Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

TÔI VẼ BÌA TIỂU THUYẾT CHUYỆN KỂ NĂM 2000 Posted on 18.12.2014 by nguyentrongtao


NGUYỄN TRỌNG TẠO
BuiNgocTanChuyen ke 2000.aTôi biết nhà văn Bùi Ngọc Tấn trước khi biết tiểu thuyết CHUYỆN KỂ NĂM 2000 của anh. Vì thế khi nhà xuất bản Thanh Niên đặt tôi vẽ bìa cho cuốn tiểu thuyết này, tôi rất vui và nhận lời ngay dù chưa được đọc bản thảo. Chỉ biết nội dung tiểu thuyết qua điện thoại của biên tập viên Đoàn Thị Lam Luyến là: “Viết về một người của ta bị ta bỏ tù; tập 1 trong tù, tập 2 ra tù, nhưng tập 2 ảm đạm hơn tập 1”.
Ngày hôm sau tôi giao bìa sách cho nxb, dĩ nhiên là màu bìa tập 2 tối hơn màu bìa tập 1. Và tôi nhận được một lời khen từ nxb: “Bìa đẹp quá”.
Hơn tháng sau, anh BNT từ Hải Phòng lên Hà Nội tìm tôi và ghi tặng tôi bộ tiểu thuyết này, anh ghi nắn nót: “Tặng Nguyễn Trọng Tạo. Cám ơn Tạo đã làm cho mình một cái bìa tuyệt vời. 2.2.2000”.
Sau đó tôi nhận được điện thoại của anh bạn Quốc Minh, Trưởng phòng A25 khen: “Bác làm cái bìa CKN2000 đẹp qúa, nhưng sao cái nhà tù nó giống Văn Miếu thế?”.
Tôi nói: “Ông nghĩ thế à? Các ông mà nói ra điều đó là gậy ông đập lưng ông đấy. Và nhớ là ông nói đấy nhé. Tôi chỉ vẽ Pháp quyền thôi, nó giống cái máy chém”.
Rồi vui vẻ cả.
Tuần sau, tôi nghe tin CKN2000 bị thu hồi và nghiền thành bột. Tất nhiên cái bìa tôi vẽ cũng bị nghiền cùng số phận của cuốn sách.
Nhưng cuốn sách lập tức được giới in lậu khai thác đến hàng vạn bản với giá cắt cổ (250.000đ so với giá gốc 74.000đ).
BuiNgocTanChuyen ke 2000.b

Trò Chuyện Với Nhà Văn Bùi Ngọc Tấn (Kỳ 1)

Toan Nguyen – Houston
Thưa ông, nếu chúng tôi muốn biết tiểu sử của ông một cách chi tiết nhất mà ông có thể cho, nghĩa là không gây khó khăn gì cho ông, được không ạ? Chi tiết hiểu theo nghĩa từ nơi sinh, tới tuổi thơ, niên thiếu, trưởng thành v.v..
Nhà Văn Bùi Ngọc Tấn trả lời:
Không có gì gây khó khăn cho tôi đâu bạn Toan Nguyen ạ.
Tiểu sử của tôi rất đơn giản.Tôi sinh ngày 3-7-1934 trong một gia đình địa chủ nhỏ (hình như bố mẹ tôi có hơn 10 mẫu ruộng, tôi không biết rõ). Ngày sinh cũng không biết là ngày tây (dương lịch) hay ngày ta (âm lịch). Bố mẹ tôi có 4 con trai, tôi là út. Anh cả tôi (Bùi Ngọc Châu) và anh thứ ba tôi (Bùi Ngọc Chương) đã mất. Còn lại anh thứ hai (Bùi Đức Thành) và tôi. Các cháu nói: Hai ông vần C đã mất. chỉ còn lại hai ông vần T.
Hiển nhiên là Thần Chết đang chĩa họng súng bắn tỉa vào tôi (đã gần 80 tuổi). Nhưng tôi bảo ông ta: Khoan cho mình ít năm. Mình còn một số việc phải làm. Mong là ông ta chấp nhận lời đề nghị của tôi.
Như nhiều gia đình địa chủ và tư sản cũng như nhân dân ta hồi năm 1945, bố mẹ tôi, và chúng tôi đến với cách mạng với lòng khát khao độc lập tự do (Đến bây giờ lại càng khao khát tự do hơn). Bố tôi làm chủ tịch xã khi cách mạng thành công và làm chủ tịch mặt trận Liên Việt huyện Thủy Nguyên khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Năm 1947 Thủy Nguyên bị quân Pháp chiếm đóng, tôi theo bố mẹ tôi tản cư lên Bắc Giang, Thái Nguyên và tiếp tục học văn hóa. Tôi học giỏi: Thi tiểu học, đỗ đầu liên khu Việt Bắc. Phần thưởng là một chiếc cặp da do thầy Hoàng Ngọc Phách, nhà tiểu thuyết đầu tiên ở nước ta, tác giả Tố Tâm, giám đốc sở Giáo dục Liên khu tặng.
Suốt thời gian học trung học, tôi đều nhất lớp, được học bổng toàn phần..
Năm 1954, tôi vào đội Thanh niên xung phong tiếp quản Thủ Đô.
Cuối năm 1954, hết đợt tiếp quản tôi từ chối đi học kỹ thuật ở nước ngoài, về báo Tiền Phong (Trung Ương Đoàn Thanh Niên Lao Động Việt Nam) làm phóng viên..
Cuối năm 1959, nghe theo lời khuyên của Đảng, tôi chuyển về báo Hải Phòng, thành phố quê hương, thâm nhập công nông để “viết tác phẩm của đời mình”. Tháng 11 năm 1968 tôi bị bắt với tội danh “Tuyên truyền phản cách mạng” và bị đưa đi tập trung cải tạo đến tháng 4 năm 1973 thì được tha. Thật chẳng ngờ tôi đã phải sống cạn một kiếp tôi để rồi viết về chính nó, báo Tiền Phong đã đăng câu này trong một bài trả lời phỏng vấn của tôi.
Thất nghiệp 2 năm, đến tháng 5-1975, nhờ sự giúp đỡ của ông Hoàng Hữu Nhân, tổng cục trưởng Tổng cục Thủy Sản, nguyên bí thư thành Uỷ Đảng Cộng Sản VN thành phố Hải Phòng, tôi được đi làm nhân viên văn phòng Quốc Doanh đánh cá Hạ Long và nghỉ hưu từ tháng 5 -1995 cho tới hôm nay. Trong thời gian thất nghiệp tôi đã trải qua các nghề: Bốc vác, thợ sắt, đi buôn, kéo xe bò và cả… viết chui để kiếm sống.
Oanh Kim
 Nghiệp văn đến với ông ra sao, thưa ông? Tôi muốn hỏi trường hợp nào? Hay cách khác, văn chương chọn ông hay, ông chủ động chọn văn chương? Nếu ông là người tìm đến với văn chương thì xin ông cho biết tại sao là văn chương mà không là một ngành văn học, nghệ thuật nào khác?
Nhà Văn Bùi Ngọc Tấn trả lời:
Tôi là một đứa trẻ hơi khác thường. Ngay từ lúc còn nhỏ tôi đã nghĩ mỗi ngày qua đi là một ngày mất đi, mất hẳn, là một ngày không trở lại. Tôi rất mê say thiên nhiên. Những buổi sáng hè, từ trong nhà bước ra khỏi cổng, cả một khu đầm nước mênh mông bàng bạc, dìu dịu trước mặt tôi, gió thổi gợn sóng đưa hơi mát đến tôi, ép lá tre vào lũy tre nhà tôi, một lũy tre ken dầy với những dây lạc tiên đeo quả có những cái áo mỏng như đăng ten. Tôi rất muốn nói lên cảm xúc của mình về những ngọn gió ấy, về những tia sáng đầu tiên của mặt trời vút vào lũy tre mà tôi nhìn thấy. Đúng là ngày ấy tôi đã nhìn thấy những tia sáng mặt trời đầu tiên vút vào lũy tre.
Quá khứ, nhất là quá khứ tuổi thơ bao giờ cũng có vẻ đẹp riêng, một vẻ đẹp đến nao lòng luôn ám ảnh tôi. (Có lẽ vì vậy mà họa sĩ Phan Cẩm Thượng đã viết: Bùi Ngọc Tấn đắm đuối với cuộc sống, còn nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng cảm hứng sáng tác của tôi là “đi tìm thời gian đã mất”.)
Lớn lên, đọc những Sách Hồng, những tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn, đọc những câu đối, những bài thơ trong sổ tay của bố tôi, những Khóc Dương Khuê, những Gió dựa tường ngang lưng gió phẳng- Trăng nhòm cửa sổ mắt trăng vuông… tôi hiểu thêm vẻ đẹp của ngôn ngữ. Các thầy dạy văn thời phổ thông trung học, các bạn học có máu văn chương (như Lê Bầu chẳng hạn) đã góp phần lớn vào máu mê ham thích văn chương của tôi.
Cuối cùng, khi đã đi làm báo, viết văn, tôi thêm yêu thích nó, vì viết văn là sáng tạo. Hơn nữa đây là công việc khiến mình được đánh giá, định vị hoàn toàn bằng năng lực của mình, bằng giá trị tự thân, không phải bằng đầu gối, nịnh bợ hay nhờ cậy công nghệ lăng xê. Nghệ thuật là một cái gì dìm không xuống, kéo không lên. Nó mang trong nó một giá trị bất khả xâm phạm. Chỉ sợ mình không làm được nghệ thuật đích thực.
Với lại Kim Oanh ạ (tôi chắc lên Việt Nam của Oanh Kim là thế, không biết có đúng không?) chỉ có nghệ thuật mới lưu giữ được mãi vẻ đẹp của cuộc đời, của con người. Nếu cụ Thuý Kiều còn sống đến hôm nay chắc chúng ta khó mà hình dung được sự tàn tạ của cụ, nhưng Nguyễn Du đã làm cho cô Kiều trẻ trung xinh đẹp mãi, sống mãi trong tâm trí chúng ta. Nghệ thuật chống lại cái chết là như vậy.
Như đã nói ở phần trên, hình như tôi đã tìm đến với văn chương. Tôi đến với văn chương mà không đến với các ngành nghệ thuật khác, có lẽ trước hết ví những sổ tay của bố tôi, vì những bài hát ru của mẹ tôi. Nó cho tôi thấy vẻ đẹp của ngôn ngữ. (Bao giờ đọc những câu ca dao như : Trèo lên cây bưởi hái hoa / Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân . Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc…, tôi cũng thấy xúc động.) Đó là những vật liệu sẵn có trong nhà tôi, một cậu bé sống ở nhà quê, gần như không có điều kiện tiếp xúc với các bộ môn sang trọng khác như hội họa hay âm nhạc chẳng hạn. Nhưng không biết nếu gia đình có một ông anh hay bà chị là nhạc sĩ, hay họa sĩ, tôi có theo nghề của họ không?
Với tôi chỉ có văn xuôi mới nói hết được những gì tôi lưu luyến với cuộc đời này. Ngay cả thơ cũng là bất lực.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: