Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 19 tháng 11, 2017

Tứ giác Kim cương hồi sinh, “Giấc mộng Trung Hoa” gặp đối thủ đáng gờm


Tứ giác Kim cương hồi sinh, "Giấc mộng Trung Hoa" gặp đối thủ đáng gờm
Thủ tướng Narendra Modi, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cùng các lãnh đạo khác tại Hội nghị cấp cao Đông Á. Ảnh: PTI
Hiện nay, Tứ giác Kim cương gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia đang có đủ cả thiên thời, địa lợi và nhân hoà để tiến hành chiến lược này.
Mới đây bên lề Hội nghị cấp cao Đông Á ở Philippines, quan chức chính phủ bốn nước Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đã có cuộc gặp gỡ, làm việc đầu tiên. Kết quả cuộc gặp này là thoả thuận về tăng cường hợp tác giữa bốn đối tác này trên mọi lĩnh vực vì thịnh vượng chung trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Người ta coi đó là sự hồi sinh của ý tưởng được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đưa ra cách đây 10 năm với tên gọi là Chiến lược Kim cương hay cũng còn được gọi là Bộ tứ Kim cương hay Tứ giác Kim cương.
Thiên thời, địa lợi, nhân hòa
Tứ giác Kim cương hồi sinh, Giấc mộng Trung Hoa gặp đối thủ đáng gờm - Ảnh 1.
Sáng kiến Ấn Độ - Thái Bình Dương được coi là sự hồi sinh từ ý tưởng của Thủ tướng Abe.
Trước đây, ý tưởng không được thực hiện vì ông Abe cầm quyền quá ngắn, vì phía Australia dưới sự trị vì của Công đảng không thật sự mặn mà và vì Mỹ chuyển giao chính quyền và chính quyền mới về sau có sự điều chỉnh chiến lược tập trung vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việc thực hiện nó khi ấy thất bại vì không hội tụ được đầy đủ cả thiên thời lẫn địa lợi và nhân hoà.
Bây giờ, ý tưởng ấy được phục sinh nhờ ông Abe tái đắc cử Thủ tướng ở Nhật Bản và có ở phía trước hẳn một nhiệm kỳ cầm quyền mới, nhờ thời thế đã thay đổi ở cả Mỹ và Australia cũng như nhờ Ấn Độ với Thủ tướng Narendra Modi thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện Chính sách hướng Đông".
Ở Mỹ có Tổng thống mới là ông Donald Trump. Ở Australia, đảng Bảo thủ đã thay thế Công đảng cầm quyền. Ấn Độ hướng về Thái Bình Dương, Australia vươn tầm nhìn đến Ấn Độ Dương và cả ông Abe lẫn ông Trump đều quan tâm tới "khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương".
Trong cách hiểu của họ, khu vực này không phải là khu vực Thái Bình Dương cùng với Ấn Độ mà là cả châu Á - Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, tức là châu Á ở giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Từ tầm nhìn về địa lý có thể nhận diện ra ý đồ chính trị và mưu tính chiến lược của các đối tác này. Bộ tứ tạo ra tứ giác địa lý mà mỗi góc đều có thể là tâm điểm của khu vực ấy. Khu vực địa lý rộng lớn hơn này không có tâm điểm mà mọi chuyện đều xoay quanh như Trung Quốc đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Nhưng một khi đã liên kết lại với nhau tạo thế cục liên hoàn và thế ỷ dốc thì bộ tứ lại tạo nên được trung tâm mới. Rất có thể cái tên Chiến lược kim cương có nguồn gốc từ đó.
Liên kết mới ở khu vực mới đối với cả bốn nước này giúp họ hoàn tất các khuôn khổ hợp tác. Giữa họ đã định hình các khuôn khổ quan hệ hợp tác song phương và ba bên. Liên kết mới bây giờ giống như dấu chấm trên chữ cái i. Phạm vi địa khu vực thay đổi thì tương quan lực lượng và cục diện quan hệ, thế và lực, sức mạnh thực tại và tiềm năng đều thay đổi.
Một khi cuộc chơi mới được mở ra thì những người chơi tham gia cuộc chơi đầu tiên sẽ quyết định luật chơi. Đấy cũng là những mục đích mà bốn nước này cùng hướng tới. Luật chơi ở đây không chỉ liên quan thuần tuý đến hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại và hoạt động đầu tư mà còn cả về chính trị an ninh và địa chiến lược.
Với liên kết mới trong khu vực mới, cả bốn đối tác này nhằm trước hết vào thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại. Co cụm lại để nâng tầm lẫn nhau. Liên kết với nhau để tương hỗ triệt để và tạo thế cho nhau.
Nhưng cho dù không nói rõ ra thì cả bốn đều có ý đối phó Trung Quốc, đối phó với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc về mọi phương diện, đối phó việc Trung Quốc tăng cường sử dụng sức mạnh quân sự trong thực hiện ý đồ chiến lược trước mắt cũng như lâu dài, đối phó với những kế hoạch lớn của Trung Quốc như Vành đai và con đường hay với Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á...
Họ dùng "Giấc mộng Ấn Độ - Thái Bình Dương" để đối phó với "Giấc mộng Trung Hoa" của Trung Quốc.
Với cuộc gặp làm việc vừa rồi ở Philippines, bộ tứ này đã cho thấy chủ ý thực hiện ý tưởng Chiến lược Kim cương. Hiện tại, họ có đủ cả thiên thời, địa lợi và nhân hoà để làm việc lớn này.
Nhưng để trở thành liên kết thực thụ và có giá trị như "kim cương" thì chặng đường phải đi vẫn còn rất xa và đầy trắc trở buộc họ phải kiên định quyết tâm và thận trọng nhưng đồng thời cũng phải nhanh chân bởi cơ hội thuận lợi khó có lại được và thiên thời, địa lợi, nhân hoà không thể duy trì được mãi.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: