Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

Báo của Bộ Quốc phòng (2011):

 Ngoại cảm chỉ đạo hải quân tìm được hài cốt trôi dạt của một chính trị viên, kết quả giám định là chính xác !

Gia đình Anh hùng Nguyễn Văn Hiệu năm 1971. (Ảnh do gia đình cung cấp)

Trích một đoạn liên quan trong bài trên QĐND (đăng vào tháng 9/2011):

"Không ngờ, điều mong ước tưởng như viển vông đó của con cháu Anh hùng Nguyễn Văn Hiệu lại trở thành hiện thực. 37 năm sau ngày ông mất, một người cháu ngoại của ông đã nhờ các nhà ngoại cảm thuộc Liên hiệp Khoa học-Công nghệ tin học ứng dụng (UIA) giúp đỡ. Theo chỉ dẫn của các nhà ngoại cảm, con cháu ông và cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân đã tìm kiếm suốt một tuần trên bãi cát ven đảo Phú Quốc. Họ đã tìm thấy phần hài cốt còn lại của ông, theo gió mùa Tây Nam năm ấy trôi dạt vào bờ đảo Phú Quốc, tấp vào một gốc cây dương, vùi sâu trong lớp cát vàng gần 6m ven bờ biển. Dẫu không còn nguyên vẹn, nhưng một phần hài cốt sau đó được Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) giám định, khẳng định chính xác đó là hài cốt người Anh hùng Nguyễn Văn Hiệu đã làm con cháu ông và biết bao đồng đội được an ủi phần nào. "

Không biết hồ sơ xác định ADN thành công này đang ở đâu. Và các nhà ngoại cảm nào đã tham gia vào công việc. Phải bái phục họ, vì họ không chỉ tìm được xác nằm trong lòng đất, mà còn tìm cả được hài cốt trôi dạt nữa.

Toàn văn bài báo như dưới đây.

Chân dung Chính trị viên của đoàn tàu không số (Kỳ 3)
QĐND - Thứ Sáu, 23/09/2011, 19:38 (GMT+7)
Kỳ 3: Anh hùng Nguyễn Văn Hiệu - sự “trở về” kỳ diệu
QĐND - Ông đã trở về với quê hương, đồng đội sau gần 40 năm diễn ra trận đánh bi tráng, quyết tử của Tàu 645 trên vùng biển Phú Quốc ngày 24-4-1972. Hôm đó, Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu đã giành sự hy sinh về mình để bảo vệ đồng đội trước vòng vây siết chặt của quân thù giữa Biển Đông dậy sóng. Ai cũng nghĩ thân thể ông đã tan hòa vào đại dương mênh mông. Nhưng ông đã trở về bằng “con đường huyền thoại” như lúc ra đi.
13 chuyến xuất quân thắng lợi
Những ngày này, ngôi nhà nhỏ số 9/299, phố Ngô Gia Tự (Hải An, Hải Phòng) tấp nập khách ra vào; mà hầu hết đều là phóng viên các cơ quan báo chí. Hết báo nọ đến báo kia, truyền hình phỏng vấn rồi phát thanh thu âm… nhưng người chủ của ngôi nhà, cựu chiến binh Thẩm Hồng Lăng vẫn nở nụ cười, tay đưa lên gạt những giọt nước mắt xúc động. Suốt 40 năm qua, ký ức về trận đánh quyết tử và những hình ảnh cuối cùng của Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu luôn sống cùng ông. Nhiều đêm, ông mơ gặp lại chính trị viên, được chính trị viên nhắc nhở nhiều điều để giữ gìn phẩm chất của người đảng viên cộng sản. Để rồi khi thức giấc, cả một miền kỷ niệm về Anh hùng Nguyễn Văn Hiệu lại bừng thức trong ông.
Anh hùng Nguyễn Văn Hiệu. Ảnh tư liệu.
“... Đó là chuyến đi thứ 14 của Tàu 645 chúng tôi” - ông Thẩm Hồng Lăng kể. “13 chuyến đi trước đó, dù đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách; nào địch tuần tra, tuần tiễu gắt gao; nào máy bay, hạm đội của Mỹ bám riết, rình rập; rồi bão tố, phong ba của biển cả… nhưng tàu chúng tôi đều hoàn thành nhiệm vụ trở về”.
Tàu 645 là niềm tự hào của cán bộ, thủy thủ Đoàn tàu không số. Nếu như toàn Lữ đoàn tự hào về Tàu 645 thì toàn tàu lại tự hào về cặp thuyền trưởng - chính trị viên dày dạn kinh nghiệm biển cả và trận mạc của mình. Đặc biệt, Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu lúc ấy 40 tuổi, người con của quê hương giàu truyền thống cách mạng Thăng Bình (Quảng Nam) là anh cả của tàu. Anh dáng mảnh khảnh, nhỏ nhắn, tính tình hòa đồng, được mọi người rất quý mến. Các thủy thủ trên tàu phần đông đều mới ngoài đôi mươi. Vì vậy, không ít lần, chiến sĩ trẻ Thẩm Hồng Lăng lại thấy Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu giấu đi nỗi thương thầm những đứa em trai trẻ, vô tư của mình sau mỗi lần anh nói chuyện về tinh thần "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".
“Về báo cáo với Đoàn, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ”
Chuyến xuất quân lần thứ 14 chở hơn 70 tấn vũ khí vào chi viện cho Khu 9 ấy gặp trục trặc ngay từ đầu. Hai lần xuất bến, tàu đều bị địch bám riết, theo dõi, đành phải quay lại. Lần thứ ba, xuất hành ngày 12-4-1972 lúc đầu trót lọt, tàu đã vờ vòng lên đảo Hải Nam (Trung Quốc), đi trên các vùng biển quốc tế, xuôi xuống phía biển Phi-líp-pin, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a. Ngày 23-4-1972, tàu tới vùng biển Phú Quốc, sau đó lại chuyển hướng về phía đảo Cô Công (Cam-pu-chia), cách Phú Quốc chừng 60 hải lý với ý định chờ tối sẽ vào. Đầu giờ chiều, tàu nhận được điện của Sở chỉ huy báo cho biết: Đêm nay sẽ có thuyền đón ở mũi Cà Mau. Nhưng sẩm tối lại có điện khẩn: "Bến động". Thế là thuyền trưởng lại lệnh quay ra hải phận quốc tế. Đêm 23-4, một chiếc tàu lớn của địch đi tuần từ hướng Vịnh Thái Lan phát hiện ra Tàu 645. Chúng đánh tín hiệu hỏi tàu từ đâu đến và đi đâu. Tàu 645 bình tĩnh trả lời: "Từ Trung Quốc xuống, bị lạc". Địch phát tín hiệu dừng tàu. Tàu 645 lập tức tăng tốc nhằm chạy thoát khỏi tầm truy đuổi của địch. Lập tức địch gọi máy bay bắn pháo sáng. Trong ánh pháo sáng chói lòa, Tàu 645 đã nhìn rõ phía trước còn có 3 tàu địch. Như vậy, tàu đã bị vây kín tứ phía.
Cuộc lẩn tránh của Tàu 645 kéo dài trong đêm cho đến sáng 24-4. Khi trời sáng rõ, địch xác định đây là tàu "Cộng sản Bắc Việt", chúng lập tức dùng loa dụ hàng và nổ súng uy hiếp. Một số thủy thủ hy sinh, tàu bị trúng đạn, sàn thủng lỗ chỗ. Đến gần trưa, địch bắn một quả đạn lớn trúng vào xích lái khiến Tàu 645 quay tròn, không điều khiển được nữa. Trước tình thế khẩn cấp, Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu hội ý và thống nhất để Thuyền trưởng Lê Hà chỉ huy các thủy thủ còn sống nhảy xuống biển bơi vào bờ nhằm bảo toàn lực lượng, còn anh ở lại chiến đấu cầm chân và phân tán sự chú ý của địch, sau đó sẽ điểm hỏa bộc phá hủy tàu, phi tang vũ khí, hàng hóa. Thủy thủ Thẩm Hồng Lăng có ý muốn nán lại cùng Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu rời tàu cuối cùng. Anh giúp chính trị viên thu thập tài liệu để hủy. Hiểu ý Lăng, anh Hiệu nói như ra lệnh nhưng ánh mắt anh nhìn Lăng trìu mến, thiết tha: “Lăng, nhảy xuống biển bơi cùng anh em đi. Em còn trẻ, còn cống hiến cho cách mạng nhiều hơn. Đi đi, anh cũng sẽ an toàn".
Thời gian không cho phép chậm trễ, Lăng đành nghe lời chính trị viên, mặc áo phao nhảy xuống biển. Anh bơi ra thì gặp hoàn cảnh ngặt nghèo, phần lớn anh em bị thương nên phải cụm nhau lại thành một khối, vừa bơi vừa dìu nhau. Anh Hiệu cũng nhìn thấy cảnh đó nên đã cố lùi thời gian điểm hỏa. Nhìn về phía con tàu, Lăng hiểu: Chậm điểm hỏa thêm phút nào thì tính mạng của chính trị viên bị đe dọa thêm phút ấy. Anh em dưới biển thì cũng cố nán lại đợi chính trị viên. Trước tình thế lừng chừng đó, anh Hiệu quát to: "Các đồng chí khẩn trương rời xa tàu. Về báo cáo với Đoàn là tôi đã hoàn thành nhiệm vụ. Xin gửi tới anh em lời chào chiến thắng". Khi Lăng đã nhập được vào tốp anh em bơi trên biển và ở một khoảng cách đáng kể, Nguyễn Văn Hiệu mới bình tĩnh nổ tàu.
Một ánh chớp lóe lên, kế đó là tiếng nổ cực mạnh, cột lửa đỏ bùng lên cùng với cột sóng cao hàng chục mét gầm lên giữa biển xanh. Tàu 645 chìm dần và Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu đã ra đi như thế.
Lúc đó là trưa 24-4-1972. Thuyền trưởng Lê Hà cùng 15 thủy thủ còn lại của Tàu 645 sau đó đều bị địch dùng trực thăng và tàu quây bắt trên biển, rồi đưa vào giam ngay tại nhà tù Phú Quốc. Tháng 3-1973, sau Hiệp định Pa-ri, các anh được địch trao trả, trở về với đồng đội.
Sự trở về kỳ diệu
Sau ngày 30-4-1975, đất nước thống nhất, Thuyền trưởng Lê Hà trở về quê hương Bà Rịa-Vũng Tàu lập nghiệp. Thủy thủ Thẩm Hồng Lăng không về quê mà ở lại Hải Phòng xây dựng gia đình. Nhà anh ở khá gần với nhà Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu. Nơi anh có thể thi thoảng ghé sang kể cho 4 đứa con nhỏ của Chính trị viên về hành động anh hùng của người cha. Năm 1978, Nhà nước truy tặng liệt sĩ Nguyễn Văn Hiệu danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Gia đình Anh hùng Nguyễn Văn Hiệu năm 1971. (Ảnh do gia đình cung cấp)
Hằng năm đến ngày 24-4, ngày Tàu 645 chìm, cũng là ngày giỗ của ông, đông đảo đồng đội của Đoàn tàu không số đều hẹn đến nhà Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu để thắp nén hương tưởng nhớ ông. Một điều may mắn, hạnh phúc là cả 4 người con của người chính trị viên anh hùng ấy đều học hành tiến bộ, trưởng thành. Trong thâm tâm, mọi người đều nghĩ, cũng như 96 liệt sĩ khác của Đoàn tàu không số, thân thể liệt sĩ Nguyễn Văn Hiệu có lẽ đã hòa tan trong lòng đại dương mênh mông. Chỉ có con cháu ông, đặc biệt là người con trưởng Nguyễn Đình Phương mong mỏi vào điều kỳ diệu là biết đâu thân thể của cha mình dạt vào đâu đó trong mênh mông đất trời Tổ quốc và sẽ có ngày ông hiển linh báo cho con cháu biết đến tìm.
Không ngờ, điều mong ước tưởng như viển vông đó của con cháu Anh hùng Nguyễn Văn Hiệu lại trở thành hiện thực. 37 năm sau ngày ông mất, một người cháu ngoại của ông đã nhờ các nhà ngoại cảm thuộc Liên hiệp Khoa học-Công nghệ tin học ứng dụng (UIA) giúp đỡ. Theo chỉ dẫn của các nhà ngoại cảm, con cháu ông và cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân đã tìm kiếm suốt một tuần trên bãi cát ven đảo Phú Quốc. Họ đã tìm thấy phần hài cốt còn lại của ông, theo gió mùa Tây Nam năm ấy trôi dạt vào bờ đảo Phú Quốc, tấp vào một gốc cây dương, vùi sâu trong lớp cát vàng gần 6m ven bờ biển. Dẫu không còn nguyên vẹn, nhưng một phần hài cốt sau đó được Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) giám định, khẳng định chính xác đó là hài cốt người Anh hùng Nguyễn Văn Hiệu đã làm con cháu ông và biết bao đồng đội được an ủi phần nào. Ông đã được con cháu và đơn vị "đưa về" thăm quê hương Thăng Bình (Quảng Nam); và cũng theo hành trình con đường tham gia hoạt động cách mạng, từ Thăng Bình trở ra yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Hải Phòng. Ông đã sống và chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp, hy sinh như một huyền thoại và “trở về” cũng như một huyền thoại.
----------
Kỳ 4: Người cầm ngọn cờ chuẩn của Tàu 56
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: