Ánh trăng lên cũng là lúc mở màn một trong những màn giao phối lớn nhất thế giới. Những sinh vật kỳ dị nổi lên từ dưới đáy biển sâu và mặt nước lấp lánh ánh xanh. Một số hiện tượng của đại dương chỉ có thể chứng kiến được khi màn đêm buông xuống.
1. Mặt biển lấp lánh do phát quang sinh học
Bạn có thể đã thấy bức ảnh này. Màn đêm ở một địa điểm lạ lẫm không tưởng. Sóng đang vỗ vào bờ. Mặt nước lấp lánh với ánh sáng xanh.
Thế giới mạng thích hình ảnh mặt biển tỏa ánh sáng xanh lấp lánh huyền ảo. Chúng ta cũng từng nghe những cây bút du lịch trên mạng than phiền rằng thực tế thì không được như vậy.
Ngay cả khi những lời than phiền này là chính xác thì hiện tượng phát quang sinh học (trong trường hợp này thường là do các sinh vật phù du gọi là tảo đơn bào hai roi - Dinoflagellates - tạo ra) vẫn là một hiện tượng thiên nhiên rất kỳ thú.
Tảo hai roi phát ra ánh sáng xanh khi bị quấy rầy. Đó là lý do vì sao chúng ta thấy chúng phát sáng ở chỗ đầu ngọn sóng, xung quanh mạn tàu hay khi có một bàn tay hay mái chèo lướt qua.
Những sinh vật nhỏ li ti này là nguồn phát là nguồn phát sáng sinh học phổ biến nhất trên bề mặt đại dương.
Những vịnh biển phát sáng sinh học như ở Puerto Rico và Jamaica nằm trong những nơi nổi tiếng nhất để quan sát hiện tượng này. Tuy nhiên, nó khá phổ biến trên khắp các đại dương ở những nơi có tảo hai roi tập trung dày đặc.
Đôi khi tảo hai roi sinh sôi quá nhanh dẫn đến sự bùng nở tảo. Vào ban ngày, chỗ tảo dày đặc này sẽ có màu nâu đỏ khiến nó được gọi là thủy triều đỏ. Một số dạng thủy triều đỏ này gây hại cho môi trường biển.
Một hiện tượng phát quang sinh học còn lạ và hiếm gặp hơn nữa là 'biển sữa', nơi mặt nước phát sáng liên tục trải dài ra vô tận.
Hiện tượng biển sữa này đã được nhìn thấy một vài trăm lần kể từ năm 1915, chủ yếu tập trung ở khu vực xung quanh tây bắc Ấn Độ Dương và gần đảo Java, Indonesia.
Hiện tượng này không phải do tảo hai roi gây ra nhưng được cho là do "vi khuẩn phát quang vốn tập hợp lại thành số lượng lớn ở chỗ gần mặt nước," Tiến sĩ Matt Davis, phó giáo sư Sinh học thuộc Đại học St. Cloud State ở Mỹ, chuyên gia về phát quang sinh học, giải thích.
Các ghi chép của những người đi biển trong hàng trăm năm qua đã mô tả 'biển sữa' là "mặt biển tỏa ra ánh sáng màu trắng nhạt vào ban đêm trông giống như một đồng tuyết", tuy nhiên các nhà khoa học ít có cơ hội chứng kiến tận mắt.
Hồi năm 2005, các nhà khoa học phân tích hình ảnh vệ tinh lưu trữ đã tìm ra rằng biển sữa có thể được nhìn thấy từ không gian và rằng một vệ tinh đã chụp lại được hình ảnh một khu vực biển rộng lớn phát ra ánh sáng kỳ lạ trong ba đêm liên tiếp vào một thập niên trước đó.
2. Sinh vật phát sáng trong đêm
Phát quang sinh học, tức là các sinh vật phát ra một thứ ánh sáng có thể nhìn thấy được do kết quả của một phản ứng hóa học tự nhiên, là một hiện tượng thường gặp ở các sinh vật biển như cá, mực và động vật thân mềm. Ở dưới đáy biển thì hầu như tất cả sinh vật đều phát sáng vì đó là nguồn sáng duy nhất ở đáy biển.
Ở những vùng biển cạn hơn, phần lớn cá phát quang phát ánh sáng vào ban đêm.
"Cá đèn pin có một hốc chuyên dụng ở dưới mắt có thể xoay quanh để làm lộ ra ánh sáng được phát ra từ những vi khuẩn phát quang và chúng dùng ánh sáng này vào ban đêm để tìm thức ăn cũng như để giao tiếp," Tiến sĩ Matt Davis cho biết.
Ngụy trang, phòng vệ và săn mồi nằm trong số nhiều nguyên nhân khiến cho chúng có khả năng phát sáng.
Chẳng hạn như loài mực ống có cách sử dụng ánh sáng rất sáng tạo. Loài mực sống về đêm này có mối quan hệ đôi bên cùng có lợi với vi khuẩn phát quang sống trong một khoang dưới bụng chúng. Vào ban đêm chúng kiểm soát cường độ ánh sáng để đạt đến mức độ sáng của ánh trăng hoặc có thể giảm bớt ánh sáng để che giấu hình dáng của chúng trước những kẻ săn mồi.
3. Ánh trăng mở màn màn cảnh giao phối lớn nhất hành tinh
Không có gì lãng mạn cho bằng một đêm sáng trăng, nhất là tại một bãi san hô thuộc Rặng san hô Vạn lý (Great Barrier Reef) ở ngoài khơi nước Úc.
Mỗi năm một lần vào một đêm mùa xuân, bữa tiệc giao phối lớn nhất thế giới sẽ mở màn khi trăng lên.
Hơn 130 loài san hô đồng loạt phóng trứng và tinh trùng ra biển trong khoảng thời gian chỉ khoảng từ 30 đến 60 phút.
Hoạt động tập thể trên quy mô lớn này có lẽ là ví dụ điển hình nhất cho hành vi ứng xử đồng bộ trong thế giới tự nhiên.
Khi được thả vào nước biển, các tế bào trứng và tinh trùng này sẽ trôi nổi trong một lúc và tạo thành một bản sao như hồn ma của rặng san hô. Sau đó chúng sẽ tỏa ra như một trận cuồng phong dưới nước để tinh trùng thụ tinh trứng.
Tiến sĩ Oren Levy, một nhà sinh vật biển và là nhà sinh thái học thuộc Đại học Bar-Ilan ở Israel đã nghiên cứu hiện tượng đặc biệt này.
"Đó thật sự là một hiện tượng rất thú vị… chúng tôi biết rằng nó sẽ xảy ra một vài đêm sau ngày rằm tháng 11 hàng năm, khoảng từ ba đến năm ngày sau ngày trăng tròn," ông cho biết.
"Hiện tượng này luôn kỳ diệu, nhất là tôi đã kinh ngạc trước việc làm sao mà mỗi loài san hô đẻ trứng vào cùng một giờ vào ban đêm từ năm này sang năm khác," ông nói.
"Xem được cảnh mọi thứ trở nên hết sức sống động và phối hợp nhuần nhuyễn như vậy thật là rất thú vị. Nó gần như là một hiện tượng tâm linh mà bạn có thể hiểu được quyền năng của thiên nhiên vào lúc quyền lực đó được thể hiện mạnh mẽ nhất," ông nói thêm.
Ánh trăng kích hoạt hiện tượng này bằng cách hoạt động như tác nhân điều phối hay ra tín hiệu, có lẽ cùng với các tín hiệu môi trường khác như thời gian Mặt trời lặn, nhiệt độ nước hay thủy triều để các loài san hô canh được thời gian phóng trứng và tinh trùng, Tiến sĩ Levy giải thích.
Ông nói các loài san hô này dường như có bộ phận cảm biến ánh sáng giúp chúng biết được chu kỳ của Mặt Trăng để chúng có thể canh chính xác thời điểm giao phối.
4. Cá mập và hải cẩu dựa vào ánh trăng
Đối với một số loài hải cẩu, những đêm sáng trăng cũng đồng nghĩa với nguy hiểm.
Vào những tháng mùa đông trên Đảo Sea ở Vịnh False, Nam Phi, 60.000 con hải cẩu lông nâu khi ra vào vùng biển này có nguy cơ trở thành miếng mồi ngon cho những con cá mập trắng khổng lồ lởn vởn xung quanh.
Một nghiên cứu công bố vào năm 2016 đã đặt ra giả thiết rằng hải cẩu bơi vào một đêm sáng trăng sẽ có nguy cơ bị cá mập trắng ăn thịt nhiều hơn là do ánh trăng làm bật lên hình dáng của chúng dưới nước khiến chúng trở thành mục tiêu dễ dàng cho những con cá mập đang lởn vởn bên dưới.
Tuy nhiên, hầu hết các vụ cá mập tấn công hải cẩu xảy ra sau khi bình minh ló dạng. Các tác giả của công trình nghiên cứu này vốn nghiên cứu về cá mập tấn công vào bình minh đã bất ngờ khi thấy hải cẩu ít có khả năng bị tấn công vào thời điểm này hơn là vào đêm trăng tròn.
Các nhà nghiên cứu giả thiết rằng ánh trăng cộng với Mặt trời ló dạng sẽ là giảm khả năng giấu mình của cá mập và lợi thế chuyển từ cá mập sang hải cẩu vào lúc đêm chuyển sang ngày.
Và hải cẩu cũng dựa vào một đặc điểm trên bầu trời để di chuyển - các vì sao.
Trong một thí nghiệm sử dụng một bầu trời đêm mô phỏng, các con hải cẩu đã bơi về phía ngôi sao sáng sớm nhất và có thể định hướng được khi các ngôi sao xoay xung quanh.
Trong tự nhiên, hải cẩu phải tìm cách di chuyển trên đại dương rộng lớn để tìm những vùng thức ăn nằm cách nhau hàng trăm cây số.
Nhà nghiên cứu, Tiến sĩ Bjorn Mauck vào lúc đó đã giải thích: "Hải cẩu có thể học được vị trí của các vì sao nằm ở đâu so với các vùng thức ăn vào lúc bình minh và lúc chạng vạng khi mà chúng có thể thấy cùng lúc các vì sao và các mốc tự nhiên trên bờ biển."
5. Các sinh vật lạ trồi lên mặt nước vào mỗi năm
Trong bóng đêm, những sinh vật hiếm gặp trồi lên mặt nước để kiếm ăn.
Mực Humboldt, còn được biết đến là mực khổng lồ, là một trong những sinh vật biển bắt mắt nhất mà chúng ta có thể nhìn thấy lởn vởn ở vùng nước mặt.
Vào ban ngày, loài mực này giấu mình ở những vùng nước sâu ở Đông Thái Bình Dương dọc theo thềm lục địa chạy dọc theo bờ biển Tây của châu Mỹ, còn vào bao đêm chúng là một trong những sinh vật đại dương di chuyển lên mặt biển để săn mồi.
Di cư theo chiều dọc - tức là các loài trồi lên mặt nước vào ban đêm và lặn xuống đáy biển khi Mặt trời lặn - là điều hết sức thường gặp.
"Mực Humbioldt hoạt động như vậy chính là để đi theo sự di chuyển của thức ăn vốn là loài cá được gọi là cá đèn," Giáo sư Paul Rodhouse thuộc Hội Khảo sát Nam cực Anh quốc và từng là người đứng đầu bộ phận khoa sinh vật học của cơ quan này cho biết.
Về phần mình, cá đèn cũng di cư theo chiều dọc để đi theo sinh vật phù du vốn là thức ăn của chúng.
Do sinh vật phù du là nguồn thức ăn của rất nhiều sinh vật biển nên phần còn lại trong chuỗi thức ăn sẽ đi theo sự di chuyển của chúng, Giáo sư Rodhouse nói thêm.
"Đó là sự di chuyển khổng lồ của đàn sinh vật dưới nước mỗi ngày," ông nói. "Hơn 1.000 mét. Một số loài mực còn có thể di chuyển hơn 1.000 mét mỗi ngày.
Mực Humboldt nằm trong số những sinh vật ấn tượng nhất trồi lên mặt nước hàng đêm. Khả năng đổi màu và phát ánh đỏ rực của chúng khi bị kích động khiến cho chúng còn có tên gọi là 'quỷ đỏ'. Chúng có thể đạt chiều dài đến 1,5 mét. Là thú săn mồi rất hung dữ, chúng bắt mồi bằng những xúc tu rắn chắc và xé con mồi bằng chiếc miệng khỏe. Chúng được cho là đôi khi cũng tấn công con người.
Michelle Douglass
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét