Lan Anh
VNN - “Tôi còn nhớ như in văn bản ấy được ban hành vào ngày 10/05/1997. Sau đó vài ngày, anh em trong Ban điều phối, Tổng cục Bưu điện, Bộ Công an, Bộ Khoa học Công nghệ đọc, đánh giá văn bản ổn dù chúng ta đều mới tiếp cận, nhưng cần xem xét thêm vì nó khác với lĩnh vực báo chí”, ông Đỗ Quý Doãn kể.
Năm 1997, năm đánh dấu Việt Nam hòa mạng Internet, ông Đỗ Quý Doãn đang giữ cương vị Vụ trưởng tại Bộ Văn hoá Thông tin, được cấp trên giao nhiệm vụ tham gia khâu hoạch định chính sách, quy định của Nhà nước về thông tin mạng. Lúc ấy, ông Phạm Gia Khiêm là Bộ Trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Môi trường, trưởng Ban điều phối quốc gia được thành lập từ Ban quản lý Internet của Chính phủ (ra đời ngày 24/03/1997) để chuẩn bị cho việc hoà mạng Internet vào cuối năm 1997.
Nhận thấy sự cấp thiết trong việc xây dựng văn bản, ông Khiêm đã chỉ đạo Bộ Văn hoá Thông tin, cụ thể là ông Đỗ Quý Doãn và ông Mai Linh cùng xây dựng văn bản quy chế về cung cấp thông tin lên mạng Internet. Quản lý nội dung thông tin trên mạng Internet là vấn đề rất quan trọng và đau đầu không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới lúc bấy giờ.
“Tôi còn nhớ như in văn bản ấy được ban hành vào ngày 10/05/1997. Sau đó vài ngày, anh em trong Ban điều phối, Tổng cục Bưu điện, Bộ Công an, Bộ Khoa học Công nghệ đọc, đánh giá văn bản ổn dù chúng ta đều mới tiếp cận, nhưng cần xem xét thêm vì nó khác với lĩnh vực báo chí”, ông Doãn kể.
Thời điểm đó, một văn bản vừa được ban hành mới vài ngày lại phải sửa đổi thì có vẻ gay go. Nhưng chúng ta rất cầu thị, từ Bộ Chính trị đến Chính phủ, và các cấp chính quyền, nếu thấy không phù hợp thì sẵn sàng sửa ngay, để phục vụ thật nhanh cho việc hoà mạng có cơ sở hoạt động.
Không ít những khó khăn và trở ngại vấp phải trong quá trình xây dựng văn bản, mà ông Doãn ví von như “đười ươi giữ ống”, tưởng là quản lí rất chặt nhưng cuối cùng lại tuột hết. Chúng ta không thể mang tư duy quản lí báo chí truyền thống vào quản lí Internet, bởi không thể nào lường trước được tốc độ truy cập và lan truyền đến chóng mặt của nó. Vì thế mà cần xác định trách nhiệm của từng đơn vị, bộ phận trong quá trình tham gia đưa nội dung lên Internet. Cấp cơ quan quản lí chỉ đưa ra các chính sách pháp luật, cấp cơ quan chủ quản trực tiếp phải chịu trách nhiệm. Thứ nữa là trách nhiệm của bản thân người thực hiện việc đó.
Ông Doãn không thể quên cuộc điện thoại của ông Phạm Gia Khiêm để hỏi: ông có hiểu Internet là như thế nào không? Khi đó ông đã phải thú thật, do mới được nhận nhiệm vụ nên cũng chưa hiểu lắm. Sau đó ông Doãn đã lập tức cử nhân viên tập hợp lại 100 bài viết, tài liệu liên quan đến Internet và in thành một quyển sách, xin giấy phép in theo dạng tài liệu với tên gọi: Internet và “Lĩnh vực quản lý”. Tài liệu này cung cấp những kiến thức cần thiết để giúp Internet phát triển.
Cũng theo ông Doãn, một trong những điểm rất quan trọng trong 20 năm phát triển Internet là ngay từ đầu ta đã xác định đúng nguyên tắc phát triển, hay còn gọi là tư duy phát triển. Nguyên tắc phát triển giai đoạn đầu khi mới hoà mạng Internet là Quản lý đến đâu, phát triển đến đó. Sau một thời gian nguyên tắc này được xác định là phát triển đi đôi với quản lý, rồi sau này tiến tới quản lý phải theo kịp sự phát triển. Đây là sự thay đổi tư duy quản lý rất quan trọng để cho Internet Việt Nam phát triển.
Lúc mới đầu, mọi người đều không thể biết được Internet sẽ phát triển như thế nào, phương thức quản lí ra sao. Việc quản lí thông tin trên mạng rất khác với những gì có trong kinh nghiệm của chúng ta, bởi tính cập nhật thông tin nhanh chóng, tính tương tác rộng mở. Nhưng chưa hiểu không có nghĩa là cấm đoán. Vì thế Ban điều phối đã cùng thống nhất là phát triển đến đâu thì quản lí đến đó, có nghĩa là quản lí phải theo kịp với sự phát triển, vừa làm vừa xem xét và rút kinh nghiệm.
Theo đó, điểm rất đáng ghi nhận là chúng ta đã thực sự chủ động trong xây dựng các chính sách phát triển, đã có nhiều văn bản được ban hành về cung cấp thông tin tiếp sau đó và đặc biệt là Thông tư Liên tịch của Bộ Văn hoá Thông tin, Bộ Công an và Tổng cục Bưu điện. Những văn bản ấy đưa ra các quy định, cơ chế quản lý, cách thức một cách rất chủ động và mang nhiều ý nghĩa đối với các nhà cung cấp dịch vụ Internet và các nhà cung cấp thông tin Internet về mặt pháp lý.
Hồi đó sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, như giữa Bộ Văn hoá và Thông tin, Tổng cục Bưu điện, Bộ Khoa học Công nghệ Môi trường và Bộ Công An rất tốt. Các bộ duy trì thế mạnh của nhau để phối hợp. Có hai đơn vị rất quan trọng là các nhà cung cấp dịch vụ Internet (gọi tắt là ISP) và các nhà cung cấp nội dung thông tin lên Internet (gọi tắt là ICP). Chẳng hạn, Bộ Công An xem xét việc cấp phép cơ sở hạ tầng kĩ thuật, Bộ Văn hoá Thông tin xem xét cung cấp nội dung thông tin lên mạng. Tất cả đều phối hợp tốt tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà cung cấp nội dung thông tin.
“Các cuộc trao đổi giữa các lãnh đạo và các bộ ban ngành rất thoải mái và cởi mở. Đặc biệt họ không tuyệt đối hoá, cũng không cực đoan hoá các biện pháp quản lý Internet”, ông Doãn kể.
Trong thực tiễn, sự phát triển bất cứ quốc gia nào cũng phải phù hợp với xu thế phát triển chung, chứ không thể quay lưng với nó. Vì vậy phương thức quản lí được đưa ra cần phù hợp với trình độ phát triển kinh tế xã hội quốc gia ấy.
Nhìn lại, Internet ở Việt Nam đã đi qua chặng đường 20 năm và 4 năm thai nghén, tổng cộng là 24 năm. Bài học rút ra trong suốt quãng thời gian đó vẫn còn nguyên giá trị cho chặng đường sắp tới. Đó là những bài học quý báu từ quyết định kết nối và cung cấp dịch vụ Internet, về đón nhận cái mới, lắng nghe từ thực tiễn và chủ động, khuyến khích để các đơn vị thử nghiệm dù xé rào mà không bị quy chụp, ngăn cấm. Đó là bài học về lựa chọn công nghệ và hướng đi, về việc đặt lợi ích phát triển đất nước lên cao nhất.
Nếu cho rằng, giai đoạn 20 năm qua là thận trọng, thì giai đoạn 20 năm tới cần phải vượt lên. Đây là con đường cho chính phủ kiến tạo, là nền tảng đưa Việt Nam hòa vào thế giới văn minh. Khi Internet, mạng di động và trí tuệ nhân tạo được đánh giá là chìa khóa cho các cuộc cách mạng sâu rộng thì đây đúng là vận hội to lớn cho Việt Nam bứt phá đi lên.
***
“Bốn năm thai nghén”
Đã có 4 đơn vị đi tiên phong thử nghiệm Internet trước ngày Chính phủ Việt Nam cho phép chính thức kết nối và cung cấp dịch vụ Internet, đó là, Viện CNTT với mạng Varenet được Đại học quốc gia Úc giúp kết nối bằng thủ tục truyền tin UUCP, chạy trên hệ điều hành SCO UNIX để gửi email vào cuối năm 1993. Liên hiệp khoa học sản xuất công nghệ phần mềm CSE tạo thủ tục truyền tin riêng Tnet, chạy trên hệ điều hành SCO UNIX từ năm 1993.
Trung tâm tin học Teltic trực thuộc Bưu điện Khánh Hoà từ năm 1994 đã thử nghiệm kết nối gửi email, sau đó ngày 15/8/1995 chính thức đưa lên mạng E-news, Báo điện tử đầu tiên, được cấp giấy phép thử nghiệm do Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin Nguyễn Khoa Điềm ký. Sau đó vào cuối tháng 12/1995, hoàn thành Xa lộ Thông tin VietNet, và tháng 1/1996 Teltic chính thức khai trương cung cấp dịch vụ trên Xa lộ Thông tin VietNet, mạng đầu tiên ở Việt Nam sử dụng công nghệ TCP/IP của Internet cung cấp đầy đủ các dịch vụ của Internet như email, truyền file ftp, web… Đơn vị thứ tư là Công ty FPT xây dựng mạng Trí Tuệ Việt Nam với giao thức truyền tin riêng, từ cuối năm 1996.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét