Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 30 tháng 11, 2017

Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS 1982 thế nào với đảo nhân tạo ở Trường Sa?


TS TRẦN CÔNG TRỤC

(GDVN) - Hoạt động của Trung Quốc không chỉ bị coi là “tội phạm quốc tế”, thậm chí là “một hành vi xâm lược”, mà còn có nguy cơ dẫn đến những hệ lụy nhãn tiền.
LTS: Tiếp theo bài phân tích "Vai trò của các bãi cạn lúc nổi lúc chìm qua phán quyết Trọng tài hôm 12/7", Tiến sĩ Trần Công Trục tiếp tục gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài bình luận của ông về những điều khoản trong UNCLOS 1982 Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng khi xây dựng đảo nhân tạo trái phép ở Trường Sa. Xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.
Trước khi phân tích nội dung này, xin được nhắc lại rằng Trung Quốc đã “vi phạm liên hoàn”: Đánh chiếm lãnh thổ của Việt Nam bằng vũ lực năm 1988, 1995, rồi tiếp tục bồi lấp xây dựng trái phép trên vùng lãnh thổ đó.
Trong phạm vi bài viết này tôi xin phân tích tiếp những điều khoản UNCLOS 1982 mà Trung Quốc đã vi phạm khi xây đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Trường Sa, ngoài việc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.
Trung Quốc đã vi phạm các điều khoản nào của UNCLOS 1982?
Chỉ tính riêng về các hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo do Trung Quốc tiến hành tại 7 bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa đã cho thấy họ không tuân thủ nghĩa vụ thông báo theo đúng thủ tục về sự hiện diện của các đảo nhân tạo này, cũng như phạm vi an toàn được ấn định xung quanh chúng đã được quy định tại Điều 60 của UNCLOS 1982.
Ảnh chụp đá Vành Khăn từ vệ tinh mới nhất hôm 22/7 do CSIS công bố, tố cáo Trung Quốc leo thang quân sự hóa Biển Đông. Nguồn: Business Insirder.
Cụ thể là Trung Quốc đã vi phạm Khoản 3 (nghĩa vụ thông báo), Khoản 5 (phạm vi an toàn bán kính 500 mét xung quanh các đảo nhân tạo), Khoản 7 (không cho phép xây dựng đảo nhân tạo có nguy cơ gây mất an ninh và an toàn hàng hải quốc tế), Khoản 8 (không cho phép các đảo nhân tạo được hưởng quy chế của các đảo tự nhiên)… 
Trung Quốc còn phớt lờ nghĩa vụ cần phải hợp tác với các quốc gia ở ven bờ biển kín hoặc nửa kín theo quy định của Điều 123 của UNCLOS 1982 như: phối hợp quản lý, bảo tồn, thăm dò, khai thác các tài nguyên sinh vật của biển; phối hợp trong việc sử dụng quyền và nghĩa vụ có liên quan đến việc bảo vệ và gìn giữ môi trường biển. 
Đặc biệt, Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng các Điều 192, 193, 196 của UNCLOS 1982 quy định về nghĩa vụ chung cho tất cả các quốc gia đối với việc bảo vệ và gìn giữ môi trường biển, trong khi họ khai thác tài nguyên trong vùng biển và thềm lục địa.
Hơn thế nữa, trong quá trình bồi lấp, biến các bãi cạn thành các đảo nhân tạo khổng lồ, Trung Quốc đã làm thay đổi cấu trúc môi trường sinh thái biển, tàn phá môi trường sinh sống của các loài hải sản. 
Theo đánh giá của các chuyên gia, đến cuối tháng 5 năm 2015, Trung Quốc đã san lấp hơn 800 ha (gần 2000 mẫu Anh) các rạn san hô, thảm cỏ biển và hệ sinh thái nông khác. Trung Quốc đã phá hủy chừng 200 ha bao phủ 7 rạn san hô. 
Chỉ riêng tại Chữ Thập, Trung Quốc đã nạo vét trên một diện tích rộng đến hơn 60 ha. Nếu cộng tất cả hệ sinh thái bị phá hủy có thể vượt quá 1000 ha.
Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, Trung Quốc đã nạo vét hàng trăm triệu tấn cát và san hô từ đáy biển và đổ lên 8 triệu mét vuông diện tích mặt nước thuộc các rạn san hô vốn là môi trường tối quan trọng cho hệ sinh thái ở nơi đây.
Ước tính giá trị thiệt hại do các rạn san hô bị phá hủy lên đến khoảng 280 triệu đôla Mỹ/năm. 
Cũng theo báo cáo mới của Bộ Quốc Phòng Mỹ, kể từ khi Trung Quốc tiến hành cải tạo đất từ tháng 12 năm 2013 đến nay, nước này đã lấp thêm được hơn 1.170 ha đất.
Tính đến tháng 6 năm 2015, diện tích Trung Quốc đã nạo vét bồi đắp thành đảo nhân tạo lớn gấp 17 lần so với tổng diện tích số đất mà các bên còn lại ở Biển Đông đã san lấp trong vòng suốt 40 năm qua; chiếm khoảng 95% diện tích các đảo và bãi cạn tại Trường Sa.
Ngoài ra, hoạt động bồi lấp, xây dựng của Trung Quốc đã vi phạm Điều 208 của UNCLOS1982 về ô nhiễm môi trường biển:
“Các quốc gia phải áp dụng mọi biện pháp cần thiết khác để ngăn ngừa, hạn chế và chế ngự ô nhiễm môi trường biển…” và “các luật, quy định và biện pháp này không được kém hiệu lực hơn các quy tắc và quy phạm quốc tế hay các tập quán, thủ tục đã được kiến nghị  mang tính chất quốc tế…”
Học giả quốc tế lên án mạnh mẽ hành vi hủy diệt môi trường của Trung Quốc ở Trường Sa
Nhiều học giả quốc tế đã phân tích, đánh giá hết sức sâu sắc và nghiêm túc về tính chất và mức độ của những hành vi “nạo vét, bồi lấp và xây dựng” của Trung Quốc.
Tiến sĩ Trần Công Trục trong một buổi tọa đàm với thanh niên thành phố Hồ Chí Minh về biển đảo quê hương. Ảnh do tác giả cung cấp.
Giáo sư Carl Thayer nhận xét : “Chúng ta không thể không đề cập đến một khía cạnh rất quan trọng khác. Bởi lẽ, luật biển quốc tế đã đề xuất rằng việc xây dựng các đảo nhân tạo không được gây ra tác động tiêu cực đối với quy chế về môi trường biển…”
Ông Aghai Diba, B. trong bài viết có tiêu đề: “Legal Regime of the Artificial Islands in the Persian Gulf” đã viết:
“Vấn đề khả năng ô nhiễm biển liên quan đến việc xây dựng cũng đồng thời dẫn đến những vấn đề pháp lý cụ thể, khi mà những sự gây ô nhiễm đó có thể được coi như là một tội phạm quốc tế, thậm chí như là một hành vi xâm lược.”
Hoạt động của Trung Quốc không chỉ bị coi là “tội phạm quốc tế”, thậm chí là “một hành vi xâm lược”, mà còn có nguy cơ dẫn đến những hệ lụy nhãn tiền, theo đánh giá của nhiều chuyên gia. Các nguy cơ này bao gồm:
- Rủi ro của những cuộc xung đột có thể bất ngờ leo thang, trước mắt là những cuộc chạy đua vũ trang công khai hoặc ngấm ngầm của hầu hết các quốc gia trong và ngoài khu vực.
 - Những yêu sách đầy tham vọng đối với nguồn tài nguyên giàu tiềm năng trong Biển Đông dẫn đến tình trạng khai thác bừa bãi, gây cạn kiệt nguồn tài nguyên hoặc ngược lại, làm ảnh hưởng đề đời sống kinh tế của khu vực và quốc tế. 
- Những rủi ro đối với tự do hàng hải trong khu vực và làm trầm trọng thêm các tranh chấp phức tạp trong Biển Đông.
Giáo sư Carl Thayer đã nhận xét rằng:
“Những hành động của Trung Quốc trong trường hợp này đưa đến một số vấn đề phức tạp. Trước hết, việc xây dựng các đảo nhân tạo của Trung Quốc trực tiếp vi phạm UNCLOS 1982.
Hơn nữa, những công trình này đã tạo ra các vấn đề rắc rối cho tàu thuyền và các phương tiện bay. Ngoài ra, những công trình do Trung Quốc tiến hành gây ảnh hưởng đến hòa bình thế giới và ổn định của khu vực, cho dù Trung Quốc vẫn lặp đi lặp lại tuyên bố, những đảo nhân tạo này sẽ phục vụ cho mục đích quốc phòng.” 
Một số điều khoản đáng chú ý trong UNCLOS 1982 khi tìm hiểu tình hình Biển Đông hiện nay trên phương diện pháp lý: 
ĐIỀU 14. Sự kết hợp các phương pháp để vạch các đường cơ sở 
Quốc gia ven biển, tùy theo hoàn cảnh khác nhau, có thể vạch ra các đường cơ sở theo một hay nhiều phương pháp được trù định ở các điều nói trên.
ĐIỀU 16. Hải đồ và bản kê các tọa độ địa lý 
1.Các đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải được vạch ra theo đúng các Điều 7, 9 và 10 hoặc các ranh giới hình thành từ các điều đó và các đường hoạch định ranh giới được vạch ra đúng theo các Điều 12 và 15, được thể hiện trên các hải đồ có tỷ lệ thích hợp để xác định được vị trí của nó. Nếu không, thì có thể thay thế bằng một bản kê các tọa độ địa lý các điểm, có ghi rõ hệ thống trắc địa đã được sử dụng.
2.Quốc gia ven biển công bố theo đúng thủ tục các hải đồ hay các bản kê các tọa độ địa lý và gửi đến Tổng thư ký Liên hợp quốc một bản để lưu chiếu.
ĐIỀU 60. Các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trong vùng đặc quyền về kinh tế
1. Trong vùng đặc quyền về kinh tế, quốc gia ven biển có đặc quyền tiến hành xây dựng, cho phép và quy định việc xây dựng, khai thác và sử dụng:
a) Các đảo nhân tạo;
b) Các thiết bị và công trình dùng vào các mục đích được trù định ở Điều 56 hoặc các mục đích kinh tế khác;
c) Các thiết bị và công trình có thể gây trở ngại cho việc thực hiện các quyền của quốc gia ven biển trong vùng.
2. Quốc gia ven biển có quyền tài phán đặc biệt đối với các đảo nhân tạo, các thiết bị và các công trình đó, kể cả về mặt các luật và quy định hải quan, thuế khóa, y tế, an ninh và nhập cư.
3. Việc xây dựng các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình đó phải được thông báo theo đúng thủ tục, và việc duy trì các phương tiện thường trực để báo hiệu sự có mặt của các đảo, thiết bị và công trình nói trên cần được bảo đảm. Các thiết bị hay công trình đã bỏ hoặc không dùng đến nữa cần được tháo dỡ để đảm bảo an toàn hàng hải, có tính đến những quy phạm quốc tế đã được chấp nhận chung do tổ chức quốc tế có thẩm quyền đặt ra về mặt đó. Khi tháo dỡ phải tính đến việc đánh bắt hải sản, bảo vệ môi trường biển, các quyền và các nghĩa vụ của quốc gia khác. Cần thông báo thích đáng về vị trí, kích thước và độ sâu của những phần còn lại của một thiết bị hoặc công trình chưa được tháo dỡ hoàn toàn.
4. Quốc gia ven biển, nếu cần, có thể lập ra xung quanh các đảo nhân tạo, các thiết bị hoặc công trình đó những khu vực an toàn với kích thước hợp lý; trong các khu vực đó, quốc gia ven biển có thể áp dụng các biện pháp thích hợp để bảo đảm an toàn hàng hải, cũng như an toàn của các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình đó.
5. Quốc gia ven biển ấn định chiều rộng của những khu vực an toàn có tính đến các quy phạm quốc tế có thể áp dụng được. Các khu vực an toàn này được xác định sao cho đáp ứng một cách hợp lý với tính chất và chức năng của các đảo nhân tạo, các thiết bị và các công trinh, và không thể mở rộng ra một khoảng cách quá 500m xung quanh các đảo nhân tạo, các thiết bị và các công trình, tính từ mỗi điểm của mép ngoài cùng của các đảo nhân tạo, thiết bị và các công trình dó, trừ ngoại lệ do các vi phạm của quốc tế đã được thừa nhận chung cho phép hoặc tổ chức quốc tế có thẩm quyền kiến nghị. Phạm vi của khu vực an toàn được thông báo theo đúng thủ tục.
6. Tất cả các tàu thuyền phải tôn trọng các khu vực an toàn đó và tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế được chấp nhận chung liên quan đến hàng hải trong khu vực của các đảo nhân tạo, các thiết bị, các công trình và các khu vực an toàn.
7. Không được xây dựng những đảo nhân tạo, thiết bị hoặc công trình, không được thiết lập các khu vực an toàn xung quanh các đảo, thiết bị, công trình đó khi việc đó có nguy cơ gây trở ngại cho việc sử dụng các đường hàng hải đã được thừa nhận là thiết yếu cho hàng hải quốc tế.
8. Các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình không được hưởng quy chế của các đảo. Chúng không có lãnh hải riêng và sự có mặt của chúng không có tác động gì đối với việc hoạch định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế hoặc thềm lục địa.
ĐIỀU 80. Các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình ở thềm lục địa
Điều 60 áp dụng mutatis mutandis (với những sửa đổi cần thiết và chi tiết) đối với các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình ở thềm lục địa.
Ts Trần Công Trục


Không có nhận xét nào: