Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

KHÔNG CÓ GÌ LÀ BẤT THƯỜNG


Bắc Giang đã triệu tập buổi làm việc có sự tham gia của các điều tra viên (trừ một điều tra viên đã mất) trong vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn. “Buổi làm việc chủ yếu lắng nghe trình bày của các điều tra viên về việc tiếp nhận và xử lý đơn thư của gia đình ông Chấn, báo chí và của Thứ trưởng Bộ Công an chuyển đến chứ không đánh giá đúng sai hay trách nhiệm của ai” - ông Chức cho biết. Theo ông Chức, Công an tỉnh Bắc Giang đã rà soát hồ sơ về vụ án, đọc lại các lời khai của ông Chấn. “Qua đó chúng tôi kết luận hồ sơ không có gì bất thường”. Ô hô. Bắt người ta, ép người ta, xử người ta, tù oan người ta tới mức chung thân, nay thằng phạm chính đầu thú, người ta được tự do mà bảo chỉ là gặp mặt các điều tra viên thôi, gặp mặt thôi, nghe trình bày thôi, kiểu như gặp mặt đầu xuân, chứ không đánh giá đúng sai, rồi lại khẳng định, hồ sơ không có gì bất thường...Không có gì bất thường nghĩa là sao? Nghĩa là các điều tra làm đúng? Nghĩa là đúng án? Nghĩa là tội đúng? Hả? Không có gì bất thường hay tâm thần các ông bất thường? Hả? Nói như thế trước nhân dân vào lúc này mà nói được sao?

Không có gì bất thường, nhỉ, khi mà một Cán bộ ngân hàng tên là Đỗ Thị Thu Thủy, trưởng quỹ kho tiền Ngân hàng xăng dầu (PG Bank) chi nhánh Hải Phòng tráo đôla trong ngân quỹ bằng tiền âm phủ để ăn cắp quỹ
249.000 USD và 19.500 EUR. Bất ngờ hơn, trong két đựng tiền có 15 thếp tiền đôla vàng mã.

Không có gì bất thường, nhỉ, như lão tiến sĩ Vũ Thế Khanh – Tổng giám đốc hội liên hiệp khoa học công nghệ tin học ứng dụng – UIA đã kể câu chuyện "ba liệt sĩ chia sẻ hài cốt để tạo thành hài cốt của đồng đội thứ 4" là do các liệt sĩ yêu cầu nhà ngoại cảm làm như thế và khen: là hành động rất nhân văn. Nhân văn hả ông tiến sĩ? Tìm được 3 hài cốt, chia ra thành bốn, thành năm, dối trá, khốn nạn như thế rồi lừa gia đình, lừa đoàn thể, lừa chính quyền nói là các liệt sĩ thống nhất đề nghị với nhà ngoại cảm, chuyện này chỉ có nhà ngoại cảm và các liệt sĩ biết...Mẹ kiếp, các ông bao che, ngoạc mồm ngụy biện, chắn nhau, lấy cái gọi là khoa học tâm linh lừa từ người dương xuống người âm mà nhân văn hả ông? Các ông mang danh khoa học khoa hiếc, nghiên cứu nghiên kiếc, nhân văn nhân viếc để vét, khoắng, nhón, vón, nhặt từng xu cuối cùng của chính những gia đình có công với nước là bình thương thôi các ông nhỉ, ông Khanh nhỉ? Các nhà ngoại cảm nhỉ? Hèn.

Những dòng cuối cùng là thông tin làm "nức lòng" dư luận, khi ông này, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp QH Nguyễn Đình Quyền nhận định, cơ quan điều tra ở Việt Nam được coi là một trong cơ quan giỏi nhất thế giới . Ông tuyên bố như vậy có gì bất thương đâu ông nhỉ, chẳng bất thường chút nào, vì ông vẫn luôn đứng trong tốp những người tôn sùng số 1 mà, Việt Nam nhiều cái số 1, thêm cái số 1 về tài năng điều tra thì có gì là bất thường ông nhỉ, và lời kết luận hùng hồn của ông với báo chí lại xảy ra đúng vào thời điểm nóng nhất vụ án oan 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn, chứng tỏ, các ông Nghị nhà mình luôn biết cách chọn thời điểm để "vinh danh" mọi thứ số 1 cho đất nước, ô hô. Nhè vào cái lúc cả nước đang bàng hoàng vì trò ép cung làm án ấu trĩ, vô trách nhiệm nhất của cơ quan điều tra công an Bắc Giang 10 năm trước, thì ông hồ hởi tuyên một câu như thế có gì bất thường không ông?
-----------
Vâng, xin trân trọng giới thiệu, chân dung ông Nguyễn Đình Quyền, tác giả của phát hiện to lớn: Cơ quan điều tra ở Việt Nam được coi là một trong cơ quan giỏi nhất thế giới- Vâng, xin cám ơn ông đã lên hình trên fb của Trưởng thôn...

Nói lời xin lỗi mà cũng khó thế a?

Về vụ ‘Oan án Nguyễn Thanh Chấn”

   * VÕ VĂN TẠO
(Cựu Hội thẩm nhân dân - TAND T.p Nha Trang)
Một quyết định dũng cảm:
Ngày 4-11-2013, với việc trả tự do cho dân oan Nguyễn Thanh Chấn theo quyết định đình chỉ thi hành hành án, VKSNDTC đã gỡ lại phần nào niềm tin của nhân dân. Công luận ghi nhận, trong oan án tai tiếng này, công lý - dù mải “ngao du đâu đó” hơn 10 năm trời đằng đẵng - rốt cuộc cũng quay về.
Mặc dù đến cuối chiều 6-11-2013, kết thúc phiên tái thẩm, Hội đồng xét xử TANDTC chỉ tuyên hủy 2 bản án sơ và phúc thẩm oan sai đối với ông Chấn, không tuyên ông vô tội; và một vài yếu nhân trong ngành tư pháp vẫn tuyên bố ông Chấn chưa chính thức vô tội, những ai am hiểu pháp luật ở ta đều đoan chắc, việc chính thức công dân Nguyễn Thanh Chấn vô tội chỉ là vấn đề thủ tục.                                                 > Chưa tuyên ông Chấn vô tội là chưa thoả đáng !  .
Bởi lẽ, với chức trách và nghiệp vụ của mình, cũng như theo “tập quán” bàn bạc, thống nhất liên ngành lâu nay đối với những vụ trọng án (trái với quy định của luật pháp: các cơ quan này phải độc lập tác nghiệp và chỉ tuân theo pháp luật), VKSNDTC không đơn phương ra quyết định đình chỉ thi hành án ông Chấn. Nếu không xác định 100% ông Chẩn thực sự oan uổng, có ăn gan trời thì VKSNDTC cũng chẳng dám thả khỏi trại giam một người vẫn trong tình trạng còn bị nghi ngờ phạm trọng tội “giết người”.
Dĩ nhiên, trước khi quyết định trả tự do cho ông Chấn, VKSNDTC không thể không cân nhắc thật kỹ càng và lường trước những hệ lụy tiếp theo (tùy mức độ sai phạm, hàng loạt cán bộ công an, VKS và tòa án liên can sẽ phải bị xử lý hình sự hoặc hành chính, nếu pháp luật không bị ngồi xổm lên). Theo chức năng được pháp luật hình sự hiện hành quy định, mọi sai sót của cơ quan điều tra và/hoặc của tòa án, đều có trách nhiệm của ngành kiểm sát. Trong quá trình công an điều tra, VKS có trách nhiệm giám sát, uốn nắn các lệch lạc. Sau khi cơ quan điều tra hoàn tất hồ sơ, VKS có trách nhiệm xem xét, yêu cầu điều chỉnh, bổ sung, thậm chí đình chỉ truy tố - nếu nhận thấy chưa đủ căn cứ thuyết phục để tiến hành truy tố.. Nếu thấy đủ căn cứ và thuyết phục, mới ra cáo trạng. Việc khởi tố bị can, tạm giam, đều phải được VKS phê chuẩn - nếu phù hợp với quy định của pháp luật. Tại tòa, VKS giữ quyền công tố và hoàn toàn có quyền rút lại hoặc điều chỉnh lời buộc tội, yêu cầu Hội đồng xét xử và các bên tham gia tố tụng tuân thủ nghiêm túc luật pháp tố tụng. Rõ ràng, trong tố tụng hình sự, pháp luật giao chức năng, quyền lực cho ngành kiểm sát rất lớn. Trong vụ án này, không chỉ có sự tham gia của VKS tỉnh Bắc Giang, mà còn có VKSNDTC (vì TANDTC xử phúc thầm). Vì vậy, ra quyết định đình chỉ thi hành án ông Chấn (như phân tích ở trên, đồng nghĩa trả tự do cho người vô tội bị oan sai) cũng có nghĩa như VKSNDTC tự vả vào mặt mình và đồng nghiệp một cú tát trời giáng. Quá đau đấy! Nhưng phải cố mà chịu, để tỉnh táo lại trên tinh thần dám nhìn thẳng vào sự thật phũ phàng.
Sai phạm cả 3 cơ quan, 2 cấp
Như thông tin nhiều cơ quan truyền thông đã đăng tải, sai phạm bắt nguồn từ cung cách làm việc cẩu thả, tùy tiện, chủ quan, thậm chí vi phạm pháp luật một cách quá thô bạo của các điều tra viên  Công an tỉnh Bắc Giang. Bằng hành hạ, dọa dẫm, bức cung, tạo hiện trường và chứng cứ giả mạo, bỏ lọt nhiều tình tiết sự thật quan trọng, họ buộc ông Chấn “thú tội”.
Tuy nhiên, luật pháp quy định quy trình xử lý một vụ án hình sự rất chặt chẽ. Công an kết luận là việc của công an. VKS có trách nhiệm xem xét lại, nếu thấy chưa rõ ràng, phải yêu cầu điều tra bổ sung hoặc đình chỉ khởi tố. Khi VKS đồng ý truy tố, trong quá trình nghiên cứu hồ sơ và căn cứ diễn biến xét xử tại tòa, nếu thấy căn cứ buộc tội chưa thuyết phục, thẩm phán và Hội đồng xét xử phải trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung hoặc đình chỉ tố tụng… Luật pháp cũng quy định, thủ tục xét xử có 2 cấp: sơ thẩm và phúc thẩm (chưa kể các thủ tục đặc biệt: giám đốc thẩm và thái thẩm). Cấp phúc thẩm có toàn quyền sửa sai hoặc tuyên hủy bản án sơ thẩm - nếu phát hiện tòa sơ thẩm sai lầm. Rõ ràng, khi quy định 3 cơ quan và 2 cấp như vậy, luật pháp không nhằm mục đích “vô duyên” “đẻ” thêm biên chế - tổn hại ngân sách, mà nhằm hạn chế đến mức thấp nhất (có thể) tình trạng oan sai.
Rất tiếc, nhiều quan chức VKS Bắc Giang và VKSNDTC đã không thực hiện đúng chức trách, quyền hạn và nghiệp vụ của mình. Rất tiếc, tại tòa 2 cấp, lời ông Chấn rập đầu kêu oan, tố bị bức cung; những bằng chứng ngoại phạm và lập luận có giá trị của luật sư Nguyễn Đức Biền bị Hội đồng xét xử và công tố viên bỏ ngoài tai. Rất tiếc, đơn kêu cứu của vợ chồng ông Chấn từ các năm 2003, 2004 đến VKSNDTC không được cứu xét kịp thời. Rất tiếc, đơn kêu cứu gửi năm 2006 đến Văn phòng Chính phủ, lại “nằm” bất động ở đó (theo giải trình của VKSNDTC tại họp báo 5-11-2013). Khó có thể nói khác: thói vô cảm, vô trách nhiệm ở các “công bộc” đã trở thành cố tật và ở bất cứ ngành, cấp nào cũng đầy rẫy.
Nói lời xin lỗi mà cũng khó thế a?
Công bằng mà nói, tại các nước văn minh, hệ thống luật pháp chặt chẽ và cơ bản được tôn trọng, dù hiếm hoi, án oan sai vẫn khó tránh. Thực tế đó cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng để nhiều nước bỏ án phạt tử hình. Có điều, ở ta, tình trạng công an lạm dụng vũ lực, đánh đập, bức cung, tạo chứng cứ giả, chà đạp thô bạo pháp luật tố tụng không phải hiếm. Và vụ ông Chẩn chỉ là một trong rất hiếm hoi các vụ án oan sai kết thúc có hậu.
Khó định lượng được tổn thất nặng nề về mọi khía cạnh vật chất, tinh thần, sức khỏe, danh dự của dân oan Nguyễn Thanh Chấn cùng gia đình.
Sai phạm của các cán bộ, cơ quan liên quan trong kỳ án này là không thể phủ nhận. Thế nhưng, từ khi báo chí đưa tin ông Chấn bị oan đến nay, chưa thấy một cá nhân, tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm, nói một lời xin lỗi với dân oan khốn khổ Nguyễn Thanh Chấn cùng gia đình, xin lỗi nhân dân – đã đóng thuế để nuôi bộ máy công quyền các cấp.
Đặt vấn đề như thế có khắt khe chăng?
Vì sao sau chiến tranh thế giới nhiều thập kỷ, lãnh đạo các quốc gia gây hấn như Đức, Nhật… vẫn chính thức nói lời xin lỗi người dân các nước phải chịu thống khổ?
Còn nhớ vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ trong khi thi công (26-9-2007), làm 54 công nhân ta thiệt mạng. Lập tức Đại sứ Nhật tại Hà Nội Norio Hattori và Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Hitoshi Kimura sang ViệtNam công cán sau đó đều có lời chia buồn, xin lỗi gia đình các nạn nhân và nhân dân Việt Nam (cầu Cần Thơ được Nhật tài trợ ODA. Liên danh 3 hãng tư nhân Nhật gồm Taisei, Kajima và Nippon là nhà thầu chính).
Phải chăng, tính tự trọng, thái độ phục thiện, biết ăn năn xin lỗi để tiến bộ là thứ gì đó quá “xa xỉ” với quan chức Việt Nam ta?
V.V.T.
 
"Nơi nào mà luật pháp bị xem thường thì luật sư cũng không được coi trọng. Để luật pháp và luật sư cùng được coi trọng thì mỗi luật sư bằng chính hoạt động hàng ngày của mình cần vun đắp cho hệ thống luật pháp được trở nên công minh tiến bộ".
                                                                                                                        Luật sư Ngô Ngọc Trai
Đoàn luật sư tỉnh Nam Định 

Thượng tá Đào Văn Biên

Trong quá trình giải quyết vụ án, bị cáo Hàn Đức Long nhiều lần trình bày bị cán bộ điều tra Đào Văn Biên đánh đập nhục hình, hiện ông này là lãnh đạo ngành điều tra công an tỉnh Bắc Giang, năm 2012 được thủ tướng tặng bằng khen do điều tra vụ Lê Văn Luyện.
Bổ sung ngày 08/11/2013 ông Đào Văn Biên còn được báo chí nhắc đến là người tham gia truy bức nhục hình ông Nguyễn Thanh Chấn dẫn đến án oan 10 năm.
 
 
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

_______________
Số:   919/QĐ-TTg

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
___________________________________________________
Hà Nội, ngày   17  tháng 7 năm 2012
 QUYẾT ĐỊNH
Về việc tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ 
––––––
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Nghị định số 39/2012/NĐ-CP ngày 27 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP của Chính phủ;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an tại Tờ trình số 1358/TTr-BCA-X11 ngày 04 tháng 5 năm 2012 và của Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tại Tờ trình số 917/TTr-BTĐKT ngày 02 tháng 7 năm 2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 02 tập thể và 02 cá nhân thuộc Công an tỉnh Bắc Giang, Bộ Công an (có danh sách kèm theo), đã lập chiến công trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành.
Điều 3Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương và tập thể, cá nhân có tên trong danh sách tại Điều 1 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:
- Bộ Công an;
- Ban Thi đua – Khen thưởng TW;
- VPCP: PCN Phạm Viết Muôn, Cổng TTĐT;
- Lưu: Văn thư, TCCV (3b). LHN, 10b
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
  
(Đã ký)

Nguyễn Xuân Phúc

DANH SÁCH TẬP THỂ VÀ CÁ NHÂN ĐƯỢC TẶNG
BẰNG KHEN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
(Ban hành kèm theo Quyết định số  919/QĐ-TTg ngày 17 tháng 7 năm 2012
 của Thủ tướng Chính phủ)
_________
1. Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Bắc Giang, Bộ Công an;
2. Công an huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang,
Đã lập chiến công trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
3. Thượng tá Phạm Đình Độ, Trưởng Công an huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang;
4. Thượng tá Đào Văn Biên, Phó Trưởng phòng, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Bắc Giang, Bộ Công an,
Đã lập chiến công trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc./.
____________________


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: