Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013

Hai truyện ngắn của Phạm Hải Vân:

HẬN HOA
phamhaivan 
Vũ Mạnh Tùng, nguyên dân phiêu bạt không có hộ tịch, ở cùng cha mẹ và hai chị gái trong một ngõ nhỏ trên Đê La Thành. Gia đình sống chủ yếu bằng nghề đánh cá trộm về đêm ở các ao hồ quanh đó. Tùng từ nhỏ không được học hành đến nơi đến chốn, vừa hơi lớn đã phải phụ giúp bố kiếm cơm; đêm làm, ngày ngủ, thành ra tái mù, vô học hoàn toàn. Trong nhà tìm cả ngày cũng không ra một cây bút, mảnh giấy. Được cái cao lớn, đẹp trai lạ thường. Làm nghề chài lưới, cơ bắp cuồn cuộn, mới mười sáu tuổi trông đã như ngoài hai mươi. Đàn bà con gái láng giềng, từ loại mới dậy thì đến đã có chồng con, đều thèm muốn Tùng. Thường kiếm cớ để cợt nhả, đụng chạm vào người mới thích.

Một buổi chiều muộn, Tùng đi thăm dò các hồ ao quanh vùng, chọn chỗ để tối hành nghề. Qua đoạn sông Tô Lịch đầy bèo rác bẩn, Tùng chú ý ngay đến một bó hoa mắc ở giữa dòng. Bó hoa rất đẹp, màu sắc rực rỡ như có hồn. Tùng vô học, không biết hôm ấy là ngày Mùng Tám Tháng Ba, Quốc Tế Phụ Nữ, hẳn có anh chàng nào tặng hoa không được nhận, phẫn chí ném xuống sông. Chỉ thấy mơ hồ bó hoa đẹp giữa lòng sông bẩn, trông giống như người con gái chết trôi, mà vẫn tươi tắn. Bèn lội xuống, vớt lên, cắp đi về nhà. Nhà Tùng chẳng bao giờ cắm hoa, nhưng trời đã sẩm tối, không ai để ý đến Tùng. Tùng bỏ hoa vào góc nhà, chẳng có bình lọ gì để cắm, mà cũng không nghĩ đến chuyện cắm nữa.

Tối đến cắp lưới đi làm với bố, gần sáng mới về, rửa chân tay qua loa rồi trải chiếu ngủ, quên hẳn chuyện bó hoa lúc chiều. Vừa lơ mơ chợp mắt, thấy có ai đụng vào người mình. Tỉnh ra nhận thấy tấm thân con gái, tay chân ôm quàng qua người, hơi ấm nóng thơm tho dễ chịu. Tùng chẳng ngạc nhiên: nhà Tùng cửa giả chống chếnh, con gái trong xóm biết chỗ Tùng nằm hơi riêng biệt, thường mò vào gạ gẫm. Tùng cũng ít khi chối từ. Chỉ hiềm đêm tối không trông thấy mặt, chẳng biết xinh xấu già trẻ ra sao. Sáng sáng ra ngõ cố nhìn vào mặt từng người, thấy ai cũng liếc mắt đưa tình, miệng cười mủm mỉm với mình, lại càng mù tịt. Lâu rồi sinh quen, cũng kệ. Nay lại thấy người này thân thể mịn màng, cử chỉ âu yếm, càng không ngần ngại. Đến lúc mệt, ngủ thiếp đi, người con gái bỏ về lúc nào không biết.

Gần trưa hôm sau Tùng tỉnh dậy, thấy người sảng khoái, bèn đi tắm rửa sạch sẽ. Khi ngồi vào mâm cơm, mẹ hỏi chuyện bó hoa ở góc nhà, mới sực nhớ ra. Liếc mắt nhìn, thấy vẫn tươi nguyên. Bèn cứ để đó.

Từ đấy đêm nào cũng thấy người con gái ấy đến. Riêng ra một kiểu khác hẳn, Tùng không thể lẫn với con gái khác trong xóm. Nhiều lần Tùng thì thào hỏi tên, nàng cứ im lặng không nói. Tùng nghĩ nàng ngại, không gặng nữa.

Có một điều lạ là bó hoa trong nhà Tùng, sau ngần ấy hôm vẫn không rụng một cánh. Lại như càng tươi tốt thêm ra. Cả nhà đều sợ, không hiểu ra sao. Mẹ Tùng đem chuyện ấy đi hỏi thầy bói. Thầy bói đáp rằng:đó là hoa đã thành tinh, không thể để trong nhà sinh họa. Phải trừ bằng cách đến đúng nửa đêm, đem ra giữa sông ngắt từng cánh mà thả xuống. Về nhà nói lại, Tùng nhất định không nghe, cho là chuyện bói toán nhảm nhí. Mấy hôm sau, nhân lúc Tùng đi làm vắng, mẹ sai hai chị đem bó hoa ra sông Tô Lịch, làm như lời thầy bói dặn. Cánh hoa rơi đầy mặt sông, nghe như có tiếng kêu khóc văng vẳng. Hai chị Tùng phát sợ, nắm tay nhau chạy một mạch về nhà.

Tùng trở về không biết chuyện, chỉ thấy như thiếu một cái gì. Đi nằm, quen lệ thức đợi người con gái mọi khi, mãi đến sáng không thấy lại, mệt ngủ thiếp đi. Hôm sau dậy, thấy người bải hoải chán chường. Nhìn vào góc nhà không thấy bó hoa đâu, hỏi biết sự tình, lại càng buồn bực. Mấy đêm liền, người con gái vẫn bặt tăm. Tùng nằm thao thức, thấy góc nhà mình nằm ẩm thấp, hôi hám, đời mình không có tương lai, chốc chốc lại thở dài mà cả nhà ngủ say không nghe thấy. Dần dà bọn con gái trong xóm lại mò sang. Tùng thấy chúng thô kệch, bẩn thỉu, vờ ngủ không tiếp. Ai làm quá thì hắt hủi, đuổi ra. Ban ngày ra đường thấy ai cũng ngoảnh đi, không thèm nhìn mặt mình, càng thêm chán nản. Về nhà lại nhớ đến bó hoa đẹp như một người con gái trong mơ, nhớ mùi hương quen thuộc dễ chịu biết chừng nào.

Từ đó Tùng ngày một gầy mòn, không đảm đương nổi công việc nặng nữa. Cuối cùng sinh bệnh, võ vàng úa héo. Bọn con gái trong xóm nhìn Tùng như nhìn vào bức vách, đến nỗi Tùng đâm ngờ những người ăn nằm với mình khi trước là ở xóm khác, vùng khác đến. Mẹ Tùng đi xem bói, thầy bảo Tùng bị ma làm, cứ cưới vợ cho thì khỏi. Mẹ Tùng nghe lời, dạm hỏi con gái một bà bạn bên Trại Nhãn. Nhà tuy không giàu nhưng tươi tắn, có học, lại là cô giáo cấp một hẳn hoi. Cô ta vẫn biết Tùng, nghe thấy là thích mê đi. Tùng thì chán ngán, chẳng buồn phản đối. Cưới xong ít lâu, quả nhiên Tùng khỏi bệnh.

Vợ Tùng là người có học, yêu đời, thường mua hoa về cắm đầy nhà. Ai cũng khen nàng dâu mới khéo tay, có mắt thẩm mỹ. Chỉ riêng Tùng chẳng buồn ngó đến. Nhìn những bông hoa nhạt sắc, phai hương, vừa nở đã tàn, Tùng lại bần thần như nhớ tiếc một cái gì đẹp đẽ, đã qua.

TINH CHUỘT
phamhaivan 

Dương Đức Bình, người Hải Phòng về Hà Nội học đại học. Nhà cũng có của, không chịu ở ký túc xá, thuê một căn gác nhỏ phía sau Gò Đống Đa; thường tụ tập bạn hữu rượu chè trác táng thâu đêm, chủ nhà rất khó chịu mà chưa nói gì.

Một đêm, đi uống rượu ở nhà bạn dưới Láng về khuya, Bình rẽ tắt qua bãi rác thành phố cho gần. Trời hè, trăng mười bốn sáng như ban ngày; Bình phanh ngực áo đón gió, tay lái loạng quạng trên đường vắng.

Đến cuối bãi rác, chợt thấy một bóng đội nón trắng. Rõ ra một người con gái ăn mặc xoàng xĩnh, cắp một thúng to, rảo bước đi trước một đoạn. Bình cố đạp theo. Gặp quãng đường xấu, phải xuống xe dắt bộ, tới đầu hồ Hoàng Cầu mới bắt kịp. Dấn lên xem mặt, cô gái vội cúi xuống; Bình vẫn kịp nhìn ra một khoảng má bầu trắng mịn, cặp môi hồng dưới ánh trăng.

Lúc ấy, hai người đã ra tới giữa quãng bờ dài. Gió hồ lồng lộng thổi, nước động lao xao bóng trăng. Sẵn say, Bình dựa xe vào bụi duối ven đường, hai tay ôm choàng lấy cô gái. Nàng vội ngồi thụp xuống, đặt thúng cạnh người. Nón lật ra sau, để lộ mái tóc ngắn mềm mại và cặp mắt long lanh trong sáng, như không hề sợ sệt điều gì. Bình điên cuồng hôn lên đôi mắt ấy. Mắt vừa khép lại, nàng đã nặng trĩu trên tay Bình. Da thịt nàng dưới trăng như bằng ngọc, bằng ngà, lại mát lạnh. Trong cuộc đời ăn chơi, chưa bao giờ Bình thỏa mãn đến như thế.

Còn đang quyến luyến, chợt có tiếng chó sủa rất gần. Nàng vùng ngay dậy, sửa lại áo quần, nhớn nhác sợ hãi. Ánh đèn pin loang loáng, Bình đoán là người săn chuột. Vừa toan trấn an thì nàng đã vụt bỏ chạy vào bụi cây ven hồ. Người săn chuột cũng tới nơi, chiếu đèn pin thẳng vào mặt Bình. Thấy Bình ăn mặc sơ sài, mặt rất tức giận, y mỉm cười, huýt sáo gọi chó rẽ sang ngả khác. Bình vừa mặc quần áo vừa thất thểu ngó quanh tìm nàng, không thấy bóng dáng đâu cả. Lại ân hận chưa kịp hỏi tên nàng mà gọi tìm, đành ngậm ngùi quay lại lấy xe về nhà trọ. Chợt thấy cái thúng của nàng vẫn đó, Bình giở ra xem, sững sờ thấy toàn là tiền, vàng, châu báu ở trong. Tự hỏi, nàng là ai, ở đâu ra mà nhiều của thế. Không tự trả lời nổi, âu là cứ bê về, chứ không lẽ vứt đây. Lại lo ôm một thúng vàng đi đêm giữa đồng không mông quạnh, mất mạng cũng nên. Thì vừa hay, trong mảnh lụa đậy thúng rơi ra một thanh dao dài, nhọn, sáng trắng dưới trăng. Bình yên tâm, cầm dao, đặt thúng lên xe, dắt một mạch về nhà. Tới nhà, đem thẳng lên gác, đặt dưới gầm giường, cài cửa kỹ mà vẫn nắm con dao lên giường. Mệt quá, ngủ thiếp ngay đi.

Sáng hôm sau, Bình tỉnh giấc, người đau ê ẩm. Mường tượng lại chuyện đêm qua như một giấc mơ. Vùng dậy, xuống giường lôi cái thúng ra, lật vải che lên, thấy toàn mảnh ni-lông rách đủ màu, hôi hám không chịu nổi. Nhìn sang bên, con dao buông rơi xuống đất trong lúc ngủ, thấy chỉ là cái que sắt của những người đi cời rác ngoài bãi, đầu mài nhọn đến sáng trắng ra.


ĐIẾU CÀY
phamhaivan
"Nhớ ai như nhớ thuốc lào"
Đặng Vi Yên, người gốc Hoa, ngụ cư lâu đời ở nội thành Nam Định. Yên vóc dáng tầm thước, khoẻ, thông minh, sống rất điều độ, lành mạnh. Mỗi tội nghiện hút thuốc lào từ ít tuổi. Khi Yên lên Hà Nội học đại học, hành trang có một chiếc điếu cày.

Chiếc điếu này Yên tự tay làm từ tre tốt, dáng thon đẹp, nõ cũng bằng tre. Dùng đã lâu năm, điếu lên nước nâu bóng; tiếng giòn, khói đượm, Yên rất quý.

Nhân gia đình còn chút của cũ, Yên thuê một túp nhà nhỏ ngay gần trường. Ngày ngày tự lo ba bữa cơm, Yên không bao giờ đi học muộn. Bạn bè cùng trường thấy Yên ở một mình, thường tụ tập chơi bời ở nhà Yên, cũng có khi chỉ đến để ngủ trưa. Lại mua trữ sẵn rượu và thuốc lào, góp vài chiếc cả điếu cày lẫn điếu bát. Trong nhà Yên ngọn đèn dầu không bao giờ tắt.

Được độ hai năm, Yên sinh chứng ho, càng ngày càng nặng. Cổ họng đau rát, kém ăn mất ngủ, gầy rộc hẳn đi, ngậm thuốc gì cũng không khỏi. Yên quyết định bỏ thuốc lào. Khốn nỗi ngồi nhìn người khác hút suốt ngày đêm, thèm không nhịn nổi. Yên bèn cất đèn, giấu điếu, cáo bệnh chối khách. Bạn bè thưa thớt dần, bệnh Yên cũng từ từ thuyên giảm. Những điếu cũ mỗi bạn cắp đi một chiếc, riêng chiếc điếu đem từ Nam Định lên Yên nhất định không cho ai. Chẳng phải để phòng có ngày hút lại, chỉ vì đã quá gắn bó với nhau, không nỡ trao vào tay người khác.

Qua nửa năm sau, chẳng thuốc thang gì, bệnh Yên khỏi hẳn. Yên sống còn điều độ hơn trước, tập cả khí công dưỡng sinh. Song không uống rượu hút thuốc, Yên lại sa vào một đam mê mới. Đó là một người con gái ở gần nhà.

Người con gái này Yên mới gặp vài bận gần đây. Khi thì rửa chân bên máy nước, khi thì hóng mát cạnh hồ, lúc nào trông cũng xinh xắn, đáng yêu. Tuổi chừng rất trẻ, chỉ độ mười lăm, mười sáu, dáng thon thả yểu điệu. Chỉ phải cái khuôn mặt lúc nào cũng phảng phất buồn rầu, không mấy khi tươi cười. Yên đoán chắc nàng phải có tâm sự không vui, hẳn là chuyện gia đình khác người. Chỉ riêng những lần gặp Yên, nàng đều nhìn âu yếm và hơi mỉm cười. Yên thì thấy như đã yêu nàng từ kiếp trước rồi. Đêm trăng sáng ấy, gặp nàng ở con đường nhỏ trong xóm, Yên rủ vào nhà chơi, nàng nhận lời ngay. Từ khi hỏi chuyện làm quen đến lúc Yên bế lên giường, nàng đều giữ vẻ mặt u buồn cũ. Chỉ đến khi hai người sung sướng tột độ, nàng mới bật cười thành tiếng. Yên trước đó chưa gần gũi con gái bao giờ, cũng không thấy có gì lạ, cứ tái diễn vài lần cho thỏa thích. Đến quá nửa đêm, nàng đòi về, chỉ cho Yên đưa đến chỗ hồ nước sau nhà.

Từ đó đêm nào cũng lại, chiều chuộng Yên y như đã rất thành thục. Chỉ có điều không bao giờ chịu cho tắt hết đèn trong phòng, đòi phải để một ngọn đèn dầu leo lét bên giường. Yên nghĩ nàng sợ ma nên cũng chiều; hơn nữa được ngắm khuôn mặt xinh đẹp của nàng trong trong lúc đầu gối tay ấp, lại càng thỏa mãn.

Được một thời gian, bạn bè để ý thấy Yên gầy hẳn đi, sinh nghi hỏi han, Yên giữ kín không nói. Nhưng cũng tự thấy mình xuống sức, nhất là cổ họng đau lại, tức ngực khó thở, Yên bỏ cả tập khí công. Bị ho còn nặng hơn trước, Yên đâm ngờ trước bệnh cũng không phải tại thuốc lào, hoang mang chán nản. Nhân một bữa ngồi quán nước trong trường, Yên nghiễm nhiên vê một điếu, châm lửa hút trước con mắt kinh ngạc của chúng bạn. Lạ ở chỗ Yên bỏ đã lâu không hút mà không hề bị sặc khói hay say quá, lại thấy thuốc có phần hơi nhẹ. Nhân thể Yên hút liền ba bốn hơi. Bạn bè rất mừng, toan bàn chuyện lại tụ tập ở nhà Yên, Yên nhất định gạt đi.

Tối hôm ấy đợi mãi không thấy tình nhân tới, Yên rất khó ngủ. Qua mấy hôm sau mới lại, vẻ hờn giận in hằn nơi khóe miệng, không chịu nói với Yên một lời. Gặng mãi thì nàng khóc, rồi trách Yên không chung tình, đòi cắt đứt quan hệ. Yên cuống cả người, thành thật thanh minh là mình oan uổng. Van xin mãi nàng mới nguôi.

Hôm sau, Yên tìm chiếc điếu cũ cất dưới giường, đem ra đánh rửa sạch sẽ để hút lại. Thấy nõ điếu đóng cao sái dày, Yên tháo hẳn ra, cạo sạch, rồi bỏ đi mua thuốc lào, quên chưa lắp lại.

Đem thuốc lào về tới ngõ, Yên gặp ngay người anh cả ở quê lên thăm, đang đứng ngóng em. Yên vốn hiếu đễ, gặp anh mừng lắm, dặn anh ở nhà tắm rửa nghỉ ngơi, mình chạy ra chợ mua thức ăn về làm cơm thết. Trên đường quay về sực nghĩ ra điều bất tiện, áy náy không vui. Trong bữa cơm Yên lựa lời xin lỗi anh, nói dối là đang kỳ thi, tối có bạn đến cùng học, không còn chỗ cho anh ngủ. Anh Yên vốn ít học, chất phác, nghe vậy bèn xuề xòa gạt đi. Cơm nước xong, thu xếp hành lý vào ngủ nhờ nhà bà con trong phố.

Anh Yên vừa đi khỏi, cô gái đến ngay. Trông tươi tỉnh hơn mọi ngày, nhưng lại có vẻ gì bứt rứt khó tả. Đến khi Yên thắp đèn dầu, tắt điện kéo nàng vào giường, nàng một mực chống cự, không chịu. Lấy làm lạ hỏi, nàng cáo rằng đang kỳ thấy tháng, phải kiêng. Lâu nay đi lại, Yên chưa từng nghe chuyện ấy bao giờ. Song vì ít hiểu biết nên không để ý, đến nay mới đâm ngờ. Bèn ra chiều lả lơi ôm ấp, bất chợt đưa tay rờ vào chỗ kín của nàng. Lạnh người vì không thấy như đã quen, dưới lớp vải quần chỉ là một lỗ hổng lớn. Bị lộ, nàng vùng ra toan chạy, Yên lôi lại được, muốn kéo quần nàng ra xem cho rõ. Bỗng thấy tay tóm vào khoảng không, mất đà suýt ngã, người con gái đã biến mất. Khi ấy mới biết là không phải người. Bật đèn ngó quanh, chỉ thấy chiếc điếu mới rửa lúc chiều, còn quên chưa tra nõ. Lấy lên định lắp vào để hút qua đêm, bàn tay bỗng dừng lại nửa chừng, như chợt nghĩ ra một điều gì. Rồi quả quyết mang điếu ra sân, châm lửa đốt. Mồi mãi mới bén. Khi lửa đã lan kín thân điếu, có tiếng nổ khẽ, ống điếu nứt toác ra. Từ trong đó khói xanh ở đâu đùn ra cuồn cuộn, đặc sánh không tan, mùi thuốc lào thơm ngát. Riêng nõ điếu Yên không đốt, giữ làm kỷ niệm.

Từ đó không ai thấy Yên hút thuốc lào nữa. Chỉ sáng sáng ra tập thở hàng giờ đồng hồ. Bệnh ho khỏi hẳn, thể trạng rất khỏe. Giờ chỉ cần nghe tiếng rít điếu cày, Yên đã bủn rủn chân tay, tưởng như nghe thấy điệu cười khúc khích của người con gái ấy./.





















































































































































































Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: