Cái xã hội mà bạn đang sống trong là một mớ bòng bong đầy những lằng nhằng trói buộc bạn. Còn bạn, bạn không phải là một cỗ máy.
Trong bài viết này tôi xin được phân tích sơ qua những nhận định của tôi về một phần nhỏ trong nét tính cách chung của con người Việt Nam đã tạo ra những sợi dây ràng buộc như thế nào, và về lựa chọn của cái tôi cá nhân trong xã hội này.
Xã hội Việt Nam có gì?
Có ai đó đã từng ví von xã hội Việt Nam bây giờ giống một bầy cua trong chậu : có con trèo thì tự khắc có con kéo nó lại, kết quả rằng chúng mãi ở trong cái chậu chẳng thể thoát ra. Ở đây, tôi lại dùng hình ảnh một mớ dây hỗn độn, ngoắc với nhau, buộc vào nhau, càng kéo ra thì càng thít chặt lại, khó gỡ vô cùng. Vậy, những sợi dây này từ đâu mà ra?
Tâm lý dân tộc và biến tướng – sợi dây đầu tiên
“Chủ nghĩa yêu nước là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử Việt Nam từ cổ đại đến hiện đại.” (1)
Sự thật đúng là như vậy, người VN chúng ta cả ngàn đời nay luôn tự hào về nguồn gốc Con Rồng Cháu Tiên với những đức tính nổi bật như siêng năng, cần cù, hiếu học, chịu thương chịu khó, kiên trì, đoàn kết, đùm bọc, xả thân vì nghĩa lớn,… ngồi cả ngày kể cũng chẳng hết. Chính tâm lý dân tộc khiến người Việt Nam đoàn kết lại, sẵn sàng chìa tay ra giúp đỡ những người không quen biết trong cơn hoạn nạn, đồng tâm hiệp lực đánh giặc ngoại xâm. Nhưng trở về đời sống hàng ngày chúng ta co gì? Hay nên hỏi liệu chúng ta có đang quá khiên cưỡng huyễn hoặc về bản thân mình khi giờ đây cái tâm lý dân tộc ấy đã bị biến tướng thái quá để rồi trở thành những sợi dây tệ lậu mà người ta vẫn tự mua lấy để buộc mình?
Chúng ta buộc mình đầu tiên bởi cái dây hội chứng bầy đàn. Tính cộng đồng của người Việt khi được đề cao quá mức, nó thể hiện ở xu hướng kìm hãm những phát triển cá nhân hay đào thải sự khác biệt. Đỗ Nhật Nam, Huyền Chip, Lễ Nguyễn Quỳnh Anh là những nhân vật gần đây được làm cho nổi tiếng bởi văn hóa ném đá trên mạng. Những phát ngôn “bất thường” của họ được những kẻ trên-tay-có-đá (2) vin vào “giường cột đạo lý” để mạt sát, chỉ trích con người họ. Tâm lý bầy đàn, thích bài trừ sự khác biệt đã tạo ra một đám đông giận dữ chỉ biết ném đá, cậy đông hiếp yếu, chửi cho đã cái mồm mà ít biết nhìn nhận con người như cách họ nhìn nhận chính mình. Một đám đông đòi hỏi người khác phải biết giữ lễ nghĩa, trong khi họ chẳng tôn trọng cái cá nhân của mỗi con người. Một đám đông thiếu lòng vị tha, đủ lời ngụy biện, và thừa sự phán xét.
Thứ hai, người Việt Nam ta cảm thấy tự hào vì nước ta có những vị tướng huyền thoại như Võ Nguyên Giáp hay Trần Hưng Đạo, có những người được trao giải Nobel hay Field như Lê Đức Thọ và Ngô Bảo Châu. “Cần cù”, “hiếu học”, “nhẫn nại”,… hàng ngày ta vẫn bước ra đường với những huân chương lấp lánh như thế trên người. Nhưng thử bước vào công viên, quán cà phê hay hàng nét và 24/7 ta thấy vô số người đang lê la trà đá, chơi game, buôn chuyện giết thời gian, đủ mọi thành phần từ học sinh cấp 2 đến nhân viên công sở. Chúng ta có thể viện cớ này, bám lý nọ rằng họ là những con sâu làm rầu nồi càng nhưng chúng ta đang phí phạm thời giờ của xã hội để biến thành những sợi dây cột chặt đất nước này lại mà thôi. Chúng ta có thể mãi tự hào về quá khứ, về một vài nhân vật, để rồi quên mất rằng chính chúng ta cũng là bộ mặt của đất nước này, cũng là tương lai của Việt Nam này.
Trí tuệ dân tộc – sợi dây thứ hai
Tuy rằng được đánh giá rằng có một nhận thức về dân tộc rất cao, nhưng người Việt Nam lại được nhà cách mạng Phan Bội Châu miêu tả :
“(…)Hay nghi kỵ lẫn nhau, không làm nên việc gì cả, đó là điều rất ngu thứ nhất. Tôn sùng những điều xa hoa vô ích, bỏ bễ những sự nghiệp đáng làm, đó là điều rất ngu thứ hai. Chỉ biết lợi mình mà không biết hợp quần, đó là điều rất ngu thứ ba. Thương tiếc của riêng, không tưởng đến việc ích chung, đó là điều rất ngu thứ tư. Biết có thân mình nhà mình mà không biết có nước, đó là điều rất ngu thứ năm.”
Người Việt Nam đã thể hiện sự thông minh xuất chúng của mình qua việc dò sóng nghe trộm tin mật của Mĩ bằng đài radio, qua đường mòn Hồ Chí Minh – “một trong những thành tựu vĩ đại trong kỹ thuật quân sự thế kỷ 20” (3)… nhưng khi quay trở về cuộc sống bình thường lại bộc lộ ra tính cách tư hữu, lý sự, khôn lỏi, óc bè phái, thích xa hoa. Đặc biệt nhiều người sử dụng trí thông mình để lách luật, lừa đảo người khác, hay lợi dụng kẻ hở trong bộ máy để trục lợi, đặc biệt còn sử dụng trí thông minh của mình để bao biện cho những tính xấu của chính họ. Nhỏ là học sinh thì tìm cách quay tài liệu, lớn lên thì là tiêm thuốc vào rau củ quả, bòn rút vật liệu thi công. Nghiêm trọng hơn nữa là vụ việc tinh vi giấu xác nạn nhân để cản trở quá trình kết án. Người ở nước ngoài thì giấu rau củ quả đợi đến giờ giảm giá đem ra thanh toán, mua đồ trả góp trước khi về nước, tự lái xe đâm vào cây để được bảo hiểm, đỡ phải trả phí rác thải. Trí thông minh ngắn hạn được tận dụng triệt để ở mọi tình huống, mọi môi trường mà chẳng lường trước những hậu quả lâu dài.
Điều quan trọng nhất là khi những thói quen xấu sử dụng chất xám để chống đối hay làm cho qua chuyện dần dần ăn vào nếp sống người Việt, được biện minh bằng vô số những cái mác hoa mỹ, bỗng khiến cho “liêm chính”, “mô phạm” mới trở thành những hiện tượng lạ cần xem xét. Ngoài ra, chúng ta cũng có một bản năng đổ lỗi cho ngoại cảnh hay người ngoài. “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” là thế nhưng khắp nơi ta nghe đầy những phàn nàn, than thở : phụ huynh lên án đạo đức người thầy; giáo viên chỉ trích học sinh bê tha, lười biếng; học sinh đổ lỗi cho hệ thông giáo dục; ngành này thì vun cớ sang cho ngành khác, bệnh nhân trách móc y đức, bác sĩ đổ lên cơ sở vật chất; người ỷ lại vào thiên tai, người oán thán chính phủ;…mà chẳng ai nhận ra bản thân mình cũng đầy khiếm khuyết và thiếu sót. Ai cũng đòi tự do, bình đằng trong khi còn thiếu hiểu biết, kiến thức về trách nhiệm về luật pháp. Chẳng ai chịu nhận lỗi, chẳng ai chịu thay đổi, muốn thay đổi cũng khó lòng thay đổi, khi mà cả một cơ chế từ cao xuống thấp đều có vấn đề.
An phận thủ thường – Sợi dây thứ ba
Đây là sợi dây khó cắt nhất, vì nó khó nhận biết, dễ đánh lừa con mắt mọi người. Nó còn được biết đến với cái tên “hội chứng con bò” (4). Văn hóa Việt Nam đi lên từ văn hóa làng, văn hóa lúa nước, nên con người Việt Nam vẫn còn nặng tư duy tiểu nông. Tư duy tiểu nông trong văn hóa của người Việt có thể được nhìn thấy ở tất cả mọi nơi : cách làm việc thiếu khoa học, suy nghĩ chưa sâu sắc, tiếp cận vấn đề còn nông nổi, thói ngã mạn và dễ ảo tưởng về khả năng của mình. Nhiều tư tưởng văn minh của nước ngoài đã bị bóp méo khi tiếp cận với Việt Nam như sống thử, tự do ngôn luận, quyền bình đẳng, tự do cá nhân… do sự tiếp nhận dễ dãi, hời hợt thay vì hiểu trọn vẹn bề sâu văn hóa. Chúng còn khiến chúng ta mắc nặng bệnh thành tích, dễ thỏa hiệp, tôn sùng phù phiếm.
Không chỉ dừng lại ở đó, sợi dây an phận thủ thường chính là tác nhân kìm hãm sự thay đổi trong lòng xã hội Việt Nam. Dân tộc Việt Nam so với dân tộc khác thì có phần siêng năng, chịu khó hơn nhưng lại thích dễ dãi và ổn định. Chính điều này làm chúng ta có những thế hệ học sinh chăm chỉ học hành nhưng lại lười tiếp cận vấn đề theo cách mới, ít khi tìm hiểu những kiến thức nằm ngoài sách vở, thiếu khá năng ứng dụng thực hành. Chúng ta có những nhân viên đến cơ quan còn hội họp nhiều hơn làm việc, dễ luồn cúi, cầu cạnh, xin xỏi hơn là chứng minh khả năng của bản thân. Thử hỏi, một xã hội đầy đẫy đám mây đen ngòm xám xịt như thế lấp tịt bầu trời, thì lấy đâu những tia hy vọng cho những cái cây văn minh phát triển. Và nếu những cái cây không thể lớn lên, không thể sống được, thì còn bao lâu nữa để đến cái ngày mà chúng ta ngộp thở trong cái không khí chúng ta thải ra hàng ngày?
Chẳng có hạt mưa nào ý thức rằng nó đang tạo nên cơn bão. Tôi không nói tất cả đều là những kẻ biếng nhác, thiển cận, ngụy biện. Nhưng sống trong một xã hội đầy những kẻ như thế, đâu phải ai cũng có thể mở mắt ra, hay có mở mắt ra được thì liệu có đủ can đảm để sống theo ý mình, làm theo lương tâm của mình không? Bỏ ngoài tai những lời ra tiếng vào, mặc cho tên mình bị đem lên thớt để chặt chém, hay tách mình khỏi những bầy đàn để đi tìm vị thế riêng, đều là những việc làm đầy rủi ro mà không phải kẻ nào cũng dám chấp nhận. Mà kể cả chấp nhận và dám tiến tới đâu chắc chắn sẽ thành công. Chính xã hội với những ràng buộc lẫn nhau bằng sự trái khoáy sinh ra từ thói quen, nỗi sợ, tư duy lối mòn hàng ngày của con người, đã tạo ra một sự cộng hưởng của những rắc rối, để rồi tác động lại vào chính họ. Để đến một ngày họ sẽ như đoàn quân của Napoleon tự kéo chính mình xuống kết cục chết đuối dưới dòng sông (5).
Xã hội còn có những cô đơn
Và chúng ta có quá nhiều những con người đang cảm thấy cô đơn. Ý tôi nói đến ở đây không phải là cái cảm giác thiếu thốn bạn bè để tâm sự, hay như khi bị bỏ rơi mà ai cũng phải trải qua một hai lần trong cuộc đời mà là khi bạn thấy lý tưởng của mình vụn vỡ, trong ánh mắt những người mà bạn hằng tin tưởng. Như thể bạn vừa phát biểu về vật lý lượng tử trong lớp học và nhận được ánh nhìn chòng chọc của những người đồng môn. Là khi bạn cảm nhận rõ tình thương của của cha mẹ nhưng không thể chịu đựng được bao bọc mãi trong đó, bạn cảm thấy mình như một con sói đứng giữa giữa bầy cừu trên một thảo nguyên mênh mang rộng lớn.
Bạn không còn thích những câu chuyện phiếm về việc hôm nay ai mặc gì làm gì, mà muốn bàn luận về những giả thuyết xuyên không-thời gian, hay chỉ đơn giản là quan niệm của bạn về thức tỉnh. Bạn chẳng quan tâm việc người khác xấu tính ra sao vì bạn vừa chiêm nghiệm ra tha thứ là tài sản lớn nhất bạn có. Hay khi bạn cảm thấy tù túng và ngộp thở với với những điều thừa thãi chẳng định nghĩa được con người bạn hàng ngày : như giành tình cảm của ông sếp, hay được điểm tuyêt đối lớp. Nhưng cho dù bạn đứng trước gương và hỏi câu tương tự Steve Jobs cả ngàn lần với câu trả lời “Không” duy nhất, bạn vẫn chấp nhận cái lịch trình của ngày hôm nay.
Và điều đang trói buộc bạn là sự sợ hãi: sợ hãi về một tương lai không chắc chắn, về những ánh nhìn, về lời nói bóng gió, về những kỳ vọng. Hơn hết bạn sự hãi sợ vì còn nghi ngờ vào khả năng của chính mình. Bạn viện lấy cớ về trách nhiệm và bổn phận với gia đình để vứt bỏ đam mê của mình xuống hố đen bất tận. Bạn ép mình vào trong những cuộc nói chuyện vô vị tẻ nhạt vì chẳng có ai nói những điều vĩ đại và hay ho với bạn. Bạn cất những chuyến phiêu lưu vào trong hộc tủ, tự nhủ rằng cuộc sống yên bình ấm êm này cũng đã làm bạn đủ hài lòng.
Dừng lại đi, bạn đâu phải là một cỗ máy!
Máy móc thì chạy trên một chương trình đã cài đặt sẵn có chức năng, vai trò, nhiệm vụ. Đời sau sẽ cải tiến hơn đời trước. Bạn thì không. Bạn là một con người thực thụ, chẳng cần bất cứ phần mềm cài đặt nào. Bạn yêu thương, bạn đam mê, bạn và những thế hệ sau bạn đều bình đẳng. Hơn hết bạn có quyền tự do chọn lựa.
Tôi đã từng nói trong một bài viết, con người ta không thể nào có nhiều lựa chọn khi họ còn ở trong bốn góc tường nhà, muốn có được tự do chọn lựa, tự do tư duy, tự do sống thì chúng ta phải bước ra ngoài thế giới và tập nhìn đời bằng con mắt của chính mình chứ không phải con mắt của người khác.
Xin các bạn đừng hiểu ý tôi trong cái hạn hẹp về từ ngữ. “Bước ra ngoài thế giới” không nhất thiết cứ phải là bỏ nhà đi bụi, ngắm nhìn năm châu bốn bể. Điều bạn cần làm là phải tự mình trải nghiệm, chịu trách nghiệm cho những kết luận, hành động của bạn. Đừng từ chối đọc một cuốn sách vì có người bảo rằng nó dở, đừng khó chịu với một người vì mẹ bạn bảo nó không tốt. Đó chỉ là cảm xúc của họ chứ không phải một mớ dữ liệu để bạn khai thác như máy móc. Hãy loại loại bỏ những suy diễn, những định kiến thành kiến mà xã hội và truyền thông gieo rắc vào đầu bạn, bởi vì:
“Cuộc hành trình thật sự của khám phá không nằm trong việc tìm đến những những vùng đất mới, mà ở sở hữu những cách nhìn nhận mới.” – Marcel Proust
Đừng để những cái dây cột chặt lấy bạn một khi bạn đã chọn lựa. Đừng sợ sai, bạn đâu thể đi nếu chưa từng vấp ngã? Đừng sợ bị chê cười, khi người ta thích phán xét những điều họ không biết. Đừng bận tâm đến những lí do, những biện minh của người đời, nó chỉ làm bạn chùn bước. Cũng đừng chờ đợi ngoại cảnh vừa ý bạn, hay cố thay đổi ngoại cảnh, hãy thay đổi chính mình bằng cách tìm ra những con đường, chỉ có khi đó ngoại cảnh mới thay đổi.
“Chúng ta có thể lật ngược dòng thủy triều trong lòng chúng ta, thoát khỏi sự sợ hãi để có được tự do đích thực, thì chúng ta có thể đẩy dòng thủy triều đó đến thế giới bên ngoài. Và tất cả chỉ còn là một sự lựa chọn. Một sự lựa chọn giữa sợ hãi và tình yêu. Chỉ có vậy thôi.” – David Icke
Hạnh Phúc Đích Thực – David Icke, Terence McKenna (vietsub bởi Nguyễn Hoàng Huy)
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét