuyển cực nhanh nên trời, đất còn phải đem các quy luật ra để “định hướng” nó!. Với trình độ như thế mà “các đỉnh cao trí tuệ” của Việt Nam ta có tên lửa vượt đại châu. Muốn thử nghiệm bắn ra Thái Bình Dương, mà cứ nhằm thẳng mục tiêu để phóng, thì chắc chắn sẽ vòng bố nó xuống Úc châu!. Lúc ấy lại chữa thẹn rằng “đây chỉ là cuộc tổng diễn tập”!.
Bài này Nông dân tôi chỉ tập trung vào phân tích những cơn bão mạnh, còn những con bão to hơn áp thấp nhiệt đới một tý, thì cần phải đưa thêm vào nhiều tham biến hơn. Nhưng cũng may với những cơn bão như thế, sức tàn phá do gió chỉ như “gãi ghẻ thôi”, Việt Nam ta sợ nhất là mưa, vì có nhiều đập thủy điện lắm!, phố xá thấp lắm!. Trời bảo những thiệt hại mất mát đó là “nhân tai” chứ không phải là “thiên tai”, đừng đổ lỗi cho tao!
NôngDân. 14-11-2013
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét