Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 25 tháng 11, 2017

Nghĩ về lời “than thở não nề” của Giám đốc Công an Nguyễn Hữu Cầu


>> Bí thư Đà Nẵng: Chờ Trung ương chỉ đạo xếp việc cho ông Nguyễn Xuân Anh


Bùi Hoàng Tám
(Dân trí) - “Não nề” là cảm nhận của người viết bài này về phát biểu của đại biểu Nguyễn Hữu Cầu – Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An ở phiên góp ý về dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) chiều 23/11 vừa qua.

Tại đây, ông Cầu đề nghị dự thảo Luật Tố cáo phải có quy định xem xét giải quyết tố cáo cán bộ công chức, viên chức đã nghỉ hưu vì thực tiễn “xảy ra nhiều câu chuyện buồn khi cán bộ lãnh đạo cận kề thời gian nghỉ hưu không vượt qua sự cám dỗ bình thường, làm trái công vụ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng và Nhà nước… Chính thế báo chí mới có nhiều thuật ngữ rất hay, rất đúng như “hội chứng nhiệm kỳ cuối”, “chuyến tàu vét cuối cùng”, “ga cuối cùng” để thể hiện thực trạng đáng buồn đó”.

Chuyện “hoàng hôn nhiệm kỳ”, “chuyến tàu vét”, “ăn quả chốt”… đã xuất hiện từ lâu. Song, hình như nó được “chỉ mặt, đặt tên” bắt đầu từ nguyên Trần Văn Truyền. Ở cuối nhiệm kỳ, ông này đã có những cuộc “tổng bổ nhiệm nhân sự”.

Song, nó không dừng ở việc bổ nhiệm cán bộ mà còn nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội,tư duy này bùng nổ trong đó, một trong những nguyên nhân chính “nuôi dưỡng” hội chứng “chuyến tàu vét”, “hoàng hôn nhiệm kỳ” bởi lâu nay “hạ cánh” là chắc chắn “an toàn”.

Để chống lại tình trạng này, Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 đã quy định nguyên tắc “người có hành vi tham nhũng đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác vẫn bị xử lý hành vi tham nhũng do mình đã thực hiện”.

Tuy nhiên gần đây, có ý kiến lại đề nghị không xem xét đơn tố cáo đối với những cán bộ đã nghỉ hưu.

Cách đây ít hôm, Blog Dân trí đã đăng tải phát biểu của Đại biểu Ngô Tuấn Nghĩa: "Tôi nghĩ trong phạm vi áp dụng của Luật tố cáo không nên đưa việc giải quyết tố cáo các hành vi vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của các bộ công chức, viên chức nghỉ hưu vào luật" và rất nhiều bạn đọc đã bày tỏ thái độ không đồng tình.

Rât may tại phiên thảo luận này, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng việc tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức đã chuyển công tác hay nghỉ hưu cần được phát hiện và xử lý nghiêm.

Trở lại với lời “than thở não nề” của đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, xin thưa với bác Cầu rằng dân không chỉ “buồn” và mất niềm tin mà còn phẫn nộ bởi cùng với “hội chứng nhiệm kỳ cuối”, “chuyến tàu vét” là tài sản của nước, của dân bỗng dưng “chạy” vào túi ai đó.

Thực tế cho thấy, khi còn chức, còn quyền, người dân không dám hoặc có thì lời tố cáo cũng khó được lắng nghe. Khi về hưu, nếu tố cáo lại không được xét thì e rằng lời “than vãn não nề” của ĐB Cầu sẽ còn dài dài…!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: