Khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát cũng là lúc bầu trời Trung Quốc xuất hiện những dị tượng kỳ lạ: đàn muỗi dày đặc giữa mùa đông, tuyết và mưa đá ngày đầu xuân, cự long đổ xuống đất, sấm sét xé toang màn trời, quạ đen bay lượn tìm xác chết…
Dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán đang hoành hành ở Trung Quốc khiến người dân trên khắp thế giới không khỏi bàng hoàng, trong khủng hoảng tuyệt vọng chỉ mong tìm được con đường sống. Gần đây, những hình ảnh được lan truyền ra bên ngoài cho thấy vùng Nghi Xương, Hồ Bắc xuất hiện dị tượng quạ đen bay kín trời; người dân ở Bắc Kinh cũng phát hiện rằng vào mùa đông lạnh giá, những đàn muỗi lớn ồ ạt xuất hiện, thật khiến người ta không lạnh mà run. Cư dân mạng nhao nhao bình luận rằng, trời có dị tượng, là điềm không may, cho thấy sắp có đại sự phát sinh.
Người ta nói, Thiên thượng giáng dị tượng là báo hiệu nhân gian có tai ương. Bởi vạn sự vạn vật trên đời đều có quan hệ nhân duyên, vậy thì sự việc quạ đen bay kín bầu trời báo trước tai họa gì? Vài câu chuyện nhỏ dưới đây có thể cho chúng ta đôi dòng suy ngẫm.
Tôn Kiệm bị diệt quân, quạ đen đến rỉa xác
Thời nhà Đường, vị quan đô đốc U Châu tên là Tôn Kiệm từng phát binh thảo phạt tặc khấu. Tiết Nột hay tin bèn viết cho ông một lá thư, trong thư căn dặn rằng: “Cuối tháng không thể phát binh, đây là thời điểm bất lợi nhất”. Tôn Kiệm không cho là vậy, khăng khăng nói: “Tháng 6 Tuyên Vương bắc phạt, Tiết Nột sao lại biết được? Nếu ai còn dám ngăn cản việc phát binh, ta sẽ trảm kẻ đó”.
Vào đúng ngày đội quân xuất phát bỗng có một dải mây màu trắng giống như cầu vồng buông xuống trước cửa doanh trại, sau đó lại có sao băng rơi trong quân trại. Những dị tượng này đều là điềm báo trước vận hạn, nhưng vì Tôn Kiệm quá ngạo mạn và độc đoán, chỉ muốn làm theo ý mình, nên các tướng sĩ trên dưới không một ai dám can ngăn.
Sau khi quân đội xuất phát, quạ đen và diều dâu từ đâu kéo đến bay theo sát phía sau đội quân. Kết quả, chỉ 20 ngày sau, toàn bộ binh lính của Tôn Kiệm đều bị tiêu diệt, từng đàn từng đàn quạ và diều hâu lao đến rỉa xác người…
Thái tổ Hậu Lương thấy quạ kêu, báo trước kiếp nạn sinh tử
Thời Hậu Lương, Thái tổ Chu Ôn từng đích thân dẫn binh đi chinh phạt Vận Châu, đóng quân ở Vệ Nam. Khi các tướng sĩ bước lên tháp canh để theo dõi chiến sự và địa hình, đột nhiên họ nhìn thấy đàn quạ đen bay đến đậu ở sườn dốc cất lên những tiếng thê lương. Phó sử Lý Phan nói: “Đây là tiếng quạ kêu, phải chăng chiến sự sắp có điều bất lợi?”.
Đội quân tiên phong của Thái tổ Hậu Lương do Chu Hữu Dục thống lĩnh đã bị quân của Chu Tuyên tập kích phải tháo chạy về phía nam, nhưng Thái tổ Hậu Lương lại không hay biết chuyện này, cứ thế dẫn quân tiến về phía bắc. Giữa đường đoàn quân gặp phải binh lính của Chu Tuyên, Thái tổ Hậu Lương thấy tình huống nguy hiểm bèn vội vàng thúc ngựa chạy về phía nam, tiến vào trong thôn làng, bất ngờ thấy trước mặt là một con mương vừa sâu vừa rộng.
Đương lúc hoảng hốt, Thái tổ bỗng thấy rơm rạ của cây cao lương trong hố tự động tích dồn lên, tạo thành một con đường thông ở phía trước, ông vội thúc ngựa băng qua. Phó sử Lý Phan và quận tướng Cao Hành Tư bị quân giặc giết chết, còn hậu vệ kỵ sĩ Trương Quy Vũ thì ra sức chiến đấu, không may trúng 15 mũi tên. Chỉ riêng Thái tổ Hậu Lương là may mắn trốn thoát, bảo toàn được tính mạng.
Vua tôi đến lúc này mới biết rằng quạ đen ở Vệ Nam là một điềm báo trước khi sự việc xảy ra.
Chân dung Hậu Lương Thái Tổ Chu Ôn
Hoàng Thị làm điều xấu, chuyển sinh thành quạ đen
Thời Xuân Thu, ở nước Lỗ có người tên là Lữ Sinh sống ở Trịnh Thành. Vợ ông là Hoàng Thị mắc bệnh nặng, trước lúc lâm chung cô nói với mẹ chồng của mình rằng: “Con sắp không qua khỏi nữa rồi. Tình cảm giữa mẹ con ta rất sâu đậm, sau khi con chết nhất định sẽ tìm gặp mẹ trong mộng”.
Sau khi qua đời, Hoàng Thị quả nhiên đã hiện về báo mộng cho mẹ chồng. Cô vừa khóc vừa than với mẹ chồng rằng: “Lúc sống con đã làm những điều không nên làm, nên giờ không thể làm người được nữa mà phải chuyển sinh thành quạ. Nếu mẹ thấy con vật sống trong bụi cây hoang vu ở phía đông Trịnh Thành, khoác bộ lông cánh màu đen, cất tiếng kêu “qua qua” thì chính là con đó. Bảy ngày sau con sẽ đến thăm mẹ, mong mẹ hãy niệm tình lúc con còn sống, đừng vì thấy con là giống loài khác loài mà xua đuổi”. Nói xong liền biến mất.
Bảy ngày sau, quả nhiên có con quạ đen từ hướng đông bay đến đậu trên cây cao nơi sân nhà họ Lữ, cất tiếng bi thương hồi lâu. Mẹ chồng của Hoàng Thị khóc lóc mà rằng: “Quả nhiên giống như ta mơ thấy, con hãy đến chỗ ở của ta như lúc con còn sống đi!”. Con quạ liền bay vào trong sảnh đường, lượn đi lượn lại, cất tiếng bi ai, một lúc sau mới quyến luyến bay về phía đông.
Báng bổ Thần Phật, họa lụy thân nhân
Những năm Nguyên Hòa thời Đường Hiến Tông, có một quan viên họ Vi vì quá tôn sùng Nho giáo mà phỉ báng Phật Pháp. Vi lão gia có hai người con gái, cô cả gả cho gia đình họ Tướng Lý, cô út gả cho gia đình họ Hồ. Chồng cô cả cũng phản đối Phật Pháp giống như bố vợ vậy, trong khi chồng cô út lại đặc biệt tôn sùng giáo lý nhà Phật. Anh chuyên tâm nghiên cứu văn tự, hễ gặp được chữ tiếng Phạn liền uốn lưỡi đọc theo, càng học anh lại càng thêm kính ngưỡng Phật giáo.
Về sau, viên quan họ Vi mắc bệnh nặng phải nằm liệt giường, trước lúc lâm chung ông liền gọi con trai đến bên dặn dò rằng: “Giờ cha sắp đi rồi, con hãy nghe ta, tuyệt đối đừng tin vào nhà Phật, tránh cô phụ tâm nguyện một đời của ta”. Con trai của ông gật đầu đáp ứng.
Không lâu sau khi viên quan họ Vi mất, cô út cũng qua đời. Tin dữ truyền đến nhà họ Tướng Lý, lúc này cô cả đang mắc bệnh nằm liệt giường nên người nhà đã giấu tin dữ không cho cô được biết.
Bệnh tình của cô cả mỗi lúc một trở nặng, người nhà đều vây quanh khóc lóc. Một hôm, cô bỗng ngồi dậy và gọi chồng mình đến, nói rằng: “Em gái của thiếp đã mất mấy tháng rồi, sao chàng lại không cho thiếp biết?”. Cô vừa nói vừa khóc hoài không thôi.
Chồng cô xua tay trả lời rằng: “Làm gì có chuyện ấy? Cô út chỉ bị ốm vặt, nhưng nghe nói đã khỏi rồi. Những gì nàng thấy là do quá hoảng hốt nên sinh ra ảo giác mà thôi, chớ nên đau lòng nữa. Giờ nàng đang bệnh, hãy an tâm tĩnh dưỡng mới phải”.
Cô cả không nghe chồng khuyên giải, òa khóc nói rằng: “Em gái thiếp đang ở đây, nói rằng em nó đã qua đời vào tháng 10 năm nay, hơn nữa còn tận mắt chứng kiến rất nhiều sự tình ở âm gian”.
Rồi cô kể tiếp:
“Hôm qua em gái thiếp đã đến Tây Tào của địa phủ, nghe thấy trong vách tường có người cất tiếng sám hối một cách đau đớn, rất giống giọng của tiên phụ. Lại nhìn thấy phía trên có ánh lửa bắn vào, ngọn lửa giống như sấm gió vậy. Em gái cầu xin quỷ sứ cho đi vào trong nhìn xem ngọn nguồn cụ thể thế nào nhưng không được, đành phải đứng cách xa khóc gọi tiên phụ”.
“Tiên phụ thuận theo thanh âm, lớn tiếng đáp lại rằng: ‘Bởi cha một đời phỉ báng Phật Pháp nên phải chịu hình phạt tàn khốc, ngày đêm không được nghỉ ngơi dù chỉ một khắc, các loại hình phạt nhiều không thể tính đếm. Dẫu có khuynh gia bại sản, dùng tất cả tiền tài trong nhà mà tu dưỡng phúc đức thì cũng chỉ có thể giải thoát được một phần vạn thống khổ. Kiếp nạn luân hồi không được miễn giảm, chỉ cần trong một trăm thời khắc có thể giảm được một khắc thì cha cũng cảm thấy hài lòng thỏa dạ rồi'”.
Một cảnh dưới âm tào địa phủ
Cô cả nói với chồng: “Chàng hùa theo cha thiếp, bất kính Phật Pháp, thiếp bởi vậy mà cũng bị liên lụy, sẽ phải chịu tội hằng mấy trăm năm. Sau khi thiếp chết đi sẽ hóa thành quạ, đợi đến hôm cúng tế 14 ngày, chàng hãy mời trai tăng đến đây”.
Người chồng nghe vậy, khóc lóc nói rằng: “Nước lửa biến hóa, vạn sự vạn vật vốn là biến đổi qua lại. Chim sẻ biến thành ngao sò, con rắn biến thành chim trĩ, chim trĩ biến thành bồ câu, chim gáy biến thành diều hâu, chuột đồng biến thành ngựa, cỏ khô biến thành đom đóm, con người biến thành các loài như hổ, vượn, cá, rùa… cứ thế luân hồi mãi không dứt. Còn như nói biến thành quạ, sao ta dám nghi ngờ đây? Nhưng quạ là đi thành từng nhóm từng bầy, một bầy cũng có đến mấy chục con, làm sao ta có thể nhận ra được đâu là nàng?”.
Người vợ trả lời: “Con quạ có lông trắng ở đuôi chính là thiếp. Chàng hãy thay thiếp gửi lời đến mọi người ở thế gian rằng: Nếu làm việc xấu, khi sống có người trách phạt, chết rồi có quỷ trừng trị, đạo lý ấy không sai chạy chút nào. Tất cả đều sẽ dựa vào nguy hại sâu cạn, số lượng nhiều ít để quyết định hình phạt thế nào. Chàng không thấy những năm Thiên Bảo đất chật người đông, còn bây giờ đất rộng người thưa sao? Ấy là bởi người làm việc thiện thì ít, người làm điều ác thì nhiều, nên mới có chuyện giòi bọ trong nhà xí có trên cả vạn, con kiến dưới một viên gạch số lượng cả nghìn. Thành trì đại ấp ngày trước giờ thành ra trống trải không người, đồng không mông quạnh, nhìn thấy đâu đâu cũng đều là cỏ hoang. Lẽ nào đây không phải đã ứng nghiệm hay sao? Chàng hãy cố gắng khuyên người đời nhân lúc còn sống mà cố gắng tích đức hành thiện”.
Cô cả nói xong liền nằm xuống, đêm hôm đó đã nhắm mắt qua đời. Cả nhà đều đau đớn xót xa chờ đợi con quạ lông đuôi trắng. Ngày nhị thất, quả nhiên có mấy chục con quạ bay đến, trong đó có một con đậu ở cây cao trước sân nhà, trên đuôi có hai cọng lông trắng như tuyết vậy. Con quạ nhìn vào cửa phòng, cất tiếng kêu bi thảm, dường như đang muốn nói điều gì đó.
Già trẻ lớn bé đều nhìn theo con quạ, ai cũng không ngăn được nước mắt. Mẹ chồng đưa tay ra khấn rằng: “Con dâu ta trước lúc chết có nói rằng nó sẽ biến thành quạ, phần đuôi có mọc mấy cọng lông trắng, nếu nhà ngươi chính là con dâu ta, thì hãy bay đến đậu trên tay nào”.
Nói xong, con quạ đến liền bay đến đậu trên tay bà cụ, ăn uống rất tự nhiên giống như đã được nuôi trong nhà từ lâu lắm rồi vậy. Kể từ ngày hôm đó, ngày nào nó cũng đến xin ăn, hàng xóm xung quanh đều biết chuyện này. Mấy tháng sau, con quạ không còn đến nữa.
Trăm lần tụng niệm kinh Phật, thần tích triển hiện
Những năm đầu Trinh Quán triều đại nhà Đường, huyện úy Giang Nam là Lưu Bật từng nhìn thấy có con quạ cất tiếng kêu trên cây xanh trước nhà. Người trong vùng nói rằng: “Quạ đậu chỗ nào thì nơi ấy ắt có chuyện không may”. Lưu Bật vô cùng lo lắng sợ hãi, nghĩ cách làm sao gây dựng công đức để tiêu trừ điềm dữ này.
Một đêm nọ, Lưu Bật nằm mơ thấy có vị hòa thượng đến và nói lời ca tụng kinh Phật, sau đó khuyên ông hãy thành tâm tụng niệm một trăm lần. Lưu Bật tỉnh dậy và làm theo lời của vị hòa thượng, tụng niệm kinh thư một trăm lần.
Chính lúc đọc đến lần thứ một trăm, bỗng một trận cuồng phong từ phía đông bắc nổi lên, đánh bật gốc cây mà con quạ từng đậu, rồi cuốn văng cây đó ra ngoài thôn cách Lưu gia một đoạn khá xa. Từ đó người dân trong thôn không còn thấy quạ đen xuất hiện nữa. Lúc này Lưu Bật mới nhận ra: Thì ra Phật Pháp có uy lực không thể nghĩ bàn…
***
Xuyên suốt lịch sử Trung Quốc, rất nhiều lần khi mà đại dịch xuất hiện đều có liên quan đến thay đổi triều đại. Vào cuối mỗi một triều đại, những kẻ thống trị thường hoang dâm vô đạo, thiên tai nhân họa không ngừng, lũ lụt động đất liên miên, người dân đói khổ nổi dậy khắp nơi, xã hội hỗn loạn. Cuối cùng, bệnh dịch, lũ lụt và chiến tranh đã cướp đi sinh mạng của vô số người. Chỉ những người ôm giữ thiện lương, đạo đức cao thượng mới may mắn thoát được.
Vũ Dương biên dịch
Phần nhận xét hiển thị trên trang