Sách tháng Mười 2013
- Nguyễn Hoài Nam, Mùi chữ, NXB Phụ nữ, 315tr., 80.000đ.
Trong lời bạt “Những cái không ở Hoài Nam”, nhà văn Hồ Anh Thái chỉ ra những cái không trong phê bình của Nguyễn Hoài Nam, như “không áp đặt ý kiến của mình lên tác phẩm”, “không tỏ thái độ cao ngạo và hách dịch”, v.v…, nhưng Hồ Anh Thái đã không chỉ ra được một cái không lớn nhất: Phê bình của Nguyễn Hoài Nam không có gì đáng nói.
Và chính từ đây, cái đáng nói bắt đầu.
Phần ba của cuốn sách mang tên “Nghĩ về văn chương” bàn về văn chương nói chung, thơ, phê bình, nhà văn trẻ, thực tế, thị trường, công chúng… đơn thuần là những bài báo với đặc trưng nổi bật là sự nước đôi, mập mờ.
Sự nước đôi, mập mờ này cũng là âm điệu chung của cả cuốn sách. Bài “Chế Lan Viên: Người thẩm thơ của một thời”, với rất nhiều ví dụ như thế, nếu đẩy logic đi tiếp, chưa cần đến tận cùng mà chỉ cần gần gần tận cùng, thì qua lăng kính ấy, phê bình thơ của Chế Lan Viên suốt một thời phải bị đánh giá hết sức tiêu cực; thì không hề, tác giả kết luận: “cần phải khẳng định rằng Chế Lan Viên đã xuất hiện với tư cách nhà thẩm thơ lớn của một thời” (tr.62).
Đó là cái sự có nhìn thấy nhưng không dám nói.
Ấy là nói những lúc tác giả có nhìn thấy. Những lúc khác tôi cứ mong ông nhìn thấy đi, sắp thấy rồi, mọi thứ đã ở đó hết, tưởng như không thể không nhìn thấy, giống như trong bóng đá có những pha ăn bàn mười mươi, cầu thủ tiền đạo một mình một bóng đứng trước gôn, đá ra ngoài còn khó hơn đá vào trong. Thế mà vẫn ra ngoài. Bao nhiêu lần Hoài Nam đá trượt kiểu như thế, nên Mùi chữ thành ra một tuyển tập clip những pha đá trượt bóng rất buồn cười.
Ở đây tôi tập trung vào “bộ ba” bài viết, về ba đối tượng có thể tính là sở trường của Hoài Nam, mấy nhà thơ tiền chiến của phong trào Thơ Mới (nếu không tính như vậy thì quả thật tôi cũng không biết sở trường của Hoài Nam là gì nữa, vì mảng thơ cổ hay tiểu thuyết lịch sử rõ mười mươi là sở đoản của tác giả rồi).
Ba bài viết ấy là “Thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp và nụ cười Mona Lisa”, “Nguyễn Bính chân quê hay Nguyễn Bính thị thành?” và “Vũ Hoàng Chương: Người cũ trong thơ mới”, xếp liên tục thành một cụm, sau bài về Xuân Diệu, Hoài Thanh và trước bài về Chế Lan Viên, trong phần thứ nhất, “Tìm lại người quen”.
Viết về Nguyễn Bính, tác giả bảo người ta cứ nói đây là nhà thơ chân quê, nhưng thật ra ông thị thành bỏ xừ (“bỏ xừ” là từ của tôi, tất nhiên :p). Một trong những luận cứ quan trọng của bài viết là: cái sự ghen mà như náo nức, rộn ràng, hồ hởi là “một thứ trạng thái cảm xúc lạ mà thành thị đã gây mầm trong tâm hồn [Nguyễn Bính]” (tr.41).
Kiểu viết khiên cưỡng này thật quá dễ phản bác. Nghĩ năm giây thôi là đã ra một ví dụ đi ngược lại lập luận của tác giả: bài “Qua nhà” ấy, nó quê đặc, chẳng dính gì đến “tôi đi dan díu với kinh thành” mà vẫn ghen chết thôi, cái ghen đó lại còn được miêu tả rất là đáng nhớ nữa: “Giếng thơi mưa ngập nước tràn/Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều”.
Bài về Vũ Hoàng Chương, ngoài chuyện tác giả dường như rất ít hiểu biết về Vũ Hoàng Chương thời hậu Mây và Say, cảm giác “sút trượt bóng” rất rõ. Trích đoạn thơ đầu tiên trong bài là “Phương xa” (tức là bài có mấy câu rất nổi tiếng “Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa/Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh”); đây là một cách kinh điển và rất hợp lý để đi vào thế giới văn chương Vũ Hoàng Chương, điều ấy khỏi phải nói. Rồi cuối bài tác giả lại trích dẫn Đỗ Lai Thúy đặt Baudelaire cạnh Vũ Hoàng Chương.
Chìa khóa nằm đó hết rồi, mà ông vẫn mở sai cửa. Tài thật.
Mà Hoài Nam vẫn lặp đi lặp lại trong bài rằng Vũ Hoàng Chương rất Việt Nam và rất Trung Hoa.
Chuyện Hoài Thanh bảo Vũ Hoàng Chương là người cũ trong Thơ Mới thì đâu có ý nghĩa gì? Hoài Thanh cũng có thể sai cơ mà, nhất là Hoài Thanh lại còn không thích thú gì với Vũ Hoàng Chương, chẳng hiểu nổi thơ của Vũ Hoàng Chương.
“Phương xa” là một “adaptation” cực kỳ thành công, cả về cảm thức lẫn âm hưởng, hình ảnh của thơ Rimbaud, nhất là Baudelaire. Thậm chí tôi còn chưa thấy có bài thơ nào của Thơ Mới gần với “Charybde và Scylla” của Baudelaire như bài “Phương xa” này. Xuân Diệu luôn luôn nổi bật vì sự học hỏi thơ Pháp, nhưng Xuân Diệu học theo thơ rất cổ, rồi thơ lãng mạn, không hề giống trường hợp Vũ Hoàng Chương. Chỉ cần nhìn vào riêng chuyện sau đây cũng đủ thấy: văn hóa thơ (Việt Nam và Trung Hoa) cổ điển nếu nói đến lênh đênh mặt nước là nói đến sông; cái hình ảnh biển cả nào nổi danh nhất nhỉ? chắc chỉ có vụ Tần Thủy Hoàng sai người giong buồm ra khơi đi tìm thuốc trường sinh. Còn thì mặc dù là một đất nước ven biển, nhà thơ Việt Nam xưa nay nhắc đến biển thì hình ảnh ăn sâu nhất chỉ là “cửa biển”, như nhan đề một tiểu thuyết; ngay Nguyễn Du cũng: “Buồn trông cửa bể chiều hôm/Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa”. Thế mà ở đây Vũ Hoàng Chương thì “Bể vô tận sá gì phương hướng nữa”.
Tại sao một nhà phê bình như Hoài Nam lại cứ bàn lệch đi mọi chuyện trong khi các đầu mối có sẵn ở đó như thế? Theo tôi đó là vì cái nguyên nhân căn bản này: lối phê bình của Hoài Nam là lối phê bình đặc trưng của bình giảng văn học, kiểu các bài tập làm văn mẫu xưa nay vẫn thế. Nó không tìm cách phát hiện, mà nương nhờ những gì được coi là điển phạm (trong đó nổi bật là phê bình của Hoài Thanh, cái thứ phê bình vô vị ấy) để nhích ra chỗ này một tí, chỗ kia một chút. Khen lại những gì người ta đã khen bằng lối nói hơi hơi khác, chê thì mềm mại ái ngại chút chút cho có. Mục đích của nó không phải là tìm những cái đúng, mà để phù hợp với một sơ đồ có sẵn. Để được điểm cao.
Cho nên, xưa nay tôi vẫn nghĩ, giờ càng chắc, rằng những người từng là học sinh giỏi văn dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, có rất ít cơ may trở thành nhà văn hay nhà phê bình. Vì trong vô thức họ luôn luôn mong mình được chấm điểm cao theo một ba-rem có sẵn.
Bởi thế nên phê bình của Hoài Nam sử dụng vô cùng nhiều công thức của bình giảng văn học nhà trường, đó là lối nói nước đôi, mập mờ, đặt câu hỏi lãng xẹt: “Có lẽ nhà phê bình, vốn trung thành với nguyên tắc “chỉ bình thơ hay” của mình nên cũng chỉ quan tâm đến những bài hay nhất trong tập chăng?” (bài về Nguyễn Nhược Pháp, tr.32). Viết về Nguyễn Bính thì: “Nói về thơ Nguyễn Bính, trước nay người ta vẫn sử dụng một định thức quen thuộc: thi sĩ chân quê. Thì cũng chẳng sai” (tr.38): một mở bài kinh điển của tập làm văn. Tiếp tục về Nguyễn Bính, có lúc nhà phê bình tìm cách mở rộng vấn đề: “Mà cái mới, nói sao mặc lòng, bao giờ cũng có sức hấp dẫn và sức kích thích riêng của nó” (tr.39); những mệnh đề vô thưởng vô phạt thế này xuất hiện ôi thôi nhiều trong cả tập sách. Và cũng giống một học trò đang miệt mài làm bài cho kịp chấm hết trước khi có trống hết giờ, đến cuối thế nào cũng phải có một so sánh: “Nguyễn Bính không phải chỉ là con người của nông thôn: ông như người lái đò qua lại giữa hai bờ nông thôn và thành thị” (tr.45). Xin lỗi chứ, tôi không thể hình dung nổi Nguyễn Bính trong hình ảnh một ông lái đò, cùng lắm tôi cũng chỉ hình dung được Nguyễn Bính làm nghề lái đò kiêm biểu diễn khinh công bịp trên mặt nước, giống nhân vật của chưởng Kim Dung.
Bởi thế, Mùi chữ của Nguyễn Hoài Nam quả thật có mùi chữ, mùi của sự vô vị chữ nghĩa.
Bởi thế, Mùi chữ của Nguyễn Hoài Nam quả thật có mùi chữ, mùi của sự vô vị chữ nghĩa.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét