Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

Không ai nợ ai!

Giải mã nhân loại

Dù phá bỏ những công trình cũ nhưng tôi vẫn phải xây dựng công trình mới trên nền tảng cũ, đã có từ thời lâu xa, trước cả khi những công trình hiện không còn hợp thời, rất cần tháo dỡ đã từng được dựng lên.
Nền tảng cũ đó là gì?
Đó là lòng người, lòng nhân loại luôn hướng về một xã hội loài người tươi đẹp, sáng rỡ, chan hòa,…
Nhân việc Hoa Kỳ vi phạm điều khoản can thiệp nội bộ các nước không đúng mực về vi phạm nhân quyền - dân chủ mà tôi sẽ nhắc lại một điều. Tôi đã muốn quên những mối hận, những hiềm khích xưa cũ để hướng về một tương lai tươi đẹp, bình đẳng hơn. Thế nên, đừng một ai cố tạo ra những rào cản, những ngăn cách ví như là tạo ra bức tường lửa vi phạm nhân quyền - dân chủ, tự do ngôn luận nửa vời, tự do thương mại với rào cản bảo hộ độc quyền, sở hữu trí tuệ, thuế chống phá giá, những quy chế phát ngôn chứa đựng sự dối lừa, che lấp sự thật, nhằm bảo hộ cho một nhóm người, một vài tổ chức đã làm điều sai trái, xấu xa, ghê tởm, giấu nhẹm những việc làm không hợp với lòng người,…
Bởi lẽ những điều đó sẽ khiến tôi nhớ đến những vết thương cũ, những niềm đau xưa, hận thù, nỗi căm hận sẽ được khơi gợi nuôi lớn rồi bùng phát, một đốm lửa nhỏ âm ỉ chỉ chờ tắt ngấm sẽ lại có dịp bùng cháy khiến tôi và bạn từ “Đôi bạn thân” trở thành những kẻ đối đầu, những kẻ thù truyền kiếp lại sẽ trả vay nhau bằng đòn thù, lửa hận,…
Có lẽ ở thời đại này bạn không thích điều đó, tôi cũng không thích những điều đó.
Vậy tại sao ta không dừng lại những trò trẻ con vô bổ, hại nhiều hơn lợi?
Phải chăng ta đã đủ lớn khôn để không dại khờ làm những đứa trẻ chơi dao hay trò chơi nghịch đùa với lửa,… những trò chơi mạo hiểm với rủi ro là hủy hoại rất nhiều người?
Có thể là tôi, là bạn sẽ bốc cháy, sẽ bỏ mạng, có thể là những người thân yêu của chúng ta hoặc những người xa lạ, những kẻ vô tội, hồn nhiên, lãnh đạm, ích kỷ sống bên đời. Khi họ chết hoặc tôi chết, có thể người ta sẽ dùng ngôn từ giả lập để nâng tôi hoặc bạn lên tầm cao mới - Anh ấy không chết, anh ấy đã hy sinh anh dũng. Lạy chúa! Một sự hy sinh vĩ đại. Anh ấy là một anh hùng dân tộc, một chiến binh lừng danh của nhân loại.
Ôi! Ngôn từ giả lập tráo trở, gây ra sự ngộ nhận thâm hiểm, những ngôn từ được dùng sai trái với mục đích, giá trị ban đầu của ngôn ngữ khiến lòng người mê mẫn, chẳng nhận rõ đâu là thật, đâu là giả? Hy sinh ư? Hy sinh có khác gì là chết, là bỏ mạng?
Bạn đến đất nước tôi xâm chiếm và trong cuộc đấu súng sống còn, bạn đã chết. Người của tôi nói rằng “Anh ta đã bỏ mạng oan uổng. Lẽ ra anh ta đã có cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc hơn bên gia đình cùng mẹ cha, vợ con, người thân hoặc những cuộc hẹn hò lãng mạn bên người yêu anh ấy…”. Với một sự cao thượng được chia đôi, có những tấm chân tình, nỗi xót thương đồng loại được bộc bạch, có những lời nói đãi bôi giả tạo, trơ trẽn “Thật tội nghiệp cho số phận một chiến binh, kẻ đánh thuê. Tôi tiếc cho anh, lời xin lỗi gửi về anh và xin được chia sẻ nỗi mất mát anh cùng với gia đình của anh. Ôi! Nỗi mất mát lớn lao, sự hy sinh thầm lặng. Lạy chúa nhân từ!...”.
Còn người của bạn đã nói gì?
Anh ấy là một chiến binh dũng cảm, là một vị anh hùng dân tộc trong thời đại mới, anh ấy đã chiến đấu oanh liệt và anh dũng nằm xuống, anh dũng hy sinh. Anh ấy sẽ luôn là, mãi mãi là tấm gương sáng cho chúng ta và thế hệ mai sau noi theo. Anh ấy không chết, anh ấy bất diệt, anh ấy sẽ sống mãi trong lòng của dân tộc, trong lòng tôi và trong lòng các bạn. Tôi và các bạn hãy tưởng nhớ về anh ấy. Phút mặc niệm bắt đầu…
Ôi! Những bài diễn văn hay đến lạ!
Nhưng sự thật thì sao?
Bạn đã chết và mọi người sẽ chóng quên bạn. Bạn chỉ còn là biểu tượng chết mà một số ít người đã dựng bạn đứng lên như thể là bạn hãy còn sống mãi, còn phục vụ cho quốc gia, bạn đã chết rồi mà họ vẫn không đặt bạn nằm xuống, yên nghỉ và người ta gọi bạn là Anh Hùng Dân Tộc. Và người của bạn sẽ giữ bạn trong cái tên chung đó để nuôi giữ niềm tự hào, mối hận thù cho những thế hệ mai sau, chiến tranh được ấp ủ, nuôi giữ.
Và … về sau lại có một số người hoặc nông nổi hoặc cùng đường sẽ noi theo tấm gương của một vị anh hùng. Còn mẹ bạn, gia đình bạn được nhận huân chương, huy chương, lời khen tặng, một số tiền để “đánh đổi” giá trị mạng sống của bạn.
Những huân chương danh giá như là huân chương Bắc đẩu bội tinh nghe cao sang, quyền quý, oai hùng. Bắc đẩu bội tinh một chòm sao hướng đạo cho loài người thời xa xưa cho thấy hiện vật chứa đựng một tấm vóc lớn lao, cao vút.
Nhưng giá trị thật của tấm huân chương đó là gì?
Không là gì cả. Nó hoàn toàn không xứng tầm với sự đánh đổi của bạn. Nhất là khi bạn đã chết thì nó không thể giúp bạn đứng lên tiếp tục sống. Thậm chí nó còn lấy thêm giọt nước mắt của những người thương yêu bạn. Nỗi muộn phiền càng thêm nặng oằn trên đôi vai, trên khuôn mặt họ,… khi họ nhìn thấy vật minh chứng một cuộc đổi chác mạng người. Người yêu bạn đã buồn thương, tiếc nhớ rồi thì “ôm cầm sang thuyền khác”. Lời yêu thương thủy chung son sắt một lòng, bỗng chốc hóa mong manh. Thế là chấm hết một phần quãng đời của bạn.
À, anh hùng dân tộc của thời đại mới? Đó là gì?
Trong thời đại mới, Người anh hùng là người có khả năng giết thật nhiều người với một cái đầu lạnh, vô cảm cùng bản năng của một sát thủ hạng Vip chăng? Phải thế không?
Hãy trả lời cho tôi… Đừng ngụy biện bạn đã sống cống hiến và bảo vệ tổ quốc. Bạn đã đến đất nước tôi và giết người dù rằng tôi cùng bè bạn tôi chưa từng đến đất nước bạn gây thù, chuốc oán.
Bạn đang bảo vệ điều gì?
Bạn đã đi đến và giết người. Đó là giá trị của việc bạn làm, bạn là kẻ sát nhân không hơn không kém.
Sao bạn lại im lặng? Sao bạn lại cúi đầu?
Lời nói thật sao quá đắng cay, nghiệt ngã, thô thiển quá chăng? Bạn cảm nhận gì những điều tôi đã nói? Tôi không trách bạn bởi lẽ tôi biết bạn cũng chỉ là, đã từng là một nạn nhân, bạn đã bị ngôn từ ngụy biện che khuất sự hiểu biết đúng mực có trong lòng bạn và vì cái được gọi là trách nhiệm phục vụ nghĩa vụ thiêng liêng, cao cả cho quốc gia.
Có một sự thật được che giấu kín kẽ ở những người lãnh đạo nơi đất nước bạn. Đó là lòng tham của những nhà quản lý đất nước được ẩn giấu trong cụm từ khai hóa, mở mang sự hiểu biết ở con người nơi đất nước tôi. Và có những thứ được lấy đi nếu tôi ngần ngại dùng từ cướp đi sẽ làm cho tôi và bạn trở nên xa cách, có thể bạn sẽ giận hờn trở mặt chăng?
Đó là gì bạn biết không?
Người ta gọi nó là khoáng sản, tài vật, của báu, sức người, là lối sống vương giả lịch lãm, trịch thượng,…
Có một câu chuyện ngụ ngôn đã nói về sự ma quái của trò chơi ngôn từ tựa như việc đến khai sáng và lấy đi. Câu chuyện thú vị và đúng lắm. Tôi sẽ nói cho bạn nghe câu chuyện đó nhưng tôi không còn nhớ rõ nội dung câu chuyện. Tôi đành phá cách câu chuyện để hầu chuyện cùng bạn. Đại ý nội dung câu chuyện là:
Có một cậu thanh niên con một gia đình giàu có. Vì giàu có nên anh ta lười học vì thế nên anh ta có phần ngu khờ. Bị lời ra, tiếng vào anh ta buồn lắm. Thời may có hôm anh ta nghe nói “Có tiền mua tiên cũng được”. Anh nghe nói thế thì ra chiều đăm chiêu suy nghĩ. Nghe nói “Tiên đẹp lắm vậy mà tiền vẫn có thể mua được kia đấy”. Anh ta hoài nghi “Đâu có lý nào?”. Dần dà anh nhận ra “Thật có lý”. Bởi do anh đã từng ném tiền qua cửa sổ để mua vui cùng rất nhiều người đẹp. Người không đẹp giá mềm, dùng chống đói, người mẫu chuẩn đẹp, chân dài thì phải bỏ bộn tiền để sở hữu một hoặc vài đêm. Những người đẹp đỏng đảnh, khó xơi không thể mua bằng tiền thì sẽ được mua bằng rất nhiều tiền. À, sức mạnh đồng tiền là có thật. Nhưng không biết tiền có mua được trí khôn không? Anh ta đi tìm gặp một nhà thông thái để hỏi về điều ấy. Ông già thông thái lời thật đáp “Tiền có thể mua trí khôn con ạ? Nếu con muốn mua trí khôn con hãy đi về Phương Đông, nơi những nhà minh triết thông tuệ đã từng cư ngụ. Nơi đó có tài sản vô giá tạm gọi là túi khôn nhân loại. Hãy kiên nhẫn con nhé, chàng trai trẻ”. Mừng rỡ anh ta chạy vội về nhà quên cả việc cám ơn. Anh ta chuẩn bị hành lý và một túi vàng. Rạng sáng hôm sau anh lên đường đi tìm mua túi khôn nhân loại. Vì sợ nhầm đường nên anh thường dừng lại hỏi người đi đường “Phương Đông nơi đâu?” và anh ta cũng tự hào khoe rằng “Mình đang đi tìm mua trí khôn nhân loại”. Đi được vài hôm anh ta bắt đầu chán nản cuộc hành trình bởi lẽ mọi người đều có thể chỉ về Phương Đông còn trí khôn có ở nơi đâu, chứa trong vật gì thì không ai rõ. Một hôm, anh đến một thành phố sầm uất, hoa lệ. Anh ta hy vọng có thể nơi náu nhiệt này sẽ có túi khôn nhân loại. Gặp một cô gái trẻ đẹp cầm trên tay một giỏ táo, anh ta đã hỏi về Phương Đông, về túi khôn và cái giá phải trả để mua lấy sự khôn ngoan? Cô gái ranh mãnh gặp phải chàng trai trẻ khù khờ, cô ta bèn hỏi rõ nội tình, tự sự. Sau cùng, cô nói “Đây là Phương Đông. Giá trị của túi khôn là vô giá nên đã có rất nhiều người đến mua và mang đi cả rồi. Họ mua sự khôn ngoan bằng những túi vàng, đổi chác bằng chuỗi ngọc, xa cừ, lưu ly, mã não, 7 báu…”. Chàng trai tiếc rẻ “Bán hết rồi sao? Không còn ai giữ lại túi khôn để dùng à? Phương Đông bán hết trí khôn thì Phương Đông còn lại gì? Thật ngu xuẩn!...”. Bất chợt anh nảy ra ý định đuổi theo những người đến trước và cầu xin mua lại trí khôn. Chàng trai hỏi cô gái “Thế những người mua trí khôn đã đi về hướng nào và cách nhận diện họ?”. Cô gái đáp “Họ đã ra đi về hướng tây, anh hãy nhanh đuổi theo may ra còn kịp. Những người cầm trên tay 3 quả táo. Trí khôn được cất giữ trong 3 quả táo, hãy nhớ lấy điều đó”. Chàng trai vội vã cảm ơn và quay ngựa lại. Cô gái cúi chào và vụng về đánh rơi 3 quả táo xuống ven đường. Chàng trai dừng ngựa và thốt lên “Ba quả táo, tôi cần nó. Trí khôn của tôi đây”. Nhưng cô gái đã cự tuyệt “Không. Táo này em mua cho mẹ. Mẹ em đang ốm, mẹ em nhiều tuổi rồi.”. Ánh mắt chàng trai sáng lên niềm hy vọng, chàng trai trẻ nói “Cô hãy bán lại cho tôi 3 quả táo, tôi có rất nhiều tiền, mẹ cô già rồi không cần trí khôn nữa. Tôi mới là người cần đến 3 quả táo. Đó là trí khôn của tôi. Túi vàng này sẽ giúp mẹ cô khỏi bệnh và sống tốt đến trọn đời”. Nói đoạn chàng trai nhanh nhảu dúi túi vàng vào tay cô gái và giật vội cái giỏ chứa 3 quả táo mà cô gái vừa nhặt lại xong. Cô gái tỏ vẻ không đồng ý nhưng… sức yếu đành bất lực. Chàng trai cầm một quả táo trên tay chăm chú nhìn và không tìm thấy được sự khác biệt với những quả táo mà anh từng ăn. Anh ta cắn vội một miếng nhai ngấu nghiến rồi nói “Bằng vào ngần ấy vàng tôi có thể mua rất nhiều vườn táo. Và quả táo này chẳng khác gì những quả táo tôi đã từng ăn”. Cô gái chặn lời chàng trai và nói với lối nói bí ẩn lấp lửng “Có một sự khác biệt rất lớn nơi quả táo mà anh đang ăn vì sự khác biệt đó mà anh đã mua nó. Nếu anh hối hận thì anh hãy để chúng lại và tôi sẽ trả cho anh túi vàng”. Chàng trai vội vã giữ chặt giỏ táo và dò hỏi “Khác biệt đó là gì? Tôi sẽ không trả nó lại cho cô”. Cô gái tỏ thái độ chẳng rõ luyến tiếc hay thương hại nói “Những quả táo chứa trí tuệ. Muốn thấu rõ trí tuệ nơi 3 quả táo thì anh hãy từ tốn ăn và chỉ nghĩ về nó. Vậy nên anh hãy quay về nhà, trên đường về anh hãy ăn táo, chỉ được phép ăn mỗi ngày một quả và hãy luôn nghĩ về nó”. Chàng trai tỏ vẻ ăn năn về thái độ đã hành xử, anh ta xin lỗi cô gái rồi theo lối cũ trở về nhà. Ba ngày chỉ ăn vỏn vẹn ba quả táo vừa mệt, vừa đói, vừa chẳng thấy sáng ra, anh ta cố gắng về đến nhà. Sau đó, anh tìm đến nhà thông thái ngày trước và đổ lỗi cho ông về mọi chuyện. Ông lão thông thái hỏi lại sự tình. Chàng trai kể lại đầu đuôi câu chuyện rồi kết luận “Bằng vào ngần ấy vàng tôi mua được mười mấy khu vườn táo chứ đâu chỉ có 3 quả táo tầm thường”. Ông lão nghe xong cười bảo “Đó là 3 quả táo trí tuệ”. Chàng trai trẻ gắt lên “Trí tuệ gì mà trí tuệ. Tôi có khôn lên chút nào đâu? Ông già hãy đền túi vàng cho tôi”. Ông lão nói “Thế cậu lại định lấy túi vàng để mua 3 quả táo khác à?”. Chàng trai gắt gỏng “Họa là có điên mới mua 3 quả táo bằng cả một gia tài. Không bao giờ”. Ông lão xuề xòa “Chẳng phải cậu đã khôn hơn rồi đó”. Chàng trai ngơ ngẩn rồi nhận ra “Dù sao mình cũng đã khôn ra nhiều.”. Chàng trai xin lỗi, cám ơn ông lão rồi quay về và nhớ mãi 3 quả táo cùng cô gái trẻ đẹp. Nếu đây là câu truyện cổ tích thì chàng trai sẽ đi tìm cô gái, họ kết hôn và sống hạnh phúc đến trọn đời. Và … dù sao chàng trai cũng đã khôn ra.
(Nhắn cùng người học Phật: Cũng lại như vậy trí khôn và ngu khờ vốn chỉ ở một nơi; sinh tử và vô sanh vốn không hai chỗ; niết bàn và 3 cõi 6 đường chưa hề tách rời nhau, vô minh và giác ngộ cũng đều như thế… Giác ngộ, giải thoát hoàn toàn ra khỏi luân hồi nơi 3 cõi 6 đường là thật có. Nơi sinh diệt cũng là nơi không sinh diệt. Từ bỏ sinh diệt tìm về nơi không sinh diệt là một tư duy, một nhận thức sai lầm. Hãy sống bình thản trong sinh diệt mà không từng sinh diệt. Đó là cánh cửa mở lối niết bàn thường an lạc tịnh, rời xa điên đảo, rời xa khổ đau, sinh tử luân hồi. Và sự hiểu biết sáng rõ về con đường giác ngộ giải thoát hoàn toàn sẽ góp phần giúp bạn sống buông bỏ, không chấp giữ. Hơn nữa, chỉ cần một phút dừng lặng thì bạn sẽ nhận ra “Nếu có chấp giữ thì bạn cũng không thể giữ lại được bất cứ điều gì?”. Và … hậu quả của việc chấp giữ là sự tiếc nuối, hận thù, đau khổ cùng sự nhào lên, lộn xuống trong vòng tròn sinh tử ở 3 cõi 6 đường. Hãy sống thật chứ không nên dừng lại ở đầu môi chót lưỡi. Bởi lẽ chánh pháp chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng. Thế nên nếu chỉ ngồi ngắm trăng hoặc ôm giữ ngón tay thì vòng luân hồi thuận nghịch sẽ không rời xa bạn. Và… một ngày nào đó chánh pháp trong bạn bị nhạt nhòa, mai một,… bạn sẽ bị khổ não kiếp người dập vùi, bạn muốn thoát ra khổ đau, xa lìa sinh tử nhưng biết tìm đâu một chiếc bè đã từng đưa khách sang sông. Dẫu sao bạn cũng là người quyết định, tự chủ con đường mình đi trong muôn lối đạo đời).
Thôi nói để mà quên. Tôi không còn trách bạn nữa. Chúng ta sẽ là bạn tốt khi hiểu rõ về nhau. Tôi không trách bạn mà sâu kín tận đáy lòng tôi thầm cảm ơn bạn. Bởi dẫu sao thì cũng chính vì sự nông nổi, tham lam một thời của bạn mà tôi trở nên khôn lớn, trưởng thành hơn. Và có lẽ đã đến lúc tôi trả cho bạn chút ân tình vay mượn cũ, đã đến lúc tôi giúp lại bạn. Và về sau xem như chúng ta không ai nợ ai?

Vô ưu.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: