Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 29 tháng 11, 2017

THUỐC LÁ ĐIỆN TỬ: CŨNG GÂY NGHIỆN, CŨNG NHIỀU ĐỘC CHẤT!



E-CIGARETTE CONTAINS NOT ONLY NICOTIN BUT ALSO TOXIC SUBSTANCES!  
TS.BS Trần Bá Thoại    Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM


 Lời bàn Tưởng rằng thuốc lá điện tử hoàn toàn vô hại, nhiều người nghiện thuốc lá, nhất là những người bỏ thuốc thất bại vì “hội chứng cai nghiện”, quay sang dùng thuốc lá điện tử như là “phao cứu sinh”. Đặc biệt, một số thanh niên thử giải trí bằng thuốc là điện tử.
 Thật ra, loại “thuốc hút không lá” này cũng chứa nicotin gây nghiện và lắm nguy cơ..
Những tác hại do hút thuốc lá  
 Khoa học chỉ rõ, trong khói thuốc lá ngoài chất độc chính là nicotin, còn có chứa đến 7.000 hóa chất độc hại khác. Các chất này tác hại lên nhiều cơ quan, hệ thống khác nhau trong cơ thể người nghiện hút.
 TLĐT 3.jpg   
 Thống kê y học cho biết, mỗi năm khói thuốc lá gây 6 triệu người chết do hút trực tiếp, 200.000 trẻ em chết vì hút thuốc lá thụ động. Số người chết vì thuốc lá cao gấp 2 lần số người chết vì HIV và tai nạn giao thông cộng lại.
  Khoảng 70-90% người bỏ hút bị hội chứng cai thuốc lá: Phiền muộn, Cáu gắt, Chóng mặt, Rối loạn giấc ngủ, Mất tập trung, Bồn chồn, Nhức đầu, Mệt mỏi, Khô miệng, Tức ngực Những triệu chứng này có thể làm cho người hút thuốc hút thuốc trở lại, tái nghiện, để tăng nồng độ của nicotine trong máu và mất đi triệu chứng cai nghiện.
 Lịch sử phát triển thuốc lá điện tử
  Năm 1963, Herbert A. Gilbert, được Hoa Kỳ cấp bằng sáng chế cho “Thuốc lá không khói, không sử dụng cây thuốc lá”. 
   Do bố chết vì ung thư phổi và bản thân nghiện thuốc lá, Dược sĩ Hon Lik, Trung Quốc, đã nghiên cứu, phát triển và chính thức được cấp bằng sáng chế thuốc lá điện tử (electronic cigarette,  e-cigarette, e-cig) như ngày nay vào năm 2003. Đến năm 2015, hầu hết thuốc lá điện tử được sản xuất tại Trung Quốc và phân phối ra toàn thế giới.
  Kể từ lần đầu tiên được tung ra thị trường năm 2004, việc sử dụng toàn cầu của họ đã tăng lên theo cấp số nhân, dù những nghiên cứu về tác hại của chúng chưa được quan tâm đúng mức. Số thanh thiếu niên “tuổi teen” hút  thuốc điện tử tăng lên rất nhanh, năm 2012 tăng gấp đôi so với năm 2011. Theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ CDC, hơn 20 phần trăm người mới lớn đã thử hút thuốc điện tử, những người nghiện cũng có xu hướng sử dụng chúng. Tại Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, việc sử dụng chúng rộng khắp với lý do sử dụng là bỏ thuốc lá, giảm nguy cơ, tiết kiệm tiền, hoặc để giải trí. Hiện có khoảng 500 nhãn hiệu thuốc lá điện tử, với doanh thu toàn cầu vượt quá 7 tỷ USD/ năm.
  Vì chồng chéo với luật về thuốc lá và các chính sách về thuốc men, luật về thuốc lá đã được thảo luận ở nhiều quốc gia. Năm 2016, châu Âu đã đưa ra các tiêu chuẩn về chất lỏng, chất làm khô, các thành phần và các hộp chứa chất lỏng. Tháng 8 năm 2016, Cơ quan quản lý Thực Dược phẩm Hoa Kỳ FDA đã mở rộng quy định về thuốc lá điện tử.
 Thuốc lá điện tử hoạt động như thế nào?
TLĐT 4.gif
  Trong điếu thuốc điện tử bộ phận nung nóng sẽ làm nicotine và dịch chất lỏng bay hơi sương mù và người dùng hít vào. Một điếu thuốc lá điện tử có ba phần chính:
(1) Pin lithium để khởi động. Pin này có thể sạc được như pin điện thoại di động,
(2) Buồng hơi là một ống rỗng chứa các bộ phận điều khiển bằng điện tử và bộ phun khí dung. Khi sử dụng, người hút thuốc sẽ gắn một hộp thuốc chứa chất nicotin vào buồng làm bay hơi và
(3) Phần đầu của hộp thuốc đóng vai trò là tẩu ngậm điếu thuốc.
 Dung dịch để hút, “tinh dầu” hay “juices”, thường có chứa nicotin hòa tan trong propylene glycol, glycerin, hương liệu tạo mùi với nhiều hương vị trái cây khác nhau, và các hóa chất tạo màu. Hàm lượng nicotine trong thuốc lá điện tử từ 0mg tới 26mg (một điếu thuốc lá thường chứa khoảng 1 mg nicotine, nếu người hút dùng với liều lượng cao từ 30-60 mg nicotine có thể gây tử vong).
 Tóm lại, trong khí dung (aerosol) của hơi thuốc lá điện tử cũng có nicotine cuốn theo hơi nước thay vì khói. Nhờ đó, người hút thuốc lá điện tử cũng có cảm giác “phê” như khi hút thuốc lá bình thường.
 Thuốc lá điện tử và sức khỏe
  Ngoài nicotin là chất gây nghiện có nhiều tác dụng độc hại, trong hơi khí dung của điếu thuốc lá điện tử còn chứa nhiều hóa chất khác có thể gây độc cho cơ thể như:
 * Propylene glycol
 Là một loại cồn không màu, không mùi, không vị, thường được dùng làm chất chống đông, giảm nhiệt độ đóng băng của nước. Propylene glycol tuy an toàn và được phép sử dụng trong thực phẩm, thuốc và mỹ phẩm…Tuy nhiên, dùng nhiều có thể kích ứng da, mắt, phổi và có thể gây hại cho người bị bệnh phổi mãn tính như hen suyễn, viêm phổi tắt nghẽn….
 * Glycerin
  Một hóa chất không màu, không mùi và có vị hơi ngọt. Cơ quan Quản lý Thực Dược phẩm Hoa Kỳ FDA xác định glycerin an toàn, có thể dùng trong thực phẩm, dược và mỹ phẩm. Tuy nhiên, TS DS Maciej Goniewicz, chuyên viên nghiên cứu về thuốc lá và thuốc điện tử Viện Ung thư Roswell Park, vẫn cảnh báo không dùng nhiều, lâu dài các hóa chất này.
* Các chất tạo mùi
  Hiện đang có hàng trăm loại mùi “tinh dầu” thuốc lá khác nhau, như mùi hạnh nhân, táo, cam, chocolate,… và cả mùi thuốc lá thật.
 Về hóa học, đa số chất tạo mùi thường có nhân vòng nhiều phân tử cacbon, nhân thơm (aromatic ring). Theo thống kê y học, các hợp chất có chứa nhân thơm thường có khả năng sinh ung bướu khá cao (carcinogenic effect) 
  Theo các nhà nghiên cứu Đại học Harvard, đến 75% số 51 loại tinh dầu thuốc lá điện tử đều có chứa diacetyl một chất gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính….
* Acetaldehyde:
  Thường sản sinh từ sự oxy hóa rượu ethanol. Acetaldehyde là chất độc gây kích ứng da, mắt, niêm mạc, cổ họng, và đường hô hấp. Acetaldehyde là chất stress oxy hóa, tổn thương DNA, protein cơ và gây ung thư ở người. Từ năm 1988, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế IARC xếp acetaldehyde vào nhóm I chất gây ung thư.
* Acrolein
 Sản sinh từ đốt nóng glycerol trong dịch tinh dầu thuốc lá điện tử. Acrolein rất độc cho niêm mạc hô hấp, tiêu hóa, dùng lâu dài có thể gây ung thư tiêu hóa và ung thư vòm họng những người hút thuốc.
 Formaldehyde
 Tạo ra từ sự cháy không hoàn toàn của các hợp chất có cacbon như khói củi than, khí thải ô tô, khói thuốc lá.  Formaldehyde kích ứng mắt, màng nhầy, cổ họng, đường thở. Liều phơi nhiễm cao hơn, formaldehyde chuyển hóa thành axit formic ảnh hưởng tim mạch, hô hấp dẫn đến chết người. Formaldehyde tác động lên AND. Do đó, IARC xếp loại là chất gây ung thư.
 * Các gốc tự do (free radicals)
  Các nhà nghiên cứu y học ở ĐH Penn State đã phát hiện ra rằng thuốc lá điện tử khi hút sẽ sản sinh ra các gốc tự do phản ứng cao (high reactive free radical), thủ phạm hàng đầu gây stress oxy hóa dẫn đến nguy cơ các bệnh tim mạch và bệnh phổi tắc nghẽn, lão hóa và ung thư… Giáo sư Richie, Trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết “Đây là nghiên cứu đầu tiên chứng minh rằng trong khí dung thuốc lá có nhiều gốc oxy hóa tự do” và kết quả được công bố trên tạp chí Nghiên cứu hóa trong độc lực học (Chemical Research in Toxicology).
* Bụi mịnbụi nano
  Trong thuốc lá điện tử cũng có thể chứa các hạt bụi mịn (particulates matter PM) thường ở đây là bụi nano PM0.1. Các bụi nano này có khả năng xâm nhập sâu vào đến cả nhân tế bào, gây ra các tổn thương phổi, phế nang, mạch máu….và gây cả đột biến ung thư.
 * Kim loại và chất phóng xạ
  Một số kim loại độc như thiếc, nickel, catmi, chì và thủy ngân và chất phóng xạ cũng có thể hiện diện trong hơi khói thuốc lá điện tử.
 Đôi điều bàn luận
  Hiện đang có cuộc tranh luận gay gắt giữa các chuyên gia sức khỏe, quan niệm thuốc lá điện tử vẫn có hại, với các doanh nghiệp sản xuất, cho rằng thuốc lá điện tử tương đối an toàn.
 Thuốc lá điện tử dù không “đốt” như thuốc lá truyền thống, nhưng đa số các chất tinh dầu để tạo khí dung đều có chứa nicotin cho nên nó vẫn gây nghiện như thuốc lá điếu. Do đó, hiện nay nhiều nước trên thế giới cấm hút thuốc lá điện tử tại một số khu vực công cộng, trên xe tàu…
 Theo các phân tích khoa học, tuy đếm về số lượng, các chất gây hại trong hơi thuốc lá điện tử ít hơn hẳn so với điếu thuốc lá thường, nhưng hầu hết các chất hiện diện đều có độc tính cao và hàm lượng rất lớn. Theo Giaó sư  Benowitz: “Hiện vẫn còn quá ít nghiên cứu về tác động của thuốc lá điện tử đối với sức khỏe của người hút và người không hút”. Một số chuyên gia so sánh, việc dùng thuốc lá điện tử để thay thế điếu thuốc lá thông thường giống như cho người nghiện heroin dùng methadone. Vì việc thay thế cũng có những rủi ro, tác hại riêng, chứ không an toàn tuyệt đối, không khéo “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”.
  Theo tôi, cần theo lời khuyên của các chuyên gia kinh nghiệm: “Thuốc lá điện tử cũng chứa nicotin và cũng gây nghiện. Đây không phải là một sản phẩm dành cho những người không hút thuốc. Nếu bạn chưa bao giờ hút thuốc thì đừng thử nó. Đồng thời, nó cũng không phải là sản phẩm sẽ giúp bạn cai được thuốc lá”.
 TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nicotin – Bài Toán Nan Giải Khi Cai Thuốc Lá
[2] Electronic cigarette
[3] Dangerous Molecules Detected In E-Cigarettes Which May Make Them More Harmful Than The Real Thing
[4] Chemical evaluation of electronic cigarettes
[5] Chemical Composition of Aerosol from an E‑Cigarette: A Quantitative Comparison with Cigarette Smoke
[6] More cancer-causing chemicals found in electronic cigarettes
[7] Chemical evaluation of electronic cigarettes

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: