Trưa ngày 26 tháng 6, Chúng tôi đến dự 49 ngày của bác gái, phu nhân Trung tướng Nguyễn Quốc Thước; tại đây, anh Dương Thanh Biểu, nguyên Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao tặng Tôi cuốn sách anh vừa hoàn thành : Tạ Đình Đề, những góc khuất cuộc đời.
Cuốn sách có sức lôi cuốn kỳ lạ. Tôi đọc cả khi đang họp, đang lái xe, mê đến mức suýt nữa va quyệt vào phân cách ở Đường Nguyễn Chí Thanh; đọc cả khi ăn cơm, đọc đến 2 giờ sáng để chờ xem bóng đá URO. Gấp sách lại hình ảnh hiện lên đầu tiên trong óc Tôi không phải là nhân vật chính Tạ Đình Đề, mà là tác giả cuốn sách – Anh Dương Thanh Biểu. Là một người nắm giữ quyền sinh, quyền sát như anh , mà đã giành hàng chục năm trời khi đang đương chức để lục tung toàn bộ hồ sơ sự thật về một con người bị oan trái. Đây là phẩm chất tuyệt vời của một cán bộ cầm giữ cán cân pháp luật.
Cho đến tận bây giờ và mãi mãi về sau, trong lòng nhân dân ,Tạ Đình Đề là một anh hùng. Là người chỉ huy Biệt động Thành Hà Nội thông minh, quả cảm trong suốt những năm chống Pháp, những chiến công của ông và đồng đội đã trở thành huyền thoại trong dân gian. Một Tạ Đình Đề là Trưởng ban Thể Dục Thể thao, văn hóa văn nghệ của ngành Đường sắt, với một nghĩa khí hào hiệp và lòng nhân ái sâu sắc ông đã quy tụ được nhiều tài năng như các cầu thủ bóng đá gốc Phi, như Phan Lạc Hoa, Lưu Quang Vũ… để sản sinh ra một đội Bóng đá Đường sắt vang bóng một thời; để bài hát “Tàu anh qua núi “ trở thành bài ca bất hủ, để vở kịch “ Tôi và chúng ta” mở ra một tư duy của sự nghiệp đổi mới. Một Tạ Đình Đề phụ trách xưởng dụng cụ cao su Đường sắt, một tư duy dũng cảm, đột phá về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế . Chính Tạ Đình Đề người cùng thời với bác Kim Ngọc, Bí Thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú, con người đột phá về khoán sản phẩm trong nông nghiệp, thì Tạ Đình Đề là người khởi xướng khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong công nghiệp. Không chỉ nhờ lòng dũng cảm và trí thông minh, táo bạo để phá bỏ cơ chế lỗi thời, mà Tạ Đình Đề phát hiện ra vấn đề lớn lao đó còn vì hàng ngày ông quặn lòng khi nhìn thấy bữa cơm độn sắn, khoai chấm với nước muối và rau luộc của người công nhân, hình ảnh khốn khổ của người lao động day dứt con tim ông, đó mới chính là động lực giúp Tạ Đình Đề nhìn ra ánh sáng.
Đau đớn thay , một tài năng xuất chúng như thế lại vướng vào vòng lao lý với các trọng tội : Tham ô, hối lộ, cố ý làm trái. Sau hai năm bị giam cầm, được tuyên án vô tội, nhưng lại bị kháng nghị chờ xét xử, rồi lại bị bắt giam hai năm tiếp. Bốn năm tù tội oan sai, liệu tấm huân chương Độc lập trao cho ông có xoa dịu được nỗi đau Tạ Đình Đề và con cháu phải gánh chịu không?
Tại sao những con người có nhiều công lao cống hiến cho Đất nước như Tạ Đình Đề lại hay gặp oan sai ? Anh Dương Thanh Biểu cho rằng, nếu tạm gác những nguyên nhân thuộc về cá nhân như đố kỵ, tư thù… thì nguyên nhân sâu xa là các quy định của pháp luật và đội ngũ cán bộ , trong đó có cả cán bộ Tư pháp không theo kịp với thực tiễn đổi mới, sử dụng luật lệ cũ với một tư duy xơ cứng, dẫn đến hậu quả tai hại là đã bóp chết các nhân tố mới. Tôi muốn xin phép anh Dương Thanh Biểu phân tích thêm điều anh đang “ tạm gác lại ” Đó là con người. Cơ chế, luật pháp và thi hành luật pháp cũng đều do con người. Vì vậy những trường hợp như Tạ Đình Đề, Kim Ngọc đều do người lãnh đạo nhỏ nhen, kèn cựa, hiềm thù. Điều nguy hiểm là họ khoác cái vỏ bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ để quy chụp, hãm hại người khác; còn có một số người cơ hội, nịnh bợ, luồn lách, nhân cơ hội đó để chứng minh lòng “ Trung thành” với cấp trên, nên đã không từ bất cứ thủ đoạn đê hèn nào. Đó chính là nguyên nhân căn bản nhất xét dưới góc độ con người, dẫn đến những đối xử tàn tệ với đồng chí, đồng loại của mình như thế.
Đã đến lúc phải dũng cảm nhìn vào quá khứ để khôi phục danh dự cho những người con ưu tú của dân tộc bị oan sai. Làm điều này không chỉ tạ ơn và làm dịu nỗi đau người dưới suối vàng, mà quan trọng hơn là kết nối lòng người đang hướng về tương lai tươi sáng của Đất nước.
Viết tại Trung tâm Văn hóa Quận Tây Hồ đêm 1/7/2016.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét